Chúng ta

Người 'theo dấu' Lê Văn Luyện

Thứ sáu, 28/10/2011 | 11:39 GMT+7

Hàng loạt bài viết được đưa liên tiếp trên VnExpress về vụ trọng án gây xôn xao dư luận, tưởng rằng đó là do cả nhóm phóng viên thực hiện nhưng thực tế gần như chỉ có một người làm chính.

s

Do đặc thù công việc, Tuấn Anh thường xuyên phải đi xa để theo dõi các vụ trọng án. Ảnh: N.V.

Chungta.vn đã gặp gỡ Hà Tuấn Anh- Phóng viên Ban Pháp luật, Báo VnExpress (FPT Online) - chàng trai đã "nếm mật nằm gai" thực hiện những bài viết về vụ án Lê Văn Luyện, để chia sẻ về công việc làm báo nhiều khó khăn, vất vả.

- Lý do khiến anh nhận nhiệm vụ theo sát vụ án Lê Văn Luyện?

 - Do đặc thù mảng Pháp luật ở phía Bắc, chỉ có 3 phóng viên đảm trách (trong đó có 2 nữ đã lập gia đình) nên tôi cũng xác định từ trước, hễ có sự vụ gì nghiêm trọng ở một số tỉnh lân cận với Hà Nội, chắc chắn tôi phải là người tiên phong. 

Sáng 24/8, khi vụ án Lê Văn Luyện xảy ra, đường dây nóng của tòa soạn VnExpress cũng đã nhận được thông tin và tôi được giao trách nhiệm kiểm tra, xử lý tin này.

- Quá trình theo dõi vụ việc này như thế nào?

- Ngay trưa hôm đó, tôi cùng một số phóng viên làm mảng nội chính ở Hà Nội quyết định chạy xe xuống thị trấn phố Sàn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) để tiếp cận, nắm bắt thông tin. Xuống đến nơi, nhận định vụ việc nghiêm trọng hơn so với thông tin qua điện thoại, tôi đã gọi điện về tòa soạn để chị Thanh Nga - phụ trách trang Pháp luật - “ở nhà” xử lý. Buổi chiều hôm đó, cả nghìn người dân tập trung về đây. Tôi đã đi vài nhà hàng xóm hỏi nhưng tất cả vẫn trong tình trạng sợ hãi, không ai dám kể lại vụ việc. 

Sau một ngày, thấy có báo tiếp cận được người dân, Thư ký tòa soạn tại Sài Gòn tiếp tục chỉ đạo ra Hà Nội, yêu cầu Tuấn Anh phải bám chắc vụ việc. Thêm một lần nữa, tôi và phóng viên Việt Dũng (Báo Ngôi sao) lại lặn lội phi xe xuống Lục Nam, cách Hà Nội khoảng 100 km. Chịu áp lực từ chỉ đạo của Thư ký tòa soạn cần phải có bài gấp, tôi sợ xuống sau mà không có gì khai thác hơn báo bạn thì... toi. Thế nhưng may mắn, chiều đó đến lại gặp cán bộ của Bộ Công an xuống hiện trường. Một số thông tin, hình ảnh độc, VnExpress đã có được hơn báo bạn.

Thêm vào đó, khi nhận định vụ án này đặc biệt nghiêm trọng, anh Phạm Hiếu, Phó Tổng Biên tập VnExpress, đã liên tục chỉ đạo ra nhóm làm pháp luật, làm sao khi bắt hung thủ phải có tin đầu tiên so với các báo. Lời chỉ đạo này khiến cả nhóm rất căng thẳng, đặc biệt là mình khi đã đứng ra nhận theo dõi vụ việc. Mọi mối quan hệ của những phóng viên pháp luật đều được trưng dụng ra hết.

Mặc dù không nằm vùng ở địa bàn, nhưng trong quá trình “hành nghề”, tôi đã quen biết một số cán bộ ở công an tỉnh. Đây cũng được xem là một trong những thuận lợi khi tác nghiệp. Họ đã cung cấp danh tính nạn nhân, nhận định vụ án và tả hiện trường trong căn nhà đó để mình nắm rõ.

Chiều 31/8, nhờ các mối quan hệ cá nhân nên khi Lê Văn Luyện bị bắt khoảng 30 phút tại Lạng Sơn, tôi đã nhận được thông tin. Tôi nhớ, hôm đó, VnExpress đưa tin này sớm nhất trong các báo được tòa soạn đánh giá khá cao.

Mọi thông tin và ảnh liên tục được cập nhật trên trang. Anh Phạm Hiếu ngạc nhiên, chạy ra hỏi tôi một câu: “Sao em làm được điều này?”. Lúc đó, tôi dí dỏm nói: "Em bị sức ép từ anh". Hôm đó, thú thực tôi đã thở phào nhẹ nhõm vì hoàn thành sự chỉ đạo của sếp.

- Với hàng loạt bài viết về vụ trọng án được đưa liên tiếp trên VnExpress, anh có phải lập kế hoạch trước khi thực hiện?

- Biết hung thủ sẽ được di lý từ Lạng Sơn về Bắc Giang ngay trong đêm 31/8, tôi đã xin ý kiến lãnh đạo báo, xuống Bắc Giang để chờ “đón lõng”. Một cuộc họp nhỏ gồm Phó Tổng biên tập VnExpress Phạm Hiếu, Việt Anh (Trưởng ban Xã hội), Thanh Nga (phụ trách Pháp luật) và tôi đã được triển khai nhanh chóng. Các đề tài liên quan đến vụ án phóng viên cần phải thực hiện như thế nào, làm gì đã được mọi người cùng nhau góp ý. Trước khi lên đường, dự kiến mình phải thực hiện 5-6 đề tài tòa soạn giao.

Thú thực, khi nhận được các đề tài đó, tôi cũng e một mình sẽ quá sức vì không thể thực hiện hết trong khi hàng chục báo cũng đang í ới gọi rủ nhau xuống để săn tin. Có một số báo điện tử đã cử 3 phóng viên hỗ trợ cho nhau tác nghiệp. Sau khi đề xuất, Dũng “Mobile”, làm cùng ban với tôi cũng được huy động xuống trong sáng hôm sau. Thế nhưng, chỉ ngay trong ngày cậu ta đã về làm việc khác theo sự chỉ đạo của tòa soạn.

Thực tế, khi xuống Bắc Giang, tối hôm đó không như mình dự đoán. Những tưởng, xe đưa Luyện về khoảng 21-22h nhưng mãi đến 2h sáng hôm sau mới về đến trại giam công an tỉnh. Cả đêm đó, nhiều phóng viên, trong đó có mình phải thức trắng. Ai cũng vật vờ ở ngoài đường chờ, muỗi đốt sưng chân, mắt ai cũng díp lại. Các cuộc điện thoại của phóng viên nội chính thay nhau liên hệ đến ban chuyên án để nắm bắt tình hình.

Nghi ngờ cảnh sát đánh lừa phóng viên, 3 mũi phóng viên được chia nhau ra: một ở công an tỉnh, một ở trại tạm giam và một ở tiệm vàng (vì có thông tin sẽ thực nghiệm hiện trường ngay). Mình và 3 phóng viên khác liên tục chạy xe từ công an tỉnh xuống hiện trường nơi xảy ra vụ án (cách nhau khoảng hơn chục km).

Cứ tưởng, Luyện sẽ được di lý trên chiếc xe cảnh sát thế nhưng toàn bộ phóng viên tác nghiệp hôm đó không ngờ hung thủ ngồi trong chiếc xe Hummer đỏ kín mít. Vào đến cổng trại giam, phóng viên chỉ kịp chụp ảnh mà không biết xe đó có Luyện ngồi trong hay không. Mãi về sau này, thành viên ban chuyên án tiết lộ phóng viên mới biết.

Trong quá trình tác nghiệp, có khá nhiều tình huống diễn ra không như mình dự đoán, chẳng hạn như cảnh sát dựng hiện trường, tiếp cận với gia đình nạn nhân, hay gặp cơ quan chức năng... Tuấn Anh và Việt Dũng (phóng viên Ngôi sao) phải chạy như “coi thoi” giữa công an tỉnh, trại tạm giam, hiện trường vụ án cũng như nơi người thân của Luyện đang sinh sống.

- Anh gặp khó khăn gì trong quá trình theo sát vụ án?

 - Làm vụ án Lê Văn Luyện, không riêng mình, khá nhiều phóng viên nội chính gặp phải những khó khăn khi tác nghiệp do cơ quan điều tra không cung cấp thông tin. Lãnh đạo công an tỉnh, Tổng cục cảnh sát, phòng chống tội phạm từ chối cung cấp vì cho rằng vụ án đang trong quá trình điều tra, mở rộng. Nhiều cuộc điện thoại gọi cho các thành viên ban chuyên án đều không được. Nếu có thực hiện được họ cũng bấm rồi để đó không trả lời. Khi vào cổng đưa giấy liên hệ công tác đều bị từ chối với lý do cán bộ đi họp.

Một trong những khó khăn của tôi là phải có riêng một bài ghi lại lời kể của thành viên ban chuyên án phá vụ án này. Trong lúc đang loay hoay chưa biết phải thực hiện như thế nào, tôi nhận được lời rủ của chị đồng nghiệp có cùng ý tưởng. Qua nhiều cửa ải, cuối cùng cả hai chị em đã thống nhất đi "cửa riêng" để có bài gửi về tòa soạn. Nhiều phóng viên cùng tác nghiệp khi đọc được bài đó đều cho rằng tôi bịa ra, chứ cảnh sát nào thời điểm đó dám kể hành trình truy bắt. Tuy nhiên, tôi không quan tâm tới lời gièm pha đó, miễn sao cung cấp được thông tin mới, chuẩn nhất về tòa soạn.

Thêm vào đó, trong khi nhiều báo cử 2-3 phóng viên tác nghiệp ở 2-3 nơi khác nhau trong khi chỉ có một mình tôi phải bao quát ở các điểm khác nhau để lấy đủ thông tin, cập nhật về tòa soạn sớm nhất. Có nhiều hôm, tôi phải đi đi lại lại từ công an tỉnh xuống nhà Luyện và tiệm vàng đến 4 lần.

 - Kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất?

 - Đó là trong quá trình tác nghiệp luôn phải ở bẩn, ăn đói. Có những hôm "chầu chực" lấy tin bài ở công an tỉnh mà đến 16h mới được ăn cơm trưa. Do không lường trước phải ở lại địa bàn dài ngày nên khi đi chỉ mang 2 bộ quần áo, thế nên liên tục phải mặc đi mặc lại. Những ngày sau không chịu được bẩn đã phải ra ngoài mua quần áo để thay. Thấy phóng viên kể khổ khi làm vụ Luyện, bà chủ quán bán hàng quần áo đã quyết định giảm giá, khiến anh em ai nấy đều cảm động.

Nhớ nhất có lẽ là những đêm phải thuê nhà nghỉ ở cạnh nơi xảy ra vụ án. Tôi và một số đồng nghiệp khác đã thức trắng vài đêm để chờ cảnh sát dựng hiện trường. Thế nhưng đều không có kết quả.

Nhiều đêm, 2-3 anh em phóng viên đã lang thang trước cửa nhà nạn nhân để hóng tin tức xem có gì lạ không. Đường phố lúc đó vắng, không một bóng người qua lại, đèn điện tối om nên khi đi qua đấy cũng phần nào cảm thấy sợ hãi.

Những ngày làm vụ án Lê Văn Luyện, trung bình tôi chỉ được ngủ chừng 3-4 tiếng, sụt gần 3 kg. Khi về Hà Nội, nhiều người không nhận ra vì vốn đã gầy giờ càng “hom hem”, đen hơn và trong túi lúc đó chỉ còn có vài nghìn đồng.

 - Anh đánh giá như thế nào về chất lượng và số lượng bài viết đã thực hiện được trong đợt này?

 - Qua hơn 4 năm công tác ở báo VnExpress, đã làm nhiều vụ trọng án nghiêm trọng như nữ sinh Kim Anh sát hại người tình trong xe Lexus, Nguyễn Đức Nghĩa hay vụ Hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm nữ sinh ở Hà Giang... thế nhưng tôi thấy vụ Lê Văn Luyện “nghe chừng” số lượng bài “khá khẩm” nhất. Ước tính cũng lên đến vài chục tin bài. Chính vì thế thu nhập trong tháng cũng tăng đột biến (cười).

Được xem là viết khá nhiều nhưng các đồng nghiệp đều cho rằng VnExpress làm không quá câu khách, lá cải như một số tờ điện tử khác, mà làm có chất lượng. Bản thân tôi là người viết cũng cho rằng các thông tin mình cung cấp đến cho bạn đọc một cách trung thực và khách quan nhất.

 Trong quá trình tác nghiệp, cán bộ quản lý trực tiếp luôn thông báo lượng truy cập vụ Lê Văn Luyện tăng lên đột biến. Đây là một trong những động lực để tôi cố gắng hoàn thiện tin bài hơn.

 - Ngoài những khó khăn, vất vả ở vụ này thì mức độ khi thực hiện các vụ việc tương tự khác như thế nào?

- Bản thân tôi cũng đã phải đi nhiều tỉnh để làm các vụ án, dự phiên tòa, trong đó có vụ án Sầm Đức Xương. Vụ này do không cho phóng viên vào nên tôi đã phải sử dụng mối quan hệ để trà trộn làm trợ lý luật sư. Toàn bộ nội dung phiên xử, tôi đều ghi âm và phản ánh đầy đủ và trung thực nhất. Vụ này có gần 20 báo từ Hà Nội lên Hà Giang nhưng đều phải đứng ngoài.

Chuyến đi đó, tôi cũng phải bỏ bữa trưa khá nhiều để có thời gian viết cập nhật gửi về tòa soạn. Tại đây, tôi cũng chịu sự để ý gắt gao từ cảnh sát. Không ít lần, tôi nhận được lời rủ từ luật sư phải tìm cách trốn về Hà Nội, nếu không tính mạng sẽ không được an toàn. Giờ nghĩ lại cũng thấy sợ.

 - Một ngày bình thường của anh ra sao?

- Do chưa bận rộn chuyện vợ con nên nên vẫn dành hết tâm huyết cho công việc. Mỗi ngày, tôi “chi” 12 tiếng cho công việc. Sáng 8h lên cơ quan, tối 20h mới có mặt ở nhà. Những hôm có việc, về nhà vẫn phải “mài” mình với máy tính. Chẳng thế các thành viên trong gia đình hay bạn bè vẫn lo tôi sẽ “ế” vợ nếu giữ thói quen này. Những hôm rảnh, tôi có thể đi trà chanh, nước mía vỉa hè với bạn bè.

- Công việc căng thẳng, anh xả stress bằng cách nào?

- Không riêng tôi mà nhiều người bạn cũng đã tâm sự, nghề báo có một điều gì đó rất đặc biệt. Có những ngày, những tuần say mê với công việc, chẳng còn thời gian nghĩ đến chuyện khác. Thế nhưng, cũng có những lần muốn từ bỏ nghề để đi làm cái gì đó miễn không phải viết lách, không phải đến công an để "xin xỏ" tin bài.

Với tôi, khi mà cảm thấy “xì trét” quá thì cứ thả mình ra ngoài chơi 1-2 ngày, ngồi trà đá vỉa hè, "buôn" với bạn bè thật nhiều hay thỉnh thoảng đi nhậu, ăn uống, hát hò (dù hát chẳng hay) hoặc chơi thể thao để giũ bỏ mệt mỏi với công việc.

- Theo anh, tiêu chí nào giúp phóng viên thành công?

- Tôi nghĩ, nghề nào cũng vậy, để thành công ngoài năng khiếu, thì cần cù, chăm chỉ là một trong những yếu tố quan trọng.

- Trong nghề báo, anh thần tượng ai?

- Tôi thần tượng một nhà báo lão thành, từng làm trưởng đại diện một tờ báo có tiếng ở Hà Nội. Khi đó, tôi còn là sinh viên thực tập đã được anh hướng dẫn khá tỉ mỉ từ cách viết tin đến cách phỏng vấn các lãnh đạo ở Quốc hội, sửa tin bài cho phóng viên... Trong lối sống, anh cũng là một người hoàn hảo để mình học hỏi. Đến nay, tôi vẫn thầm cám ơn người đó vì có anh, tôi mới yêu và theo đuổi nghề này.

Thùy Linh (thực hiện)

Họ và tên: Hà Tuấn Anh

Năm sinh: 1979

Ngày vào FPT: 1/9/2007

Vị trí công tác: Ban Pháp luật, báo VnExpress.

Tình trạng hôn nhân: "Phòng không nhà trống".

Tính cách: Trầm cảm và lạnh lùng (do TBT VnExpress Thang Đức Thắng nhận xét).

Sở trường: Tạo cảm giác để người khác có thể tin tưởng mình dù chỉ gặp một lần.

Sở đoản: Nói ít và nhát gái.

Ý kiến

()