Chúng ta

Chủ tịch FPT 'nghiện' sáng tạo

Thứ sáu, 13/5/2016 | 09:44 GMT+7

"Tôi sống là để sáng tạo. Không có sáng tạo đồng nghĩa với không tồn tại. Động lực cho tôi làm việc hứng khởi chính là sáng tạo. Nơi nào có sáng tạo tôi đều thích. Chính vì thế, tôi đến ĐH FPT lần thứ hai để chia sẻ", Chủ tịch Trương Gia Bình trải lòng với CBNV ĐH FPT chiều ngày 12/5 tại F-Ville, Hòa Lạc (Hà Nội).

Truong-Gia-Binh-620-9053-1463102826.jpg

Lần thứ 2 trong năm nay, Chủ tịch FPT đến ĐH FPT nói chuyện và truyền lửa cho CBNV. 

Khoảng 60 người gồm Ban lãnh đạo, Ban giám hiệu, cán bộ phòng đào tạo và chủ nhiệm các bộ môn của ĐH FPT đã tham gia buổi chia sẻ của anh Bình tại Hòa Lạc. Dù xoay quanh nội dung về Constructivism (Chủ nghĩa kiến tạo) và truyền lửa cho nhân viên, nhưng buổi nói chuyện thu hút hơn bởi những câu chuyện thú vị và mới mẻ. 

Với cây bút trên tay, những tấm bảng, hình vẽ và phong thái ung dung như thường lệ, anh Bình như "rút ruột" để bày tỏ quan điểm về phương pháp giáo dục kiến tạo mà bản thân đã chiêm nghiệm và đúc rút từ rất lâu. "Con người là một động vật học, vì vậy, học là một bản năng. Nếu tạo hứng thú cho người học thì họ sẽ không thể dừng được việc học này, và việc học trở thành một niềm đam mê đến trọn đời", Chủ tịch FPT khẳng định.

Anh chia sẻ ước mơ ĐH FPT sẽ thay đổi giáo dục Việt Nam và trên toàn thế giới. ĐH FPT không phải là trường đào tạo lập trình mà là đại học sáng tạo. Để nắm bắt cơ hội này, không còn cách nào khác là đưa Constructivism vào giảng dạy. Chính Constructivism sẽ giúp đào tạo công dân có sự khác biệt và sáng tạo các giá trị mới chứ không chỉ đơn thuần thuần thục các kỹ năng như một bộ máy. 

Truong-Gia-Binh-1-620-2050-1463102826.jp

Anh Bình thích đến ĐH FPT nói chuyện vì đây là nơi tràn đầy sự sáng tạo. 

Có ba yếu tố cốt yếu để tạo nên phương pháp học kiến tạo chính là: Hứng khởi, các "case" thực tế và học theo nhóm. Trong đó, anh nhấn mạnh nhất yếu tố "hứng khởi" của người học - linh hồn của Constructivism. "Bởi bản thân tôi trải qua hai quá trình: Một là học theo cách truyền thống thì không đọng được nhiều. Nhưng khi tôi tự học, tự sáng tạo và học theo cách kiến tạo thì không bao giờ quên". 

Quá trình học tập kiến tạo cần tìm hiểu (dùng trí não để nhận thức thế giới khách quan và tháo từng mảnh ghép để quan sát), nâng cấp (tìm mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng), "một thoáng lơ đãng" (đam mê, sáng tạo thoải mái mà lòng thanh tịnh) và sáng tạo (từ tất cả mảnh ghép trên kết nối mà thành kết quả). Để thúc đẩy quá trình này cần có sự tranh biện, học nhóm, cá thể hóa, kết nối, sử dụng học liệu mở...

So với phương pháp giáo dục truyền thông, cách thức của giáo dục kiến tạo là sử dụng hình vẽ, hình ảnh, âm thanh, sự kích động nhằm gây tò mò và lôi cuốn người học vào bài giảng. Người dạy không truyền tải dàn trải kiến thức mà dẫn dắt, chỉ đường để sinh viên hứng thú khởi tạo kiến thức cho riêng mình. 

Khi nhiều giảng viên ĐH FPT còn đang hoài nghi về tính hiện thực của Constructivism, anh Bình nhún vai: "Hãy tham gia vào lớp dạy thử của tôi chiều ngày 17/5". Bận trăm công nghìn việc, anh vẫn dành thời gian để chuẩn bị tài liệu cho buổi đứng lớp dạy thử nghiệm môn Toán bằng phương pháp Constructivism. Anh hài hước: "Với cách học hiện tại, trong một buổi học, sinh viên đang học kiến thức của hai cuốn giáo trình với 79 slide nhưng tôi chỉ rút gọn còn 2 slide. Thế giới này là thế giới có cấu trúc. Nếu nhìn ra kết cấu đó, chỉ cần thêm vào, chi tiết hóa nó thì sẽ ra lời giải". 

Bên cạnh đó, Chủ tịch FPT cho rằng, không chỉ người học hứng khởi mà người dạy cũng cần hào hứng mới dễ thành công. Vì vậy, thời gian còn lại của buổi nói chuyện, anh đem tâm huyết về giáo dục đào tạo để truyền lửa đến các CBNV làm về giáo dục. Đây chính là yếu tố tiên quyết giúp thúc đẩy và hiện thực hóa mọi sự sáng tạo, biến khát vọng thành sự thật. 

Anh bộc bạch, sống trong đời, ai cũng cần một khát vọng cháy bỏng. Sống không có mục tiêu, làm như cái máy coi như cuộc đời vô nghĩa. Giáo dục tiên phong của thế giới chính là ở ĐH FPT. Vì vậy, người FU cần "đập phá", dịch chuyển và thay đổi. Và thời điểm "vàng" này sẽ không bao giờ lặp lại nữa. 

Đặc biệt, thầy cô giáo, CBNV của trường cần "ám ảnh bởi khách hàng". Không có điều gì thành công và hạnh phúc bằng việc học trò của mình thành đạt. Đồng thời, ĐH FPT nên tạo sân chơi thú vị, phong phú để có thể giúp người học đam mê, hứng khởi. 

Truong-Gia-Binh-2-620-9097-1463102826.jp

Các CBNV chụp ảnh lưu niệm với anh Bình khi chương trình kết thúc.

Và trên hết, mỗi người cần coi công việc mình đang làm như chính cuộc đời mình, việc trường như việc nhà. Bắt đầu bằng câu chuyện cá nhân, anh khiến không ít người nể phục vì quan điểm "sống mà chỉ hưởng thụ sẽ làm mình tha hóa". Hằng ngày, ở phòng anh luôn chỉ bật sáng nửa phòng. Khi có khách, điện mới được thắp sáng khắp căn phòng. Giấy luôn được anh tận dụng viết hết hai mặt. Trước khi về, anh Bình lại đi một lượt, phòng nào còn sáng đèn, anh tự tay tắt. 

Ngoài phần chia sẻ, người đứng đầu tập đoàn cũng dành nhiều thời gian nghe và trả lời băn khoăn, thắc mắc của CBNV, giảng viên của ĐH FPT. Những câu hỏi về phương thức áp dụng trong thực tế, cách truyền hứng khởi cho sinh viên... đều được anh Bình tiếp nhận, giải đáp cặn kẽ và chi tiết. 

Buổi nói chuyện kéo dài hơn so với dự kiến một giờ đồng hồ nhưng tất cả CBNV ĐH FPT đều ngồi đến phút cuối. Tập trung nghe anh Bình chia sẻ trong 3 giờ, anh Trần Đình Trí, Chủ nhiệm bộ môn CNTT ĐH FPT, chia sẻ: "Đây không phải là một bài giảng mà là buổi chia sẻ thực sự hữu ích. Chỉ những người có tâm huyết, có nghiên cứu về giáo dục như anh Bình mới có thể có đúc rút, chia sẻ sâu sắc như vậy, đặc biệt là phương pháp giáo dục kiến tạo. Tôi nghĩ để thành công tại ĐH FPT, việc ứng dụng Constructivism cần thực hiện từ từng bài học, môn học và các khóa".

Trước đó, chiều ngày 28/3, tại cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cũng đã có buổi nói chuyện và truyền lửa cho hơn 30 cán bộ quản lý của đơn vị trong Khối Giáo dục FPT.

Lưu Vân

Ý kiến

()