Chúng ta

CEO trẻ FPT chỉ bí quyết thành công cho sinh viên

Thứ tư, 29/10/2014 | 15:55 GMT+7

'Khi ra trường, các bạn hãy chọn công việc mình yêu thích và làm nó tới cùng. Điểm số và những gì đạt được trong quá khứ không quyết định thành công", TGĐ Sendo chia sẻ trong chương trình CEO Talk diễn ra tại ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM.
> Từ thất nghiệp trở thành CEO trẻ nhất FPT

Hơn 700 sinh viên đã ngồi kín các hàng ghế, lối đi và khoảng trống cuối hội trường.

Hơn 700 sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM đã ngồi kín các hàng ghế, lối đi và khoảng trống cuối hội trường của buổi giao lưu với lãnh đạo FPT. Ảnh: Dương Thi.

Theo người điều hành Sàn thương mại điện tử FPT, việc học ngành nào không quyết định sẽ làm gì trong tương lai. Điển hình là anh Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, học ngành Toán nhưng lập nghiệp bằng nghề bán máy tính rồi trở thành Chủ tịch Tập đoàn CNTT số 1 Việt Nam. Hay ở Sendo.vn có một chị là Giám đốc trung tâm, mỗi tháng điều hành hàng trăm nghìn đơn hàng nhưng thời sinh viên lại học về công nghệ sinh học. “Khi ra trường, các bạn hãy chọn công việc mình yêu thích và làm nó tới cùng. Điểm số và những gì đạt được trong quá khứ không quyết định thành công. Quyết tâm và nỗ lực sẽ quyết định tương lai đi đến đâu. Đó là bài học của chính tôi”, anh Linh trải lòng.

CEO Talk tại ĐH Khoa học Tự nhiên diễn ra ngày 26/10 với hai diễn giả là anh Nguyễn Đức Quỳnh - Giám đốc FPT Software HCM và anh Trần Hải Linh - CEO Sendo. Hơn 700 sinh viên đã tham gia chương trình.

Sau đó một ngày, sự kiện tại ĐH Kinh tế thu hút 600 sinh viên. Hai diễn giả là anh Trần Nam Anh, Phó TGĐ Công ty TNHH Phân phối Công nghệ Viễn thông FPT (F9, thuộc FPT Trading) và anh Ngô Quốc Bảo, GĐ Trung tâm phát triển kinh doanh, FPT Retail.

TGĐ Sendo kể, có giai đoạn giới trẻ cả nước đổ xô đi học ngân hàng và trước đó lại ùn ùn vào CNTT rồi chứng khoán. Anh Linh cho rằng, nhiều người quan niệm muốn làm giàu phải đi làm kinh doanh không hẳn đúng. “Ở FPT, có nhiều người chỉ thuần túy làm kỹ thuật nhưng vẫn giàu có và thành đạt, chẳng hạn như sếp của tôi. Học ngành gì không quan trọng, điều quan tâm là bạn giỏi và thích theo đuổi hướng nào. Nếu bạn thực sự giỏi trong một lĩnh vực nào đó, gần như chắc chắn bạn sẽ thành công. Đừng chạy theo trào lưu bởi khi xu hướng thay đổi, không lẽ mình học lại từ đầu”, CEO trẻ FPT chỉ bí quyết.

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho các sinh viên để có thể tìm kiếm một công việc thích hợp hay theo đuổi đam mê nghề nghiệp, với tư cách nhà tuyển dụng, anh Linh khẳng định, điều quan trọng nhất là thái độ.

“Mình trẻ nên đương nhiên có những cái không biết, và đó không phải điểm yếu. Ở góc độ khác, vì trẻ nên mình có sức khỏe, quyết tâm và khả năng học hỏi nhanh, vì vậy phải tận dụng điểm này. Học càng nhiều thứ càng tốt, những cái mới càng nên học vì đó là thế mạnh cạnh tranh so với những người nhiều kinh nghiệm hơn nhưng lại chậm đổi mới”, TGĐ Sendo lý giải.

mg7120-826338-1414720259.JPG

Thất bại trong công việc trước khi gia nhập FPT, anh Trần Hải Linh làm việc tại FPT Telecom một thời gian ngắn rồi chuyển sang FPT Online. Anh là lãnh đạo trẻ nhất điều hành một công ty thành viên của tập đoàn. Ảnh: Dương Thi.

Trong khi đó, anh Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển Kinh doanh, FPT Retail, quan niệm, thành công lớn đều bắt đầu từ những việc rất nhỏ. “Hãy làm những việc nhỏ tốt hơn đối thủ của bạn một chút. Và chỉ cần những điều như thế cộng lại”, anh Bảo chia sẻ với sinh viên Đại học Kinh tế tối 27/10.

Thích làm việc cho các công ty nước ngoài hơn và cũng đang thực tập tại Nestle, vào một ngày đẹp trời, anh Bảo gia nhập FPT sau buổi phỏng vấn và viết e-mail “phê bình” tập đoàn. Làm việc một thời gian, cậu sinh viên trường ĐH Ngoại thương đã va vấp những "tai nạn" đáng nhớ như: In sai 600 poster chương trình khi phụ trách một event, phải tự đi gỡ bỏ, làm lại trong một thời gian ngắn; Làm chương trình lồng đèn tri ân khách hàng, cấp trên chưa ký tờ trình nhưng đã cho sản xuất và hậu quả là phải bỏ tiền cá nhân để thanh toán. “Tôi rút ra những bài học bổ ích: Muốn thành công trong bất kỳ chuyện gì, bạn phải làm được từ những việc rất nhỏ”.

Trong thời gian gắn bó ở FPT, nhiều lần anh Bảo có ý định nghỉ làm, trong đó đỉnh điểm là dịp thành phố Cần Thơ cử đi đào tạo ở nước ngoài để trở thành một cán bộ Nhà nước. “Điều giữ chân tôi lại là tình cảm của đồng nghiệp, từ chị lao công, tạp vụ dành cho những miếng bánh, phần ăn nhỏ hay lớn hơn là cơ hội mà Ban lãnh đạo chấp nhận rủi ro dành cho những người trẻ chúng tôi được học tập, thực hiện những kế hoạch táo bạo”, anh Bảo trầm ngâm.

Trải qua nhiều vị trí ở các công ty thành viên của FPT, theo anh Bảo, thành công đều gắn liền với những dấu ấn nghề nghiệp và đó là những cảm xúc không thể nào quên. Một trong những chiến công lớn nhất là năm 27 tuổi, anh Bảo đã điều hành thành công, thay đổi chế độ lương thưởng và đưa chi nhánh FPT Telecom Chợ Lớn từ doanh thu thấp nhất trở thành đơn vị có doanh thu cao nhất toàn hệ thống.

Với chủ đề về con người FPT, đặc biệt là sự nhiệt huyết, máu lửa, dám nghĩ dám làm của các lãnh đạo FPT, sinh viên sẽ được định hướng về công việc tương lai thông qua các câu chuyện của chính những người đi trước.

"Công việc yêu thích và có lương cao không hẳn là phải làm ở công ty lớn. Đạt được cả hai là điều hạnh phúc. Nếu chỉ được chọn một, theo tôi nên chọn công việc bạn thích. Làm thật giỏi để được tăng lương, thăng chức. Nhưng nếu không được thì lúc đó bạn có thể tạm biệt công ty đó để chọn một nơi khác để được làm công việc bạn thích và lương cao", anh Ngô Quốc Bảo (bên phải) chia sẻ. Ảnh: Hà Dương.

Chia sẻ bí quyết phỏng vấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Kinh doanh FPT Retail cho rằng quá trình gặp gỡ nhà tuyển dụng không nói lên được nhiều điều nhưng quan trọng nhất là sinh viên hãy giữ thái độ khiêm tốn nhưng tự tin. “Chẳng hạn, khi giới thiệu bản thân, phải chủ động và tự tin bạn mới tạo ấn tượng tốt. Khi đó nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng và biết bạn là ai”, anh Bảo gửi gắm và cho biết ứng viên cần trang bị kỹ năng trình bày, cầu thị và ngay cả khi bạn càng làm ở những vị trí cao, kỹ năng này càng quan trọng.

Như một người anh đi trước với những trải nghiệm thực tế, người điều hành Kinh doanh của đơn vụ Bán lẻ khuyên các sinh viên học Quản trị Kinh doanh hay Tài chính đừng quan niệm học hại học ra để làm sếp mà hãy làm một nhân viên giỏi trước. Dù ở công ty lớn có sự chuyên môn hóa sâu hay ở đơn vị nhỏ phải kiêm nhiệm nhiều việc, bạn hãy cứ học hỏi nhiều nhất có thể trong vị trí mà mình đảm nhiệm.

“Các sinh viên hãy dành ra ít nhất 6 tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp để làm thuê. Hãy làm thật nhiều, kể cả những việc không liên quan đến chuyên môn của bạn dù không thích và rất cực. Khi đó, đừng đặt mục tiêu là kiếm tiền. Hãy coi đó như một môn học lớn. Một lúc nào đó, bạn sẽ cảm ơn khoảng thời gian này”, Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh FPT Retail nhắn nhủ.

CEO Talk là chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc do Ban Nhân sự FPT tổ chức từ năm 2013, nhằm giải đáp thắc mắc của sinh viên về cơ hội nghề nghiệp và con đường phát triển trong tương lai. Đồng thời giúp sinh viên có cái nhìn thực tế, tiếp cận những góc nhìn khác nhau về việc lựa chọn nghề nghiệp từ kinh nghiệm thực tế của lãnh đạo trẻ FPT.

Nguyên Văn

Ý kiến

()