Chúng ta

Đời onsite tại Bangladesh

Thứ hai, 8/2/2016 | 09:13 GMT+7

Ở FPT, đi onsite nước ngoài không có gì lạ. Nhưng nếu đó là một đất nước đạo Hồi thì hẳn bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên. 

Cùng Chúng ta khám phá nét văn hóa độc đáo, đặc sắc về đất nước Nam Á này qua góc nhìn của người FPT.

Đón bình minh bằng tiếng kinh cầu nguyện

Bitax-5-6986-1454492044.jpg

Onsite xa nhà nên các CBNV gần gũi và thân thiết với nhau như một gia đình.

Buổi sáng ở Bangladesh thường đón chúng tôi bằng những tiếng “uuuu” vang vọng và đầy kỳ bí. Ban đầu không hiểu, ai cũng sợ và hoang mang. Sau mới vỡ lẽ đó là tiếng kinh cầu nguyện, một trong những bản sắc đặc trưng của Bangladesh. 

Thông thường những người theo đạo Hồi sẽ có 5 lần cầu nguyện trong ngày, còn những người sùng đạo có thể lên tới chục lần vào các thời điểm trước khi mặt trời mọc 10-15 phút, giữa trưa, chiều, sau khi mặt trời lặn và từ chạng vạng tối cho tới rạng đông hôm sau.

Xen lẫn tiếng cầu nguyện là tiếng quạ kêu “quác quác” từ sáng sớm. Ban đầu ai cũng muốn phát điên vì cứ đến giờ đó là tỉnh giấc. Sau quen dần sáng nào dậy trễ, không được nghe lại thành ra thiêu thiếu. Vào những sáng mất ngủ, thi thoảng tôi thấy đồng nghiệp của mình trầm ngâm ngắm nhìn bọn quạ rồi lẩm nhẩm: “Không biết thịt quạ ăn có ngon không?”. 

‘Đặc sản’ tắc đường

Tắc đường ở Việt Nam là chuyện thường ngày ở huyện thì ở Bangladesh đó cũng là điều rất quen thuộc. Thông thường, sau bữa sáng, cả nhóm bắt đầu di chuyển đến Tổng Cục Thuế Bangladesh. Tuy nhiên, hành trình đến với tổng hành dinh ấy có chút gian nan. Chúng tôi phải trải qua một quãng đường dài tận… 5 km bằng ô tô. Nói là “tận” vì quãng đường đi thì ngắn mà thời gian tới đó lại quá lâu bởi tắc đường. 

Với khoảng cách này, nếu đường “trơn tru” chỉ mất khoảng 30 phút đến một giờ là tới, nhưng có những hôm chúng tôi phải mất tới 2 giờ để len lỏi giữa dòng người đông đúc. Có anh chị còn ví đó là đặc sản nơi đây, nếu ngày nào mà không “tắc đường” thì lại thấy cồn cào như nỗi nhớ quê hương.

Bitax-4-4509-1454492044.jpg

Khi làm việc tại Bangladesh, các thành viên của đội dự án phải làm quen với phong cách làm việc và văn hóa của nước bạn.

Việc triển khai dự án tại đây cũng gặp không ít khó khăn bởi khách hàng không chỉ bận công tác chuyên môn mà còn bận cả… cầu nguyện và đọc kinh Koran. Chắc cũng do thế mà đôi lúc đang họp cũng thấy khách hàng nhắm mắt và gật gù nhè nhẹ, hay trong lúc đang cần chốt lại vấn đề thì khách hàng đề nghị giải lao 15 phút vì đã đến giờ cầu nguyện.

Để thích nghi với phong cách làm việc của các bạn, chúng tôi đã đưa ra một lịch trình công việc rõ ràng, sâu sát đến từng thành viên để không bị lỡ tiến độ đề ra. Tôi vẫn còn nhớ đợt họp chốt với khách hàng về một vài ứng dụng để demo thành công, cả đội đã có nguyên một ngày chạy chương trình với tiến độ gấp gáp quên ăn, quên nghỉ. Đến nỗi sau khi demo xong, một chị trong nhóm mới nhớ ra là chân mình bị đau vì chạy suốt 6 giờ liên tục trên giày cao gót.

Đáp lại điều đó là tình cảm của khách hàng dành cho cả đội. Mỗi khi có sự kiện đặc biệt, chúng tôi lại được mời đến tham dự, không quên lời dặn dò tặng kèm: Nếu cần sẽ cho xe riêng tới đón, đến nơi sẽ tình nguyện làm hướng dẫn viên miễn phí. 

Thư giãn trên từng cây số

Sau một ngày dài làm việc, chúng tôi trở về văn phòng của dự án ở Dhanmondi (cách Tổng Cục Thuế khoảng 5-7km). Thời gian này, cả đội mới bắt đầu nhấm nháp một chút bánh ngọt, chocolate và uống nước gọi là bữa ăn trưa. Với nhiều người, đây là khoảng thời gian “chết” nhưng với chúng tôi, đó lại là những giây phút sống động đến diệu kỳ. 

IVAS-1-JPG-7786-1454492044.jpg

Sau những giờ làm việc căng thẳng, các CBNV có những giờ phút vui vẻ, thoải mái bên nhau.

Bác lái xe của chúng tôi là người Bangladesh nhưng do được cả nhóm “đào tạo” gấp rút trong mấy tháng mà bỗng nhiên biết cả tiếng Anh và tiếng Việt rất tài tình. Vậy là trong khi các chị em lan man từ thời trang cho đến thời tiết, anh Trần Văn Dũng (Quản trị dự án) và bác lái xe cũng say sưa với câu chuyện của hai người.  Khi nào bác tài không hiểu sẽ trả lời gọn lỏn: “My no need!” tạm dịch là “Tao không biết!”. Hỏi bác đang ở đâu thì câu trả lời sẽ là: “My come”. Thứ tiếng Anh độc và lạ này phải nghe một thời gian tôi mới thấm được. Còn anh Dũng có vẻ hiểu nhanh hơn vì  còn được nghe  cả chuyện bác lái xe có hai cô con gái xinh xắn lắm. Tiếng Việt thì bác được học mấy chiêu nhưng cũng mới nhớ được câu: “Im đi, tao biết rồi!” và thường áp dụng hợp hoàn cảnh quá khiến chúng tôi cười không “nhặt được mồm” mỗi lần nghe.

Quê hương ngay trong nhà bếp

Cả nhóm thường xuyên tự nấu nướng. Chắc là “cả Việt Nam” đều được mang sang tủ bếp của chúng tôi. Từ tăm tre, chanh quả đến tương bần chả thiếu thứ gì. Chỉ còn mấy món như thịt chó, lá mơ là chưa chuyển qua được.

Bitax-1-7879-1454492044.jpg

Cả Việt Nam được mang vào trong bếp ở Bangladesh. 

Đôi khi, chúng tôi tự thưởng cho mình một bữa gà rán Tandori (một loại gà rán tẩm bột) ngon lành ở một khu phố nhỏ. Lại một câu chuyện vui trong buổi chiều muộn khi đi ăn gà trên xe Richa (một loại xe có người kéo phía trước, giống xích lô của Việt Nam có tên gốc là Richshow, nước bạn gọi là Richa, còn quân ta gọi là “mui trần” cho… sang chảnh). Anh Nguyễn Đình Sao (Trưởng nhóm giải pháp) có lẽ là người có “gương mặt thân thiện” nhất đội khi đi gọi Richa cũng có anh hàng xóm đẹp trai làm quen rồi xin số điện thoại hay khi vừa ngồi chưa ấm chỗ trong quán gà rán Tandori là thấy một anh bạn dược sĩ  “để mắt tới” rồi hai bên lại trao đổi số cho nhau. 

Sau khi dành thời gian ít ỏi cho bữa tối, cả đội thức đêm muộn để xử lý công việc, sẵn sàng cho cuộc chiến mới vào ngày mai. Vậy mà giấc ngủ đôi khi cũng chập chờn bởi tiếng súng nổ xa xăm, tiếng pháo đùng đoàng hay gần đây nhất là động đất khiến giường tủ chao đảo,  ai cũng hồn xiêu phách lạc.

Rộn rã những cuối tuần 

Nếu như trong tuần ai cũng tất bật với công việc thì cuối tuần là khoảng thời gian chúng tôi thảnh thơi và thư giãn hơn bằng cách đi chợ ở một vùng quê nhỏ. Có một điều hết sức thú vị là ở đây chỉ có đàn ông đi chợ, bán hàng, đẩy hàng… rất hiếm thấy bóng dáng một người phụ nữ. Chắc đây cũng thuộc về một phần văn hóa của nước bạn:  phụ nữ ở nhà, chăm sóc gia đình và con cái, đàn ông lao động, kiếm tiền ở bên ngoài. 

ivas-5-JPG-7373-1454492044.jpg

Cuối tuần là thời gian để mọi người cùng thảnh thơi, thư giãn sau một tuần làm việc vất vả.

Chợ ở Bangladesh cũng giống ở Việt Nam, có đầy đủ mọi thứ như thịt, gà, rau, củ quả…có điều để mua được rau chúng tôi phải bỏ ra một số tiền đắt hơn mua thịt. Chúng tôi lượn vòng quanh chợ, xách đủ thứ mang về, nặc nè cả một xe đồ ăn, sẵn sàng phục vụ cho một  tuần ăn uống của cả gia đình. 

Đôi khi đổi gió, cả đội rủ nhau lang thang ngồi cafe trên các đường phố của thủ đô, hay dạo qua mấy của hàng quần áo để  mua mấy bộ cho bản thân hay mang về làm quà. 

Cho dù mọi thứ nơi đây có thiếu thốn, từ đồ ăn đến chỗ vui chơi, giải trí nhưng quan trọng là chúng tôi luôn vui vẻ và cùng nhau chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Câu nói “không quan trọng bạn đi đâu, quan trọng là đi với ai” càng ngẫm càng thấy đúng. Những ngày ở Bangladesh, được sống và làm việc cùng những “đồng đội” thân thiết đã mang lại cho chúng tôi những trải nghiệm khó quên trên mảnh đất này.

Nguyên Thu

Đầu tháng 9/2014, FPT IS nhận tin thắng thầu dự án “Cung cấp và triển khai hệ thống quản lý thuế thu nhập tích hợp cho cơ quan Thuế Bangladesh” (BITAX) với cơ quan Thuế Bangladesh (NBR) với tổng giá trị 6,6 triệu USD. Tiếp theo mối lương duyên tại mảnh đất Bangladesh. Tháng 9/2015, FPT IS tiếp tục ký hợp đồng “Cung cấp, triển khai và bảo hành, bảo trì hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT” (IVAS) trị giá lên tới 33,6 triệu USD. Đây là hai dự án lớn, mang lại nhiều thay đổi cho nghành Thuế tại Bangladesh. 

Để triển khai hai dự án này, đang có khoảng 40 CBNV của FPT IS đang trực tiếp sống và làm việc tại Bangladesh.

Ý kiến

()