Chúng ta

Các chi nhánh FPT Telecom gấp rút đối phó bão Dianmu

Thứ sáu, 19/8/2016 | 15:14 GMT+7

Hàng loạt chi nhánh của FPT Telecom nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Dianmu như Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định... đã hoàn tất các phương án bảo vệ người, tài sản và hạ tầng trước khi bão đổ bộ vào chiều nay (ngày 19/8).

Theo VnExpress, khi vượt qua đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), bão Dianmu có xu hướng hơi chếch lên phía Bắc, chứ không tiếp tục giữ hướng Tây. 12h trưa nay, bão Dianmu ở vùng biển Quảng Ninh - Nam Định với sức gió tối đa 90 km/h (cấp 9), gây gió mạnh cấp 8-9 cho các tỉnh trên.

bao-nb-8176-1471592942.jpg

Các cơ quan chức năng ở TP Ninh Bình đã tiến hành cắt tỉa ngọn cây đề phòng gió giật mạnh khiến cây đổ hàng loạt. Ảnh: Chi nhánh cung cấp.

Theo anh Trần Hữu Sơn, GĐ Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng Viễn thông miền Bắc (INF), đơn vị đã theo dõi chặt chẽ thông tin về bão để thông báo cho toàn bộ chi nhánh tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng rà soát hạ tầng theo kịch bản phòng chống lụt bão.

Tại các chi nhánh đều có đầu mối và phân công công việc chi tiết để chuẩn bị trực, chống và khắc phục sau bão. Các kênh thông tin trao đổi cũng được thiết lập để liên tục cập nhật tình hình và trao đổi, tư vấn, hỗ trợ từ HO. Nhân lực, vật lực đều được ưu tiên cho việc phòng chống bão lụt, đảm bảo hạ tầng ổn định để phục vụ kinh doanh. Hiện, các chi nhánh của FPT Telecom nằm trong vùng ảnh hưởng đã hoàn thiện công tác chuẩn bị đối phó với bão Dianmu.

Anh Kiều Văn Khánh, GĐ FPT Telecom Hải Phòng cho hay, đơn vị đã hoàn thành các phương án ứng phó với bão từ ngày 18/8 như gia cố lại các điểm xung yếu, rà soát kênh, rinh, di chuyển sắp xếp nhà kho, vật tư để đề phòng ngập lụt, kiểm tra thiết bị, chuẩn bị xăng dầu máy nổ, gia cố các văn phòng. Đồng thời thông báo cho toàn thể CBNV về tình hình của bão và các biện pháp phòng ngừa để tránh thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản.

Hiện ở Hải Phòng đang mưa to, gió lúc mạnh lúc không, sức gió mạnh nhất trưa nay vào khoảng cấp 5, cấp 6, anh Khánh cho biết.

Cùng thời điểm, ở Ninh Bình, CBNV cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống bão từ việc rà soát các POP, kiểm tra lại hạ tầng, chuẩn bị vật tư trang thiết bị để đề phòng mất điện. Các cơ quan chức năng ở TP Ninh Bình đã tiến hành cắt tỉa ngọn cây đề phòng gió giật mạnh khiến cây đổ hàng loạt, gây thiệt hại như cơn bão trước.

Các chi nhánh nằm trong vùng ảnh hưởng của tâm bão như Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội có mưa to, gió bắt đầu mạnh. Các chi nhánh đã lập đội trực phòng chống lụt bão nhằm đối phó với những sự cố xảy ra trong và sau bão, sẵn sàng xử lý các tình huống đổ cột điện, ngập nước, cây đổ... "Hiện bão vẫn ở ngoài biển, chưa ảnh hưởng vào đất liền nên anh em chi nhánh vẫn đang trong tâm thế sẵn sàng ứng trực khi bão về", anh Nguyễn Khắc Hiếu, GĐ FPT Telecom Thái Bình, cho hay.

Theo cơ quan khí tượng, 12h ngày 19/8, tâm bão trên vùng biển Quảng Ninh - Nam Định, sức mạnh nhất 90 km/giờ (cấp 9), giật cấp 10-12. Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, bao gồm cả Hà Nội đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. 

Do có chút thay đổi hướng đi và cường độ chậm hơn, dự báo đến 17h, tâm bão mới trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình, giữ cường độ cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-12.

Trước đó, tâm bão Mirinae đổ bộ đêm ngày 27/7 vào Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình gây nhiều thiệt hại cho hạ tầng viễn thông của FPT Telecom. Hàng loạt tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng với nhiều tuyến cáp bị đứt, các nhà POP bị mất điện, chập cháy, đứt cáp từ hai hướng... làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ. 

>> Bão Mirinae gây thiệt hại hạ tầng FPT tại nhiều tỉnh phía Bắc

Tử Quyên

Ý kiến

()