Chúng ta

Chủ tịch FPT Software: ‘CNTT trở thành phương thức sản xuất mới’

Chủ nhật, 21/6/2015 | 23:15 GMT+7

"Công ty vận tải hành khách lớn nhất trên toàn cầu không cần sở hữu bất kỳ chiếc xe nào cả chính là Uber. Cái nhà báo có nhiều thông tin mới nhất, nóng nhất trên thế giới không hề đăng tin bao giờ là Facebook. Điều đó cũng dần biến CNTT thành ngành kinh tế độc lập, thậm chí trở thành phương thức sản xuất mới”, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh tại Ngày hội lập trình viên Đà Nẵng - DevDay 2015. 

Mở đầu buổi trò chuyện trong vài trò diễn giả đầu giờ chiều ngày 20/6, tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng dành cho hơn 500 sinh viên chuyên ngành CNTT, hệ thống nhúng và cả các lập trình viên đã tốt nghiệp, có việc làm ổn định, anh Hoàng Nam Tiến khẳng định: “Nếu nhìn lại lịch sử truyền tin cho nhau, ta có thể thấy nó chỉ theo hướng một chiều, thậm chí người kia có nhận được hay không cũng chẳng biết. Thế nhưng sự phát triển của CNTT đã giúp hai bên thuận tiện liên lạc và tương tác tất cả các bên, bất kỳ lúc nào. Đó là những thay đổi rất lớn trong lịch sử loài người, ví dụ như các bạn vừa nghe tôi nói vừa có thể tra cứu trên mạng để tìm hiểu rõ hơn thông tin về cá nhân tôi”.

DSC-0642-JPG-6882-1434857757.jpg

Anh Tiến đưa ra dẫn chứng, FPT đã giải quyết khá tốt bài toán mua vé tàu về quê dành cho sinh viên và người lao động ở xa. Số lượng vé bán thông qua điện tử mang lại kết quả vô cùng khả quan, mọi người không cần phải chầu chực nữa. Tương tự như việc lắp camera giám sát tốc độ trong hầm Thủ Thiêm (TP HCM) khiến các tài xế không dám vượt 60km/h. Thậm chí, Công ty vận tải hành khách lớn nhất trên toàn cầu không sở hữu bất kỳ chiếc xe nào cả chính là Uber. Cái nhà báo có nhiều thông tin mới nhất, nóng nhất trên thế giới không hề đăng tin bao giờ là Facebook. Đấy là những tác động đầu tiên của CNTT trong cuộc sống và nó trở thành ngành nghề độc lập, một phương thức sản xuất mới.  

“Điều gì làm thay đổi nhanh chóng như vậy? Câu trả lời chính là SMAC (Social - Mobile - Analytics - Cloud) được coi là xu thế của thời đại. SMAC tạo ra cuộc cách mạng kinh tế trên nền tảng kỹ thuật số. Doanh nghiệp ngày nay đều phải xây dựng trên nền tảng mới này để tạo ra sự cạnh tranh, bởi nhu cầu bảo vệ dữ liệu đang trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất. Tôi và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khi sang Nhật thì các doanh nghiệp hàng đầu đều đề cập đến Cloud, đó chính là cơ hội không giới hạn dành cho Việt Nam. Nếu so với các nước công nghệ tiên tiến trên thế giới thì trình độ chúng ta chệnh lệch khoảng 20 năm, do đó, để theo kịp họ dường như xa vời, không có cửa. Nhưng khá may mắn, chúng ta đang làm việc trong môi trường CNTT, có nghĩa 6 tháng, một năm hay hai năm công nghệ luôn thay đổi. Chính sự thay đổi đó giúp tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng dù đi sau một năm hay thậm chí 10 năm. Minh chứng là FPT Software đang làm được điều đó”, Chủ tịch FPT Software chia sẻ.

DSC-0629-JPG-9943-1434857757.jpg

“Có nhiều bạn hỏi tôi rằng, đi làm việc ở nước ngoài có gì hay không? Tôi xin kể cho các bạn hai câu chuyện. Thứ nhất, khi sang Nhật, tôi học rằng cá nhân đứng lên phải lấy hai tay đẩy cái ghế vào rồi nhìn xung quanh xem cân đối chưa; Khi xếp hàng tôi đứng cách người ta khoảng 50 cm. Cách đây 3 năm, một anh bạn người dân tộc thiểu số ở FPT Software lần đầu sang Nhật làm việc chỉ có đúng 500.000 đồng nên quyết định mua thêm mỳ tôm vì sợ qua nước bạn giá cả đắt. Sau 2 năm, anh ta đã có thể mua cho bố cái tai nghe trợ thính 8 triệu đồng và một bộ máy ảnh chất lượng để thưởng thức thú vui trên đời. Đó không chỉ thay đổi nghề nghiệp mà còn thay đổi cả con người bạn”, anh Tiến nhấn mạnh.

Dù đánh giá cao sinh viên miền Trung khi có đến 2/3 lãnh đạo FPT Software Đà Nẵng đều xuất phát từ Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đa phần ra trường khoảng 3 đến 11 năm, nhưng anh Tiến cũng khuyên sinh viên mới ra trường không nên quá ảo tưởng mà cần tỉnh ngủ, bởi có nhiều điểm khác biệt giữa Coder, Developer và Software Engineer. 

“Muốn trở thành lập trình viên, các bạn cần biết hai ngôn ngữ, có nghĩa là thành thạo một ngôn ngữ ngoài tiếng Việt như Anh, Nhật… và ngôn ngữ lập trình để làm chủ nó. Ở FPT Software có hai con đường để các bạn lựa chọn: một là nhà quản lý, hai là chuyên gia. Tôi muốn nhấn mạnh, ngày hôm nay kinh tế đang rất khó khăn nên các bạn cần phải có tầm nhìn toàn cầu. Ngồi đây nghe tôi nói nhưng hôm sau phải sẵn sàng, chuẩn bị hành trang để sang Mỹ, Pháp, Nhật Bản… làm việc, có nghĩa là mọi sự chuẩn bị ngày hôm nay không bao giờ thừa. Mỗi từ tiếng Anh học hôm nay sẽ làm thay đổi cuộc đời các bạn, tốt hơn nữa nếu học tiếng Nhật”, anh Tiến đúc kết.

Lê Nguyễn Như Hoàng, cựu sinh viên FPT Polytechnic Đà Nẵng, chia sẻ, anh Tiến đã mang tới hội trường bầu không khí sôi nổi thông qua những mẫu chuyện toàn cầu hóa đa dạng, nhiều chiều để tất cả nắm bắt một cách tốt nhất. “Tôi ấn tượng nhất cách đưa ví dụ theo chiều dài lịch sử phát triển CNTT, nó giúp thế hệ trẻ dễ dàng nắm bắt và đưa ra quyết định phù hợp trong việc định hướng nghề nghiệp. Nhìn chung, anh Tiến giúp những người có mặt tại hội trường tìm ra cơ hội trong xu thế hội nhập, điển hình là SMAC”.

DevDay 2015 là hội thảo mở và tương tác dành riêng cho cộng đồng công nghệ thông tin được Công ty Axon Active Việt Nam phối hợp với Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức. Thu hút sự quan tâm của gần 1.000 bạn trẻ gồm sinh viên chuyên ngành CNTT, hệ thống nhúng, các lập trình viên đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định. Ngoài Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến, DevDay 2015 còn thu hút hàng chục diễn giả trong và ngoài nước tham gia tư vấn, định hướng.

Việt Nguyễn

Ý kiến

()