Chúng ta

‘Về FPT, tôi như cá gặp nước’

Thứ sáu, 2/12/2011 | 14:26 GMT+7

Là kiện tướng quốc gia và thế giới môn Pencak Silat, với hơn 14 năm luyện võ, Vũ Mạnh Tuấn, cán bộ phòng tuyển sinh Đại học FPT đã có bộ sưu tập huy chương khá hoành tráng ở cả giải trong và ngoài nước.

Song song với công việc tại ĐH FPT, Tuấn còn làm trọng tài môn Pencak Silat. Trước đó, anh đã tham gia điều hành các giải thi đấu vô địch quốc gia, Cup quốc gia, Indoor Games, SEA Games 25 tại Vientian - Lào.

a

Ngoài đời, Tuấn là người nhiệt tình, năng động và sáng tạo trong mọi việc.

Năm 1997, Hội Võ thuật Hà Nội mở câu lạc bộ Pencak Silat tại trường THCS Nam Thành Công, nơi anh đang học. Lúc đó, môn võ này còn khá lạ lẫm, chưa được nhiều người biết đến.

Mới là học sinh lớp 7, được bạn bè rủ đi tập võ cho vui, Tuấn liền xin bố mẹ đi tập vào các buổi chiều với mục đích rèn luyện sức khỏe. Không ngờ, niềm đam mê võ học ngấm vào anh lúc nào không biết.

Một năm sau đó, giải Pencak Silat học sinh thủ đô Hà Nội được tổ chức tại Nhà thi đấu Quần Ngựa. Anh được đại diện cho đội tuyển trường tham gia thi đấu ở hạng cân 39 - 42 kg. Tại giải đấu này, anh đã giành huy chương Bạc đầu tiên trong đời vận động viên. Sau giải đó, Tuấn tham dự thêm hai giải dành cho học sinh thành phố và cũng đoạt huy chương Bạc ở hạng cân 45 kg.  

a

Vũ Mạnh Tuấn (hàng dưới, thứ 3 từ phải sang trái) tham gia giải Pencak Silat 2001.

Qua các giải đấu, Tuấn được Ban huấn luyện đội tuyển Pencak Silat Hà Nội để ý. Cuối năm, Tuấn gia nhập đội tuyển Pencak Silat thành phố Hà Nội. Dù rất yêu thích võ nhưng vì còn đang dở dang việc học nên Tuấn đành gác ước mơ sang một bên.

Đến năm 2000, sau khi Tuấn tốt nghiệp cấp II, các thầy trong ban huấn luyện đến tận nhà động viên gia đình cho anh tham gia đội tuyển chuẩn bị tập huấn cho Giải trẻ thế giới.

Tuấn chia sẻ: “Vì niềm đam mê, tôi xin phép bố mẹ cho lên đội tuyển để tập luyện và thi đấu, cũng may bố mẹ cũng ủng hộ”.

Anh đã quyết định chuyển sang trường năng khiếu thể thao để có nhiều thời gian tập luyện hơn. Năm đó, Tuấn tham dự Giải trẻ Thế giới và đoạt được 2 huy chương Bạc. Sau thành tích này, anh được triệu tập vào đội tuyển Pencak Silat Quốc gia tham dự giải Vô địch thế giới và SEA Games 21.

Theo Tuấn, các kỹ thuật cơ bản của võ học tương đối giống nhau, đòi hỏi người tập phải có sức chịu đựng bền bỉ dẻo dai, thân pháp uyển chuyển khéo léo, động tác nhanh, mạnh dứt khoát. Và quan trọng nhất, người tập phải có ý chí quyết tâm và tinh thần thượng võ.

Vũ Mạnh Tuấn

Năm sinh: 1984.

Sở thích: Thể thao

Sở trường: Chém gió

Sở đoản: Ngượng khi nói chuyện với con gái

Ngày vào FPT: 1/1/2009

Châm ngôn sống: Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ. Chơi không học bán rẻ tương lai.

Trước mỗi giải thi đấu, Tuấn

thường phải tập luyện với cường độ rất cao. Anh cho biết: “Có hôm đi tập về, bữa cơm được trung tâm chuẩn bị rất ngon và hấp dẫn nhưng do quá mệt, tôi chỉ nhanh nhanh, chóng chóng chan canh ăn vội bát cơm rồi lên phòng nghỉ”.

Với Tuấn, trong môn Pencak Silat, kỹ thuật khó nhất là đánh ngã. Vận động viên phải thực hiện cả kỹ thuật bắt chân đối thủ và đánh ngã chỉ được phép trong vòng 3 giây theo luật thi đấu. Để thực hiện động tác này, người tập phải hội tụ đầy đủ các tố chất nhanh, mạnh, bền, dẻo, khéo. Tuấn phải tập bổ trợ rất nhiều, từ tập thể lực chuyên môn, cho đến thể lực chung, tập từ cách thức bắt chân khống chế đối phương không bị mất trọng tâm cho đến quật ngã đối phương hiệu quả và nhanh nhất.

a

Tuấn (phải) điều hành giải tại Indoor Games 2009.

Trong quá trình thi đấu, Tuấn có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tại Cup quốc gia năm 2000, Tuấn chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ tâm lý, thể lực, kỹ thuật để khẳng định được bản lĩnh thi đấu và ý chí quyết tâm sau khi thất bại ở giải Vô địch thế giới.

Trước giải đấu, giới chuyên môn đều nhận định khả năng giành huy chương Vàng của anh ở nội dung đơn nam là rất lớn.

Trong lúc Tuấn khởi động chờ thi đấu, một cô bé cùng đội đến bên cạnh động viên và chúc Tuấn thi đấu thành công (vợ anh bây giờ). Không ngờ, lời chúc làm Tuấn hưng phấn tột độ và đến lúc thi đấu không thể hiểu nổi tại sao không khống chế được khoảng thời gian quy định cho bài biểu diễn. Mặc dù điểm kỹ thuật xuất sắc, do trừ điểm lỗi thời gian nên Tuấn đành ngập ngùi nhận huy chương Bạc. Còn người giành được huy chương Vàng chính là anh trai của cô gái đến chúc Tuấn thi đấu tốt. Tuấn tâm sự: “May sao giải đó tôi gỡ gạc được tấm huy chương Vàng đồng đội. Sau giải đấu này, tôi với vợ mình chính thức yêu nhau. Đúng là, trong cái rủi lại có cái may”.

a

Vũ Mạnh Tuấn (hàng trên, thứ 7 từ trái sang phải) tham gia SEA Game 2001 tại Malaisia.

Một kỷ niệm nữa là trước SEA Games 23 tại Việt Nam, Tuấn và anh Trần Vũ Quang (Trưởng bộ môn Giáo dục thể chất - ĐH FPT) tham gia thi đấu cùng một nội dung đồng đội nam. Cả Ban huấn luyện đội tuyển và chuyên gia Indonesia đều rất tin tưởng Tuấn và Quang sẽ giành tấm huy chương Vàng SEA Games tại Việt Nam.

Để chuẩn bị cho giải đấu, hai anh em tập luyện ngày đêm. Kể cả hôm Trung tâm Huấn luyện quốc gia mất điện, Tuấn và Quang vẫn thắp nến tập luyện với quyết tâm giành tấm huy chương Vàng SEA Games cuối cùng trước khi giã từ sự nghiệp thi đấu để đi học đại học.

Trớ trêu thay, đúng lúc niềm tin, lòng quyết tâm lên cao nhất, Quang lại bị dính chấn thương ngay trước thềm SEA Games. Hai anh đành ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ dang dở và nộp hồ sơ vào học tại trường Đại học Thể dục Thể thao Trung Ương I (Từ Sơn, Bắc Ninh) chuyên ngành Huấn luyện thể thao.

Tuấn tâm sự: “Khi bài hát ‘Niềm tin chiến thắng’ cất lên, nhìn đồng đội và bạn bè khoác lên người chiếc áo đội tuyển Việt Nam thi đấu dưới sự cổ vũ động viên của hàng vạn khán giả nước nhà, lúc đấy tôi thực sự thấy nghẹn ngào”.

Sau khi tốt nghiệp đại học, thời gian đầu được Tuấn được anh Trần Vũ Quang giới thiệu về FPT cuối năm 2008. Khi về với ĐH FPT, Tuấn được sự ủng hộ hết sức từ lãnh đạo và bạn bè đồng nghiệp trong công việc.

Anh tâm sự: "Về FPT, tôi như cá gặp nước. Tại đây, mọi người sống ôn hòa, tình cảm, giúp đỡ lẫn nhau và quan trọng nhất là thỏa sức sáng tạo và phát triển bản thân".

Từ lúc Tuấn còn là huấn luyện viên đội tuyển Pencat Silat Hà Nội, anh đã tìm hiểu và học hỏi môn võ Vovianam để áp dụng vào công việc huấn luyện. Bản thân Tuấn thấy thực sự cuốn hút bởi các kỹ thuật đòn chân tấn công của Vovinam. Khi vào FPT, Tuấn lại có nhiều cơ hội trau dồi hơn về môn võ này.

a

Tuấn (hàng trên) từng tham gia điều hành giải đấu tại SEA Game 25 tại Lào.

Có thời gian anh làm giảng viên Vovinam cho sinh viên Cao đẳng thực hành FPT. Tuấn cho rằng: “Dù không còn được huấn luyện các lứa vận động viên nữa nhưng giảng dạy, truyền đạt những kinh nghiệm của mình cho sinh viên và được các em yêu mến cũng là niềm hạnh phúc lớn lao”.

a

Từ ngày về FPT cuối năm 2008, Tuấn như "cá gặp nước".

Hiện, Tuấn nhận nhiệm vụ mới là làm công tác tuyển sinh tại Phòng Tuyển sinh, ĐH FPT. Đối với anh, đây là một thách thức không nhỏ, nhưng đó cũng là cơ hội để khai phá bản thân.

Tuấn chia sẻ dự định: “Tôi cố gắng tham gia điều hành một hoặc hai giải đấu Pencak Silat quốc gia để có đủ điều kiện tham dự lớp tập huấn chuẩn trọng tài quốc tế môn Pencak Silat”.

“Nếu thời gian cho phép, tôi sẽ tham dự lớp tập huấn trọng tài Vovinam quốc gia. Cố gắng tham gia điều hành tại các giải thi đấu quốc gia để mang đến sự công bằng và minh bạch cho vận động viên. Từ đó, để mọi người thấy được cái chất của người FPT, tinh thần FPT", anh bật mí thêm.

 

Thành tích thi đấu của Vũ Mạnh Tuấn khi tham gia giải Pencak Silat trong và ngoài nước

- Huy chương Bạc năm 1998, 1999, 2000 các giải vô địch học sinh Hà Nội.

- 5 huy chương Vàng liên tiếp vô địch quốc gia từ năm 1998.

- 4 huy chương Vàng, một huy chương Bạc giải Cúp quốc gia từ năm 2000-2004.

- 2 huy chương Bạc Giải trẻ thế giới năm 2000.

Lưu Vân

Ảnh: NVCC.

Ý kiến

()