Chúng ta

Bí quyết giành học bổng Nguyễn Văn Đạo toàn phần

Thứ tư, 29/7/2015 | 09:16 GMT+7

“Điều quan trọng nhất để giành học bổng vẫn là tâm lý của bản thân. Em luôn tự nhủ nếu lần này chưa thành công thì vẫn còn nhiều cơ hội khác. Vì thế, em không bị áp lực nào”, Nguyễn Hoàng, sinh viên khóa 10B, ngành Kỹ thuật phần mềm, giành học bổng Nguyễn Văn Đạo 100% học phí năm học vừa qua chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Trâm, sinh viên khóa 8 ngành Kỹ thuật phần mềm: Đạt giải quốc gia là lợi thế lớn giành học bổng

Nguyen-Ngoc-Tram-620-9664-1438050681.jpg

Ngọc Trâm chọn ĐH FPT để theo học vì vốn yêu thích Công nghệ thông tin.

Ngọc Trâm vốn là học sinh giỏi của trường THPT Trần Phú, Hải Phòng. Trong năm học phổ thông, Trâm có thành tích xuất sắc khi đạt giải Ba tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học năm 2012. Đây là lợi thế rất lớn của Trâm khi nộp đơn để ứng tuyển suất học bổng toàn phần Nguyễn Văn Đạo tại ĐH FPT.

Nguyễn Ngọc Trâm 

Năm sinh: 1994

Quê quán: Hải Phòng

Sở thích: Vẽ, nhảy, hát, mèo, màu hồng, công nghệ

Sở trường: Nhảy

Châm ngôn sống: "Chuyện gì xảy ra cũng có lý do của nó" 

“Em chọn ĐH FPT để theo học vì em vốn thích Công nghệ thông tin mà trường lại có tiếng về đào tạo ngành này”, Trâm chia sẻ.

Theo Trâm, để viết hồ sơ học bổng gây được ấn tượng, cần tìm hiểu nhà trường mong muốn gì ở các ứng viên để liệt kê thành tích liên quan. Tuy nhiên, những thành tích nổi bật của bản thân cũng nên đưa vào hồ sơ để tạo thêm ấn tượng. Riêng về phỏng vấn, Trâm cho rằng, quan trọng nhất là sự tự tin, tự nhiên và một chút hài hước.

Chính học bổng Nguyễn Văn Đạo đã nâng cánh ước mơ và tạo đà học tập tốt cho cô sinh viên đến từ Hải Phòng. Trâm gặt hái nhiều thành công trong học tập như điểm trung bình các môn là 9.0, đạt danh hiệu Cóc Vàng, sinh viên xuất sắc.

Ngoài kiến thức chuyên môn, Trâm còn được trang bị kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình, tham gia các CLB, các sự kiện. Từ đó, Trâm mở rộng mối quan hệ và rèn luyện bản thân, có thêm trải nghiệm. Hiện, Trâm là Chủ nhiệm CLB Hip hop ĐH FPT và vừa qua còn lọt vào Top 13 Miss FU 2015.

Sau thời gian học tập tại ĐH FPT, Trâm chia sẻ: “Em thấy cách giảng dạy và học tập tại ĐH FPT yêu cầu sinh viên phải tự giác. Thời gian học trên lớp không thể đủ cho thầy cô truyền đạt hết kiến thức nên việc tự học rất quan trọng”. Vốn yêu thích và mong muốn làm việc về công nghệ thông tin, sau khi tốt nghiệp, Trâm dự định sẽ đầu quân về Tập đoàn FPT.

Nguyễn Hoàng, sinh viên khóa 10B ngành Kỹ thuật phần mềm: Tâm lý bản thân quyết định thành công

Nguyen-Hoang-620-6453-1438050681.jpg

Theo Hoàng, điều quan trọng nhất để thành công vẫn là tâm lý của bản thân.

Năm học vừa qua, với kết quả thi đầu vào tốt, Hoàng giành được 100% học bổng Nguyễn Văn Đạo. Cậu sinh viên Kỹ thuật phần mềm cho rằng, điều quan trọng nhất để thành công vẫn là tâm lý của bản thân. “Em luôn tự nhủ rằng nếu lần này mình chưa thành công thì vẫn còn nhiều cơ hội khác ở phía sau”, Hoàng chia sẻ. 

Trong kỳ sơ tuyển vào ĐH FPT, Hoàng không ôn luyện quá nhiều. Theo cậu, đề thi khối Kỹ thuật chú trọng vào khả năng tư duy logic, vì vậy, chỉ cần đọc kỹ đề và xâu chuỗi các dữ kiện cẩn thận. Ngoài ra, khi làm bài, Hoàng cũng rất kiên nhẫn. Với những câu phức tạp, khi đã tìm đúng hướng, Hoàng quyết tâm đến cùng để tìm lời giải.

Nguyễn Hoàng

Năm sinh: 1996

Quê quán: Cao Bằng

Sở thích: Hát, nghe nhạc, đọc sách, đi du lịch và học tiếng Anh

Sở trường: Tổ chức các hoạt động xã hội

Ngoài điểm thi cao, các ứng viên cần viết thư xin học bổng, trình bày nguyện vọng và mong muốn khi học tập tại ĐH FPT. Hoàng cho rằng, để thuyết phục hội đồng xét học bổng, điều quan trọng nhất là sự chân thành. 

“Lá thư không cần quá văn vẻ, cũng không phải liệt kê thành tích. Điều quan trọng là nêu bật lên được bạn là ai, bạn có những khả năng gì và lý do vì sao bạn xứng đáng nhận được học bổng. Người đọc lá thư sẽ thấy ấn tượng hơn nếu bạn đưa ra thông tin hữu ích và họ có cảm giác muốn tìm hiểu sâu hơn về thông tin ấy khi phỏng vấn”, Hoàng bật mí. 

Phỏng vấn là khâu cuối cùng quyết định ứng viên có giành được học bổng hay không. Theo Hoàng, để tạo ấn tượng, khi trả lời phỏng vấn cần thể hiện phong thái thật tự nhiên, quan trọng nhất là sự tự tin và gợi mở. Những câu trả lời lồng ghép các ví dụ thực tế hoặc kinh nghiệm bản thân sẽ là một điểm cộng lớn. Ngoài ra, Hoàng còn chú ý về tác phong luôn nhìn thẳng, không gãi đầu gãi tai, các câu trả lời đảm bảo nội dung không cụt lủn nhưng cũng không dài dòng lan man.

Hoàng cho biết: “Em chọn ĐH FPT trước hết vì yêu thích ngành công nghệ thông tin. Đồng thời, ĐH FPT tạo môi trường thuận lợi giúp em tiếp xúc với sinh viên quốc tế cũng như các cơ hội học tập tại nước ngoài. Em hy vọng trong tương lai mình sẽ giành được một suất học bổng ra nước ngoài để học lên cao”.

Vũ Công Thành, sinh viên khóa 7 ngành Công nghệ thông tin: Đừng cố bịa đặt để đánh bóng bản thân

Vu-Cong-Thanh-620-5373-1438050681.jpg

Thành dự định sẽ đi làm sau khi tốt nghiệp và tiếp tục học lên Thạc sĩ.

Thành là một trong số sinh viên tiêu biểu đạt điểm thi đầu vào cao và giành học bổng của ĐH FPT. Trong các bước để giành học bổng, theo Thành, quan trọng nhất là sự thể hiện trong vòng phỏng vấn. 

Vũ Công Thành

Năm sinh: 1992

Quê quán: Hải Phòng

Sở trường: Dành 200% tập trung nếu cần thiết cho công việc

Châm ngôn sống: "Nothing is perfect"

“Em thấy cần thể hiện cho hội đồng chấm thi thấy sự tự tin. Đồng thời, trả lời đúng và trúng câu hỏi mà các thầy cô đưa ra thì hiệu quả rất cao. Ngoài ra, em có gì nói nấy vì những câu chuyện thật sẽ có tác dụng hơn những điều tự bịa để đánh bóng bản thân”, Thành hé lộ.

Vốn là học sinh giỏi Tin cấp thành phố Hải Phòng, khi vào ĐH FPT, Thành tiếp tục đạt kết quả học tập tốt với điểm trung bình cao. Điển hình học kỳ Fall 2012, điểm trung bình của Thành đạt 9,2.

Theo Thành, ban đầu lựa chọn ĐH FPT vì cậu đánh giá, đây là ngôi trường đào tạo công nghệ hàng đầu Việt Nam. Ngoài ra, môi trường năng động, dễ chịu và văn hóa STCo tại ĐH FPT cũng giúp cậu thêm quyết tâm thi vào trường.

Khi vào ĐH FPT, được thầy cô tận tình hướng dẫn, Thành đã trang bị nền tảng vững chắc về kiến thức công nghệ thông tin để tạo đà phát triển trong thời gian tới. Trong tương lai, Thành sẽ đi làm sau khi tốt nghiệp và tiếp tục học lên Thạc sĩ.

Học bổng của ĐH FPT ra đời từ năm 2010 nhằm tìm kiếm, thu hút và bồi dưỡng nhân tài, ghi nhớ những đóng góp của cố Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo cho sự nghiệp giáo dục, khoa học kỹ thuật của Việt Nam nói chung và sự phát triển của ĐH FPT nói riêng

Năm 2015, ĐH FPT trao 200 suất học bổng Nguyễn Văn Đạo. Theo đó, 4 đối tượng được xét học bổng gồm: Thí sinh đạt thành tích xuất sắc trong quá trình học tập ở bậc THPT; có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng ham học và có thành tích học tập tốt; đạt giải thưởng âm nhạc - thể thao và có kết quả cao trong kỳ thi sơ tuyển sẽ được xét học bổng. Căn cứ vào kết quả thi sơ tuyển, hồ sơ đăng ký xét duyệt và kết quả phỏng vấn, nhà trường sẽ lựa chọn ra thí sinh phù hợp để nhận học bổng Nguyễn Văn Đạo với các mức từ 50 đến 100% học phí.

Lưu Vân

Ý kiến

()