Chúng ta

'Bữa cơm nhà tôi giờ không có cá biển'

Thứ năm, 28/4/2016 | 17:52 GMT+7

Nhiều người FPT ở khu vực miền Trung đã thay đổi thực đơn bữa ăn, lo lắng khi cá biển chết hàng loạt ảnh hưởng tới cuộc sống và giá cả sinh hoạt. 

Từ đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, 4 tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ.

h2-1461134950-660x0-2739-1461838399.jpg

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng cá chết hàng loạt ở biển miền Trung, người FPT ở khu vực miền Trung bày tỏ sự lo ngại và mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm được nguyên nhân. Ảnh: VnExpress.

Là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp nên Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng nề về kinh tế biển. Người dân những ngày qua sống trong sợ hãi, thậm chí chợ vắng tanh ở khu vực hàng cá, giá cả một số mặt hàng khác như rau, thịt... đều tăng vọt. 

"Tình hình cá chết hàng loạt và xảy ra trên diện rộng khiến cán bộ nhân viên FPT ở Hà Tĩnh thực sự lo lắng. Khẩu phần ăn giờ không có cá biển nữa. Liệu còn ai dám ăn hải sản và đi tắm biển ở Hà Tĩnh. Con cháu chúng ta rồi sẽ sống ra sao?", anh Trần Hữu Tuấn, FPT Telecom Hà Tĩnh, băn khoăn.

Chị Trần Thị Nga, Viễn thông FPT Quảng Bình, cho biết, những ngày qua, người dân không có cá biển để ăn, giá một số mặt hàng khác vì thế cũng tăng nhanh. "Chắc phải đến năm sau mới có cá ăn. Không chỉ có ngư dân bị ảnh hưởng mà ngay cả người dân cũng đối mặt với nhiều nguy cơ. Hiện cá đồng cùng một số thực phẩm khác như thịt, rau củ quả... khá đắt".

"Hy vọng cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân dẫn đến cá chết và nhanh chóng khắc phục để người dân tâm an tâm. Ở Quảng Trị, các khu chợ giờ thiếu vắng cá biển. Người FPT tại đây thường xuyên theo dõi diễn biến của sự việc", chị Trần Thị Thanh Lâm chia sẻ.

Gia đình anh Trần Đức Tiến, FPT Telecom chi nhánh Huế, cũng quyết định không ăn cá biển mà chuyển sang ăn thịt và rau quả. 

cachet3-1461664078-6555-1461822259.jpg

Từ một bè cá chết bất thường ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đầu tháng 4, hai tuần sau đó, người dân lần lượt phát hiện thêm hàng chục tấn cá tự nhiên chết dạt vào bờ trải dọc Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Nguyên nhân gây ra sự việc chưa được xác định.

Không bị ảnh hưởng nghiêm trọng như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình hay Huế, Đà Nẵng mới đây thông báo phát hiện 17 con cá chết dạt vào bờ. Theo báo cáo ban đầu của Sở Nông nghiệp, "có thể trong quá trình khai thác của ngư dân, một số cá thể bị thương ngoài biển, các tàu cá thu hồi ngư cụ bị thất thoát cá dẫn đến một số loài bị chết, lâu ngày dạt vào bờ".

Đồng cảm với khó khăn của ngư dân khi không thể ra khơi cũng như bán cá, anh Lê Tất Sang, Viễn thông FPT Telecom Đà Nẵng, khuyên mọi người nên bình tĩnh để theo dõi thông tin, không nên có xu hướng đám đông. "Gia đình tôi vẫn ăn cá bình thường. Đó là những loại cá được ngư dân đánh bắt xa bờ", anh cho biết.

Ngày 27/4, Bộ Tài nguyên Môi trường công bố, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và tảo nở hoa là hai nguyên nhân được khoanh vùng dẫn đến cá chết. Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, để truy tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở dải ven biển miền Trung, lần đầu tiên liên bộ Tài nguyên, Nông nghiệp, Công Thương... của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và nhiều nhà khoa học từ các viện nghiên cứu hàng đầu đã phối hợp điều tra. Chiều 27/4, cuộc họp đầu tiên giữa các bên cũng có sự tham gia của nhà khoa học đến từ Tokyo, Nhật Bản.

Việt Nguyễn

Ý kiến

()