Chúng ta

‘Thần giữ của’ ở FPT

Thứ sáu, 16/9/2011 | 10:49 GMT+7

Nhiệm vụ "tay hòm chìa khóa" vốn vẫn thường dành cho nữ giới, nhưng "thần giữ của" ở FPT hầu hết lại là đấng mày râu.

Thực tế, các nam thủ quỹ có nhiều lợi thế hơn bởi ít khi bị việc gia đình chi phối, đồng thời có thể đảm nhiệm khối lượng công việc lớn với áp lực cao và rủi ro luôn rình rập. Đặc biệt, nam nhi ít “buôn dưa lê” nên mọi bí mật của công ty được giữ kín. 

Ngô Văn Vương, thủ quỹ FPT HO: Trung thực và trung thành là hai đức tính quan trọng nhất của thủ quỹ

Tốt nghiệp khoa Kế toán - Đại học Thương mại, anh Vương về đầu quân làm Kế toán của Tập đoàn FPT từ năm 2003. Sau 4 năm, năm 2007, anh được tín nhiệm điều chuyển sang làm thủ quỹ. Với 5 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Vương chia sẻ: “Thủ quỹ không thể chia sẻ bất kỳ thông tin nào về công việc, người duy nhất mình có thể trao đổi là sếp”.

Trải qua 2 năm làm công việc giữ tiền với nhiều bài học “đắt giá”, anh Vương đã có kinh nghiệm nhận biết tiền thật, giả. Theo anh, muốn nhận biết tiền giả có thể sờ để cảm nhận, tiếp tục nghi vấn thì kiểm tra đến màu sắc, ngoài ra tìm các yếu tố ẩn như hình Bác Hồ xem có sắc nét không.

a

Theo anh Ngô Văn Vương, thủ quỹ cần trung thực và trung thành (*). Ảnh: Lưu Vân.

Anh bảo, thủ quỹ là nghề tay ngang, chẳng ai học chính quy ra để làm thủ quỹ, vì thế bản thân phải tự học hỏi thêm trên mạng hay nghe người đi trước truyền lại kinh nghiệm… Từ “mớ” lý thuyết đó, anh mang tập tiền giả ra “soi” lại để củng cố kiến thức. Đồng thời, mỗi lần ra ngân hàng, anh Vương đều chuyện trò để hỏi các nhân viên xem đặc điểm nhận dạng và các “mánh” phát hiện tiền giả nhanh với số lượng “khủng”.

Đặc biệt, anh Vương có thể đếm nhanh và chính xác 100 tờ tiền trong một phút. Một tập 100 tờ thiếu khoảng 5 tờ là chỉ cần cầm, anh đã có thể xác nhận được.

Công việc thủ quỹ hoàn toàn bị động, luôn trong tình trạng chờ người khác đến để thu hoặc chi. Lại phải ngồi biệt lập trong căn phòng vài mét vuông lạnh lẽo với một hòm sắt cao quá đầu người cùng một đống giấy tờ ngồn ngộn nên khiến người làm công việc này nhiều khi thấy buồn chán. “Vì thế, phải “giải chán”, tìm niềm vui bằng cách “lê la” và “chuyện phiếm” với mọi người”, anh tâm sự.

Vào cuối tháng, “dinh cơ” của anh người ra vào như trẩy hội. Cao điểm một ngày có 10-15 lượt thanh toán với nhiều hạng mục kèm theo. Với tần suất giao dịch dày đặc, đòi hỏi người thủ quỹ phải cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Đã thành thói quen, anh Vương luôn lập bảng Excel ghi các khoản, tính toán chốt số dư, cân bằng thu chi ngay trong ngày.

Những năm 2007, có ngày anh Vương nhận vài tỷ đồng tiền mặt, “tai nạn nghề nghiệp” xảy ra khi nhận thiếu tiền, tiền giả hoặc trả thừa tiền. Anh bộc bạch: “Lúc nào cũng trong trạng thái căng như dây đàn, lo mất tiền. Nhiều người nghĩ rằng thủ quỹ khó tính nhưng thực ra là do tập trung cho công việc mà thôi”.

Nguyễn Văn Thanh - "Tay hòm chìa khóa" của 3 công ty

Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2006, anh Thanh làm kế toán công nợ của Trung tâm FPS thuộc FPT Distribution. Năm 2007, một cán bộ thủ quỹ nghỉ, anh “thế chân” và gắn với công việc đó đến tận bây giờ.

Anh Thanh hóm hỉnh: “Làm được nghề này đôi lúc phải dũng cảm”. Thông thường, cán bộ ngân hàng đến tận công ty nhận tiền. Nhưng có lúc đột xuất, anh Thanh “một người, một xe” đi đến ngân hàng với tải tiền nặng trịch.

a

Thủ quỹ của 3 công ty anh Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: Lưu Vân.

Ngoài những giờ phút “phiêu lưu” hiếm hoi đó, phần lớn thời gian anh lủi thủi trong phòng nhỏ, làm bạn với mấy giá giấy tờ cao quá đầu người của 3 công ty và hai két sắt. Môi trường làm việc của anh Thanh dường như tách biệt với đồng nghiệp. Anh chia sẻ: “Những ngày đầu mới làm thủ quỹ, một lúc cứ 3-4 người léo nhéo giục thu chi liên tục, mình lụt trong việc. Sếp gọi ra và gỡ rối nên giải quyết từng trường hợp một, tránh vội vã, nóng giận sẽ dễ nhầm”.

Hiện tại, anh Thanh được tín nhiệm giao làm thủ quỹ cho 3 đơn vị: Công ty CP Thương mại FPT (FPT Trading), Công ty Phân phối FPT (FPT Distribution) và Công ty TNHH Bán lẻ FPT (FPT Retail). Với khối lượng công việc khổng lồ, có trí nhớ tốt cũng không phải là yếu tố quyết định, anh Thanh áp dụng nguyên tắc “đủ chứng từ mới ứng tiền, phải ghi chép, ký tá đàng hoàng từ khoản nhỏ đến lớn”.

Phòng kiểm soát kiểm kê quỹ mỗi quý một lần. Nhưng hằng ngày, anh Thanh phải kiểm két sắt đến 2 lần, khớp thu - chi mới thở phào nhẹ nhõm, tối về yên tâm ăn ngon ngủ yên.

Suốt ngày tiếp xúc với tiền, mà lại còn rất nhiều tiền nữa nên tạo thành áp lực, mệt mỏi vì rủi ro cao. Mỗi lần, kế toán công nợ vác bao tải tiền vài trăm triệu đồng đến phòng nộp là anh lại thấy lo lắng. Quản lý 3 bộ sổ của 3 công ty với số tiền khác nhau cũng là thử thách lớn với anh, công việc tăng lên đáng kể. Căn phòng cũng vì thế mà chật chội hơn khi anh phải lưu hóa đơn, chứng từ trong 2 năm. Cường độ công việc cao, anh Thanh làm việc không tính ngày nghỉ, ngày lễ. Đến tận 30 Tết, anh vẫn phải lọ mọ đến công ty để lấy tiền thanh toán cho nhân viên.

Thủ quỹ FPT IS Phương Đình Chiến: Phải nói không với sai sót!

 Anh Chiến tâm sự: “Hình như nghề nghiệp cũng có dây buộc với con người”. Gắn bó với FPT 17 năm, tất cả công việc mà tôi từng kinh qua từ bảo vệ, thủ kho đến thủ quỹ đều liên quan đến nghiệp vụ trông nom. Bảo vệ thì trông xe, thủ kho trông hàng, thủ quỹ thì giữ tiền”.

Dù là “lão làng” trong nghề thủ quỹ nhưng vẫn có lúc gặp “tai nạn”, anh tếu táo: “Chỉ sượt da thôi chứ nặng thì làm sao được ngồi đây đến tận bây giờ, nhất là lúc nhận hàng tỷ đồng từ ngân hàng tương đương 10.000 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng. Đôi lúc cũng bị sai sót vài tờ tiền giả vì khó kiểm soát hết được”.

a

Phải "nói không với sai sót" là slogan của anh Phương Đình Chiến (*). Ảnh: Tuấn Anh.

Đã làm nghề “trông nom” thì nguyên tắc phải được đặt lên hàng đầu dù có bị chê là “khó tính” hoặc khiến anh em phật lòng. Anh Chiến nguyên tắc đến mức không có giấy tờ không chi, không cho vay mượn, đã là thủ quỹ thì “anh em coi như người dưng”.

Anh tự nhủ: “Tiền công ty cũng chính là tiền của mình, khác một điểm là chỉ được giữ, bảo quản chứ không được tiêu”. Bên cạnh đó, anh đề cao tính “cẩn thận”, thủ quỹ phải nói không với nhầm lẫn, sai sót. Với những việc khác có thể sửa chữa được nhưng đã liên quan đến tiền thì không thể sửa sai, chỉ được làm một lần duy nhất.

“Công việc của thủ quỹ hằng ngày đơn giản chỉ là chuẩn bị tiền để thu hoặc chi, nghe đã thấy chán rồi nhưng đã làm việc gì đều phải có tâm thì sẽ ổn. Nhìn trên lăng kính tích cực, thủ quỹ cũng là nghề thú vị, hằng ngày được gặp rất nhiều anh chị em trong công ty”, anh chia sẻ.

Hoàng Thành, thủ quỹ Đại học FPT: Thủ quỹ là "nghề nguy hiểm"

Theo anh Thành, thủ quỹ là nghề nguy hiểm khi hằng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều tiền. Nghề này hợp với nam giới bởi khả năng chịu áp lực cao và ít bị gián đoạn công việc vì gia đình.

Làm nghề nguy hiểm, mọi nghiệp vụ đều “dính” đến tiền nên càng cuống, càng rối. Do đó, mọi tình huống phải bình tĩnh xử lý và tỉnh táo làm việc với cái đầu “lạnh”. Người thủ quỹ không chỉ cần cẩn thận mà còn phải nhanh nhẹn và thật thà trong công việc.

a

Anh Hoàng Thành coi thủ quỹ là "nghề nguy hiểm". Ảnh: Tuấn Anh.

Tiếp xúc với anh Thành, ít ai có thể đoán được anh mới 28 tuổi. Anh trầm tĩnh, ít nói và ngại chia sẻ. Vào FPT cuối năm 2007, ban đầu công việc của anh Thành là đảm nhiệm vị trí Kế toán, song đã được lãnh đạo Đại học FPT tin cậy giao nhiệm vụ tay hòm chìa khóa, giữ két của nhà trường.

Với công việc đòi hỏi tính chính xác và cẩn thận cao như thủ quỹ, theo anh, muốn giỏi nghề, đầu tiên là phải yêu thích và quyết tâm làm tới nơi, tới chốn. Đồng thời, mọi lúc, anh đều tâm niệm phải quản lý tiền tốt không để mất mát.

Tai nạn mà thủ quỹ hay gặp phải là thu chi không chính xác dẫn tới cân đối tiền trong két và tiền trên sổ sách bị lệch. Khi gặp “ca khó” như thế, anh Thành phải ngồi lại rất lâu, kiên nhẫn tra lại từng khoản thu chi, vận dụng trí nhớ mới tìm ra được.

Dù căng thẳng áp lực là vậy, các “thần giữ của” ở FPT vẫn gắn bó lâu dài với nghiệp “canh tiền” của mình, vì họ đều tìm được niềm vui sống, sự thú vị khi thường được tiếp xúc với nhiều anh chị em trong công ty.

Lưu Vân

* Trong báo giấy Chúng ta số 33-2011 ra ngày 15/9, do sai sót ở khâu thiết kế đã chú thích nhầm tên anh Ngô Văn Vương và anh Phương Đình Chiến. Chúng ta xin cáo lỗi cùng hai anh và độc giả.

Ý kiến

()