Chúng ta

Chống chọi với giá lạnh nơi xứ người

Thứ sáu, 10/2/2012 | 14:33 GMT+7

Rất nhiều quốc gia đang hứng chịu thời tiết vô cùng khắc nghiệt, đâu đâu cũng thấy cảnh băng tuyết rơi trắng đường. Hàng trăm cán bộ nhân viên FPT tại Pháp, Đức, Phần Lan, Mỹ, Nhật Bản đang phải sống và làm việc ở nhiệt độ xuống dưới ngưỡng... tủ để đá.

Bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá rét và băng tuyết, nhiệt độ một số vùng ở Paris (Pháp) cũng đã xuống dưới mức 0°C, nhiều tuyến đường bị ngập chìm trong tuyết, gây ảnh hưởng lớn tới giao thông đi lại. Hiện nay, tuyết đã ngừng rơi nhưng vẫn phủ quanh trụ sở FPT EU, đặc biệt có nơi dày tới 15 cm.

FPT hiện có 9 chi nhánh và văn phòng đại diện tại các nước: Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Pháp, Mỹ, Australia, Campuchia và Lào.

Là nhân viên FPT thường trú duy nhất tại Pháp, chị Cung Phương Hoa cho biết: “Năm nay mùa đông đến muộn và thay đổi nhiệt độ rất nhanh. Chỉ trong vòng một tuần, đang từ trên dưới 10°C đã xuống âm độ (trung bình từ -5°C, và có lúc xuống tới -16°C). Vì thế mọi người càng thấy lạnh, nên hạn chế ra ngoài hết mức”.

Rất may trong các văn phòng, tòa nhà tại Pháp được trang bị hệ thống lò sưởi rất tốt, nước nóng luôn có sẵn. Hơn nữa, với đặc thù công việc của “người thường trú” hỗ trợ thông tin, đi lại, kỹ thuật… trực tuyến, nên dù nhiệt độ chênh gần 30°C so với Việt Nam, song chị Hoa cũng chưa gặp phải khó khăn gì trong việc di chuyển, lương thực…

Khó khăn nhất là những người thường xuyên phải di chuyển. Với anh Lê Hà Đức, Giám đốc FPT châu Âu, phải họp hành và tiếp khách liên tục nên thời tiết băng tuyết kéo dài là một thách thức lớn.

Nằm ở phía Bắc của nước Mỹ, mùa đông tại Minnesota lạnh lẽo và khô, với đủ loại hình thời tiết gồm tuyết, đóng băng mỏng, băng, mưa, giông, lốc xoáy và sương mù. Có thể nói, đây là khu vực đô thị lạnh nhất nước Mỹ tính theo nhiệt độ trung bình hằng năm.

Anh Đặng Sỹ Hải, một trong 5 cán bộ nhân viên FPT USA đang sinh sống và làm việc tại đây, chia sẻ: “Mấy ngày nay trời đột nhiên ấm như mùa xuân với nắng vàng ươm, nhiệt độ chỉ khoảng 2 đến -6°C. Vì độ ẩm trong không khí rất thấp nên mình không cảm thấy lạnh như ở Hà Nội. 10°C ở đây người khỏe có thể mặc áo cộc tay, nhưng ở nhà thì đã thấy cắt da cắt thịt”.

Anh Đặng Sỹ Hải - FPT US trong một ngày bão tuyết. Ảnh: NVCC.

Anh Đặng Sỹ Hải - FPT US trong một ngày bão tuyết. Ảnh: NVCC.

Tuy vậy, trước đó một tháng, Minnesota đã có tuần lạnh tới -26°C. Và anh Hải gặp phải tình huống nhớ đời. Vào một buổi chiều khi ra khu đỗ xe 5 tầng, đinh ninh là biết chắc chỗ đỗ xe, anh không ngờ tìm mãi vẫn không thấy. Càng cố tìm càng thấy lạnh. Đến lúc không chịu được nữa thì nhìn thấy xe nhưng hai bàn tay đã cóng, lạnh cứng không mở nổi cửa ôtô nữa. Anh Hải phải ngồi gập chân và cho bàn tay vào giữa một lúc.

“Vào đến xe đâu đã thoát nạn. Tay lái hút dính tay mình vào như cầm vào cục đá già trong tủ lạnh vậy. Nổ máy và ngồi yên một lúc thì bắt đầu thấy tai đau nhức. Hóa ra, lúc ở ngoài lạnh quá không để ý, tai bị mất cảm giác. Từ đó trở đi, bao giờ trong xe mình cũng mang thêm áo rét và khi đỗ xe thì ghi nhớ vị trí đỗ thật kỹ trong đầu”, anh nhớ lại.

Anh Hải cho biết, năm ngoái thời tiết còn khắc nghiệt hơn năm nay, nhưng cán bộ nhân viên FPT USA vẫn kiên trì khắc phục khó khăn, đi làm hằng ngày, không ai nghỉ ngày nào.

Có lẽ trên thế giới không có nơi nào mà sự chênh lệch về nhiệt độ giữa lạnh nhất và nóng nhất có khi lên tới 80°C như ở Phần Lan. Một hướng dẫn viên du lịch Phần Lan từng nói vui với khách nước ngoài rằng trẻ em Phần Lan vừa mới lọt lòng đã được gắn vào chân hai ván trượt tuyết. Điều đó nói lên rằng tuyết, và đi cùng với tuyết là lạnh, được coi là nét tiêu biểu cho khí hậu của Phần Lan

Theo anh Vũ Hoàng Nam, FPT Software tại Helsinki (thủ đô của Phần Lan), hiện tại, nhiệt độ ban ngày của Helsinki dao động từ -8°C đến -3°C. Tuyết không rơi nhiều nữa, nhưng cũng đã kịp phủ một màu trắng xóa lên thủ đô cổ kính này. “Nhúng” chân xuống đường, tuyết ngập đến đầu gối.

Đây là mùa đông thứ ba của anh Nam tại Phần Lan, kỷ niệm những ngày đầu vẫn còn như mới: “Lần đầu tôi đặt chân tới thành phố Oulu vào giữa tháng Giêng, đúng thời gian lạnh nhất trong năm. Dù mặc ấm mấy, tôi vẫn cảm thấy cái lạnh thấu tới tận xương tủy. Có lần tôi còn suýt xỉu vì lạnh cóng khi bị lạc mà đường phố tối tăm, hiu quạnh, chẳng có một bóng người nào để hỏi thăm”.

“Thế nhưng đến năm nay thì đã quá quen với cái lạnh rồi. Thời tiết như hiện nay được coi là ấm so với năm ngoái”, anh Nam chia sẻ.

So với các quốc gia ở châu Âu và Mỹ, Nhật Bản đỡ băng tuyết hơn, song từ ngày 1/2 vừa qua, tuyết cũng đã bắt đầu rơi dày.

Đã cắm chốt ở Yokohama gần 2 tháng, đây là lần đầu tiên trong đời Nguyễn Anh Tú (Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển Phần mềm FPT - FRD, thuộc FPT Software) được tận hưởng tuyết và giá rét ở xứ sở hoa anh đào.

“Thời tiết lạnh khô nên không bị rét buốt như ở Việt Nam. Vài ngày nay, trời có mưa nhỏ, nhiệt độ có hôm lên đến 8°C”, Tú cho biết.

Đến Nhật đúng những ngày giữa mùa đông, chưa kịp thích nghi với tuyết, với Tú “cảm giác những cơn gió như cắt thịt da, lạnh căm. Tuyết mịn, mượt mà nhưng cũng lạnh buốt”. Ảnh hưởng lớn nhất là anh em thiếu các loại quần áo chống rét, chống ngấm nước. Thêm nữa, tuyết rơi nhiều nên tàu bị trễ, muộn giờ làm, đành phải ở lại làm thêm cho kịp tiến độ.

CBNV onsite trượt tuyết tại Nhật. Ảnh: NVCC.

CBNV onsite trượt tuyết tại Nhật. Ảnh: NVCC.

Sau này khi đã quen, một số người lại thích vui chơi, trượt băng, thậm chí cả tắm. Anh Tú kể: “Anh em onsite đã rủ nhau lặn lội lên tận miền Bắc của Nhật để thỏa sức trượt tuyết. Ở đó tuyết rơi mù trời, dày đặc. Cảm giác phê không tả được".

CBNV onsite ở đây đang mong chờ những tia nắng mùa xuân với sắc hồng của hoa anh đào. “Phía nam là nơi mùa xuân tới trước tiên. Hiện nay, hoa anh đào vẫn ẩn mình trong tuyết và mưa. Chỉ cần bước sang tháng 3, một thoáng đã thấy hoa anh đào hồng rực ngập tràn trên nhiều tuyến phố”, anh Tú chia sẻ.

Thu Thủy

Ý kiến

()