Chúng ta

Chuyện onsiter: Con không nhận ra cha

Thứ ba, 19/2/2019 | 10:55 GMT+7

Mỗi tháng, các anh chỉ có thể sắp xếp về nhà vài ngày, tháng vướng dự án thì không về được. Có anh nhận nhiệm vụ khi con còn quá nhỏ, chưa kịp nhớ mặt cha…

7 năm trước, ngày nhận nhiệm vụ ra Quảng Ngãi triển khai dự án cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đơn vị hàng đầu của ngành dầu khí Việt Nam, anh Lê Phước Hoài Chinh (FPT IS ENT HCM) không nghĩ rằng con đường “onsite” của mình sẽ dài như thế. Các anh em khác cũng chỉ nghĩ “đi vài tháng rồi về”. Lúc anh Chinh đi miền Trung, con trai mới chỉ 3-4 tháng tuổi.

Trong 2 năm đầu tiên, anh ở lại Quảng Ngãi 6 tháng liên tục. Từ năm 3, gần như anh “cắm chốt” nơi đất khách quanh năm. Mỗi tháng, anh sắp xếp về nhà vài ngày, cũng có tháng vướng dự án không về được. Con anh vẫn còn quá nhỏ, lâu quá anh mới về nhà, bé còn không nhận ra cha… Do đó, mỗi lần anh về, cha con lại "làm quen từ đầu" nhưng khi bé dần quen và nhớ ra cha, anh lại đi…

anhson-achinh-9482-1550490631.jpg

Anh Lê Phước Hoài Chinh (phải) bên đồng nghiệp Bùi Thạch Sơn.

Việc onsite kéo dài là do khách hàng ngày càng tin tưởng vào chất lượng triển khai dự án của đội FPT IS nên đã giao nhiều dự án khác. “Tình thế bấy giờ là không thể quay đầu”, anh Chinh cười.

Hiện đội dự án Bình Sơn thường có 3-5 người thường xuyên onsite. Con số này có khi lên tới 14-15 người, khi có nhiều dự án lớn nhỏ liên tục được triển khai từ hạ tầng, ứng dụng đến dịch vụ công nghệ. Công việc của các anh bao trùm toàn bộ hạ tầng, ứng dụng, bảo mật, hệ thống Wi-Fi, video conference… cũng như máy chủ quản lý cho công ty lọc dầu Bình Sơn.

doiduan-6114-1550490631.jpg

Anh em đội dự án Bình Sơn.

Không có cuối tuần, không có nghỉ lễ, đó là công việc của đội quân onsite FPT IS ENT HCM. Mỗi lần có sự cố, các anh phải liên tục làm ngoài giờ, thức đêm cả tháng trời. “Máy móc ở nhà máy thì cả ngày không nghỉ, luôn chạy 24/7. Nếu 2-3h sáng mà có sự cố, chúng tôi cũng phải có mặt hỗ trợ”, anh Chinh cho biết.

Anh Chinh đi xa, ở nhà chỉ còn vợ, mẹ già và con thơ. Những công việc cần bàn tay người đàn ông, anh không thể bên cạnh giúp đỡ, đó là điều anh Chinh tiếc nuối nhất. Nhà cửa có gì hư hỏng, vợ anh đều phải gọi thợ qua. Cũng đôi lần buồn phiền than trách, nhưng vợ anh (một cựu nhân viên FPT Trading) cũng hiểu và thông cảm cho công việc của chồng.

Chính vì đi làm xa dài ngày, thời gian được về bên gia đình của các anh trở nên đáng quý hơn. Mỗi lần về, anh Chinh ưu tiên gia đình lên trên hết, đưa vợ con đi chơi, mua sắm…

Con trai dần lớn, mỗi lần đi xa, anh an ủi bé: “Ba đi làm để kiếm tiền nuôi con”. Câu nói này không ngờ dẫn đến tình huống ‘dở khóc dở cười'. “Khi bé nhõng nhẽo đòi đi chơi nhiều, tôi chọc 'Ba hết tiền rồi!', lập tức bé phản hồi: “Ba đi làm tiếp đi, để kiếm tiền”, anh Chinh chỉ biết cười.

Cũng như anh Hoài Chinh, anh Bùi Thạch Sơn gia nhập đội onsite rất sớm, từ năm 2014-2015. Khi lên đường đi onsite, anh mới cưới vợ mấy tháng. Làm việc ở FPT đến lúc đó cũng được khoảng 7 năm, anh Sơn đã quen với việc đi công tác nhưng chưa bao giờ đi lâu như dự án Bình Sơn. Vợ mới cưới của anh lúc đó cũng buồn lắm, nhưng chỉ có thể cố gắng thông cảm cho chồng.

Lúc biết tin được lên chức cha một năm sau đó, anh Sơn vừa mừng vừa lo. Lo vì trong thời gian chị mang thai, anh không được bên cạnh chăm sóc vợ, đành nhờ vào gia đình nội ngoại 2 bên. Ngày chị sinh con, anh về nhà được 2 tuần rồi lại phải lên đường công tác. Đến lúc con đi học, anh cũng không thể đưa bé đến trường như bao bạn bè khác. Việc phụ giúp chăm nom, đưa bé đến trường, anh lại phải nhờ đến bố mẹ.

gd-a-son-2655-1550490631.jpg

Vợ chồng anh Bùi Thạch Sơn và con trai nhỏ quý trọng những ngày được sum vầy bên nhau.

Bé được 3 tuổi, gia đình 2 bên giục anh thu xếp về nhà, vì “trẻ lên 3 cần tình thương của người cha”. Nhưng anh đành chỉ có thể liên lạc với con hằng ngày qua màn hình điện thoại và lâu lâu về chơi một lần. Biết anh là người của công việc, gia đình cũng đành chấp nhận.

Anh Thạch Sơn nhớ lại, 2 tháng trước, lúc anh trở ra Quảng Ngãi công tác, bé chợt thốt lên qua điện thoại khi anh gọi về: “Ba đi hoài, con buồn...”. Lời nói của con trai khiến anh vô cùng bất ngờ, mà cũng thắt lòng không kém...

Những năm 2013-2014, điều kiện công tác của những người như anh Chinh, anh Sơn, còn nhiều khó khăn, phương tiện đi lại riêng chưa có, “có khi phải đứng ngủ trên xe buýt”. Sau này, các anh đã được hỗ trợ nhiều hơn về phương tiện đi lại, chỗ ở. Dù vậy, các anh vẫn không thể tránh khỏi một khó khăn khác về tinh thần hay sự thất thường trong sinh hoạt hằng ngày.

Thường trở về nhà lúc 9-10h đêm, ít có cơ hội tự nấu nướng, các anh thường ăn khuya bên ngoài. Ăn uống thất thường cộng thêm áp lực công việc, sức khoẻ một số anh em đi xuống khá nhiều, một còn mắc bệnh về đường tiêu hoá.

Cuộc sống nơi đất khách quê người, đội onsite thường xả stress bằng cà phê với khách hàng khi có thời gian rảnh rỗi, tụ tập ăn uống, hay gọi điện về cho gia đình vào mỗi buổi chiều tối. Lãnh đạo FPT IS cũng rất thấu hiểu nên cũng cố gắng tối đa “onsite” cùng anh em team dự án mỗi khi thu xếp được thời gian.

mangden-8246-1550490631.jpg

Những giờ phút giải lao của thành viên đội dự án.

Trách nhiệm lớn, khách hàng yêu cầu chất lượng cao về kỹ thuật, chuyên nghiệp, am hiểu nghiệp vụ lọc hóa dầu, cũng là một áp lực với các anh. Ngay cả khi đang về thăm nhà, các anh cũng phải mang máy tính và luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ khách hàng bất cứ lúc nào.

Tết năm trước, các anh đã phải bỏ hết vé về Tết vì khách hàng có sự vụ đột xuất vào đúng hôm sau đó. Ở lại thêm một ngày một đêm, các anh đành mua lại vé mới rồi mới tạm gác công việc, trở về nhà bên gia đình dịp đặc biệt của năm.

Bên cạnh anh Chinh, anh Sơn, nhiều anh em khác cũng có những nỗi niềm riêng khi đi dự án xa dài ngày. Anh Vũ Trung Sơn (gia nhập đội onsite giữa năm 2017) đúc kết: “Với người onsite, không thể nào cân bằng giữa gia đình và công việc, và biết thế nên chỉ có thể đành chấp nhận”.

Những bạn trẻ mới vào như Nguyễn Hồng Nguyên Khoa, dù chưa có gia đình riêng nhưng cũng cảm thấy có lỗi với người thân ở nhà. “Nhà còn mỗi mẹ ngày ngày vẫn lo chuyện ruộng vườn mà con trai không giúp đỡ được gì, cũng thấy có lỗi lắm. Người yêu thỉnh thoảng cũng dỗi: “Anh đi hoài không về””. Tuy thế, anh vẫn cười: “Mỗi lần về nhà, tôi lại tranh thủ mua quà về cho mẹ và người yêu, đỡ đần mẹ việc nhà”.

“Cũng có những thời điểm đã nghĩ đến việc thôi về ở gần với gia đình, không đi onsite thế này nữa”, anh Thạch Sơn thừa nhận. Nhưng anh khẳng định, đó cũng chỉ là những suy nghĩ thoáng qua mà thôi, “khách hàng còn cần FPT thì mình còn đi”.

Suốt 7 năm qua, một số người đã rời đi, nhưng các anh em trụ lại đều cố gắng với tinh thần “tất cả là vì trách nhiệm với khách hàng, vì công việc chung, vì công ty, vì uy tín FPT và vì cuộc sống tốt đẹp hơn của mỗi người”. Đặc biệt những CBNV còn lại của đội dự án đều là các cán bộ kỹ thuật rất kinh nghiệm, là những chuyên gia, có vai trò rất quan trọng với đội dự án, anh Lương Huy Hoàng, trưởng phòng kinh doanh dự án FPT IS ENT, cho biết.

Còn rất nhiều anh em kỹ thuật của FPT IS ENT HCM với những câu chuyện khác nhau như: Phan Từ Huy, Phạm Quốc Cường, Trịnh Trần Công Sỹ, Đinh Kim Hoài, Phạm Văn Ngọc, Trần Phi Long, Đào Hữu Triết, Nguyễn Tuấn Phi, Trần Quốc Quang, Vũ Văn Phương... Có anh vừa mới đi onsite 3-4 tháng, nhiều anh đã onsite 3-4 năm; người mới có bạn gái, người đã có gia đình, có con nhỏ... Các anh đã và đang tiếp tục gắn bó với khách hàng, gắn bó với FPT IS ENT HCM vì mục tiêu chung, luôn đồng hành sát cánh cùng công ty vượt qua mọi khó khăn để FPT phát triển vững mạnh không ngừng.

>> Cô gái nhỏ nuôi giấc mơ onsite xứ hoa anh đào

Hà An

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()