Chúng ta

‘Cả nhà đang yên ấm, xuân này con đừng về’

Thứ năm, 11/2/2016 | 09:00 GMT+7

Câu nói của người mẹ xa con trai thoạt nghe có vẻ hài hước nhưng đằng sau đó là cả một nỗi niềm ẩn giấu. Nhiều người FPT tại Nhật, Campuchia hay những vùng đất khác trên hành tinh này ăn Tết xa quê hương. 

2016 là năm đầu tiên Vũ Quang Anh, FPT Japan, ăn Tết xa nhà. Sinh năm 1990, trẻ trung phơi phới, anh bảo muốn ở lại đón Tết tại Nhật cùng đồng đội. “Ở Việt Nam tôi sống cùng bố mẹ, chưa bao giờ xa nhà nên dịp Tết năm nay muốn “đổi gió”. Thêm vào đó là muốn thử không khí đón năm mới ở China Town”, Quang Anh tiết lộ lý do quyết định ở lại “đất khách” ăn Tết.

Nói là vậy, nhưng nỗi buồn vẫn trộn lẫn trong niềm vui trải nghiệm giây phút Giao thừa ở xứ sở hoa anh đào. Hỏi gia đình anh phản ứng gì trước tin “sốc” này. “Cả nhà đang yên ấm, xuân này con đừng về”, Quang Anh dí dỏm thuật lại lời của mẹ. Lần đầu tiên cậu con trai xa nhà trong khoảnh khắc đoàn viên, liệu có người mẹ nào không thổn thức tâm can.

Quang Anh dự định trong mấy ngày Tết trên đất bạn sẽ mua ít hoa quả cúng Giao thừa. “Mùng 1 đi China Town, mấy ngày cuối tuần rảnh thì du lịch Osaka”. Nghe Quang Anh kể có vẻ lạnh lùng nhưng kết lại những tâm sự trước thềm năm mới, anh bảo Tết là thời điểm gia đình quây quần bên nhau, ôn lại kỷ niệm của năm cũ. “Tết cũng là ngày để được ăn tất cả món ăn ngon mẹ nấu”, chàng trai trẻ bồi hồi.

1-8168-1455120403.jpg

Đỗ Thành Khải (bìa trái) và Vũ Quang Anh cùng một giáo viên người Nhật. Năm nay là năm đầu tiên hai chàng trai đều sinh năm 1990 đón Tết tại xứ sở hoa anh đào. Ảnh: NVCC.

Một đồng đội khác của Quang Anh là Đỗ Thành Khải cũng chuẩn bị cho một cái Tết xa Việt Nam đầu tiên đang cận kề. Sang Nhật từ tháng 3 năm ngoái, tính đến nay, anh đã có gần một năm xa nhà. “Xuân này con không về”, mẹ Khải nói: “Sẽ đợi con về ăn Tết muộn”. Khải cho biết anh dự định về Việt Nam sau Tết khoảng một tháng.

“Tôi nhớ nhà ghê lắm. Tết ở Việt Nam thường lạnh còn ở Nhật bây giờ đang là mùa đông. Dù cái lạnh khác nhau nhưng cũng đủ làm lòng mình xao động và nhớ quê”, Khải tâm sự. Vậy anh làm gì để xua đi nỗi nhớ ấy? “Tôi sẽ cùng thức đón Giao thừa qua Skype với gia đình. Sau đó cùng với những người “đồng cảnh” hầm một nồi canh khổ qua và thịt kho trứng cho có không khí”.

Có vài “chiến binh” khác từ FPT Japan cũng sẽ ở lại Nhật ăn Tết nhưng đã dày dạn “trận mạc”, trong đó có Trần Công An và Võ Như Thông. “Năm nay là năm thứ ba tôi ăn Tết ở Nhật rồi”, An thú nhận. Những ngày Tết ở đây, An thường đi đền hoặc chùa để xem vận mệnh của bản thân trong năm mới. Đây cũng là dịp để anh đi thăm một số thầy cô giáo người Nhật.

Đã quen ăn Tết xa quê nhưng thời khắc Giao thừa vẫn luôn mang lại những cảm xúc dạt dào với An. “Đó là khoảnh khắc của vui buồn lẫn lộn. Vui vì ta sắp bước sang một năm mới, mong chờ những trải nghiệm mới trong cuộc sống. Buồn là tự hỏi sao thời gian nhanh quá, mình đã già đi một tuổi rồi”, An nói vui vui tủi tủi.

2-Tran-Cong-An-5825-1455120403.jpg

Trần Công An tại một khu vực yên tĩnh ở Tokyo, nơi anh đang onsite. Ảnh: NVCC.

Kỷ niệm mà anh nhớ nhất trong mấy mùa xuân qua trên đất Nhật là vào năm ngoái. Vì đặc thù công việc nên An vẫn đến cơ quan trực trong tâm trạng không mấy vui vẻ. Tuy nhiên, khi bước vào văn phòng dù chỉ có vài bóng người, anh vẫn thấy ấm áp ngập tràn qua những lời chúc, những viên kẹo ngọt đầu năm mà những người tha phương dành cho nhau.

“Tết vẫn đi làm nên không cảm nhận được gì nhiều”, Tết đầu tiên ở Nhật (2015) của Thông diễn ra như thế. Vẫn là những dự án, vẫn cắm đầu vào công việc và vẫn không người thân bên cạnh. Dù vậy, anh vẫn thấy được nét khác biệt trong văn hóa Tết của hai xứ sở. “Tất nhiên về mục đích thì giống nhau, Tết là để sum vầy. Những ngày này, người Nhật phần lớn chỉ đi đền chùa cầu may cho năm mới”, anh nhận xét.

3-Thong-8411-1455120403.jpg

Võ Như Thông (người cao nhất trong ảnh) cùng các đồng đội tổ chức tiệc đón Tết năm 2015 tại Nhật. Ảnh: NVCC.

Thông cho rằng, vào ngày cuối cùng của năm thì không nên đi làm và đàn đúm với anh em cho đỡ nhớ nhà. Các onsiter cũng gọi điện thoại về nhà chúc Tết người thân, như truyền thống của người Việt Nam, dù đang ở phương xa.

Campuchia nằm sát Việt Nam nhưng năm nay, vợ chồng Trần Thị Thủy Tiên và Nguyễn Tống Quốc, FPT Campuchia, lại tiếp tục “trực chiến” tại đơn vị trong những ngày Tết. Đã là năm thứ hai cô con gái nhỏ của anh chị xa cha mẹ trong thời khắc Giao thừa. “Khi nghe tiếng pháo hoa nổ chiếu trên TV là lòng tôi lại bồi hồi. Tôi nghĩ về gia đình, không biết giờ này ở nhà cha mẹ và con gái đang làm gì”, Tiên tâm sự.

4-Tien-2026-1455120403.jpg

Vợ chồng Trần Thị Thủy Tiên và Nguyễn Tống Quốc có năm thứ 2 ăn Tết xa quê. Ảnh: NVCC.

Cảm giác xa quê trong những ngày đó kéo theo cảm xúc hững hờ với mọi vật xung quanh. Tiên bảo không có kỷ niệm gì đáng nhớ vì vẫn đi làm như thường. “Còn không khí tết ở Campuchia bình thường chứ không như ở Việt Nam”. Dù buồn, trống trải nhưng với đôi vợ chồng này, công việc vẫn được đặt lên hàng đầu.

Đến nay, FPT hiện diện tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Philippines, Australia, Pháp, Đức, Myanmar, Kuwait, Indonesia, Bangladesh, Hà Lan, Slovakia và Việt Nam.

>> 13/9 nơi đất khách

Yến Nhi

Ý kiến

()