Chúng ta

Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc trong hồi ức của nhạc sĩ nhà F

Thứ bảy, 16/2/2019 | 23:28 GMT+7

“Trong một trận đánh ác liệt ở Vị Xuyên (Hà Giang), 600 đồng đội của tôi đã hi sinh, gần 1.000 đồng đội bị thương. Chúng tôi, những người còn sống đi chôn xác đồng đội”, nhạc sĩ Trương Quý Hải, Ban Văn hóa – Đoàn thể FPT, hồi tưởng.

“Tôi lấy trong túi áo của một đồng đội đã hi sinh, bức thư viết trên vỏ bao thuốc lá Sa Pa ướt đẫm, màu mực Cửu Long và máu nhòe vào nhau, chỉ còn 3 chữ “Mẹ kính yêu”. Đêm đó, chúng tôi hát cho đồng đội nghe, không đàn, không đèn, không giấy, bút…”, anh Hải kể và cho hay, bây giờ, ở nghĩa trang Vị Xuyên chủ yếu là liệt sĩ vô danh, bởi trong trận đánh tang thương đó, 10 chiến sĩ thì chỉ khoảng 2 người còn có thể tìm thấy tên tuổi, quê quán.

Bức thư của đồng đội chưa kịp hoàn thành… Ngồi bên những nấm mộ chính mình mới đắp cho anh em, chàng lính tuyên văn viết tiếp bức thư cho đồng đội, hát cho anh em nghe. Những người còn sống như anh truyền miệng nhau bức thư ấy và gọi là “Thư gửi mẹ”. Đó là lời ca khúc “Thư về với mẹ” mà sau này anh viết.

2-1436759843-660x0-5380-1550309929.jpg

Năm 2015, hơn 20 người gồm: 3 cựu chiến binh FPT (anh Trương Quý Hải - Ban Văn hóa và Đoàn thể FPT, anh Nguyễn Tuấn Anh, cựu nhân viên FPT, anh Nguyễn Hải Minh - FPT Service thuộc FPT IS) từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, các CBNV Văn hóa - Đoàn thể đến từ công ty thành viên trong FPT và người FPT đã về nguồn để thắp hương, tưởng nhớ các anh hùng đã hy sinh đem lại hòa bình cho dân tộc. Ảnh: Lê Hoàng.

Cũng như “số phận” lặng lẽ của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc trong những trang sách lịch sử, những người lính biên cương năm xưa trở về với cuộc đời thực cũng lặng lẽ mang trong lòng những ký ức khốc liệt vì không nhiều người Việt Nam, nhất là những người trẻ, hiểu rõ về cuộc chiến tranh này.

“Nếu chúng tôi nói về cuộc chiến này với cha mẹ thì cha mẹ có thể hiểu, nhưng nếu nói với bạn bè, anh em thì mọi người sẽ ít quan tâm. Dần dần, chúng tôi tránh nói về chiến tranh biên giới phía Bắc”, nhạc sĩ Trương Quý Hải trầm tư.

Cách đây 40 năm, Trung Quốc nổ súng tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, gây nhiều đau thương cho người dân. Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km.

Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố "hoàn thành mục tiêu chiến tranh" và rút quân. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, thường xuyên gây xung đột vũ trang. Đến năm 1989, cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược mới kết thúc.

Những ngày tháng 2 của 40 năm sau, câu chuyện về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) vẫn luôn hiện rõ trong ký ức của nhạc sĩ Trương Quý Hải. Năm 1978, khi mới 15 tuổi, anh Hải đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ nhưng không được nhận vì chưa đủ tuổi. Năm 1982, anh Hải chọn thi vào Đại học Mỏ - Địa chất để có cơ hội sống và học tập trên đất Thái Nguyên. Nhưng năm đó trường lại chuyển về huyện Từ Liêm, gần nhà quá nên anh xin bảo lưu kết quả, chọn con đường quân ngũ.

Anh Hải lên đóng quân ở Lào Cai, khi ấy, vết tích chiến tranh từ năm 1979 vẫn còn hằn đậm. Khi Trung Quốc tiếp tục âm mưu “vẽ lại đường biên giới”, đơn vị anh được lệnh hành quân từ Lào Cai sang Hà Giang. Xe chạy đến Tuyên Quang, thấy người dân đứng hai bên đường ra vẫy chào quân, ném lên xe ôtô chuối, mía, bánh kẹo, thuốc lá… và vẫy tay: “Đi về nhé!”. Khi đó, anh Hải và các đồng đội mới cảm nhận không khí cuộc chiến. "Càng lên phía trên, không khí cuộc chiến càng rõ. Lúc ấy, chúng tôi biết rõ nhiệm vụ là hỗ trợ sư đoàn 313 đang chiến đấu", anh nói.

Năm 1984, chàng lính Trương Quý Hải trực tiếp tham gia cuộc chiến ở Vị Xuyên. Lúc mới vào bộ đội, anh ở đội tuyên văn sư đoàn. Khi vào chiến trường thì đội tuyên văn giải tán. Anh đi vác đạn, hỗ trợ chăm sóc thương binh. "Vác đạn vất vả nhưng tôi không nghĩ nhiều về việc đó. Khi chăm sóc thương binh, có những anh bị thương mười mấy phát đạn trên người, cưa chân cưa tay xong không một tiếng kêu rên", anh nhớ lại. 

Mặt trận Vị Xuyên khi ấy quá khốc liệt, tuổi mới 21-22, anh lính trẻ đã phải chứng kiến những đồng đội cũng trẻ măng như mình ngã xuống. Nhiệm vụ của anh Hải khi đó còn là công tác tử sĩ, chôn cất anh em. "Tôi bế xác anh em từ trên xe xuống, tìm thông tin, bê những quan tài lên chôn cất".

Sau khi Trung Quốc thông báo rút quân, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn dai dẳng. 35 năm trước, 12/7/1984 là ngày diễn ra trận chiến khốc liệt nhất tại mặt trận biên giới Hà Giang với bí danh MB84. Trong một ngày, 600 chiến sĩ sư đoàn 356 hy sinh. Cũng từ đó, ngày 12/7 trở thành “ngày giỗ trận”.

Sau đó, anh em đồng đội của Sư đoàn 356 có ước nguyện lập cây hương ở cao điểm 468 trong dịp kỷ niệm 30 năm sau chiến dịch MB84 để lấy chỗ “đi về” cho những liệt sĩ đã hy sinh mà vẫn đang nằm lại chiến trường, chưa tập kết được về nghĩa trang liệt sĩ.

“12/7 là một ngày đặc biệt - ngày “giỗ trận” của sư đoàn. Một ý tưởng chợt đến để tôi viết ca khúc này là nếu đài hương được lập nên ở cao điểm 468 thì những người còn sống sẽ gặp lại những người đã hy sinh, thì sẽ nói gì với những người bạn đã mất”, anh Hải chia sẻ.

Viết xong câu đầu tiên: “Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn. Hà Giang đã ngưng chiến trận” tả thực, anh Hải hẫng một chút bởi tưởng “hết vốn”. Nhưng rồi, như có ai “nhắc bài”, câu tiếp theo, và câu tiếp theo nữa cứ thế trào ra.

truong-quy-hai-anh-van-duan-152354915.jp

Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát cho đồng đội - những người đã ngã xuống trong chiến tranh biên giới Việt - Trung. Ảnh: Văn Duẩn.

“Sau đó bài hát nó cứ theo mạch và đi. Tôi nói với anh em, đấy là vong linh của đồng đội về mách cho mình. Bài hát cũng là nỗi niềm của chúng ta, những người còn sống nói với những đồng đội đã hy sinh", anh Hải trải lòng.

“Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào… Hãy về đồng đội ơi... Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi, về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười. Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hoà. Nhìn kia, đồng đội tôi 1509 máu thắm quân kỳ; 772, 685 anh em đang về. Và kia 1100, 233 Cô Ích, bốn hầm, bờ suối, dốc núi, anh em về dần. Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu…”.

Bài hát hoàn thành khiến chính tác giả cũng ngỡ ngàng. “Rồi từ đấy, nó trở thành bài hát chung của không chỉ anh em Sư đoàn 356, mà tất cả các “đơn vị bạn” mỗi khi có dịp gặp nhau lại cùng hát”, nhạc sĩ xúc động. 

40 năm sau những phát súng đầu tiên ở biên giới phía Bắc, nhạc sĩ Trương Quý Hải vẫn cho rằng thời gian trong quân ngũ là quãng thời gian đẹp của mỗi thanh niên. “Chúng tôi luôn trao cho nhau nụ cười hy vọng mỗi khi gặp trên chiến trường dù không quen biết, có những đồng đội bị thương, trước lúc hy sinh nước mắt chảy ra nhưng miệng vẫn cười đầy kiên cường".

Cùng nghe 'Về đây đồng đội ơi' do chính nhạc sĩ Trương Quý Hải thể hiện:

Tân Phong 

Video: Youtube

Ý kiến

()