Chúng ta

Tôi có năng lực 'soi'

Thứ năm, 20/10/2011 | 15:34 GMT+7

"Gần như kỹ năng này đã 'ăn vào máu'. Nhìn bất cứ vấn đề gì tôi cũng thắc mắc và tự đặt câu hỏi...", tác giả bài luận ấn tượng nhất cuộc thi Trạng FPT 2011 chia sẻ.

s

Tuy dừng lại ở vòng 3 của cuộc thi Trạng FPT 2011, nhưng anh Hải đã để lại những dấu ấn khá đậm nét của mình tại vòng Luận. Ảnh: N.V.

Bài viết dài 17 trang của sĩ tử Nguyễn Thành Hải, Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) là một trong số những bài luận được đánh giá cao. Chungta.vn đã có cuộc trò chuyện với anh để tìm hiểu thêm những thông tin “hậu trường”.

- Anh đã viết bài luận này trong bao lâu?

- Tôi viết mất khoảng 2 đêm vì bài viết của tôi khá dài. Còn trước đấy thì dành khoảng 4 tiếng để viết nháp trên giấy.

- Điều anh tâm huyết nhất trong bài luận này?

- Trước lúc viết thì cũng không biết viết gì. Khi bắt đầu vào cuộc thì ra khá nhiều ý tưởng, nhưng lộn xộn, phải chỉnh lại khá mất công. Cuối cùng, tôi đã dùng được các hiểu biết của mình thông qua đọc sách, tự tìm tòi, đúc kết được thành một bài viết “có vẻ” logic.

Tôi luôn tâm đắc câu “Nhìn ra ngoài thế giới” của “đại ca” Nam “già”. Tôi đưa được khá nhiều kiến thức về thế giới vào bài viết. Theo tôi, mình vẫn luôn cần nhìn ra thế giới để học, đó chính là kim chỉ nam nếu mình lạc lối. Như anh Trương Gia Bình nói thì làm gì cũng cần “Anh Cù”, kể cả việc nhỏ.

- Theo anh, để viết một bài luận tốt, cần những yếu tố nào?

- Tôi

Nguyễn Thành Hải
Năm sinh: 1981
Gia nhập FPT năm: 2003

Công việc hiện tại: Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phần mềm số 3, Công ty FSE, FPT Software.
Luôn ước muốn mình trẻ lại 10 tuổi với kiến thức giữ nguyên để cống hiến cho đất nước nhiều hơn.
Yêu thích việc bế và thay tã cho con.

Sở trường: Tư duy logic, sự tận tụy và bền bỉ.
Sở đoản: Không tự nhiên lắm trước đám đông xa lạ.

không nhận là người viết rất tốt, chỉ là viết được thôi. Theo tôi, để viết luận tốt phải chịu khó đọc luận của người khác, đọc báo chí, lên diễn đàn nhiều, “chặt chém” và cả bị “chặt chém” nhiều.

Điểm chung của viết luận hay viết báo là cần tính logic, dù viết thế nào cũng phải giải quyết được chủ đề. Các tình tiết trong bài viết phải được kết nối với nhau chặt chẽ. Nôm na như là tiểu thuyết vậy. Phải thành được một câu chuyện thì đọc mới thích.

- Các bước anh tiến hành khi làm bài luận này?

- Tôi đi từ câu hỏi, phân tích sâu hơn câu hỏi. Thí dụ, “Nâng tầm công nghệ” có 2 “keyword”: “Công nghệ” và “Nâng tầm”. Công nghệ thì cụ thể là gì, là công nghệ mới hay công nghệ sẵn có. Công nghệ sẵn có thì là công nghệ nào. Nâng tầm thì cụ thể là gì: Phát triển kỹ năng mới, nâng cấp kỹ năng cũ. Kỹ năng mới là kỹ năng gì, kỹ năng cũ thì là kỹ năng gì. Giống như phân tích 5W cho một vấn đề vậy. Sau khi “chẻ nhỏ”, tôi nháp ra giấy, ngồi viết hết ý tưởng, lọc thành một dàn bài. Sau đó, tôi bắt đầu viết trên máy tính.

- Tính thực tiễn trong bài luận rất cao, chứng tỏ anh là người có thói quen quan sát và phân tích?

- Tôi tự nhận là mình có năng lực “soi”, gần như kỹ năng này đã "ăn vào máu". Nhìn bất cứ vấn đề gì cũng thắc mắc và tự đặt câu hỏi. Tôi cũng là người có máu dân tộc và tôn sùng chủ nghĩa “toàn cầu”. Vì thế, nhìn cái gì cũng tự hỏi là tại sao Việt Nam không làm được, cái gì cản trở vậy?

- Những luận điểm mà anh đưa trong bài luận không chỉ liên quan đến các dịch vụ của FPT, mà còn liên quan đến nền kinh tế thế giới. Anh dựa vào nguồn nào để có những thông tin này?

- Sách. Quyển sách "kim chỉ nam" của tôi là: “Châu Á thần kỳ”. Tôi thấy rất hay, không ngờ cũng áp dụng được vào luận. Tất nhiên là còn nhiều quyển sách khác, nhưng lấy được nhiều tư liệu nhất từ quyển Châu Á thần kỳ.

- Cá nhân anh sẽ làm gì cho OneFPT?

- Một người giỏi thì cùng lắm làm nhanh bằng 2-3 người bình thường. Sẽ là muối bỏ bể nếu chỉ gắng sức cá nhân. Vì thế, để đóng góp được nhiều, tôi sẽ cần cố gắng nâng cao năng lực quản lý, nhân sức mạnh của tập thể lên gấp bội. Làm gì cũng được, miễn là góp được đồng USD, “đồng” tri thức vào khát vọng vươn tới toàn cầu của FPT.

- Ước mơ lớn của anh là gì?

- Ngày xưa thì mơ ước nhiều, chẳng hạn, thấy những triệu phú trẻ 18 tuổi ở Ấn Độ thì cũng muốn được như vậy. Sau này, nhận thấy là thực ra có môi trường và vị trí để phát triển tối đa năng lực và cả tiềm năng của mình là tốt rồi. Nó không phải đích đến mà là một hành trình. Chừng nào còn nâng cao được năng lực bản thân thì còn mong muốn mình có thể thăng tiến xứng đáng với năng lực đấy.

- Nếu được trực tiếp triển khai những dự án mà anh đã đề xuất trong bài luận thì anh thấy thế nào?

- Mấy dự án ở phần cuối của bài luận, nói thật là cũng cố gắng để viết cho có thông tin chi tiết, đỡ mang tiếng chỉ “chém gió” thôi. Cái đó chưa đủ để gọi là một dự án và biến nó thành hiện thực đâu. Nếu coi đấy là một hướng đi đúng đắn và được trực tiếp triển khai thì sướng quá. Kể cả không trực tiếp được triển khai mà được người khác triển khai theo hướng đấy thì cũng vẫn sướng (cười).

- Những kỷ niệm của anh qua kỳ thi Trạng vừa rồi?

- Lần đầu tiên thi Trạng, thấy cái gì cũng mới lạ. Lạ nhất là hôm thi vòng 3 cả hội hát bài “Những ngón tay nhúc nhích” rất vui. Nhớ nhất 2 đêm ngồi “kỳ cụi” viết luận và kết quả được đánh giá tốt

- Anh ấn tượng với sĩ tử nào nhất?

- Tôi ấn tượng với 2 người: Trương Thanh Huyền (FPT Telecom HCM) ở vòng 1 vì bạn ấy đạt 37 điểm cả IT và GMAT. Tôi nghĩ đây là người có trí thông minh xuất chúng vì đề quá khó. Người thứ 2 là Lục Tiên Khoa (FPT Telecom HCM) ở vòng 3, vì đạt được độ relax tuyệt vời, lúc nào cũng thấy cười rất tươi và nhẹ nhàng.

- Kỳ thi Trạng đã mang lại gì cho anh?

- Sự tự tin nhất định khi luận được đánh giá cao. Như vậy là những suy nghĩ của mình không đến nỗi quá viển vông.

- Sang năm anh có tham gia thi Trạng không?

- Nếu có thi Trạng “chém gió” thì có thể (cười).

Thùy Linh (thực hiện)

Ý kiến

()