Chúng ta

'Để MOOC lan tỏa, lãnh đạo phải là người truyền giáo'

Thứ bảy, 11/7/2015 | 07:39 GMT+7

"Ở các đơn vị làm về dự án, các FSU, BU, tôi nghĩ cần thuyết phục lãnh đạo đem các từ khóa, kiến thức đã học được từ MOOC vào những buổi họp hay cuộc trò chuyện hằng ngày, từ đó mới lan tỏa đến mọi người", anh Vũ Quang Chiến, Ban Công nghệ FPT, chia sẻ.

Trong số 384 CBNV đã hoàn thành chương trình học MOOC trước ngày 30/6, Trường Đào tạo Cán bộ FPT (FCU) đã ghi nhận và khen thưởng hơn 80 học viên, trong đó có anh Vũ Quang ChiếnBan Công nghệ FPT, hoàn thành xong hai khóa học Coursera là Introduction to Philosophy và Successful Negotiation: Essential Strategies and Skills. Đặc biệt, sau khi học và nhận thấy giá trị từ các khóa này, anh đã trả phí để lấy chứng chỉ từ Coursera. Anh Chiến chia sẻ với Chúng ta những bí quyết trong việc học trực tuyến trên cousera.org:

1534853-10200562943430986-381952534-o_14

Anh Chiến đã quyết định trả phí để lấy chứng chỉ từ Coursera. Ảnh: NVCC.

- Anh nhìn nhận như thế nào về quyết định học tập MOOC của tập đoàn?

- Để đánh giá một cách toàn diện về một quyết định lớn có ảnh hưởng đến nhiều người trong tổ chức như thế này tôi nghĩ là rất khó, cần có thời gian và điều tra cụ thể mới có đáp án khách quan và chính xác. Tuy nhiên, nếu nói về phương diện cá nhân thì tôi ủng hộ chủ trương này. Theo tôi, vai trò của chính sách này không phải việc hoàn thành chỉ tiêu như "cảnh sát chạy theo người dân" mà là tạo thói quen học tập, đưa ra cú hích đầu tiên từ bên ngoài, giúp mọi người nhận ra ích lợi của việc tham gia các khóa học trên mạng.

Kết luận trên xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân tôi, lúc đầu nghe quyết định, vì nhiều lý do tôi cũng có thái độ "bất hợp tác". Tuy nhiên, sau khi hoàn thành xong một khóa và có chứng chỉ, tôi có nhận thức khác về việc học trên Coursera. Và hiện tại thì động lực tham gia các khóa tiếp theo đến từ bên trong nhiều hơn là động lực bên ngoài.

- Vậy, anh đăng ký học những khóa nào?

- Tôi đã có chứng chỉ của 2 khóa: Introduction to Philosophy và Successful Negotiation: Essential Strategies and Skills. Ngoài ra, tôi cũng tham gia các khóa: Introduction to Psychology; On Strategy: What Managers Can Learn from Philosophy.

Những khóa này nghe tên có vẻ trừu tượng, siêu hình nhưng đã giúp tôi thay đổi rất nhiều về cách nhìn nhận vấn đề, cuộc sống.

- Sau khi học xong, anh đánh giá thế nào về các khóa học?

- Tôi thấy rất hài lòng về chương trình được giảng dạy. Nội dung của các khóa học khá cô đọng, mang tính dẫn nhập, hầu hết được thiết kế cho trình độ phổ thông và được các giáo sư chuẩn bị khá kỹ lưỡng, hệ thống. Tuy nhiên, cũng chính vì lý do đó mà nhiều người sẽ không thỏa mãn với độ sâu kiến thức của các khóa học trên Coursera. 

Coursera-1.jpg

Chứng chỉ do Coursera cung cấp cho anh Chiến.

- Làm thế nào để anh chọn được khóa học phù hợp?

- Tôi có một số tiêu chí nhất định để chọn khóa học. Thứ nhất là về chủ đề, tôi muốn học về những chủ đề tôi quan tâm, liên quan tới bản thân, nhưng không phải là những vấn đề chuyên sâu. Mục đích là để xây dựng được một nền tảng kiến thức rộng, có thể bổ sung cho cuộc sống, công việc hằng ngày. Ví dụ nếu bạn là lập trình viên, có thể tham gia các khóa về thiết kế hoặc về kiến thức dinh dưỡng nếu bạn có con nhỏ hoặc đang đi tập thể hình.

Thứ hai là chọn những khóa theo tiêu chí hoàn thành chỉ tiêu của công ty, thường tôi sẽ ưu tiên các khóa “on demand”(theo yêu cầu) hoặc "self-pace” (tự quyết) hơn.

Thứ ba là kiểm tra các nội dung của khóa học xem có phù hợp với bản thân hay không. Có thể một số bạn muốn học khóa có phụ đề tiếng Việt hoặc đơn giản là cách giảng dạy của giảng viên phù hợp, cuốn hút. Đối với người mới học lần đầu tiên có thể tìm những khóa ngắn ngày, các video chia thành những khoảng thời gian đủ ngắn (10-15 phút thay vì 20-30 phút). Điều kiện hoàn thành khóa học cũng có thể là một yếu tố ảnh hưởng: một số khóa chỉ yêu cầu làm quiz để hoàn thành, một số khác yêu cầu phải viết luận và chấm chéo với các người học khác, sẽ vất vả hơn.

- Những kinh nghiệm anh rút ra sau khi học là gì?

- Tăng tốc độ khóa học, bật phụ đề nếu cần. Trước đây, tôi có đọc trên Forbes Vietnam về một bạn có sở thích xem phim đều bật với speed 2x (tốc độ 2 lần). Tôi cũng tò mò và thử áp dụng, kết quả đúng là sau một thời gian cơ thể tự thích ứng. Tôi nghĩ các video trên Coursera có thể để speed 1.25x hoặc 1.5x do giảng viên trên đó thường nói rất chậm để cho người nước ngoài dễ hiểu. Làm được điều này cũng giúp tiết kiệm kha khá thời gian và nhất là tăng sự tập trung. Tất nhiên là phải phù hợp, nếu chỉnh nhanh quá dẫn đến khó khăn trong việc nghe hiểu thì cũng không hiệu quả.

Ngoài ra, tôi thường học đều đặn hằng ngày và tập trung trong khoảng 1-2 tuần cho đến khi xong khóa học. Điều này giúp tôi chuyên tâm hơn vào nội dung khóa học và tiếp thu được nhiều hơn. Thêm nữa, nếu để khóa học kéo dài lê thê mãi không xong thì rất mệt mỏi.

Đặc biệt, người học nên cố gắng đưa các từ khóa, kiến thức vào môi trường hằng ngày. Tôi làm việc ở Ban Công nghệ của tập đoàn, không khí làm việc rất thoải mái và cởi mở. Những gì mới học đều được mọi người đem ra bàn luận, lồng ghép vào các buổi trà đá, ăn trưa...  Điều này rất thú vị, tương tự như việc các mẹ các chị chia sẻ thông tin, phương pháp nuôi dạy trẻ vậy.

- Theo anh, cách thu xếp học trực tuyến để không ảnh hưởng công việc mà vẫn hoàn thành tốt khóa học?

- Mỗi khóa, tôi hoàn thành trong khoảng 1-2 tuần. Chủ yếu tôi học vào thời gian rảnh, sắp xếp thời gian để nghe video trước, có thể sau giờ tập thể dục buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ. Một người bạn của tôi thường đưa bài học vào iPhone để vừa chạy bộ vừa nghe, kết hợp một công đôi việc.

Tôi cũng thường dành thời gian để suy nghĩ về nội dung học. Trong ngày, đôi lúc trên đường đi làm hoặc khi ăn uống, tôi hay ngẫu nhiên nghĩ ngợi về một vài điểm trong bài giảng để hiểu sâu hơn.

Tôi còn tận dụng cuối tuần hay thời gian rảnh trong ngày để làm quiz và bài tập. Việc này thực ra không quá mất thời gian nhưng phải ngồi trước máy tính mới làm được nên cũng không thể linh động như các việc trên.

- Bí quyết hoàn thành tốt khóa học của anh là gì?

- Tôi nghĩ đầu tiên là việc bản thân người học tự thay đổi nhận thức về việc học, biến từ động lực bên ngoài thành động lực bên trong. Làm thế nào để đạt được cái này thì tùy mỗi người. Trong trường hợp của tôi, lúc đầu phải học, học xong thì thấy thích, nên là học tiếp. Có thể một số người khác lại ảnh hưởng từ người xung quanh, ai cũng bàn luận về nó rồi cuối cùng tò mò chạy đi học. Theo tôi, giai đoạn này mang tính chủ quan và hiện sinh, tức là với mỗi người khác nhau thì khác nhau, không có khuôn thước nào cho tất cả mọi người. 

Sau khi thích học rồi thì rất đơn giản, nên sắp xếp thời gian, biến việc này thành một thói quen hằng ngày, hằng tuần. Cách thay đổi thói quen thì nhiều sách vở cũng đã nói rồi.

- Vì sao anh quyết định lấy chứng chỉ của Coursera?

- Nếu trả lời theo sách vở thì là để cho đáng công sức học, sau đó là muốn chia sẻ, muốn mọi người thừa nhận, làm đẹp thêm CV của tôi... Tôi nghĩ các lý do đó cũng đều rất hợp lý. Tuy nhiên, nhiều khi người ta lại không làm theo những thứ có lý. Nếu dẹp bỏ logic sang một bên và nghĩ lại về trường hợp của tôi thì lúc đầu đơn giản là do Coursera quảng cáo nhiều quá nên quyết định mua một chứng chỉ thử xem thế nào, có gì đem đi khoe lên Facebook, LinkedIn hoặc in để ở chỗ làm cũng được. 50 USD thì cỡ bằng tiền cái quần bò, nếu không ra gì thì coi như bị lừa. Tất nhiên là cũng cộng thêm yếu tố khóa học tôi lấy chứng chỉ (Successful Negotiation: Essential Strategies and Skills) cũng rất hay nữa.

Sau đó thì trở thành thói quen, một phản ứng tâm lý, như kiểu sưu tập chứng chỉ, tem hoặc sách vở, vì thế tôi học tiếp.

- Anh có đề xuất gì để việc học tập theo hướng MOOC được hiệu quả hơn?

- Gần đây tôi có đọc "The Power of Habit". Tôi nghĩ tập đoàn nên khuyến khích hoạt động này, biến từ động lực ngoài trở thành động lực bên trong của mỗi người. Nếu FPT tài trợ tiền in, ép plastic và đóng khung chứng chỉ cho nhân viên thì có thể sẽ tạo được một số hiệu ứng như:

+ Tạo thành một vòng lặp tâm lý, gắn liền việc hoàn thành khóa học từ một cái gì đó trừu tượng trở thành thứ cụ thể, sẽ kích thích nhân viên học để sưu tầm, treo chứng chỉ, như việc nhiều người thích đọc sách vì cảm giác mãn nguyện sau khi đặt một cuốn sách đã hoàn thành lên trên giá vậy.

+ Hiệu ứng vius, một người thấy bạn mình có chứng chỉ để treo thì cũng có ham muốn đạt được chứng chỉ.

+ Tài trợ tiền mua bằng: Nếu có thể có kinh phí để tài trợ một phần nhỏ nhân viên lấy chứng chỉ chính thức thì tôi nghĩ sẽ rất hay.

+ Lãnh đạo là người truyền giáo: Theo tôi là một điều rất quan trọng. Lúc đầu tôi bị thuyết phục một phần lớn là do sếp sau khi học được một vài khóa thì suốt ngày đem các từ khóa, nội dung kiến thức mới vào trong các buổi họp, trò chuyện hằng ngày. Ở các dự án, FSU, BU, tôi nghĩ cũng nên có mô hình tương tự là cần thuyết phục lãnh đạo đem các từ khóa, kiến thức đã học vào thực tế, từ đó mới lan tỏa đến mọi người. 

Tử Quyên thực hiện

Ý kiến

()