Chúng ta

Xuất khẩu phần mềm Việt phụ thuộc vào kinh tế thế giới

Thứ bảy, 12/1/2013 | 09:11 GMT+7

Theo anh Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, xuất khẩu phần mềm Việt Nam và cơ hội cho các doanh nghiệp khi tiếp cận những thị trường truyền thống như Nhật, Mỹ trong năm 2013 sẽ gặp nhiều khó khăn.
> Cơ hội xuất khẩu phần mềm sang Nhật

Vào tháng 2/2013, đoàn doanh nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Vietnam Outsourcing (Gia công phần mềm Việt Nam) do Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức tại Tokyo.

Hội nghị sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tiếp xúc với khoảng 100 công ty lớn của Nhật. Đây là cơ hội cho việc quảng bá năng lực của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng đặt hàng gia công phần mềm sang Việt Nam.

Các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2013. Ảnh: S.T.

Các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2013. Ảnh: S.T.

Theo báo cáo của Bộ Kinh tế Nhật Bản, mỗi năm Nhật Bản chi ra khoảng 30 tỷ USD cho lao động gia công phần mềm và thị trường chính của nước này chính là Trung Quốc (các công ty Trung Quốc chiếm 75-80%, tổng giá trị đơn hàng các doanh nghiệp Việt Nam dành được chỉ bằng 1/30 so với Trung Quốc).

Tuy nhiên, thời gian qua, do những trục trặc trong mối quan hệ hai nước, doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản đang chuyển hướng kinh doanh và hợp tác sang các nước khác. Việt Nam là một trong những địa chỉ được người Nhật quan tâm.

Cụ thể, trong 30 tỷ USD gia công phần mềm, chỉ có 2,4% (khoảng 720 triệu USD) được đặt hàng gia công ở nước ngoài, hơn 97% (29 tỷ USD) vẫn là do các công ty CNTT Nhật đảm nhận. Đây có thể coi là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường tiềm năng này, trong đó, các phần mềm ứng dụng; thị trường nội dung số, đặc biệt là game đang là mối quan tâm số 1 của Nhật Bản.

Theo anh Trương Gia Bình, thực tế thời gian qua, VINASA cùng với FPT Software đã hợp tác với tạp chí NikkeiBP (Nikkei Business Publication) và tạp chí Nikkei Computer Magazine (tạp chí chuyên ngành IT lớn nhất Nhật Bản) thực hiện kế hoạch PR truyền thông về ngành gia công phần mềm Việt Nam để thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản. Tuy nhiên, 2013 vẫn là năm rất khó khăn với ngành gia công phần mềm trong nước.

Thị trường gia công phần mềm năm 2013 sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế thế giới nên có thể có nhiều biến động. Những thị trường có nền kinh tế phục hồi tốt sẽ có nhu cầu tăng về gia công phần mềm và ngược lại. Do đó, doanh nghiệp nào chỉ phụ thuộc vào một vài thị trường có thể gặp rủi ro cao.

Các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đang chuyển hướng kinh doanh, tái cấu trúc lại bộ máy và đặc biệt là tìm kiếm nhân lực chất lượng cao làm Outsourcing cho rất nhiều nước, trong đó có Nhật Bản. Hiện nay, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc cũng là những thị trường được các doanh nghiệp trong nước hết sức quan tâm và tìm kiếm cơ hội xúc tiến đầu tư, hợp tác...

Còn đại diện FPT cho hay, Nhật Bản và Mỹ vẫn là hai thị trường chính, song những năm vừa qua, FPT đã đầu tư để xây dựng nền móng ban đầu cho thị trường châu Âu. Năm 2012, FPT Software đã mở chi nhánh mới tại Đức và đang đón nhận những tín hiệu sáng từ thị trường Đức.

Nhiều loại hình dịch vụ “truyền thống” của doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam như phát triển ứng dụng, phần mềm nhúng, tích hợp hệ thống, kiểm thử phần mềm (testing)…, đã và đang được khách hàng quốc tế đánh giá cao.

Trong đó, một số dịch vụ được nhìn nhận là nhiều tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian tới, chẳng hạn dịch vụ phát triển các ứng dụng, trò chơi (game) cho điện thoại di động (smartphone) và thiết bị cầm tay (tablet), phát triển web thương mại điện tử (eCommerce & web development), kiểm thử…

Bên cạnh các loại hình dịch vụ truyền thống, một số loại hình dịch vụ mới đã được “nhận diện” và chuẩn bị triển khai. Đáng chú ý nhất là dịch vụ xuất khẩu quy trình doanh nghiệp ( BPO).

Theo anh Nguyễn Thành Lâm, Tổng Giám đốc FPT Software, hiện tại, dịch vụ BPO ở Việt Nam còn rất manh mún, thậm chí chưa thành một ngành công nghiệp, những công ty có số lượng nhân viên trên 200 người có thể đếm trên đầu ngón tay.

Tuy nhiên, dịch vụ BPO có đặc điểm không đòi hỏi chuyên môn cao, một số dịch vụ BPO chỉ cần tốt nghiệp cấp 3, biết đánh máy nhanh và không hề đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, mặc dù làm cho nước ngoài. Việt Nam có thể đẩy mạnh BPO thành một ngành công nghiệp mũi nhọn trong thời gian tới.

Nam Anh

Ý kiến

()