Chúng ta

Cả gia đình cùng 'toàn cầu hóa'

Thứ ba, 21/1/2014 | 13:45 GMT+7

Trong công cuộc toàn cầu hóa đang diễn ra theo từng nhịp thở của FPT, rất nhiều CBNV chấp nhận thử thách cũng như tự tin đón chờ cơ hội mới khi quyết định làm việc tại các chi nhánh nước ngoài.
> FPT small tại hải ngoại

Sau gần 5 năm làm việc tại FPT Telecom, anh Vũ Văn Kết và chị Nguyễn Thị Thúy quyết định "góp gạo thổi cơm chung", đồng thời cùng đầu quân về FPT Campuchia khi chi nhánh thành lập. Những mong ước xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn của vợ chồng trẻ đã cùng họ đến đất nước láng giềng tuy không cách xa về địa lý và thuận tiện đi lại nhưng không thiếu những khó khăn.

Chị Thúy và anh Kết cùng em bé đầu lòng đang dần ổn định cuộc sống tại Cambodia.

Chị Thúy và anh Kết cùng em bé đầu lòng đang dần ổn định cuộc sống tại Campuchia.

“Cả hai vợ chồng đều phải học tiếng Khmer và làm việc, đào tạo, hỗ trợ các đồng nghiệp người Campuchia rất vất vả, nhất là tại một đơn vị kinh doanh trực tiếp, chịu áp lực doanh số như FPT Telecom. Nhiều lúc phải "cầm tay chỉ việc" cho nhân viên bản địa trong khi ngay ngoài cửa công ty thi thoảng lại có biểu tình, bạo động hay tiếng hô vang của một nhóm người Campuchia phản đối sự xuất hiện của người Việt”, anh Kết chia sẻ.

Hai anh chị đã lên chức bố mẹ nhưng khá khó khăn khi vừa chăm con vừa đảm bảo công việc và chị đi làm chỉ sau 2 tháng sinh em bé. Điều kiện y tế tại nước bạn chưa tốt nên nên lúc sinh nở, chị Thúy phải về TP HCM ở nhà trọ trong khi chồng vẫn làm việc ở nước ngoài. Phải đối mặt với nhiều trở ngại nhưng với anh chị, được làm việc ở Campuchia rất vui vì "có thể nâng cao khả năng ngoại ngữ, biết thêm tiếng Khmer, đặc biệt được các lãnh đạo luôn quan tâm, giúp đỡ".

Anh Kết tâm sự, Campuchia là môi trường đặc biệt vì khi làm việc chung ở đây, hai vợ chồng có thể chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn so với khi làm cùng ở quê nhà.

Singapore vốn là đất nước văn minh được nhiều người mơ ước, tuy nhiên, môi trường làm việc lại rất khắc nghiệt. Anh Nguyễn Hoài Anh và chị Lại Hồng Điệp cùng làm việc tại FPT Asia Pacific ở quốc đảo sư tử biển từ những ngày đầu đơn vị thành lập. Trong khi chị Điệp làm việc tại khối Văn phòng công ty thì anh Hoài Anh lại thường tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên hai vợ chồng hoàn toàn độc lập về công việc.

Sau 7 năm sinh sống và làm việc tại đất nước có môi trường sống tốt, phát triển về y tế, giáo dục, anh chị dự định tiếp tục duy trì cuộc sống tại đây khoảng 7-10 năm tới để con cái có thể được hưởng những ưu đãi tốt nhất. Đặc biệt, anh chị đều hy vọng vào tương lai phát triển của FPT Asia Pacific khi hướng tới mục tiêu doanh số 100 triệu USD.

Việc mua được nhà tại Singapore sau khi đã có thẻ xanh là một may mắn với vợ chồng chị Điệp vì có sự hỗ trợ của gia đình.

Việc mua được nhà tại Singapore là một may mắn với vợ chồng chị Điệp vì có sự hỗ trợ của gia đình.

Chị Điệp đã chia sẻ thẳng thắn những khó khăn về mức sống đắt đỏ, việc thuê nhà và nuôi con ở nước bạn. Tuy vậy, chị vẫn cho rằng, hai vợ chồng chị may mắn hơn nhiều người vì có sự hỗ trợ từ gia đình và sự đồng thuận trong mục đích, quyết tâm trước những vất vả phải đối mặt hằng ngày. Hiện anh chị đã mua nhà để ổn định cuộc sống tại Singapore.

Sang Mỹ khi còn trẻ sẽ là một lợi thế nên anh Nguyễn Công Thành, FPT USA, đã cùng gia đình sinh sống tại Texas được 4 năm. Quyết định "đi xứ" của vợ chồng anh rất nhanh chóng vì "cả hai còn trẻ và nghĩ mọi thứ khá đơn giản”. Chị Nguyễn Thu Hương, vợ anh, đã tạm ngừng công việc tại FPT HO để đi theo chồng với mong muốn cùng xây dựng một cuộc sống mới ở nước Mỹ xa xôi.

Hoàn thành khóa học Master Accounting tại trường Đại học St.Edwards đồng thời tự chăm sóc hai bé con, chị Hương thực sự là hậu phương vững chắc giúp anh Thành hoàn thành xuất sắc công việc của một salesman chủ chốt tại FPT USA.

“Nước Mỹ quá rộng lớn và mỗi người phải đối diện với sự cô đơn, sự khác biệt về văn hóa quá lớn nên nếu có thể sang đây khi còn trẻ sẽ giúp mọi người hòa nhập nhanh hơn. Hãy trang bị tốt kiến thức, ngoại ngữ và kỹ năng lái xe", anh Thành nhắn nhủ.

Sống xa gia đình nên với anh, khoảng thời gian sinh con khá vất vả cho vợ khi người thân tại quê nhà chỉ sang giúp được một thời gian ngắn.

Chị Nguyễn Thu Hương đã cùng chồng quyết định nhanh chóng sang Mỹ khi cả hai còn rất trẻ.

Chị Nguyễn Thu Hương đã cùng chồng quyết định nhanh chóng sang Mỹ khi cả hai còn rất trẻ.

Yêu thích và gắn bó với công ty nên "mỗi đất nước đều có thuận lợi, khó khăn riêng. Sướng hay khổ là do chính bản thân mình". Trong tương lai, anh Thành sẽ cùng FPT USA thực hiện “giấc mơ Mỹ với tinh thần nhiệt huyết nhất. “FPT cần chúng tôi ở đâu thì chúng tôi sẽ ở đó, không nhất thiết phải là Mỹ”, anh khẳng định.

Vợ chồng chị Trần Bình Giang và anh Phạm Thanh Hà có gần 10 năm gắn bó với FPT, trong đó có 6 năm làm việc ở FPT Japan. Từ một comtor hỗ trợ dự án, chị Giang đã trở thành Trưởng phòng và là một trong những salesman xuất sắc tại FPT Japan. Còn anh Hà, từ một lập trình viên không biết tiếng Nhật đã trở thành BrSE (kỹ sư cầu nối) làm việc trực tiếp với khách hàng lớn của FPT tại Nhật. Có được những thành quả đó, vợ chồng anh chị luôn cảm ơn các lãnh đạo như GĐ FPT Japan Trần Xuân Khôi, TGĐ FPT Software Nguyễn Thành Lâm, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến, đặc biệt là những đồng nghiệp tại Nhật cũng như tại Việt Nam luôn sát cánh và hỗ trợ hai vợ chồng.

Chị Giang kể, cuộc sống bận rộn khiến việc chăm sóc con gái bé nhỏ trở nên khó khăn. Tại Nhật, việc người nước ngoài thuê được nhà ở ổn định không dễ dàng, người thân tại Việt Nam nếu sang giúp chăm sóc con cái cũng chỉ được cấp visa nhiều nhất là 3 tháng. Thường chỉ có những ngày nghỉ, anh chị mới có thời gian lo cho con nhiều hơn.

Vợ chồng chị Giang, anh Hà cùng cô con gái đáng yêu trong dịp nghỉ lễ tại Nhật.

Vợ chồng chị Giang, anh Hà cùng cô con gái đáng yêu trong dịp nghỉ lễ tại Nhật.

“Công ty ngày càng đông nhân viên và các FPT Small sinh sống tại Nhật càng nhiều hơn. Mọi người thường chia sẻ và hỗ trợ nhau trong cuộc sống, nhất là việc chăm sóc con cái. Trong mỗi dịp đi chơi, đi nghỉ cùng nhau, các thành viên rất hạnh phúc vì sự phát triển của công ty và tình cảm đồng nghiệp thân thiết như anh em một nhà. Đây chính là động lực giúp vợ chồng mình phấn đấu và ổn định cuộc sống tại Nhật”, chị nói.

Chị Chu Trần Phương Anh đã quyết tâm theo chồng là anh Nguyễn Văn Hưng, FPT Trading, khi anh quyết định sang Myanmar làm việc. Chị Phương Anh đã sang nhượng một quán ăn vốn có tiếng tăm tại TP HCM và “khăn gói” sang Myanmar chỉ với mong muốn rất đơn giản là được ở bên chồng sau khi cưới.

Với chị, Myanmar cũng là một cơ hội để chính chị khám phá, tìm cơ hội kinh doanh dù không nhất thiết phải trở thành đồng nghiệp cùng chồng tại FPT. Những khó khăn và bất tiện về giao thông, ngôn ngữ, thức ăn là những điều mà người nước ngoài tới với Myanmar đều dễ dàng nhận thấy và chị xác định phải hòa nhập, thích nghi nhanh chóng khi ở lại lâu dài.

Anh Hưng tâm niệm, chỉ cần vợ chồng bên nhau thì mọi việc đều giải quyết được.

“Myanmar không ồn ào và đông đúc như Hà Nội hay TP HCM, y tế và giao thông chưa phát triển, nếp sinh hoạt khác hoàn toàn cũng khiến cả hai vợ chồng có phần bỡ ngỡ. Tuy nhiên, đây là môi trường tiềm năng nên hai vợ chồng rất hào hứng. Đặc biệt cả hai đều cho rằng, chỉ cần ở bên nhau thì việc gì cũng sẽ giải quyết được”, anh Hưng chia sẻ về việc gắn bó với chi nhánh trẻ trung nhất của FPT.

Thành Minh 

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()