Chúng ta

Chuyện cổ tích giữa đời thường của chàng trai 9x vượt lên số phận

Chủ nhật, 7/8/2016 | 09:19 GMT+7

Nhận tin em gái mắc bệnh tim cần 100 triệu đồng để phẫu thuật, Đặng Văn Anh lặng người. Cậu sinh viên FPT gõ cửa không biết bao nhiêu nhà từ thiện với hy vọng giành lại sự sống cho em, đồng thời làm thêm đủ nghề để mưu sinh, theo đuổi mơ ước học hành. Và điều kỳ diệu đã đến với Văn Anh như một sự ban ơn của cuộc đời.

Từ nhỏ, Đặng Văn Anh đã yêu thích hình khối, màu sắc. Tốt nghiệp phổ thông, tự lượng sức học và hoàn cảnh gia đình, Văn Anh không thi đại học mà chọn theo đuổi sở thích về thiết kế đồ họa tại Cao đẳng Thực hành FPT (FPT Polytechinic) cơ sở TP HCM. Chàng trai 9x tâm niệm, bằng cấp không quan trọng bằng việc học được một cái nghề để mau chóng tự lập và giúp đỡ gia đình.

Vừa bước chân vào giảng đường cao đẳng chưa được bao lâu thì biến cố xảy đến với gia đình Văn Anh. Em gái được chẩn đoán mắc bệnh tim, gia đình vốn đã khó khăn nay càng chật vật hơn khi phải lo đủ 100 triệu đồng để phẫu thuật cho em. “Không còn biết vay mượn ai, bố mẹ đành phải cầm cố nhà cửa để chạy chữa cho em gái. Ở TP HCM, mỗi lần nghe tin ở nhà, em lại ứa nước mắt vì thương bố mẹ, thương em nhưng bất lực không làm được gì”, Văn Anh nghẹn lời.

Không ít lần, Văn Anh định bỏ học, đi làm thuê kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ. Nhưng rồi, nghĩ đến sự nghèo khó đeo đuổi cuộc sống gia đình mình và không muốn sống mãi trong vòng luẩn quẩn đó, vì vậy, cậu quyết tâm phải học thành nghề và tự lập được ở Sài thành bằng mọi cách.

Nghĩ là làm, Văn Anh bắt đầu tìm việc làm thêm ngoài giờ học. Công việc gì cậu cũng làm, miễn là kiếm tiền chân chính, từ dán điện thoại di động, bán hàng đến bảo vệ ở các tòa chung cư vào ban đêm. Sau này, có thêm kiến thức từ việc học thiết kế đồ họa ở trường, cậu xin làm nhân viên phụ việc trong các cửa hàng in ấn để vừa có thu nhập vừa tăng thêm kinh nghiệm nghề nghiệp.

Văn Anh (giữa) Chàng trai 9x tâm niệm, bằng cấp không quan trọng bằng việc học được một cái nghề để mau chóng tự lập và giúp đỡ gia đình.

Văn Anh (giữa) tâm niệm, bằng cấp không quan trọng bằng việc học được một cái nghề để mau chóng tự lập và giúp đỡ gia đình.

Chuỗi ngày đi học, đi làm thêm là khoảng thời gian không thể quên với Văn Anh. Cậu sinh viên nhút nhát phải tự “ném” mình vào cuộc sống nhộn nhịp, gấp gáp ở Sài thành, thoát ra khỏi “vỏ ốc của bản thân” để mưu sinh và học tập. Hẳn cậu không thể quên những ngày trời nắng như đổ lửa, loay hoay dán từng chiếc điện thoại di động bên vệ đường, đêm đến lại trốn vào một góc ăn vội suất cơm bình dân trước khi vào ca trực bảo vệ. Một vài khách hàng biết cậu là sinh viên cũng hỏi sao có ăn học mà phải đi làm những việc này, rồi nhìn các bạn trạc tuổi mình ở thành phố được vô tư đi học, đi chơi, cậu cảm thấy tủi thân nhiều hơn.

Đi làm thêm nhiều nhưng Văn Anh vẫn hoàn thành chương trình học trên lớp với kết quả tốt. Cậu chia sẻ, môi trường học tập ở FPT Polytechnic khá mở, giảng viên và bạn bè biết hoàn cảnh của cậu đều nhiệt tình hỗ trợ.

"Em học và tích lũy điểm qua các bài tập dự án nên không bị bó buộc về thời gian hay áp lực thi cử cuối kỳ như bạn bè ở các trường khác. Ngoài các môn chuyên ngành, trường còn đào tạo nhiều về kỹ năng mềm nên từ một người trầm tính, chỉ biết gọi dạ bảo vâng, em cảm thấy tự tin hơn, giao tiếp tốt hơn và rất có ích cho công việc ngoài giờ của em”, Văn Anh bộc bạch.

Vừa học vừa làm rất vất vả nhưng thu nhập từ công việc làm thêm chỉ đủ để Văn Anh duy trì cuộc sống, còn số tiền 100 triệu đồng cho em gái phẫu thuật tim vẫn là mơ ước xa vời. Trong lúc tưởng chừng không còn lối thoát, Văn Anh được bạn bè động viên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức từ thiện. Vậy là cậu lại có thêm một việc cần làm trong quỹ thời gian hàng ngày vốn đã hạn hẹp. Văn Anh chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội, gõ cửa hàng chục nhà từ thiện khắp địa bàn thành phố để xin sự trợ giúp, ròng rã suốt gần 2 tháng.

“Càng chia sẻ nhiều, đi nhiều, em càng chứng kiến những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình gấp bội, vậy mà họ vẫn giữ niềm hy vọng. Điều này tiếp thêm lòng tin cho em, đồng thời nghĩ đến bố mẹ và em gái, em càng kiên trì và cố gắng hơn”, chàng sinh viên FPT Polytechnic trải lòng.

Hiện, Văn Anh đã đảm đương được hầu hết mảng việc thiết kế và nhận mức lương gần 20 triệu đồng/ tháng.

Hiện, Văn Anh (ngoài cùng) đã đảm đương được hầu hết mảng việc thiết kế và nhận mức lương gần 20 triệu đồng/ tháng.

Cuối cùng, sự cố gắng của cậu cũng đã được đền đáp. Một nhà hảo tâm người Việt Nam đang công tác tại Mozambique đã tài trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật cho em gái Văn Anh. Nhận được tin này, Văn Anh và bố mẹ sung sướng đến khóc òa khi sự nỗ lực của cả gia đình đã đổi lại được sức khỏe cho em gái.

Khi em gái hoàn toàn bình phục cũng là lúc Văn Anh bước vào năm học cuối tại trường. Cởi được nút thắt tâm lý, Văn Anh dồn hết sức cho việc học. Cậu tham gia các cuộc thi sáng tạo ở trường để có thêm kiến thức, đồng thời tìm kiếm công việc chính thức ngay từ khi chưa tốt nghiệp. Với kinh nghiệm từ thời gian phụ việc cho các cửa hàng in ấn, Văn Anh dễ dàng nhận được công việc thiết kế và marketing tại một công ty lớn ở TP HCM. Sau nửa năm, Văn Anh đã đảm đương được hầu hết mảng việc thiết kế và nhận mức lương gần 20 triệu đồng/ tháng.

“Em không bao giờ quên quãng thời gian học tại FPT Polytechnic bởi nó đã thay đổi con người em, tiếp thêm động lực để em giữ được niềm đam mê với thiết kế. Giờ đây, khi có nghề nghiệp ổn định trong tay, em có thể tự tin bắt đầu cuộc sống mới, quên đi sự vất vả, đói nghèo đã qua”, Văn Anh xúc động bày tỏ.

"Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome", nhưng nếu không đi thì sẽ không thể tới, không đủ nghị lực và sự quyết tâm cao độ thì có thể dừng bước bất cứ lúc nào. Câu chuyện cổ tích của chàng sinh viên FPT chính là bài học ý nghĩa để mỗi người trẻ biết trân trọng cuộc sống và nỗ lực nhiều hơn những gì có thể trong mọi hoàn cảnh.  

>> CEO Ghana bỏ việc sang ĐH FPT học Thạc sĩ CNTT

Ngọc Trâm - Thiên Bình

Ý kiến

()