Chúng ta

Chủ tịch Trương Gia Bình: 'Thầy giỏi tạo hứng khởi cho học viên'

Thứ sáu, 30/6/2017 | 17:23 GMT+7

Theo Chủ tịch FPT, “Thầy giỏi không phải là người am hiểu mọi thứ, mà là người tạo được hứng khởi cho người học”.

TGB Seminar số đầu tiên của FPT phía Nam với khoảng 140 học viên là quản lý các công ty thành viên tham dự. Đây là lần thứ hai chủ đề YPO được chia sẻ trong chuỗi chương trình TGB Seminar giúp các lãnh đạo quản lý được tiếp cận, hiểu và ứng dụng mô hình cho quá trình huấn luyện, kèm cặp nhân viên. Bên cạnh đó, mọi cấp quản lý có thể ứng dụng "cách làm thầy" ở quy mô khác nhau nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. 

Trước khi làm sáng tỏ quan điểm về một người thầy giỏi, Chủ tịch Trương Gia Bình đặt vấn đề về phương pháp học hiệu quả. Theo anh, học đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Anh đưa ra những con số để minh chứng, đối với trí tuệ của con người, những gì bẩm sinh ảnh hưởng 1%, IQ đóng vai trò 5%, thái độ về việc học tác động 65%. Anh Bình khẳng định, kết quả của những giải pháp, sáng chế là từ quá trình học.

Về phương pháp học hiệu quả, Chủ tịch FPT đề cập đến chủ nghĩa kiến tạo (Constructivism). Anh hình dung não bộ được thiết kế như lego, từ khóa là khái niệm được xây dựng từ nhiều mảnh ghép. Những người học nhanh chỉ chạm vào các đối tượng. Và trong não luôn thiết lập một hệ thống, để khi đưa đúng miếng ghép vào bức tranh, ta có thể nhận biết được đúng hay sai.  

DSC-4944-JPG.jpg

TGB Seminar với chủ đề “YPO - Học làm thầy” do anh Trương Gia Bình dẫn dắt dành cho các quản lý nhà F phía Nam.

Thứ hai, để học nhanh và nhớ lâu, chúng ta phải  nối các mảnh ghép lại với nhau tức là đang kết nối giữa các khái niệm. Nếu gặp những khái niệm mới nhưng không thể ghép vào được phải phá vỡ và xây lại.

Giải thích về những người học một biết mười, anh Bình cho rằng, họ có những nguyên tắc sắp xếp các mảnh ghép theo trật tự và nguyên lý riêng. Anh lấy ví dụ về 3 khái niệm: sinh tồn tự nhiên, sinh tồn của FPT và sinh tồn của xã hội.

Người đứng đầu FPT chỉ ra mối tương quan giữa ba khái niệm này. Theo đó, nếu thiên nhiên có gen để sinh tồn thì FPT có FPT Way; tương tự, xã hội có những khái niệm văn hóa, cương lĩnh... tất cả đều có điểm chung là đều cần được biến hóa, di truyền, biến dị…Ví dụ cho thấy, người học một biết mười là người có những 'gói' khái niệm xây dựng trên cơ sở hệ thống, khi cần sẽ sáng tạo. Chỉ cần nắm được các vấn đề cốt lõi, con người có thể dự báo tương lai. Khi dạy, giáo viên phải đi vào các mảnh ghép, các mối quan hệ, cốt lõi vấn đề, đặt các câu hỏi để thấy được mối tương quan giữa các khái niệm.

DSC-4971-JPG.jpg

Khái niệm về học của Chủ tịch FPT.

Sau khi phân tích cách học hiệu quả, anh Bình đưa ra khái niệm về việc học: “Học là quá trình của một cá thể, trên con đường hứng khởi tìm kiếm tri thức, trải nghiệm, kỹ năng trong nhóm dưới sự dẫn dắt của người dạy”. Từ đó, anh tiếp tục dẫn dắt để làm rõ về khái niệm người thầy giỏi.  

Ví dụ người Do Thái bị cả thế giới xua đuổi hàng nghìn năm, nhưng họ chiếm mọi đỉnh cao từ các lĩnh vực tài chính, công nghệ, hội họa, triết học… Giải thích điều này, anh Bình chia sẻ trải nghiệm khi đến Israel và biết được người Do Thái học theo phương pháp tranh luận (debate), những đứa trẻ 3 tuổi đã bắt đầu được cho tranh luận với nhau. Chỉ có tranh luận mới tìm thấy cốt lõi của vấn đề. Và người thầy giỏi là người tạo hứng khởi, dẫn dắt bằng câu hỏi để cá nhân tương tác mạnh trong nhóm.

Nói về cách để tạo hứng khởi cho người học, một lần nữa anh nhấn mạnh bản chất việc học là Chủ nghĩa kiến tạo (Constructivism). Những mảnh ghép có hình thù, không chỉ nghe bằng tai mà phải nhìn thấy bằng mắt, phần nghe nhìn rất quan trọng. "Chẳng hạn, gần đây báo VnExpress truyền đạt thông tin bằng infographic rất dễ hình dung và phù hợp với xu hướng của người đọc", anh Bình dẫn chứng và cho hay, điều này có thể áp dụng cho việc dạy bằng video, hình ảnh sẽ thu hút người học.

Chủ tịch FPT chia sẻ quan điểm của Phillip Noyce, đạo diễn người Australia, nói về 3 cấp độ của việc truyền thông điệp: khả năng hiểu được cái đẹp tĩnh (cấp độ 1), khả năng ghép nhiều cái đẹp thành một bộ phim (cấp độ 2), khả năng tạo ra một thông điệp (cấp độ 3). "Vị đạo diễn đánh giá người Việt Nam rất giỏi về chi tiết, hiểu về thẩm mỹ, nhưng kết nối các chi tiết để tạo ra thông điệp thì chưa thấy", anh Bình lý giải.

DSC-4987-JPG.jpg

Học viên chăm chú lắng nghe.

Câu chuyện dẫn dắt anh Bình nhớ lại cuộc trò chuyện với Brian Grazer, nhà sản xuất phim Beautiful Mind. Khi anh Bình hỏi rằng bằng cách nào có thể sản xuất ra một bộ phim, Brian Grazer chia sẻ: “Làm phim khó nhất là mở trái tim của hàng triệu con người!”. Brian Grazer cho biết, một phim cần có một thông điệp, để mở trái tim cần có câu chuyện để diễn tả. Ông mất 6 năm để tìm được điều đó. "Tương tự với một người thầy, sẽ không thể mở trái tim của học trò với cách truyền tải thông thường với các gạch đầu dòng", anh Bình nhún vai khi đưa ra thông điệp người thầy giỏi là người tạo được hứng khởi, và cách để tạo được hứng khởi chính là có các câu chuyện để truyền tải thông điệp.

Một học viên đặt vấn đề người thầy giỏi có nhất thiết phải có nhiều kiến thức. Anh Bình cho rằng, người thầy để mọi người có thể học được gì đó không nhất thiết phải rất giỏi, nhưng họ phải có cách tạo hứng khởi để mọi người nắm được vấn đề. Ai cũng có thể dạy và học, nhưng đẳng cấp của người thầy nằm ở chỗ họ giúp cho học trò vươn lên đến đỉnh nào. Sự khác biệt của những ông thầy vĩ đại là đặt những vấn đề vĩ đại. Có những người thầy không cần dạy, chỉ cần là một tấm gương để học trò quan sát và làm theo đã là một người thầy giỏi. Người thầy lớn nhất của anh Trương Gia Bình chính là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh nói thêm, những nhà lãnh đạo cần có một ước mơ, và chúng ta hành động để từng bước đạt được ước mơ. 

DSC-4993-JPG.jpg

Học viên lớp YPO chụp hình lưu niệm với Chủ tịch FPT.

Khi được hỏi về mong muốn của mình sau buổi học này, anh Bình khuyên các học viên đi dạy vì dạy chính là cách học cao nhất. Có rất nhiều platform như các seminar về nhiều chủ đề hay dạy trong đội ngũ của mình, đồng nghiệp dạy cho nhau.

Kết thúc buổi chia sẻ, anh khẳng định người thầy chỉ có năng lượng khi có học trò. Mỗi người thầy cần có một giấc mơ, và giấc mơ của anh Trương Gia Bình là “FPT trở thành tiên phong trong cuộc cách mạng số”. Và anh Trương Gia Bình đang xây dựng FPT trở thành tổ chức học tập. 

TGB seminar on Leadership là chuỗi seminar do Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình khởi xướng từ năm 2014. Chương trình có mục tiêu cung cấp, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo và mong muốn xây dựng FPT trở thành một tổ chức học tập thực sự. 

Xuân Phương

Ý kiến

()