Chúng ta

ĐH FPT đặt mục tiêu lọt top 30 tại ACM/ICPC

Chủ nhật, 22/6/2014 | 14:00 GMT+7

"Năm nay, đội tập trung vào luyện tập cá nhân vì cả nhóm đã rất ăn ý khi đã làm việc với nhau thời gian dài”, Hồ Vĩnh Thịnh, một trong ba sinh viên ĐH FPT lần đầu tiên dự chung kết cuộc thi lập trình ACM/ICPC, chia sẻ.
> Sinh viên FPT làm vang danh nước Việt về lập trình / ĐH FPT giành vé dự vòng chung kết thế giới ACM/ICPC 2014

a

Đội tuyển của ĐH FPT sẵn sàng trước khi lên đường tham gia “trận chiến” ở vòng World Final. Ảnh: ĐH FPT

ACM/ICPC là giải đấu mà cả ba thành viên của đội tuyển đều học chuyên ngành Kỹ nghệ phần mềm, ĐH FPT gồm Lăng Trung Hiếu (sinh năm 1990, sinh viên khóa 4), Hồ Vĩnh Thịnh (sinh năm 1992, sinh viên khóa 6), Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1991, sinh viên khóa 4) thi đấu nhiều năm. Vì vậy, cả đội đều có tâm lý rất thoải mái trước giờ lên đường.

“ACM/ICPC vòng World Final với em cũng chỉ là một vòng thi mà cả đội đều đã nỗ lực và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã có một quá trình thi đấu, rèn luyện. Trước vòng thi này, em tự luyện tập một cách độc lập”, Lăng Trung Hiếu, thành viên của đội, chia sẻ.

Hồ Vĩnh Thịnh thường xuyên dành hai buổi tối mỗi tuần để ôn tập cho cuộc thi. Có hôm, cậu say mê ôn bài đến 3 giờ sáng… “Điều cả đội chưa làm được ở các năm trước chính là kiến thức, không ai có đủ kiến thức cho việc giải quyết những vấn đề khó nhất. Vì vậy, năm nay đội tập trung vào luyện cá nhân”, Thịnh bật mí.

Thành viên Nguyễn Thành Trung thì quan niệm, nhận được vé đến World Final là một niềm vui mà cả đội đã “đoán” trước được khá chắc chắn từ khi giành được vị trí thứ hai tại vòng thi khu vực tại Đà Nẵng. Vui mừng, nhưng cậu vẫn đang chờ đợi được trải nghiệm cảm xúc thực thụ khi bước vào cuộc thi. "Để chuẩn bị cho vòng chung kết, em đọc thêm tài liệu hoặc xem lại kiến thức khi gần đến ngày thi", Trung nói.

Không đặt nặng thành tích, nhưng ở vòng giải lần này, các nam sinh ĐH FPT đều bày tỏ kỳ vọng sẽ lọt vào top 30.

a

Ba thành viên ĐH FPT, gồm: Hồ Vĩnh Thịnh, Nguyễn Thành Trung và Lăng Trung Hiếu (từ phải qua) tại lễ tổng kết và trao giải ACM/ICPC 2013. Ảnh: ĐH FPT.

"Chúng em xác định kỳ thi ACM/ICPC lần này sẽ gặp phải những đối thủ kỳ cựu từ các trường trên toàn thế giới. Đứng trước vòng thi lần này, chiến thuật quan trọng nhất chính là nỗ lực hết sức, khai thác tối đa sức mạnh của từng cá nhân", Nguyễn Thành Trung chia sẻ.

“Đối thủ không chỉ là gói gọn trong khoảng 10 nước châu Á mà tới từ hơn 90 nước trên toàn thế giới”, Hồ Vĩnh Thịnh hào hứng.

Thầy Huỳnh Anh Dũng - người dẫn dắt đội - nhận định: “Các thành viên đã có sự trưởng thành và có được bậc thang đẳng cấp rõ ràng. Các em không còn ở mức giỏi nữa mà đã có được vị trí vững chắc trong giới sinh viên công nghệ”.

Đầu tháng 12/2013, vòng thi Khu vực cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC được tổ chức tại Đà Nẵng quy tụ 250 đội tuyển xuất sắc trong lĩnh vực CNTT đến từ 71 trường Đại học, Cao đẳng và Học viện trên cả nước cùng 15 đội tuyển quốc tế đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan và Indonesia. Giành vị trí thứ hai toàn bảng xếp hạng vòng thi Khu vực, đồng thời giành ngôi đầu trong bảng xếp hạng của các đội tuyển Việt Nam, đội tuyển ĐH FPT chính thức đại diện Việt Nam thi đấu tại vòng chung kết thế giới. Trước đó, đội tuyển ĐH FPT đã giành giải Nhất chung cuộc vòng thi Khu vực được tổ chức tại Jakarta, Indonesia, vào tháng 11/2013.

Năm 2014, đội tuyển Runs of Champion của ĐH FPT là một trong hai đại diện của Việt Nam tham gia vòng Chung kết ACM/ICPC. Năm nay, vòng chung kết toàn cầu ACM/ICPC 2014 tổ chức tại TP Ekaterinburrg, Nga từ 22 đến 26/6.

Được sự bảo trợ của Hiệp hội máy tính (ACM), kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC (International Collegiate Programming Contest) được tổ chức lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1970. Đến nay, cuộc thi đã thu hút được hàng chục ngàn sinh viên xuất sắc nhất của các khoa trong lĩnh vực máy tính từ hệ thống đại học toàn cầu.

Cuộc thi có mục đích nhằm phát triển sự sáng tạo, làm việc nhóm và sự đổi mới trong cách xây dựng các chương trình phần mềm mới và cho phép sinh viên kiểm tra năng lực thực hiện của họ dưới một áp lực thời gian rất cao. Đây là kỳ thi lập trình lâu đời nhất, lớn nhất và có uy tín nhất trên thế giới.

Vân Anh 

Ý kiến

()