Chúng ta

'Đi onsite được nhiều thứ'

Thứ sáu, 25/11/2011 | 09:32 GMT+7

"Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là được làm những gì mình thích. Tôi thấy mình may mắn khi được làm công việc hiện nay", Giám đốc thị trường châu Âu của FPT Software Lê Hà Đức chia sẻ về công việc và cuộc sống tại Pháp.

A

Anh Đức (áo đen) đang làm việc cùng đối tác. Ảnh: H.Đ.

Ở FPT Software, các đồng nghiệp thường nói Lê Hà Đức là vị giám đốc thích onsite. Bởi đối với nhiều người, onsite chẳng khác nào đi "đày" hay đi "biệt xứ", nhưng với riêng vị giám đốc này, việc đi triển khai tại trụ sở của khách hàng lại vô cùng dễ chịu. Bám trụ ở Pháp 3 năm có lẻ, từng trải qua nhiều va vấp, khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống, nhưng với anh, những ngày onsite tại Pháp luôn mới mẻ và đầy hấp dẫn.

Năm 2003, sau khi hoàn tất khóa cao học tại Đại học Enseeiht (Pháp) chuyên ngành Kỹ sư CNTT, anh "khăn gói" về nước và đầu quân cho FPT Software với một cơ duyên hết sức tình cờ.

Hồi đấy, anh được cô bạn hàng xóm là chị Thúy Hằng (vợ họa sĩ TuấnBA, FPT Software) đang làm ở Công ty giới thiệu và tiến cử anh với chị Phạm Mỹ Ngọc, nguyên Trưởng Ban Nhân sự FPT Software.

"Vừa mới tốt nghiệp lại được nghe nhiều điều tốt đẹp về FPT và nhận thấy đây là môi trường có thể thỏa sức tung hoành nên mình quyết tâm đầu quân về FPT Software", anh Đức kể.

Anh Đức

Anh Đức giữ chức Giám đốc FPT châu Âu từ năm 2008 đến nay. Ảnh: Hải Hòa.

Công việc đầu tiên của anh là tham gia vào nhóm dự án với khách hàng Pháp. Kết thúc dự án này, anh chuyển sang làm dự án với khách hàng Sanyo của Nhật tại TP HCM. Anh còn chuyển qua một vài công việc, vị trí khác nhau trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2008. Đến tháng 6/2008, anh chính thức được bổ nhiệm làm Giám đốc FPT châu Âu và onsite tại Pháp từ đó đến nay.

Tại Pháp, công việc chính của anh là "đi gặp khách hàng, ăn uống, bắt tay bắt chân, và nói những điều tốt đẹp về FPT" nên lúc nào trông anh cũng vui vẻ, thân thiện. Tất nhiên, cũng có lúc anh phải đương đầu với những "trận đòn" của khách hàng.

Một trong số đó là lần làm việc với khách hàng IBM (Pháp). Khi đó, đối tác là nhà thầu chính, còn FPT là thầu phụ. Trong quá trình triển khai dự án, cả hai bên đều có một nhóm triển khai với lực lượng khá đông đảo. Do đó, việc trao đổi thông tin gặp nhiều khó khăn, dẫn tới không hiểu nhau. Sau đó, dự án này thất bại, cả hai bên đều ra sức đổ lỗi cho nhau. Anh Đức cũng đã nỗ lực thuyết phục khách hàng nhưng đều thất bại. Phía đối tác vẫn chấm dứt hợp đồng không thương tiếc. Đây là một trong những bài học xương máu của anh.

Sau lần đó, trước khi đặt bút ký nhận bất cứ dự án nào, anh đều tập trung chuẩn bị đội ngũ. Theo anh, sức mạnh của FPT Software không nằm ở đội ngũ bán hàng mà ở đội ngũ sản xuất. "Chỉ khi tìm được một đội ngũ sản xuất tốt và những con người tin cẩn thì tổ chức mới phát triển mạnh mẽ", anh nhấn mạnh.

Anh Đức cho rằng, Công ty TNHH Phần mềm FPT châu Âu (FPT Software Europe) nên tập trung "đánh vào chiều sâu chứ không nên chọn chiều rộng", tức là cần tìm được những khách hàng lớn, có chiến lược làm việc lâu dài để họ có thể thông cảm và chấp nhận cho những sơ suất ban đầu của mình. Tuy nhiên, điều đó là một thách thức lớn vì khách hàng châu Âu thường đánh giá hiệu quả vào những gì nhìn thấy trước mắt.

Một ngày bên Pháp của anh Đức thường bắt đầu bằng việc đến cơ quan, mở hộp mail "xem có việc gì gấp không", sau đó anh gọi điện hẹn gặp khách hàng. Nếu hôm nào có cuộc họp, anh sẽ phải tiêu tốn nhiều thời gian hơn do phải di chuyển đến các vị trí của khách hàng, nằm ở nhiều nơi.

Hằng tháng, việc gặp gỡ khách hàng chiếm 2/3 quỹ thời gian của anh. Còn lại, anh làm việc và trao đổi với các đồng nghiệp ở quê nhà, làm báo cáo, hoàn tất các giấy tờ cần thiết liên quan đến công việc tại nước bản địa.

Thời gian đầu khi sang Pháp, do chưa nắm rõ được thị trường, luật pháp của nước sở tại cũng như luật doanh nghiệp, luật thuế, luật lao động… nên anh và các đồng nghiệp gặp không ít khó khăn. Rồi cả việc làm sao để thuyết phục khách hàng đồng ý hợp tác với FPT Software cũng nan giải không kém, khi họ ở cách xa Việt Nam đến 11.000 km, chênh nhau đến 5-6 tiếng đồng hồ.

Có những khách hàng, anh phải lăn lộn thuyết phục hàng năm trời, thậm chí nhiều hơn mới nhận được cái gật đầu. Khoảng thời gian đó, anh phải đi lại liên tục, theo đuổi khách hàng hệt như các paparazzi theo đuổi ngôi sao đến khi nào họ nhận thấy thiện chí và thành ý của mình và sau đó có được một dự án nhỏ thử nghiệm thì mới thôi. Anh xác định bản thân phải kiên trì, bởi đây mới chỉ là bước thử đầu tiên, trước khi khách hàng tính chuyện làm ăn lâu dài với công ty.

Anh chiêm nghiệm, đi onsite đã mang lại cho anh nhiều thứ nhưng cũng lấy đi một số thứ. Anh được mở mang tầm nhìn, học hỏi thêm được nhiều điều. Anh đã có cơ hội được đi nhiều nơi, khám phá nhiều thứ mới lạ ở nhiều vùng đất mới trên thế giới. Anh cũng đã mang lại nhiều cơ hội cho các cộng sự và đồng nghiệp thân thiết của mình…

Tuy vậy, suốt hơn 3 năm ở nước ngoài, quỹ thời gian dành cho gia đình ngày càng hạn hẹp. Điều anh lo lắng nhất đó là không có nhiều thời gian gần gũi hai cậu con trai của mình để chăm lo và bảo ban chúng. Anh dự định, khi nào cậu con lớn vào lớp 1, anh sẽ giảm thiểu việc xa nhà.

Từ nay đến khi đó, anh còn gần hai năm "sống ở Pháp nhiều hơn ở nhà". Anh vẫn hồ hởi cho rằng, đó cũng là khoảng thời gian "đi onsite được nhiều thứ".

Họ tên: Lê Hà Đức

Năm sinh: 1978

Năm vào FPT Software: 2003

Ngôn ngữ thành thạo: Tiếng Pháp, tiếng Anh

Sở thích: Hát hò, đi du lịch, đọc sách, chơi cờ

Thời gian rảnh rỗi: La cà, tụ tập cùng bạn bè hoặc đồng nghiệp, đọc sách và chiêm nghiệm

Điểm khác biệt so với mọi người: Hay nói luyên thuyên

Điều quan trọng trong cuộc sống: Được làm những gì mình thích

Bình Nguyên 

Ý kiến

()