Chúng ta

'Cây đa cây đề' về Toán học ở FPT

Thứ năm, 2/10/2014 | 14:54 GMT+7

Chính thời gian được tôi luyện bộ môn tại các kỳ thi Toán quốc tế (IMO) đã giúp các anh Lê Quang Tiến, Nguyễn Tuấn Hùng, Phan Phương Đạt có cái nhìn logic để đạt hiệu quả cao trong công việc hiện tại ở FPT.
> Anh Phan Phương Đạt làm Phó Hiệu trưởng ĐH FPT / Anh Nguyễn Tuấn Hùng kiêm nhiệm Giám đốc FPT IS Bank HCM

Anh Lê Quang Tiến, thành viên Hội đồng Sáng lập FPT: Việt Nam có lò luyện "gà nòi" để thi Toán quốc tế

a

Anh Lê Quang Tiến là thành viên Hội đồng Sáng lập FPT. Ảnh: C.T.

Anh Tiến nhớ lại, Việt Nam bắt đầu tham gia thi Toán quốc tế từ năm 1974. Dù là một nước bị chiến tranh tàn phá trong 20 năm nhưng Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tích. Đến năm 1975, anh Tiến có tên trong danh sách đội tuyển Việt Nam thi Toán quốc tế. Năm đó, đoàn Việt Nam có 8 học sinh (số lượng tối đa cho một đoàn) giành được một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và đứng thứ 10.

Thời đó, ở Việt Nam, từ cấp 2 (lớp 5-7), học sinh đã phải thi vào lớp chuyên của trường, tỉnh, thành phố. Đến cấp 3 (lớp 8-10) lại thi vào trường chuyên của Bộ Đại học. Từ đó, hình thành một lớp "gà nòi" chỉ để thi đấu gồm những tên tuổi lớn như: Chuyên toán của Bộ Đại học có ĐH Tổng hợp, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Vinh. Chuyên toán của các tỉnh như THPT Chu Văn An (Hà Nội), Lam Sơn (Thanh Hóa), Lê Hồng Phong (Nam Định)...

Rồi "gà nòi" này qua hàng chục vòng đấu để chọn ra 14 thí sinh vào đội tuyển Toán quốc gia. Sau 90 ngày khổ luyện và trải qua 45 bài kiểm tra sẽ chọn 8 "con gà" để đi thi. Tất cả chi phí cho các hoạt động này đều do ngân sách Nhà nước trả.

Theo anh Tiến, thời đó vô cùng thiếu thốn. Trước khi ra nước ngoài, Bộ Tài chính ưu ái mỗi thành viên trong đoàn được mượn một bộ comple, hai áo sơ mi, một đôi giày. Thi xong phải trả lại.

Dù chưa dành được huy chương tại kỳ thi Toán quốc tế nhưng nhờ có tiền đề này, anh Tiến tốt nghiệp ĐH tổng hợp Kishinhov, Cộng hòa Moldova; khoa Quản trị kinh doanh ĐH Bách khoa; khoa Ngoại ngữ, ĐH Thương mại Hà Nội; khoa Quản trị kinh doanh cao cấp, ĐH Amos Tuck, Mỹ.

Kinh qua một vài công việc, anh Tiến đầu quân cho FPT. Anh cũng là một trong 13 thành viên sáng lập của tập đoàn. Với kinh nghiệm về quản trị tài chính được đúc kết trong những năm cống hiến cho FPT, trong suốt thời gian từ 1988-2009, anh trở thành trụ cột về tài chính cho cả tập đoàn. Chuyển qua nhiều vị trí, hiện anh là thành viên Hội đồng Sáng lập FPT, tập trung vào việc phát triển chiến lược cho tập đoàn.

Anh Nguyễn Tuấn Hùng, PTGĐ FPT IS: 'Gà nòi' của khối chuyên Toán

Anh Hùng vốn là "gà nòi" khi học chuyên Toán từ cấp 2 ở Thanh Hóa. Lên cấp 3, anh học ở khối Chuyên Toán ĐH Sư phạm Vinh (nay là ĐH Vinh).

a

Anh Hùng vốn là "gà nòi" khi học chuyên Toán từ nhỏ. Ảnh: NVCC.

Theo anh, thời đó, tiêu chí lựa chọn học sinh thi Toán quốc tế cũng giống bây giờ. Để lọt qua "vòng gửi xe", thí sinh phải thi học sinh giỏi Toán quốc gia. Sau đó, những thí sinh có kết quả cao nhất sẽ thi vòng 2 chọn ra 8 học sinh thi quốc tế. Kết thúc khóa bồi dưỡng tập trung 2 tháng, các thí sinh sẽ tiếp tục thi. Dựa vào kết quả các kỳ thi này sẽ quyết định lựa chọn cả 8 học sinh hay ít hơn tham gia kỳ thi quốc tế. Năm 1978, Bộ Giáo dục đã chọn cả 8 học sinh đi thi.

Tuy nhiên, ngày đó điều kiện ôn luyện khó khăn, thiếu thốn rất nhiều. Anh Hùng nhớ lại, khi ấy, sách tham khảo về Toán sơ cấp chưa nhiều nên ngoài các sách tiếng Việt, anh còn phải tìm thêm tạp chí và sách Toán sơ cấp tiếng Nga để tìm các đề bài hay. Lợi thế của anh Hùng là được học trong môi trường chuyên Toán từ nhỏ, vì vậy, kiến thức về Toán sơ cấp giúp anh có thêm cái nhìn hệ thống và toàn diện hơn.

Năm 1978, anh Hùng và 7 thành viên của đội tuyển Việt Nam tham gia kỳ thi Toán quốc tế tại thủ đô Bucarest của Rumani. Anh Hùng cho rằng, khó khăn nhất của thí sinh là áp lực đoạt giải. Cách khắc phục của đoàn là ôn luyện thật nhiều. Để chuẩn bị tâm lý tốt, đoàn Việt Nam sang sớm hơn. Trong thời gian chờ đợi, cả đoàn tiếp tục làm các bài tập do các thầy đưa ra để bảo đảm các thành viên có thể làm bài tốt trong điều kiện áp lực cao. Việc gặp gỡ và giao lưu với học sinh các nước khác cũng giúp cho tinh thần của đoàn thêm vui vẻ.

a

Dù không trực tiếp nghiên cứu về Toán nhưng anh vẫn quan tâm theo dõi các kỳ quốc tế về Toán sau này và thường xuyên giúp đỡ học sinh học các lớp chuyên Toán. Ảnh: C.T.

Nhờ sự cố gắng và có tinh thần tốt, cả 8 học sinh của đoàn Việt Nam đều được giải với 2 giải Nhì và 6 giải Ba. Chỉ có hai đoàn là Việt Nam và chủ nhà Rumani có tất cả học sinh được giải. Anh Hùng cũng "ẵm" về giải Ba của cuộc thi danh giá này.

Trải qua cuộc thi, anh Hùng đã tôi luyện được "thần kinh thép", khả năng giữ được bình tĩnh khi xử lý tình huống. Anh kể lại, năm đó, một học sinh người Mỹ là Mark Kleiman ở cùng phòng thi với anh. Ngày nào, Mark Kleiman cũng làm xong bài thi khi chưa hết một nửa thời gian. Kết quả, Mark Kleiman được giải Nhất với điểm số tuyệt đối 40/40. Vì vậy, nếu không bình tĩnh làm bài sẽ không thể làm tốt được.

Sau khi tốt nghiệp, anh Hùng đầu quân về FPT. Bởi theo anh, Toán là một môn cơ sở quan trọng giúp học sinh có thể học giỏi nhiều môn khác. Ngoài các ngành khoa học tự nhiên, các ngành Kinh tế, Tài chính… cũng cần rất nhiều kiến thức toán và tư duy logic. Dù không trực tiếp nghiên cứu về Toán nhưng anh vẫn quan tâm theo dõi các kỳ quốc tế về Toán sau này và thường xuyên giúp đỡ học sinh học các lớp chuyên Toán.

Anh Phan Phương Đạt, Phó Hiệu trưởng ĐH FPT: Ôn thi Toán quốc tế đến gầy gò

Chỉ trong 2 năm, với hai tấm huy chương Đồng (1987) và huy chương Bạc (1988), anh Phan Phương Đạt trở thành học sinh Việt Nam duy nhất được 3 đời Thủ tướng tặng bằng khen. Anh cũng là một trong 2 học sinh ở Việt Nam được dự thi 2 năm liền trong lịch sử thi Toán quốc tế ở Việt Nam.

Nhớ lại thời đó, anh Đạt chỉ nhớ hình ảnh cắm đầu vào học đến gầy người. Ngày đó, cứ nghe thầy nào giỏi thì bố mẹ anh đến xin học cho con. Cứ có sách Toán nào hay là anh đọc, bài toán nào hay là giải. Để kiếm sách Toán rất khó nên anh phải đi mượn chép thường xuyên.

Để chuẩn bị cho kỳ thi Olympic Toán học quốc tế 1987, các học sinh trong đoàn được cho tiền để thuê một bộ vest mặc trong khi đi tham dự tại đất nước Cuba xinh đẹp. Tuy nhiên, do thể hình gầy gò nên anh thử đến mấy cái cũng không vừa. Sau đó, anh đành phải chọn những bộ quần áo “đẹp nhất” thường ngày để sang nước bạn.

a

Hiện, anh Đạt giữ vị trí Phó Hiệu trưởng ĐH FPT. Ảnh: C.T.

Trước kỳ thi, không chỉ riêng anh mà tất cả học sinh trong đoàn đều lần đầu được ra nước ngoài nên trước ngày lên đường không tránh khỏi tâm trạng hồi hộp “mất mấy đêm”. Nhớ lại tuổi thơ của mình, anh Đạt cho rằng thời kỳ đó, những học sinh như anh “ngố lắm” và “chỉ có học thật”. Tuy nhiên, anh cũng dành thời gian để đọc sách, đi chơi.

Tâm sự về cái duyên khi đến với FPT, anh Đạt cho biết: “Ngày xưa, lúc chọn ngành học đại học, mình đã chọn Tin học thay cho Toán vì biết là không đủ khả năng nghiên cứu Toán. Sau khi tốt nghiệp về nước, được bạn bè rủ vào FPT vì FPT là công ty Tin học”.

Hiện, anh Đạt giữ vị trí Phó Hiệu trưởng ĐH FPT. Anh nhận thấy những kỹ năng, tư duy Toán học có thể áp dụng rất tốt cho công việc, ví như đặt những bài toán thực tế và tìm lời giải cho nó. Niềm vui của anh khi quyết định theo đuổi công việc hiện tại đó là công ty phát triển rất tốt, có nhiều việc thú vị để thử, để làm và được hưởng thành quả từ thành công của công ty.

FPT là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng các tài năng Toán học. Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, Chủ tịch FPT Myanmar Hoàng Minh Châu... đều xuất thân từ dân Toán. Cựu nhân viên FPT - TS. Trần Nam Dũng - cũng giành giải Nhì Toán quốc tế năm 1982.

Quân Vân tổng hợp

Ý kiến

()