Chúng ta

Yên Nhật tăng giá có lợi ngắn hạn cho FPT

Thứ bảy, 25/6/2016 | 09:07 GMT+7

Cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh vừa được công bố với việc rời bỏ EU đã khiến đồng Yên tăng cao. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhìn nhận, đây là điều có lợi đối với FPT Japan khi các hợp đồng được ký bằng đơn vị tiền tệ này.

Theo giới phân tích, quyết định của cử tri Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ có tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, không chỉ ở đất nước Anh mà còn ở các quốc gia và khu vực khác nói chung, trong đó có Việt Nam.

Trên Facebook at Work, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, việc này sẽ làm bức tranh kinh tế ảm đạm với sự rớt giá của tiền và cổ phiếu. Tuy nhiên, sự biến động của đồng Yên Nhật với xu hướng tăng cao lại được xem là có lợi đối với FPT tại thị trường Nhật Bản, nơi FPT Japan đang hoạt động.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chào đón khách hàng trong lễ kỷ niệm FPT Japan 10 năm.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chào đón khách hàng trong lễ kỷ niệm FPT Japan 10 năm.

Giám đốc FPT Japan Trần Đăng Hòa nhìn nhận, đồng Yên tăng giá về cơ bản có lợi cho đơn vị trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn thì không. "Yên Nhật tăng cao đồng nghĩa với giá thành tại Nhật sẽ cao. Nhật sẽ không bán hàng được. Đây là quốc gia xuất khẩu, nên điều đó tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp nội địa. Khó khăn này sẽ ảnh hưởng tới nguồn việc của FPT đang triển khai tại đây", anh Hòa phân tích.

Trước lo lắng của Chủ tịch FPT Hoàng Nam Tiến về "niềm vui ngắn hạn, lo dài hạn", anh Hòa cho biết, để chuẩn bị cho các diễn tiến sắp tới, Ban lãnh đạo đơn vị phải "liên tục dự đoán diễn biến, cũng như mở rộng tìm vào các ngành mà không chịu ảnh hưởng bởi đồng yên tăng giá".

Hiện, Nhật Bản là thị trường lớn nhất của FPT. Tại đây, FPT đã có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với nhiều khách hàng lớn. Sau 5 tháng đầu năm, thị trường này tiếp tục đóng góp lớn vào tổng doanh thu của tập đoàn với mức tăng trưởng 58%, đưa lợi nhuận từ toàn cầu hóa tăng 45% sau 5 tháng.

FPT Japan hiện có gần 700 CBNV với 3 văn phòng tại những thành phố lớn của Nhật, gồm Tokyo, Osaka, Nagoya và 2 khu ký túc xá cho CBNV với gần 200 phòng.

Trong năm 2015, doanh thu từ thị trường Nhật Bản chiếm hơn 50% trong tổng doanh thu của FPT Software, tương đương gần 90 triệu USD. Năm 2016, FPT Software cần tuyển khoảng 4.500 CBNV, trong đó gần 50% là cho các dự án với khách hàng Nhật Bản.

Tại thị trường này, FPT đang triển khai mạnh mẽ chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối trong giai đoạn 2015-2020. Trong đó, sẽ có khoảng 5.000 học viên được đào tạo tại Nhật Bản trong vòng 6-12 tháng và 5.000 học viên được đào tạo tại Việt Nam. Đây là một trong hai chương trình chiến lược được tập đoàn triển khai. Chương trình còn lại là Cung cấp dịch vụ trên nền công nghệ điện toán đám mây (Cloud).

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, FPT đang nỗ lực để mang lại những giá trị cao hơn cho khách hàng Nhật Bản không chỉ là chi phí cạnh tranh mà còn là nguồn nhân lực chất lượng và năng lực công nghệ tiên tiến. "FPT đã và đang đầu tư tích cực nhằm xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong các mảng công nghệ mới như Cloud cũng như hợp tác với các đối tác hàng đầu như Amazon Web Services, Microsoft”, anh nói.

>>Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả của FPT Japan

Thanh Nga

Ý kiến

()