Chúng ta

Trương Gia Bình và công cuộc kiến tạo nền công nghiệp phần mềm VN

Thứ năm, 2/1/2014 | 11:45 GMT+7

Đây không phải câu chuyện về máy tính hay về ngành công nghiệp phần mềm là tâm điểm chú ý của cả nước trong mấy năm qua mà về một bộ óc tài năng cùng với tập thể những đồng sự xuất sắc quyết tâm làm nên một thành tích chói lọi chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
> Khi stress được 'xả' vào sếp

Hầu hết tư liệu được lấy từ nguồn báo chí quốc gia, các tập san chuyên ngành và 50 cuộc phỏng vấn những người đã từng gặp gỡ và làm việc với ông Bình. Không chỉ mô tả chân dung của Trương Gia Bình, câu chuyện còn cho các bạn có cái nhìn tường tận về FPT, phong cách quản lý đặc thù, các chiêu bài, các chiến lược kinh doanh và nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về quản trị doanh nghiệp.

tgb-400-400207-1413016210.jpg

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình là thành viên sáng lập tập đoàn, dẫn dắt FPT phát triển thành công trong suốt 25 năm qua. Ảnh: C.T.

Vào cuối năm 1998, khi FPT tròn 10 tuổi thì Trương Gia Bình đã là một người nổi tiếng không chỉ ở Ấn Độ mà cả ở Mỹ. Còn ở Việt Nam quê hương ông, nơi mà một viên tướng nhỏ của FPT cũng dám mơ làm thủ tướng thì sự nổi tiếng của ông quả là không có giới hạn. Là một người thông minh, ông biết cơ hội của mình đã đến và là một người giầu tham vọng, ông không có ý định để cơ hội cứ thế trôi qua.

Ông thuộc thế hệ thanh niên Việt Nam sinh ra trong khói lửa chiến tranh. Cái đói, cái rét, đạn bom, chết chóc... đối với ông hoàn toàn không phải là chuyện nghe ai đó kể lại. Song cũng nhờ có chiến tranh mà con người Việt Nam đã kết thành một khối thống nhất “vì độc lập dân tộc, vì thống nhất tổ quốc” và mỗi thanh niên trong thế hệ ông đều có một niềm tự hào sâu sắc được sinh ra là người Việt Nam.

Năm 1974, một năm trước khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất, ông được chính phủ Việt Nam cử đi nước ngoài học tập để chuẩn bị cho công cuộc tái kiến thiết và xây dựng đất nước sau 30 năm chiến tranh. Tại phương Tây, hay chính xác hơn là tại Liên Xô, ông đã chứng kiến cảnh người Việt Nam bị chửi rủa, khinh bỉ, thậm chí bị đánh đập khi họ mua hàng gửi về nước. Hóa ra thế giới không hề biết đến niềm tự hào là người Việt Nam của ông. Tâm hồn ông bị tổn thương nặng nề. Nhưng chính điều đó đã giúp ông mở to mắt nhìn thẳng vào sự thật: nghèo đi liền với hèn. Sau khi tốt nghiệp Phó tiến sĩ toán lý tại một trường đại học danh giá nhất Liên Xô (MGU), ông cùng một số đồng đội của mình từ bỏ con đường nghiên cứu khoa học cơ bản để chuyển sang làm kinh tế, hy vọng mang lại sự giàu có cho bản thân và đất nước. Việc chia tay với nghiên cứu khoa học cơ bản của ông được nhiều người so sánh với sự kiện Bill Gates bỏ đại học để mở công ty phần mềm. Cũng như Bill Gates, sự sang ngang của ông đã tác động to lớn đến toàn bộ tương lai của ngành CNTT Việt Nam và thế giới.

Vào thời điểm năm 1998, ông và các cộng sự của mình đã dựng nên một công ty tin học có tiếng tăm lẫy lừng, bề thế hơn cả Công ty Microsoft lúc mới ra đời. Lễ kỷ niệm 10 năm và lễ đón nhận Huân chương lao động hạng hai của Công ty FPT là một sự kiện gây nhiều dư luận đến mức hàng tháng sau dân Hà Nội vẫn còn bàn tán. Thông thường, sau những thành công như thế thì người ta bắt đầu hưởng thụ. Nhưng Trương Gia Bình không phải là người thường. Ông chưa có ý định hưởng thụ và ông đã thuyết phục được hầu hết các cộng sự của mình có chung ý chí đó. Quyết định của ông nhận được sự ủng hộ tối đa của Lê Quang Tiến, là một trong số ít sáng lập viên có thực quyền trong công ty đến ngày hôm nay. Ông Tiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam (vào thời điểm đó) là hết sức bi đát, chắc chắn Việt Nam và Trung Quốc sẽ kéo cả thế giới chết theo, vì vậy thời gian sắp tới sẽ hết sức khó khăn.

Một văn kiện quan trọng định hướng cho công ty tin học số một quốc gia lúc đó là bản "Báo cáo 10 năm công nghệ FPT". Báo cáo dài 10 trang A4 và theo ông Bình tâm sự thì ông đã viết đi viết lại tới 7 lần. Những người gần gũi ông Bình đều nói rằng ông có khả năng viết rất nhanh và khá hay. Việc ông phải viết lại tới 7 lần chứng tỏ ông đã rất dao động khi ngồi đúc kết những kinh nghiệm dẫn đến thành công. Phải chăng ông cảm nhận được rằng, việc lặp lại kinh nghiệm của những năm tương đối may mắn vừa qua sẽ đảm bảo cho công ty một thất bại chắc chắn và muốn đạt được thành công trong giai đoạn tiếp theo, FPT cần phải đổi mới toàn diện. Vì thế, trong "Báo cáo 10 năm công nghệ FPT", ông đã rất khôn khéo chỉ đề cập đến một kinh nghiệm cốt lõi cần phải gìn giữ bằng mọi giá: Con người FPT, trong đó nhấn mạnh đến con người hiền tài. Phần kết của bản Báo cáo mới thực sự quan trọng, là mở đầu cho một cái mới mà ông muốn hướng mọi người đi theo: “Trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, chúng ta đứng trước những thử thách mới và vận hội mới to lớn hơn nhiều mà tiêu điểm chính của nó là phát triển và xuất khẩu phần mềm”. Lúc đó, không có ai đặc biệt chú ý đến tuyên bố này và ông Bình hiểu rằng còn quá nhiều việc phải làm để thay đổi tư duy cũ, để lôi kéo những con người đang hân hoan với chiến thắng bước vào một cuộc chiến đấu mới gian khổ hơn nhiều, nhưng nếu thành công thì ông sẽ trở thành người Việt Nam đầu tiên là tỷ phú đôla Mỹ.

truonggiabinh400-248090-1413016210.jpg

Trương Gia Bình có phong cách lãnh đạo đặc thù và được CBNV yêu mến, kính trọng. Ảnh: C.T.

Trong những ngày này, câu hỏi duy nhất trăn trở trong đầu ông Bình là: Làm thế nào để chuyển hướng FPT đang rất thành công ở các lĩnh vực khác sang xuất khẩu phần mềm. Ông Bình chịu ảnh hưởng nhiều phong cách lãnh đạo “lấy dân làm gốc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông không muốn quyết định một cách độc đoán, quân chủ. Ông thực tâm muốn thi hành dân chủ. Sẽ có những người vô trách nhiệm, phát biểu lung tung. Nhưng ông không sợ. Ông tin vào đa số sẽ ủng hộ ông. Nhân viên nào chống quá, cùng lắm ông cho nghỉ không ăn lương.

Một chiến dịch học tập và quán triệt "Báo cáo 10 năm công nghệ FPT" đã diễn ra, kết thúc bằng hội nghị tổng kết rầm rộ tại Đồ Sơn có tên là “Hội nghị Diên Hồng” - trùng tên với một hội nghị nổi tiếng trong lịch sử của các vua Trần lấy ý kiến toàn dân nên hòa hay nên đánh giặc Thát đát vào thế kỷ 13. Chủ ý của ông Bình là muốn có sự ủng hộ cao của hàng ngũ tướng lĩnh cho quyết tâm xuất khẩu phần mềm. FPT đã trở thành công ty tin học số 1 Việt Nam, bỏ xa các đối thủ thứ hai, thứ ba... Không có thách thức đồng nghĩa với mất phương hướng. Vì vậy, ông Bình nói rằng, điều quan trọng nhất vào thời điểm này là phải tìm ra những thách thức mới. Và thách thức đó phải là xuất khẩu phần mềm.

Nhưng diễn biến của Hội nghị Diên hồng tại Đồ Sơn lại không hoàn toàn như dự kiến của ông. Tham luận đầu tiên gây sự hưng phấn rất cao là của Đỗ Cao Bảo với tiêu đề “Xây dựng một hình ảnh FPT mới”. Là một tướng lắm tài, nhiều chiến công nên ông Bảo nói gì người ta cũng nghe. Ông Bảo cho rằng, FPT hôm nay không còn là công ty số một quốc gia mà là con chim đầu đàn, nên mỗi hành động của FPT sẽ được các công ty khác bắt chước, sao chép lại. Điều này vô cùng nguy hiểm vì khả năng sáng tạo của FPT không phải là vô hạn.

Để khắc phục nhược điểm này, ông Bảo đề nghị là phải có một số hư chiêu. Xuất khẩu phần mềm nếu thành công thì tốt, ngược lại nếu thấy khó khăn quá thì ta vẫn thổi lên biến thành hư chiêu. Một công thần bảo thủ khác là ông Bùi Quang Ngọc cho rằng trong nước vẫn còn khối thách thức, chẳng sợ mất phương hướng và tin học trong nước vẫn là quả đấm thép. Phụ trách FPT phía Nam, ông Hoàng Minh Châu thì cho rằng phương hướng sắp tới của chi nhánh là xây trụ sở mới cho tương xứng với hình ảnh của một công ty đầu đàn. Báo cáo của ông Phan Ngô Tống Hưng về vai trò của Phi tin trong hệ thống FPT - “FPT phải đi bằng hai chân” lại càng làm cho “tiêu điểm xuất khẩu phần mềm” bị mờ hơn. Ông Lê Quang Tiến cũng ủng hộ ông Hưng, cho rằng, bây giờ khó khăn thì Phi tin mới là cứu cánh vì không phải bỏ vốn, không phải đầu tư...

Cho đến khi báo cáo "đinh" của Hội nghị “Chết hay là Xuất” do ông Nguyễn Thành Nam trình bày thì hầu hết mọi người đã bội thực về các định hướng chiến lược khác nhau. Mặc dù có tài biến báo, ông Nam cũng không thuyết phục được ai nhổ lúa để trồng cà phê xuất khẩu, kể cả việc ông đã hù dọa mọi người năm tới mất mùa lúa, không gì có mà ăn.

Ông Bình rất buồn vì một ngày trôi qua mà chẳng thêm được tướng lĩnh nào chia sẻ quyết tâm “xuất khẩu phần mềm” của ông. Trong bữa nhậu tối, như thường lệ, ông Tiến lại cống hiến cho cử toạ các chuyện cổ kim đông tây, chuyện nào cũng buồn cười. Khi ông Tiến kể đến đoạn “Lưu Bị than thở gần năm mươi tuổi đầu mà vẫn phải đi ở nhờ đất của Lưu Chương” thì ông Bình bỗng ôm mặt khóc hu hu, ai can cũng không được. Ông vừa khóc vừa ngẹn ngào nghe thật thương tâm: “Ta nay ngoài bốn chục tuổi đầu cũng chỉ biết mua rẻ bán đắt, một phần mềm cỏn con như Microsoft Office cũng không tự làm ra được, phải cúi mặt xài chùa. Nghĩ lại xấu hổ quá, thật không bằng cả cái tên Lưu Bị, Lưu Bịch ngày xưa, các ngươi bảo ta không đau lòng sao được!”. Chính cảm xúc chân thật trong lúc có hơi men của ông đã thuyết phục được mọi người và ngày hôm sau cả hội nghị đã nhất trí chào nhau bằng câu “Xuất hay là chết”. Hội nghị Diên Hồng tại Đồ Sơn có thể coi là hòn đá đầu tiên của công cuộc kiến tạo ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam mà ông Bình là người chủ xướng quan trọng nhất.

Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình và TGĐ Bùi Quang Ngọc được coi là 'cặp bài trùng' của FPT. Ảnh: C.T.

Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình và TGĐ Bùi Quang Ngọc được coi là 'cặp bài trùng' của FPT. Ảnh: C.T.

Những người không có cơ hội gần gũi ông Bình sẽ không bao giờ hiểu được ông là người có nghị lực và quyết tâm lớn lao nhường nào. Ông hiểu thành công của Hội nghị Diên Hồng tại Đồ Sơn chỉ là khởi đầu. Sự ủng hộ của các tướng lĩnh mới chỉ ở lời nói chứ chưa phải bằng việc làm. Mà ai cũng đang bận làm một việc gì đó, nên ông sẽ là người duy nhất trong lúc này phải lo giải quyết từng việc một. Ông Bình thuộc tuýp người càng khó khăn, tiềm năng trong ông càng trỗi dậy.

Việc đầu tiên là ông nói chuyện với Lê Quang Tiến, Phó TGĐ Tài chính, một nhân vật đang giữ toàn bộ tiền của FPT. Vốn thông minh nên ông Tiến nhanh chóng đồng ý xuất khẩu phần mềm là một định hướng đúng. Nhưng là con người tài chính - rất thực tế, ông nghi ngờ khả năng cụ thể của đội ngũ phần mềm FPT nói riêng và Việt Nam nói chung. Sau nhiều ngày thảo luận, ông Tiến đã đồng ý chi khoản ngân sách 1 triệu USD cho dự án đầu tư phát triển phần mềm xuất khẩu. Không biết 1 triệu USD là nhiều hay ít, ông Bình hoàn toàn thỏa mãn về nguồn lực tài chính đã được đảm bảo này.

Một vấn đề quan trọng khác đối với xuất khẩu phần mềm là quy trình sản xuất. Vào thời điểm đó, FPT còn chưa có chính sách chất lượng. Các quy trình sản xuất kinh doanh hoặc chưa có, hoặc có thì cũng chẳng ra gì. Ông Bình nói chuyện với Lê Thế Hùng, một bộ óc điện tử của FPT, Phó tiến sĩ toán lý. Ông Hùng là một dị nhân hiếm có trên đời, anh em thường đùa là “của hiếm 4.000 năm”. Ông Hùng có khả năng đặc biệt trong việc tìm hiểu các vấn đề mới. Mặc dù khả năng đối khẩu của ông không được đánh giá cao, nhưng khả năng trình bày vấn đề dưới dạng văn bản thì không ai bằng ông về tính hệ thống và sự mạch lạc, khúc triết. Rất yêu mến Trương Gia Bình, ông Hùng nhận ngay trách nhiệm xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng ISO 9001 cho toàn bộ các quá trình của FPT, trong đó đặc biệt chú trọng đến quá trình sản xuất phần mềm. Đối với ông Bình, FPT đã là công ty ISO 9001 ngay sau khi ông Hùng nhận lời, mặc dù tổ chức chứng nhận chất lượng quốc tế BVQI đến cuối năm 1999 mới công nhận điều đó.

Để triển khai kinh nghiệm 10 năm “con người là cốt lõi của thành công”, ông Bình đã phát động một chiến dịch cầu hiền tài. “Chiếu cầu hiền tài” của ông đăng trên nội san Chúng ta và được nhiều báo khác đăng tải lại đã gây xúc động mạnh mẽ trong giới trẻ. Hai câu lạc bộ tài năng trẻ FYT ra đời, quy tụ hầu hết những học sinh sinh viên giỏi nhất nước, trong đó có nhiều em vừa đoạt các giải cao trong các kỳ thi toán học, tin học quốc tế. Một trong các nỗ lực cầu hiền tài đã đưa về FPT một ngôi sao sáng trong làng phần mềm Việt Nam lúc đó là Henry Hùng. Ông Henry là bạn học thời sinh viên với Phan Ngô Tống Hưng. Là người có hoài bão lớn lao và biết truyền cảm xúc sang người đối thoại, ông Bình không khó khăn gì trong việc thuyết phục ông Henry đang lạc lối giữa trời Tây về với FPT chính nghĩa. Chính ông Henry là người đưa khách hàng phần mềm quốc tế đầu tiên cho FPT: Công ty Winsoft-Canada.

Một vấn đề làm đau đầu ông Bình là khả năng giao tiếp với thế giới. Do người Mỹ không nói được tiếng Việt nên chúng ta buộc phải nói tiếng Mỹ. Đây là bất lợi lớn nhất của Việt Nam so với Ấn Độ khi làm việc với thị trường Mỹ. Hệ thống giáo dục của Việt Nam trong nhiều năm qua không thực sự coi trọng dạy ngoại ngữ. Hầu hết các cử nhân tin học, ngoài tiếng Việt chẳng nói được bất cứ một thứ tiếng nào khác. Theo kinh nghiệm của bản thân, ông Bình hiểu rằng, quan trọng nhất đối với việc học ngoại ngữ là tạo ra được môi trường sử dụng ngoại ngữ thường xuyên. Vì vậy, ngoài các lớp học ngoại ngữ nâng cao, các kỳ thi Toefl... ông yêu cầu mọi nhân viên phần mềm phải giao dịch và báo cáo bằng tiếng Anh. Lúc đầu các báo cáo đều rất ngắn, thường chỉ vài dòng. Nhưng sau hai tháng duy trì, có lúc ông đã rất ngạc nhiên khi nhận được báo cáo bằng tiếng Anh dài tới mấy chục trang.

Nhiều người nhìn thấy ở ông Bình sự năng động sáng tạo không ngừng hướng tới cái mới, nhưng ít người biết rằng ông còn là một nhà lãnh đạo chắc chắn và trân trọng cái gốc. Người bổ sung cho ông phẩm chất này chính là Bùi Quang Ngọc, bạn học phổ thông của ông, làm Phó TGĐ FPT phụ trách tin học. Tốt nghiệp đại học ở Nga, làm tiến sĩ tại Pháp, ông Ngọc là một nhà lãnh đạo tài ba. Ông Ngọc có nhiều đức tính tốt, trong đó đáng nói nhất là tính bảo thủ. Ông luôn bảo vệ các giá trị truyền thống, đặc biệt khi những giá trị truyền thống này hợp với sở thích của ông. Có người nói trước mặt ông là bóng đá hay hơn bóng chuyền. Ông đã mắng cho một trận vì ông cho rằng, tất cả các môn thể thao khác cộng lại cũng không hay bằng bóng đá, bóng chuyền là cái thá gì mà dám so sánh với bóng đá.

Có thể nói, FPT có được tính hệ thống và quy củ như hiện nay là nhờ sự đóng góp không nhỏ của Bùi Quang Ngọc. Chính ông đã hỗ trợ Lê Thế Hùng rất nhiều trong việc xây dựng các sổ tay quá trình chất lượng. Ông cũng là người đứng mũi chịu sào trong việc triển khai hệ thống tài chính hiện đại Solomon cho toàn bộ hệ thống FPT. Với hệ thống tài chính này, ông Bình có một công cụ quản trị công ty hữu hiệu, đồng thời công ty cũng chuẩn bị sẵn sàng cho việc đăng ký tại thị trường chứng khoán quốc tế.

(Còn nữa)

Hoàng Minh Châu

(Theo Sử ký FPT 13 năm)

Ý kiến

()