Chúng ta

Đại học Harvard dành 75 năm để giải mã về hạnh phúc

Thứ hai, 20/3/2017 | 10:38 GMT+7

Trong hơn 75 nghiên cứu kỳ công, Đại học Harvard theo dõi tình trạng cuộc sống vật chất và tinh thần của 2 nhóm người: 456 người nghèo lớn lên ở Boston (giai đoạn 1939 - 2014) và 268 nam sinh viên tốt nghiệp từ Harvard (giai đoạn 1939 - 1944) để tìm ra câu trả lời: như thế nào để hạnh phúc?

Những năm 1938, Giáo sư Arlie Bock, Chủ nhiệm khoa Vệ sinh dịch tễ, ĐH Harvard cho rằng, giới nghiên cứu chỉ quan tâm đến những vấn đề như bệnh tật, thất bại, chán nản, nhưng lại không có ai nghiên cứu một cách đầy đủ xem con người phải làm sao để được khỏe mạnh, thành công và hạnh phúc.

quoc-te-hanh-phuc-1115-1489980332.jpg

Theo tờ Mirror, bà Basao trở thành con dâu nhà Qishou ở làng Taiping, ở thành phố Quế Lâm, thuộc khu tự trị Quảng Tây, Trung Quốc, từ năm lên 6. Đến nay, dù bà đã 104 tuổi và ông 103 tuổi, họ vẫn yêu thương nhau như ngày đầu sau hơn 96 năm chung sống. Ảnh: CEN.

Từ đó, Arlie Bock đã đề xuất một kế hoạch nghiên cứu táo bạo như sau: Theo dõi một nhóm người từ khi còn trẻ đến cuối đời, chú ý những bước ngoặt trong cuộc đời họ, kịp thời ghi chép lại một cách cẩn thận trạng thái tâm lý của họ. Cuối cùng là tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Người như thế nào có thể sống hạnh phúc nhất?” từ những sự thay đổi trong cuộc đời họ.

Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn đối tượng cho công trình này, toàn bộ đều là những nam sinh viên ưu tú của trường Harvard. Giáo sư Arlie Bock cho rằng, họ có khả năng tự kiểm soát mạnh mẽ, nếu theo dõi và phân tích họ thì nhất định sẽ có thể tìm thấy được những tố chất tâm sinh lý giúp những thanh niên ưu tú này có được hạnh phúc trong cuộc đời.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc (International Day of Happiness) được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc chọn là ngày 20/3 hàng năm, kể từ năm 2013, theo Wikipedia!

Những sinh viên đại diện Đại học Harvard là những người tinh anh, sở hữu IQ cao và vóc dáng khỏe mạnh. Với nguyện vọng tốt đẹp của mình, ông Arlie Bock đã lập ra một nhóm nghiên cứu từ tất cả các lĩnh vực như y học, sinh học, nhân loại học, tâm lý học, thần kinh học và công tác xã hội, thậm chí còn có nhà tâm thần học nổi tiếng Adolf Meyer cũng tham gia.

Adolf Meyer, nhân vật có ảnh hưởng to lớn đến giới thần kinh học thế kỷ 20, đã dựa vào những ghi chép y học, thành tích học tập và sự tiến cử của Đại học Harvard để chọn ra 268 sinh viên làm đối tượng thí nghiệm. Công trình nghiên cứu này mang tên là “Grant”.

Song song với công trình Grant còn có một công trình nghiên cứu khác có tên là “Glueck” được thực hiện bởi nhóm các nhà tội phạm học và giáo sư của trường Harvard đến từ Boston. Đối tượng nghiên cứu của Glueck gồm 456 thanh niên sinh ra trong các gia đình nghèo ở gần Boston. Đa phần họ sống ở trong những căn nhà thuê giá rẻ, có những gia đình thậm chí còn không có cả nước lạnh và nước nóng, trình độ học vấn không cao, cha mẹ cũng không được đi học.

Cuối cùng, hai công trình nghiên cứu kết hợp với nhau, 724 thanh niên này được theo dõi, phân tích toàn diện. Cuộc nghiên cứu này có thể được xem là công trình dài nhất trong lịch sử mang tên “Công trình nghiên cứu Grant & Glueck”. Đến nay công trình này nghiên cứu đã kéo dài hơn 75 năm và vẫn đang tiếp tục. Những người chịu trách nhiệm nghiên cứu đã sang thế hệ thứ tư.

Giáo sư Arlie Bock đã ghi hình lại những đối tượng được theo dõi để tiến hành thí nghiệm và phân tích. Nhóm người này sẽ nhận được một bảng câu hỏi mỗi 2 năm, họ cần phải trả lời những vấn đề về sức khỏe, tinh thần có bình thường hay không, đời sống hôn nhân ra sao, sự nghiệp thành công hay thất bại, sau khi về hưu có vui vẻ hay không. Những người nghiên cứu dựa vào bảng câu hỏi mà họ trả về để phân loại, E là tệ nhất, A là tốt nhất.

Mỗi 5 năm sẽ có bác sĩ chuyên khoa đánh giá các chỉ số sức khỏe thể chất và tinh thần của nhóm đối tượng được nghiên cứu. Cách mỗi 5–10 năm, những người chịu trách nghiệm nghiên cứu sẽ tự đi phỏng vấn, thông qua việc trò chuyện trực tiếp để hiểu rõ hơn các mối quan hệ thân thiết, thu nhập, mức độ hài lòng trong cuộc sống và mỗi giai đoạn trong cuộc đời họ liệu có tốt hay không.

724 thanh niên này được mô tả là “một nhóm ‘chuột bạch’ được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất trong lịch sử”, họ đã trải qua Thế chiến thứ II, khủng hoảng kinh tế, phục hồi kinh tế, khủng hoảng tiền tệ… Họ kết hôn, ly hôn, thăng chức, trúng cử, thất bại, đứng lên trở lại hay hoàn toàn lụn bại… Có người thì suôn sẻ nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già, có người thì tự hủy hoại sức khỏe của mình và qua đời sớm…

Cuộc nghiên cứu này bao gồm rất nhiều kiểu người và cũng đã ghi chép lại vô số những cuộc đời. Trong đó có những người phải làm công việc tay chân, cũng có những người sau này trở thành lãnh đạo, thậm chí còn có các thành viên quốc hội và một người trở thành tổng thống thứ 35 của nước Mỹ, John F. Kennedy.

Hiện nay, trong nhóm 724 người được nghiên cứu này có khoảng 60 người vẫn còn sống khỏe mạnh và vẫn tiếp tục tham gia vào cuộc nghiên cứu, hầu hết họ đã trên 90 tuổi. Ngay cả chính trường Đại học Harvard cũng vô cùng bất ngờ khi công trình này có thể tiếp tục lâu đến vậy.

“Các mối quan hệ luôn lộn xộn và phức tạp. Nó không thực sự quyến rũ hay làm người khác mê đắm nhưng chúng ta nên tạo ra chúng vì một cuộc sống lâu dài. Sở hữu các mối quan hệ tốt giữ cho chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn”, Waldinger chia sẻ.

Trong hơn 75 năm, mỗi giai đoạn, những người phụ trách nghiên cứu đều sắp xếp tài liệu theo dõi được thành sách, làm thành một số kết luận chung.

Vào năm 2015, người chịu trách nhiệm đời thứ 4 của công trình nghiên cứu này là giáo sư Robert Waldinger đến từ khoa Y Đại học Harvard đã giới thiệu thành quả nghiên cứu của họ trên diễn đàn TED Talks. 

“Chỉ có những mối quan hệ xã hội tốt đẹp mới có thể khiến chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn”, kết luận giá trị nhất từ công trình nghiên cứu dài 75 năm của Đại học Harvard chỉ ra. 

Tại buổi diễn thuyết ở TED Talks, Giáo sư Robert nói rằng, khi vừa bắt đầu nghiên cứu, dù là giàu có hay nghèo hèn, những người trẻ tuổi đều tin tưởng rằng danh vọng, tiền tài và thành tựu sẽ đảm bảo cho họ có cuộc sống tốt hơn. Nhưng khi về già, nhìn lại cuộc đời mình, họ lại nhận ra rằng thực tế hoàn toàn không phải như vậy.

Outdoor-Portrait-Of-MultiEthni-2437-2999

Thời gian nghiên cứu kéo dài, đòi hỏi sự tham gia của nhiều thế hệ. Kể từ trước Chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà nghiên cứu Harvard đã ghi lại dữ liệu phân tích cuộc sống và quét não những người tham gia nghiên cứu. Ảnh: Josh.

Theo đó, dù cho là nhân tài có học vấn cao hay những người có xuất thân nghèo khó, dù bạn có danh tiếng lẫy lừng hay là người bình thường, điều cuối cùng quyết định việc trong lòng bạn có hạnh phúc mãn nguyện hay không chính là mối quan hệ với mọi người xung quanh.

"Chất lượng cuộc sống của bạn không chỉ được quyết định bởi số lượng bạn bè bạn có, mà còn liên quan đến việc bạn có sở hữu một mối quan hệ cam kết lâu dài hay không. Chất lượng mối quan hệ là vấn đề chính", ông Waldinger khẳng định.

Không quan trọng bạn có nhiều bạn bè và có thể đi chơi mỗi cuối tuần hay đang có một tình yêu lãng mạn. Chất lượng các mối quan hệ mới là yếu tố quyết định cuộc sống hạnh phúc. Đó là cảm giác an toàn, được chia sẻ và thoải mái thực sự khi bạn ở trong mối quan hệ đó.

Theo George Vaillant, bác sĩ tâm thần học từng chỉ đạo trực tiếp dự án nghiên cứu giai đoạn 1972 - 2004, muốn có cuộc sống hạnh phúc thực sự bạn nên yêu hoặc tìm ra cách sống tốt mà không cần tình yêu. Các dữ liệu thu thập trong suốt 75 năm của Đại học Harvard là bằng chứng rằng, bạn có thể giàu có, thành công và khỏe mạnh, nhưng nếu không có gia đình hạnh phúc (bao gồm cả tình yêu, hôn nhân và các mối quan hệ liên quan) bạn sẽ khó có cuộc sống trọn vẹn.

Giờ đây, nếu đang phân vân giữa việc ở lại làm việc ngoài giờ hay gặp gỡ người bạn thân, làm việc vào cuối tuần hay dành thời gian ở bên gia đình, có lẽ bạn đã hiểu nên ưu tiên điều gì: "Các mối quan hệ tốt đẹp là nền tảng cơ bản của một cuộc sống hạnh phúc".

Ba bài học lớn từ những mối quan hệ, đó là: Những mối quan hệ xã hội rất tốt cho chúng ta và cô đơn thì hủy diệt chúng ta; chất lượng của các mối quan hệ quan trọng hơn số lượng; những mối quan hệ xã hội tốt đẹp không chỉ có thể bảo vệ cơ thể mà còn có thể bảo vệ não của chúng ta.

>> 'Bố mẹ hạnh phúc khi tôi trưởng thành'

Chi Vy (theo YG)

Ý kiến

()