Chúng ta

Người mở ra 'con đường sống' cho FPT Software

Thứ năm, 16/8/2012 | 10:28 GMT+7

Quyết định của Quách Liễu Hoàn đã giúp FPT Software tiến một bước dài về nhận thức toàn cầu hóa: "Không chỉ bán hàng ra nước ngoài mà phải thực sự có mặt ở đó, hòa mình vào môi trường đó, chúng ta mới có thể trưởng thành".
> Quản trị dự án triệu đô / Anh cả của tân binh FPT Telecom Sóc Trăng / Giảng viên ngoại có tâm hồn Việt

Công cuộc Đông Du của FPT Software ghi tên biết bao nhiêu người như ông Ichinose, bác Kondo, bác Watanabe, Nguyễn Đức Quỳnh, Phạm Tiến Dũng, Bùi Hồng Liên... và Quách Liễu Hoàn chắc chắn có một vị trí được trân trọng.

Tháng 7/2004, tại Hội nghị Chiến lược Đà Lạt, đúng lúc câu chuyện mở văn phòng Nhật Bản trở nên bế tắc vì không ai có thể sang thường trú. Hoàn đứng dậy: "Nếu các anh tin tưởng, em sẽ sang set-up văn phòng".

Lúc đó, Hoàn đang phụ trách nhóm comter cũng còn rất non trẻ của FPT Software, con thì mới chưa được 2 tuổi.

a

Chị Hoàn tạo một nghề mới ở FPT Software (mà có lẽ ở Việt Nam nữa) là Comter và mở ra con đường sống cho công ty trong những năm gian khó đầu tiên. Ảnh: NVCC.

Quyết định của Hoàn đã giúp FPT Software tiến một bước dài về nhận thức toàn cầu hóa: "Không chỉ bán hàng ra nước ngoài mà phải thực sự có mặt ở đó, hòa mình vào môi trường đó, chúng ta mới có thể trưởng thành".

Ba năm của Hoàn ở Nhật là thời gian lớn mạnh của FPT Software ở đó. Hoàn rủ tất cả các bạn của mình về như Hằng, Như, Vương, Uehara làm nên cái lõi của FPT Software Nhật Bản hôm nay.

Thỉnh thoảng sang Nhật, được chứng kiến sự tận tụy và tâm huyết với công việc của các em, tôi luôn thấy mình thực sự may mắn biết bao khi có được những đồng nghiệp như vậy.

Lúc em xin về nước, nói chuyện với tôi, quả thật tôi thấy buồn ghê gớm.

Trong kế hoạch xuất khẩu phần mềm đầu tiên của anh Bình và FPT, không có chữ Nhật Bản. Cả thế giới lúc đó sôi lên với những triệu phú từ Silicon Valley. FPT cũng không tránh được cơn sốt đó. Văn phòng đầu tiên của FPT được mở ngay tại San Jose.

Nhưng rồi những ấu trĩ, chủ quan trong suy nghĩ càng ngày càng lộ rõ. Đến cuối tháng 11/2000, có thể thấy được là con đường sang Mỹ đã bế tắc. Anh Bình bảo tôi: "Có lẽ phải đi Nhật em ạ".

Chúng tôi không có ai biết tiếng Nhật, lại thêm danh tiếng của người Nhật về yêu cầu chất lượng ngặt nghèo quả thực có thể làm cho rất nhiều người chùn gối. Nhưng tại thời điểm đó, FPT cũng không có nhiều lựa chọn.

Tháng 12, tôi và anh Bình được ông Nishida của Sumitomo đưa sang Nhật, vũ khí duy nhất là bài diễn thuyết về “Digital Waterfall” của anh Bình.

Nhờ có ông Nishida, chúng tôi được gặp khá nhiều công ty và tổ chức ở Nhật Bản, ở đâu anh Bình cũng say sưa trình diễn. Mặc dù đa phần khách hàng không hiểu gì, nhưng họ cảm nhận được nhiệt huyết trong tim anh.

Có hai nhận xét mà tôi rất nhớ, một ông già sau khi nghe anh trình bày đã xông lên ôm hôn thắm thiết, nước mắt giàn dụa: “Bình, tao chúc mày thành công!”. Một ông khác thì dặn dò: “Chúng mày đang nhìn lên núi cao, bởi thế chúng mày chưa nhìn thấy những vực sâu. Hãy cẩn thận!”.

Không hiểu sao mà anh Bình rất tin là thế nào cũng có dự án. Và có thật, sau khi chúng tôi về nước được vài hôm, chúng tôi nhận được e-mail của Ichinose từ NTT-IT: "Chúng mày có muốn lập trình không?". Đương nhiên là có chứ.

Yêu cầu đầu tiên rất đơn giản, lập trình C một chức năng. Trần Việt Bình hình như chỉ làm hai ngày là xong, test đi test lại cẩn thận. Ok, pass.

Chức năng lần sau đã khó hơn một chút, cả Trần Xuân Khôi và Trần Việt Bình phải làm trong hơn hai tuần thì phải. Release có một lỗi. Acceptable!

Sau đó đến câu hỏi chết người: “Chúng mày có đọc được yêu cầu bằng tiếng Nhật không?”

Đâm lao phải theo lao. Đó là khẩu hiệu của STCo. "Biết!" Chúng tôi hùng hồn trả lời. Và bác ấy gửi cho chúng tôi một tập tài liệu dày bằng một thứ tiếng giun dế.

Bỗng một hôm, có đoàn của Công ty Sumitomo qua thăm. Đi cùng có một em gái tên là Hương, thấy nói chuyện với mấy bác Nhật tự nhiên lắm, thỉnh thoảng lại cười ha hả.

Tôi ngưỡng mộ quá, bèn đợi trước lúc khách về kéo em ra một chỗ mời luôn: "Em sang bên anh làm đi". Em tròn mắt: "Làm gì? Em có biết gì về máy tính đâu?". "Thì cứ sang đi rồi biết" - tôi trả lời. Thấy tôi có vẻ thành khẩn quá, em bảo: "Thôi để em giới thiệu bạn em".

Bạn em chính là Hoàn, lúc đó đang làm Trưởng phòng Maketing ở khách sạn Nikko. Không hiểu sao Hoàn lại nhận lời sang FPT nhưng Nguyễn Đức Quỳnh và Hoàn tạo nên một cặp bài trùng giải quyết các bài toán của NTT-IT, tạo một nghề mới ở FPT Software (mà có lẽ ở Việt Nam nữa) là Comter và mở ra con đường sống cho công ty trong những năm gian khó đầu tiên.

Gần đây, khi chúng tôi thảo luận về việc mở chi nhánh ở Trung Quốc, lại thấy Hoàn giơ tay: "Để em!". Rồi cặm cụi học tiếng Tàu.

Thành Nam

Dù đã hết hạn gửi bài dự thi "Viết về đồng đội" từ 30/6 nhưng Ban tổ chức vẫn tiếp tục nhận các bài viết ở địa chỉ dongdoi@fpt.com.vn và sẽ có các giải thưởng khuyến khích CBNV tham gia cuộc thi này.

 

Ý kiến

()