Chúng ta

Anh Hoàng Minh Châu: 'Tư duy tích cực là cách suy nghĩ ít lại'

Thứ hai, 11/7/2016 | 18:29 GMT+7

"Đôi khi chúng ta sa vào những bế tắc, khó khăn. Nếu chúng ta tìm được góc nhìn tích cực, dù chưa giải quyết được ngay vấn đề thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy thoải mái về mặt nào đó", anh Hoàng Minh Châu đúc kết. 

Chia sẻ với hội viện Ex FPT và người FPT HCM trong buổi nói chuyện với chủ đề "Tư duy tích cực" diễn ra tối ngày 8/7, anh Hoàng Minh Châu - thành viên Hội đồng sáng lập FPT, Cố vấn Cao cấp về Văn hóa FPT - nhìn nhận, tư duy tích cực là cách vượt qua cái tôi của bản thân, suy nghĩ ít lại. Hãy suy nghĩ vào những vấn đề chính hoặc chủ đề mới, bởi suy nghĩ quá nhiều sẽ khiến chúng ta bị mất tập trung, mất phương hướng để giải quyết những thứ quan trọng hơn. Do đó, suy nghĩ quá nhiều sẽ chỉ khiến chúng ta khổ tâm hơn, dẫn đến sự bế tắc và ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn tinh thần.

Theo anh Châu, điều quan trọng của tư duy tích cực chính là hướng tới sự cân bằng.

Theo anh Châu, điều quan trọng của tư duy tích cực chính là hướng tới sự cân bằng.

Một phương pháp rất hiệu quả để con người có thể bớt suy nghĩ lan man đó chính là thiền. Khi thiền, tâm sẽ tìm được điểm "neo" và con người sẽ chú tâm nghĩ về những điều tích cực. Các nhà khoa học hơn người khác cũng ở chỗ họ có thể huy động não bộ chú tâm vào một việc duy nhất, giúp mang lại hiệu quả cao trong công tác nghiên cứu. 

Theo anh Châu, điều quan trọng của tư duy tích cực chính là hướng tới sự cân bằng. Trái đất tồn tại hàng tỷ năm cũng nhờ có sự cân bằng. Bất kỳ sinh vật nào tồn tại trên trái đất đều có lý do của nó và bất kỳ loài nào bị biến mất cũng sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái. Ví dụ như ở những vùng cao nguyên, chó sói có thể làm hại những loài khác, ngay cả con người. Nhưng nếu tận diệt loài sói thì các loài ăn cỏ sẽ phát triển không ngừng, dẫn tới làm mất cân bằng sinh thái.

"Tất cả đều cần có sự cân bằng, từ công việc, gia đình, cuộc sống đến bên ngoài xã hội. Giống như việc xây nhà vậy, dù là tòa nhà chọc trời hay nhà ở thì luôn cần nền móng vững chắc. Và sự vững chắc đó đến từ sự cân bằng. Nếu mọi thứ mất cân bằng có thể hướng tới cực đoan", Cố vấn Cao cấp về Văn hóa FPT đúc kết.

"Không có vấn đề dễ, vì nếu dễ đã không gọi là vấn đề. Nếu ta chịu suy nghĩ một cách tích cực hơn thì cuộc sống thực tế không nhiều vấn đề như thế.

"Không có vấn đề dễ, vì nếu dễ đã không gọi là vấn đề. Nếu ta chịu suy nghĩ một cách tích cực hơn thì cuộc sống thực tế không nhiều vấn đề như thế", anh Châu đúc kết.

Vậy khi nào cần thiết phải nghĩ nhiều và khi nào thì không?. Anh Châu cho rằng, những việc theo quy trình, kế hoạch thì không cần phải suy nghĩ nhiều. Thay vào đó hãy tập trung suy nghĩ về tăng trưởng tốt hơn, chi phí thấp nhất và đặc biệt là không nghĩ thay hay làm thay người khác.

"Tôi còn nhớ khi con gái lớn của tôi học cấp 2. Có một bài toán cháu không giải được rồi sau đó nhờ tôi giải giúp. Nhưng tôi đã từ chối và khuyên cháu nên tập trung suy nghĩ để tìm lời giải. Sau này, cháu đã trở thành học sinh giỏi toán của trường", anh Châu nhớ lại.

Về nuôi dạy con cái, Cố vấn Cao cấp về Văn hóa FPT khuyên các bậc cha mẹ nên cân bằng giữa việc hướng con cái học văn hóa, năng khiếu, nhưng cũng nên dạy con về những luân thường đạo lý, cội nguồn dân tộc, đối nhân xử thế... 

Một vấn đề được đông đảo người tham dự buổi chia sẻ quan tâm và đặt nhiều câu hỏi đó chính là tư duy tích cực trong môi trường doanh nghiệp, kết nối tinh thần team work. Anh Châu cho rằng, trong doanh nghiệp, lãnh đạo là người đưa ra các quyết định nên họ phải càng phải lắng nghe nhiều hơn là nói.  Với các lãnh đạo thường nói nhiều hơn nghe sẽ làm mất cân đối trong cách điều hành, hay ở góc độ nhỏ hơn là trong một cuộc họp. 

Trong một cộng đồng, việc ganh ghét, đố kỵ cũng thường xuyên xảy ra. Điều này không nên chút nào bởi khi ghét ai đó thì cũng chính là cái khổ tâm của bản thân họ. Họ sẽ cảm thấy buồn bực, tức tối, khó chịu, như vậy chẳng khác gì tự chuốc lấy ưu phiền vào mình. Nên nhìn vào những cái tốt đẹp, mặt tích cực của người khác thay vì chỉ soi mói, tìm kiếm cái xấu của họ.

Người xưa vẫn thường nói: Dụng nhân như dụng mộc. Việc nhìn người và trọng dụng họ cũng giống như người nghệ nhân nhìn vào từng loại gỗ để sử dụng vào những mục đích khác nhau. Với người lãnh đạo cũng vậy, phải biết rằng nhân viên nào cũng có giá trị riêng của họ, nếu biết khai thác sẽ thành hữu dụng. Do đó, tư duy tích cực cũng chính là cách để hướng đến cái chân - thiện - mỹ.

Dù buổi chia sẻ của anh Châu kết thúc trễ hơn gần một giờ so với kế hoạch nhưng hội viên Ex FPT và người FPT vẫn say sưa ngồi lắng nghe.

Buổi chia sẻ của anh Châu kết thúc trễ hơn gần một giờ so với kế hoạch, nhưng hội viên Ex FPT và người FPT vẫn say sưa ngồi lắng nghe cũng như đặt thêm câu hỏi. "Từng tham dự nhiều buổi chia sẻ của anh Châu nhưng tôi rất tâm đắc với chủ đề "Tư duy tích cực" lần này. Rất ý nghĩa và bổ ích", anh Trần Quốc Đại (áo hồng, hàng dưới), FPT Telecom, chia sẻ.

Ngoài tư duy bên trong nội tại mỗi người thì còn một phương pháp khác là tư duy thuận theo tự nhiên. Lối tư duy này giải thích câu hỏi tại sao con thỏ vẫn tồn tại trong khu rừng có những con hổ khát máu, chuyên ăn thịt những loài khác. Đó là bởi vì con thỏ sở hữu sự khéo léo, tinh ranh để có thể trốn thoát chứ nó không thể học võ để đấu lại con hổ. Những quốc gia nhỏ và yếu hơn, thay vì chạy đua vũ trang để đối phó với các cường quốc thì hãy nên khôn ngoan, khéo léo trong đối ngoại. Điều này đã được ông cha ta từ ngàn năm trước ứng dụng vào công cuộc xây dựng và giữa nước, gìn giữ hòa bình bên cạnh gã hàng xóm vừa "to con" vừa xấu tính. 

Một điều quan trọng khác trong tư duy đó chính là góc nhìn tích cực. Đôi khi chúng ta sa vào những bế tắc, khó khăn. Nếu chúng ta tìm được góc nhìn tích cực, dù chưa giải quyết được ngay vấn đề thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy thoải mái về mặt nào đó. 

Anh Châu dẫn chứng, một vị bộ trưởng về hưu được Nhà nước cấp một căn hộ ở tầng hai của tòa nhà hay phàn nàn rằng mỗi lần có khách đến thăm, ông thường phải đi bộ xuống lầu một. Việc này khiến ông cảm thấy khó chịu vì tuổi già sức yếu. Nhưng khi được người khác khuyên rằng hãy coi đó như một cách tập thể dục rèn luyện sức khỏe thì tâm trạng của vị bộ trưởng nọ phấn chấn hơn hẳn. Và kể từ đó, ông cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi phải đi bộ từ tầng 2 xuống tiếp khách. Kết quả đó đến từ sự thay đổi góc nhìn về một vấn đề mà ra.

"Không có vấn đề dễ, vì nếu dễ đã không gọi là vấn đề. Nếu ta chịu suy nghĩ một cách tích cực hơn thì cuộc sống thực tế không nhiều vấn đề như thế. Chính cách nhìn sự việc tiêu cực đã tạo thêm nhiều vấn đề", Cố vấn Cao cấp về Văn hóa FPT nhấn mạnh.

Buổi chia sẻ với chủ đề "Tư duy tích cực" được Hội Cựu chiến binh FPT (Ex FPT) tổ chức vào tối ngày 8/7 tại phòng đa năng, tòa nhà FPT Tân Thuận, quận 7, TP HCM, thu hút gần 50 hội viên và người FPT HCM tham gia. Chương trình tương tự sẽ tiếp tục được Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) tổ chức vào chiều ngày 19/7 tại tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, với phần chia sẻ của anh Hoàng Minh Châu.

>> Anh Hoàng Trung Kiên: 'Muốn thành công cần tư duy tích cực'

Hà Dương

Ý kiến

()