Chúng ta

Chuyện tình onsite

Thứ tư, 28/3/2012 | 19:30 GMT+7

Từ những chuyến đi công tác nước ngoài (onsite), nhiều bạn trẻ FPT Software đã gặp được “một nửa” của mình.
> Onsite và những chuyện chưa kể

“Mọi chuyện bắt đầu năm 2008, khi tôi đang học năm thứ 3 đại học ở Nhật Bản. Theo thông lệ của Nhật thì sinh viên năm thứ 3 đã bắt đầu phải xúc tiến các thủ tục xin việc làm”, Phan Quang Thiệu, cán bộ Công ty Phần mềm FPT Nhật Bản (FPT Japan) kể “sự tích” về chuyện tình của mình với người bạn đời Hoàng Thị Tố Nga.

Từ chuyến

Từ chuyến onsite Nhật Bản, Thiệu và Nga đã đến với nhau. Ảnh: NVCC.

Do muốn làm công việc có liên quan đến Việt Nam nên Thiệu đã tìm hiểu thông tin về FPT Japan và đăng ký tham gia JobTalk do công ty tổ chức.

“Lúc đó nàng đang làm về nhân sự, phụ trách tổ chức sự kiện này, bọn mình quen nhau từ đó. Bây giờ nàng đã chuyển sang làm sales nhưng nhắc lại mọi người vẫn hay trêu là nàng lừa mình từ lúc tuyển dụng mình vào công ty”, Thiện hóm hỉnh kể. Tuy nhiên, anh bổ sung thêm: “Thật ra không biết ai lừa ai!”.

“Kỷ niệm giữa 2 đứa thì có rất nhiều, nhưng mình luôn cảm ơn định mệnh đã dàn xếp để một ngày cuối tháng 1 năm ấy ‘tự nhiên’ ở Yokohama lại có một khu trượt băng ngoài trời trên đường bọn mình đi chơi”, Thiện nhớ lại.

“Cũng ‘tự nhiên’, nàng không biết trượt để nhận lời cho mình dạy, và trong cái chốn mà người ta phải chênh vênh di chuyển bằng đôi giày có 2 lưỡi dao bé xíu trên mặt băng trơn thì ‘tự nhiên’ người ta phải nắm chặt tay nhau, phải va vào nhau. Và một trong những cú va chạm đã trở thành một cái ôm siết và một nụ hôn ấm áp giữa sân băng lạnh giá, trong tiếng nhạc êm dịu, dưới một bầu trời đầy sao. Tụi mình đã chính thức yêu nhau như thế!”.

Nhờ mối nhân duyên từ đất nước hoa Anh đào, tình yêu đã đến với Thiện và Nga, và đến nay, họ đã về ở với nhau được 9 tháng.

“Cuộc sống onsite bận rộn nhiều khi buồn và có nhiều khó khăn, nhưng chính những khó khăn đó làm hai đứa trưởng thành và càng gắn bó với nhau hơn. Vì cùng làm một công ty nên tụi mình cũng hiểu công việc của nhau hơn và dễ dàng sẻ chia, thông cảm với nhau hơn”, Thiện nhận xét.

“Tôi quen biết em tại cửa Đông ga Shinjuku, Tokyo trong một lần được lệnh ra đón cán bộ phiên dịch (comtor) cho đội dự án MHTS vào đầu mùa Đông 2007”, Hồ Nguyễn Quốc Hùng, Đơn vị Phần mềm chiến lược số 17 (FSU17), kể về chuyện tình của mình.

Do phải nhận nhiệm vụ vào sáng sớm và lạnh như vậy, lại mang vác đồ nặng về, nên Hùng không hào hứng lắm. Lúc đó, anh là cán bộ onsite của Trung tâm Phần mềm số 5 (G5) tại Đà Nẵng. "Em" của Hùng là Lương Thu Hà (nay cùng làm FSU17) lúc đó mới ra trường được 3 tháng và đang làm comtor tiếng Nhật cho G5 tại Hà Nội.

H

"Chuyện tình onsite" của Hùng và Hà đã dẫn đến đám cưới cuối năm 2011. Ảnh: NVCC.

Khoảnh khắc đáng nhớ nhất giữa Hùng và Hà lúc “nàng” tiễn “chàng” về thăm gia đình Tết 2007. Mùa Đông trời rất lạnh, tại công viên ChoFu, chỉ có 2 người. Thời gian như dừng lại, nó kéo dài, kéo dài và kết thúc rất khuya.

“Kỷ niệm đáng giận nhất của chúng tôi là một chiều mưa, trên đường về nhà. Không hiểu vì sao nhìn mặt em tôi thấy ghét vô cùng. Thế là để em một tay tự kéo va li nặng 40 kg, một mình giữa đường giữa chợ, tôi đi cách xa 50 m và không thèm trợ giúp. Em giận quá cũng không thèm nhìn mặt tôi luôn. Nghĩ lại tuy rất trẻ con, nhưng lúc đó có lẽ hai người đang rất giận nhau”.

Dĩ nhiên còn có những lúc bất đồng quan điểm khác. Những lúc này, hai bên khó có thể giải hoà bằng lời. Hùng thường viết e-mail giải hoà và phân tích đúng sai. Sau khi đọc xong, thì hai bên sẽ dễ hiểu nhau hơn và nhanh chóng trở lại trạng thái hoà hợp. Cũng có lúc gặp vấn đề gây cấn, hai người cũng lên Skype… nhờ sự trợ giúp của người thân.

Theo Hùng, cuộc sống onsite sẽ không vất vả về vật chất, tuy nhiên rất thiếu thốn về tinh thần nếu không biết cách cân bằng cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, anh cũng nhìn nhận, được làm việc ở một đất nước xinh đẹp, con người chuyên nghiệp và có nền công nghiệp phát triển, được tiếp cận và trải nghiệm với văn hoá mới lạ và đặc biệt như Nhật Bản là một hạnh phúc lớn đối với một lập trình viên.

Còn với Hà, việc onsite ở Nhật là một cơ hội vô cùng tốt giúp cô tiếp xúc, trau dồi tiếng Nhật trong cuộc sống cũng như công việc. Tuy nhiên, cuộc sống và công việc ở Nhật Bản luôn chịu áp lực cao dễ gây stress. Môi trường sống không thoáng và rộng rãi như ở nhà, tầm nhìn hạn hẹp, làm yếu mắt. Giá cả thì rất đắt đỏ làm thiệt hại về tài chính. Động đất và phóng xạ luôn rình rập.

“Điều quan trọng hơn cả là xa bạn bè, đồng nghiệp, người thân, thiếu những buổi cafe sáng, buổi nhậu tán phét ở biển, buổi họp mặt gia đình vào cuối tuần, v.v.. đối với chúng tôi, cũng là một thiệt thòi”, Hà tâm sự.

Chính trong hoàn cảnh đó, mà chàng trai xuất thân từ mảnh đấy miền Trung đầy nắng biển và gió núi đã nảy sinh tình yêu với cô gái xinh đẹp thùy mị đất Tràng An. Họ đã chính thức kết hôn ngày 25/12/2011.

Sau đám cưới khoảng một tháng, chàng kỹ sư cầu nối của BU20, FSU17 lại lên đường đi onsite cho khách hàng ở Kawasaki, Tokyo. Còn nàng, comtor của JCD, FSU17 lại ngày ngày tiếp tục với những trang tài liệu tiếng Nhật dày đặc.

Lâm Hoàng Sơn

Ý kiến

()