Chúng ta

CEO Bùi Quang Ngọc tiên phong Nam tiến làm sư phụ

Thứ tư, 4/4/2018 | 16:35 GMT+7

TGĐ FPT lần đầu mở lớp sư phụ - đệ tử với 6 học trò là quản lý các đơn vị thành viên FPT phía Nam.

“Trước nay sư phụ ở Hà Nội hay Sài Gòn chỉ nhận đệ tử cùng địa bàn. Nhưng năm nay, tôi tiên phong đề xuất nhận một lớp tại phía Nam”, CEO Bùi Quang Ngọc chia sẻ buổi gặp 6 học trò. “Chương trình nhằm chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm liên quan đến các vấn đề chuyên môn dựa trên việc thảo luận, phân tích tình huống thực tế. Chương trình sư phụ - đệ tử còn là kênh kết nối gần gũi giữa các cấp quản lý, từ tập đoàn đến đơn vị thành viên”.

DSC-6275-JPG.jpg

Sư phụ Bùi Quang Ngọc trao đổi với đệ tử Bùi Triệu Anh Tuấn, PTGĐ FPT IS ERP, trong lúc đang xem lại các đề mục buổi học.

Sau đó, lần lượt các học trò tự giới thiệu và nêu những câu hỏi, vấn đề quan tâm để sư phụ và đồng môn cùng chia sẻ, giải đáp. Nhóm đệ tử đầu tiên của anh Ngọc tại phía Nam gồm: CTO FPT IS Phan Thanh Sơn, PTGĐ FPT IS ERP Bùi Triệu Anh Tuấn, TGĐ FPT IS GMC Lê Nguyên Diệm, PTGĐ FTI Lê Viết Thanh Luận, PGĐ FSF (FPT Software) Đặng Văn Thành và PGĐ DTL (FPT Software) Trần Tiến Phước. Do bận công việc đột xuất nên anh Phạm Nguyên Vũ, PGĐ GES (FPT Software) vắng trong buổi học đầu tiên.

Theo anh Ngọc, hoạt động đào tạo, huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm diễn ra liên tục trong năm, cả qua hệ thống trực tuyến kết hợp học trực tiếp trong những chuyến công tác tại Sài Gòn. Lớp sư phụ - đệ tử sẽ không phải kiến thức quản trị khô khan hay lý thuyết và bài học mẫu, thay vào đó, thầy sẽ chia sẻ kiến thức, kỹ năng gần gũi, thực tế nhất, từ chiến lược cấp tập đoàn đến các vấn đề của công ty thành viên.

“Tôi theo các lớp sư phụ - đệ tử nhiều năm nay với sư phụ là GĐ FPT Software HCM Nguyễn Đức Quỳnh. Chương trình rất bổ ích khi kết nối anh em đơn vị hiểu hơn công việc của nhau, học kinh nghiệm thực tiễn”, anh Trần Tiến Phước, PGĐ DTL, chia sẻ. “Năm nay CEO FPT mở lớp tại Sài Gòn nên tôi đăng ký với kỳ vọng sẽ có thêm kiến thức và kinh nghiệm từ sư phụ”.

DSC-6277-JPG.jpg

Lớp học được tổ chức tại một nhà hàng trong không khí ấm cúng. Theo truyền thống nhà F, sư phụ sẽ là người chi trả phần tiệc.

Chương trình sư phụ - đệ tử mới sẽ bám sát dự án "Phát triển năng lực lãnh đạo FPT" (Radar Chart). Radar Chart là chương trình đánh giá năng lực cán bộ quản lý cấp cao theo 13 tiêu chí lãnh đạo FPT, từ đó, mỗi lãnh đạo sẽ lập kế hoạch phát triển năng lực hằng năm, chủ động triển khai và được đánh giá vào cuối năm. 

Từ năm 2017, Ban tổ chức cũng mở rộng đối tượng tham gia làm sư phụ. Ngoài cán bộ level 6 và 7, các công ty thành viên được tiếp tục duy trì các sư phụ level 5 trong năm 2016 tại đơn vị. Đây là những lãnh đạo đang nắm giữ vai trò quan trọng trong FPT, có kiến thức chuyên sâu, uy tín, giàu trải nghiệm và tâm huyết trong việc truyền đạt và lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm của bản thân cho các thế hệ tiếp theo.

Ban tổ chức cũng khuyến khích cán bộ cốt cán tham gia chương trình để chia sẻ lại kiến thức được học từ khóa đào tạo của Crestcom cũng như các khóa học khác của công ty. Tuy nhiên, nhóm này không được tính vào số lượng sư phụ theo quy định tại đơn vị.

DSC-6283-JPG.jpg

Mỗi vấn đề/câu hỏi của đệ tử đều được sư phụ ghi chép đầy đủ.

Với chủ đề sinh hoạt mỗi buổi, các sư phụ lựa chọn một trong những hướng sau: Chiến lược kinh doanh, các vấn đề “nóng” tại đơn vị, phát triển đệ tử theo định hướng “13 tiêu chí lãnh đạo FPT”. Mỗi nhóm sinh hoạt tối thiểu 6 buổi mỗi năm và 3 giờ mỗi buổi (tương đương tổng thời lượng tối thiểu 18 giờ một năm).

Sư phụ - đệ tử là chương trình do Trường Đào tạo Cán bộ FPT (FCU) và Ban Nhân sự FPT phối hợp tổ chức, được thiết kế dựa trên mô hình YPO Forum - hoạt động thường niên của tổ chức Lãnh đạo trẻ thế giới. Đây là hình thức huấn luyện nhằm kết nối các nhà lãnh đạo trẻ với những lãnh đạo giàu trải nghiệm thông qua các buổi offline, trong đó các thành viên sẽ có cơ hội chia sẻ những vấn đề của mình và lắng nghe sự tư vấn từ các sư phụ. Mô hình này được áp dụng và thành công với nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia. Tại Việt Nam, FPT đã triển khai áp dụng mô hình cho đội ngũ lãnh đạo các cấp từ năm 2012 và mô hình đã góp phần đào tạo được nhiều nhà quản trị có năng lực.

Tham gia chương trình, các đệ tử sẽ được sư phụ chia sẻ kinh nghiệm đúc rút từ nhiều năm làm lãnh đạo, trong đó có nhiều bí kíp chỉ dành riêng cho đệ tử; được tham vấn các sư phụ về những vướng mắc trong công việc, cuộc sống để có giải pháp nhanh chóng; được kết nối với các đệ tử khác trong nhóm, là những người có cùng đam mê và chí hướng, để học hỏi lẫn nhau; có cơ hội tiếp cận với phương pháp tư duy kiến tạo của người Do Thái (Constructivism).

Ngoài mục đích chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm liên quan đến cuộc sống, các vấn đề chuyên môn và bí kíp nghề nghiệp dựa trên việc thảo luận, phân tích tình huống thực tế, các hoạt động của chương trình sư phụ - đệ tử được xem là một kênh giao tiếp gần gũi giữa thế hệ cán bộ quản lý các cấp, giúp FPT duy trì được bản sắc của riêng mình.

Theo quy định của Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU), sư phụ là cán bộ lãnh đạo/cán bộ cốt cán/quản lý FPT từ level 5 trở lên. Từ năm 2018 FPT khuyến khích một số cán bộ level 4 có năng lực lãnh đạo, quản lý tham gia làm sư phụ, danh sách cán bộ cấp 4 này do FCU phê duyệt. Số buổi sinh hoạt và số giờ sinh hoạt của các cán bộ cấp 4 cũng được tính như cán bộ cấp 5 trở lên. Số giờ sinh hoạt của các sư phụ được tính theo quy định đào tạo nội bộ năm 2018. Theo đó, số buổi sinh hoạt tối thiểu trong năm 2018 là 6 buổi, tương đương tối thiểu 18 giờ/1 năm.

>> Người nhà F phía Nam 'chất vấn' CEO Bùi Quang Ngọc

Nguyên Văn

Ý kiến

()