Chúng ta

Đậm tình FPT trong sinh nhật nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tuổi 90

Thứ năm, 20/11/2014 | 22:00 GMT+7

“Tôi bất ngờ và hạnh phúc trước tình cảm của người FPT. Tôi không biết nói gì hơn ngoài niềm xúc động đang dâng trào”, Nhạc sĩ "Cuộc đời vẫn đẹp sao" chia sẻ trong đêm nhạc mừng thọ 90 tuổi do FPT HCM tổ chức tối 20/11.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có mặt tại tòa nhà FPT Tân Thuận, quận 7, sau chuyến về quê nhà Đà Nẵng dự buổi mừng Thượng thọ. Những bộc bạch của nhạc sĩ sinh năm 1924 mang đến cho người FPT những tình cảm ấm áp và tiếng cười rộn rã. Người nhạc sĩ già đã có buổi tâm tình những câu chuyện cũ trong hơn 2 giờ với CBNV Tập đoàn.

DSC-0645-1-6838-1435562048.jpg

Anh Hoàng Minh Châu và chị Phạm Thị Thanh Toan, GĐ Nhân sự FPT Telecom, tiếp chuyện nhạc sĩ trước khi bắt đầu đêm nhạc.

Kể lại ‘câu chuyện cũ’, anh Hoàng Minh Châu, Chủ tịch FPT Myanmar, nguyên GĐ FPT HCM, khẳng định Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu “Coi FPT như là con”, và người “con” ấy từng phải “nằm lên phản và nhận roi. Roi ấy không đau nhưng thấm thía”, anh Châu xúc động nhớ lại.

Mái tóc trắng dài đậm chất nghệ sỹ, vóc dáng nhỏ bé, cái lưng đã trĩu xuống dưới sức nặng thời gian và bước đi đã khó nhọc nhưng người nhạc sĩ của những bản tình ca kháng chiến vẫn say sưa trò chuyện và giao lưu với “những đứa con” hâm mộ ở  FPT một cách dí dỏm, hài hước, khúc triết và hào sảng. Những kỷ niệm với FPT trong khoảng thời gian bén duyên cũng được ông nhắc lại với quyến luyến và tràn đầy cảm xúc. “Cuộc đời sáng tác của tôi gắn nhiều với 2 đơn vị, đó là ngành Xây dựng và FPT”.

Sinh ra trong một gia đình tiểu thương tại Đà Nẵng, chàng thanh niên Phan Huỳnh Điểu ngày ấy ôm giấc mộng âm nhạc của mình chỉ bằng cây đàn mangdolin. Ông kể, thời đó (những năm 30 của thế kỷ trước), chỉ có những nhà tư sản giàu có mới có điều kiện học nhạc, còn lại đều phải tự mày mò; và vị nhạc sĩ già thân thiết với FPT không phải ngoại lệ. Tuy không được đào tạo bài bản nhưng ở tuổi 21, ông đã làm nên một “Đoàn giải phóng quân” dồn giục những bước chân thanh niên cả nước náo nức lên đường chiến đấu. “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi, là có sá chi đâu ngày trở về. Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi, ra đi ra đi thề chết không lui”… Ngay lập tức, bài hát gây sốt từ Khánh Hòa đến chiến khu Việt Bắc dù thời đó phương tiện thông tin rất khó khăn, và muốn nhân rộng bản nhạc phải chép bằng tay. “Thời đó, nhà xuất bản trả cho tôi tiền bản quyền là 800 đồng trong khi tiền ăn một tháng chỉ hết 15 đồng”, nhạc sĩ tiết lộ và so sánh. Đây cũng chính là bài được FPT viết lại lời mới – Đoàn FPT – cơ duyên đưa Tập đoàn đến với nhạc sĩ.

DSC-0697-1-1466-1435562048.jpg

Vị nhạc sĩ già chia sẻ những câu câu trong chặng đường sáng tác của mình.

Kể về kỷ niệm với Cuộc đời vẫn đẹp sao, bài hát gắn với tên tuổi, và cũng là chủ đề của đêm nhạc với người FPT, ông kể, đó là năm 1970, lúc đó nhạc sĩ 46 tuổi và bị thương ở chiến trường. Bệnh nặng, chỉ da bọc xương nhưng nhờ bác sĩ quân y cho thuốc tốt nên một thời gian ngắn ông đã phục hồi sức khỏe. “Trong thời gian nằm bệnh, tôi được đọc bài thơ của Dương Hương Ly và ngẫm thấy đúng hoàn cảnh mình nên tôi đã nhanh chóng viết Cuộc đời vẫn đẹp sao”, ông kể.

Viết nhạc trong bệnh viện với cây đàn mandolin, “Nhưng thời ấy, ở bệnh viện, viết nhạc đâu dám đàn lớn mà chỉ đàn nhỏ xíu”. Lần nọ, ca sĩ Quốc Hương vào thăm, ông đưa anh ca khúc đó, anh hát khe khẽ hai câu đầu “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”, bỗng tới câu thứ ba “dù đạn bom man rợ thét gào…” anh hát lớn như bom đạn thật đang đến. Những tưởng bị bệnh viện rầy la nhưng không. “Cả bệnh viện xúm lại nghe Quốc Hương hát”, vị nhạc sĩ già cười. “Bữa ấy tôi còn được lãnh đạo bệnh viện mời một bữa cơm ngon”. Từ nơi điều trị bệnh, ca khúc nhanh chóng lan ra cả nước với tiếng hát Quốc Hương.

Phan Huỳnh Điều tự nhận mình là người yêu thơ. Vì yêu thơ nên mới phổ thơ nhiều thế. Gần nửa những bản tình ca của ông là phổ thơ của các nhà thơ nữ, nhiều nhất là Xuân Quỳnh. “Phần lớn các nam ca sĩ khi hát Thuyền và biển đều đổi anh thành em. “Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố”, ‘Làm gì có bão tố trong lòng người đàn ông xa người yêu’, ông nhấn mạnh. “Điều này Xuân Quỳnh cũng không thích đâu. Tôi hiểu tâm trạng “bão tố” của Xuân Quỳnh khi cô ấy biết Lưu Quang Vũ hơi hơi…”, nhạc sĩ chia sẻ với người FPT các kỷ niệm khó quên trong cuộc đời sáng tác và những câu chuyện "bây giờ mới kể". Là người kỹ tính, ông luôn căn ke để ý từng câu chữ của người hát để giữ được cảm xúc và ý tứ của cả tác giả phần lời.

DSC-0751-1-3162-1435562048.jpg

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu hòa ca cùng người FPT.

Ở tuổi 90, Phan Huỳnh Điểu luôn giữ sự hóm hỉnh. Dù đi lại đã hơi khó khăn nhưng ông vẫn khỏe và minh mẫn. Chất hài hước đặc trưng của ông vẫn khiến người FPT cười nghiêng ngả trong những câu chuyện kể của mình. Cạnh đó, những đứa con ở FPT cũng chia sẻ kỷ niệm, cơ duyên của cá nhân với sự nghiệp âm nhạc và từng bài hát cụ thể của ông trong cuộc sống tinh thần.

“Những lời ca và nốt nhạc của nhạc sĩ như thúc giục quyết tâm lớn mạnh và vươn ra toàn cầu của người FPT. Từ chỗ 5 người chung một bộ vest tiếp khách, nay FPT đã có 20.000 nhân viên và vươn ra 18 nước trên thế giới. Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn và toàn thể CBNV FPT, xin cám ơn nhạc sĩ đã tiếp thêm sức mạnh cho Tập đoàn”, chị Trương Thanh Thanh, GĐ FPT HCM, chia sẻ trước khi kết thúc chương trình.

DSC-0823-1-9915-1435562048.jpg

Đại diện lãnh đạo FPT tặng bức tranh nhân dịp nhạc sĩ tròn 90.

Và anh Hoàng Minh Châu lại trịnh trọng xin phép tác giả “Đoàn giải phóng quân” để “Người FPT hát bài của nhạc sĩ theo cách của mình”. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng giai điệu bài hát vẫn không hề xưa cũ theo thời gian. “Đoàn FPT một lần ra đi. Dù có gian nguy nhưng lòng không nề…".

Nguyên Văn

Ý kiến

()