Chúng ta

VnExpress chuyển đổi toàn hệ thống sang IPv6 vào giữa năm 2017

Thứ hai, 24/10/2016 | 10:36 GMT+7

Sản phẩm chuyển đổi IPv6 cho độc giả VnExpress sử dụng khoảng 10% và đơn vị đang thử nghiệm nội bộ khoảng 50%. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2017, FPT Online sẽ triển khai cho toàn hệ thống VnExpress.

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), tỷ lệ người dùng địa chỉ Internet IPv6 của Việt Nam tính đến giữa tháng 10 đã đạt 5,42%, tăng 5,39% so với thống kê hồi đầu năm nay.

Trước đó, thống kê của APNIC hồi tháng 3 cho thấy tỷ lệ người dùng IPv6 của Việt Nam chỉ là gần 0,03%, thấp hơn thế giới tới 300 lần khi tỷ lệ thâm nhập IPv6 trung bình của thế giới là 10,41%. Còn theo số liệu của Google thì tỷ lệ người dùng IPv6 ở Việt Nam vào thời điểm đó là 0,13%.

Việt Nam đạt được kết quả này là nhờ các hoạt động đúng hướng trong công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tiêu biểu đã tích cực cung cấp dịch vụ IPv6 cho người sử dụng theo đúng cam kết của doanh nghiệp đã nêu tại hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2016.

ipv6-vnexpress_1477276325.png

ione.vnexpress.net, một trong các chuyên trang đã chuyển đổi sang IPv6.

Là một trong những doanh nghiệp cung cấp nội dung trên Internet lớn tại Việt Nam, FPT Online, đơn vị vận hành hệ thống VnExpress, đã sớm đẩy mạnh hoạt động triển khai IPv6 trên mạng lưới và dịch vụ của mình, góp phần đưa tỷ lệ kết nối IPv6 của Việt Nam được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây.

“Ban lãnh đạo FPT Online xác định việc triển khai IPv6 là cần thiết theo xu hướng phát triển công nghệ hiện nay nên có những bước chuẩn bị rất sớm”, anh Nguyễn Lộc Vũ, Giám đốc Hệ thống thông tin FPT Online, chia sẻ.

Theo anh Vũ, ở Việt Nam chưa có báo điện tử lớn nào triển khai IPv6 và VnExpress là báo điện tử có nhiều độc giả nhất, với lượng truy cập rất cao, khoảng 1,2 tỷ pageview/tháng. Trong đó, chia theo thiết bị, desktop/laptop chiếm lớn nhất với 49%, di động 44% và 7% đến từ máy tính bảng. Nếu chia theo địa điểm, 85% lượt người đọc tại Việt Nam và 15% là ở nước ngoài.

“Đơn vị đã chủ động xây dựng có lộ trình chi tiết cho việc chuyển đổi để không ảnh hưởng đến người đọc. Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi IPv4 sang IPv6, bên cạnh việc chuyển đổi các sản phẩm/dịch vụ đang vận hành, tất cả các sản phẩm mới đều được chuyển sang IPv6 ngay từ đầu”, anh Vũ nhấn mạnh.

Cụ thể, công tác chuẩn bị được tiến hành từ giai đoạn 2011-2012 với các công việc: thử nghiệm kỹ thuật song song với thực hiện các khâu chuẩn bị, đánh giá hiện trạng mạng lưới, đào tạo nhân lực vận hành mạng lưới; 2013-2015 là quá trình chuẩn bị, thay thế thiết bị mạng và chạy thử nghiệm nội bộ (trang chủ www.fptonline.net chẳng hạn), và từ 2016 bắt đầu vào giai đoạn tăng tốc.

“Chúng tôi đang trong quá trình triển khai trên toàn bộ sản phẩn/dịch vụ. Đầu tiên là chuyển đổi, thử nghiệm các dịch vụ nhỏ đồng thời theo dõi, đánh giá kết quả”, chuyên gia công nghệ Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Hạ tầng, FPT Online, nói. “Các sản phẩm đã triển khai gồm: ione.vnexpress.net, raovat.vnexpress.net, shop.vnexpress.net và pay.vnexpress.net”.

Giám đốc Hệ thống thông tin FPT Online cho hay, sản phẩm chuyển đổi IPv6 đã public ra bên ngoài cho độc giả của VnExpress sử dụng khoảng 10% và đơn vị đang thử nghiệm nội bộ khoảng 50%. “FPT Online/VnExpress cố gắng rút ngắn lộ trình chuyển đổi so với kế hoạch ban đầu, cụ thể cuối năm 2016 sẽ chuyển đổi Ngoisao.net, 6 tháng đầu năm 2017 sẽ chuyển đổi hoàn toàn 100% hệ thống VnExpress sang IPv6", anh Vũ tự tin về lộ trình khá thách thức.

Trưởng phòng Hạ tầng FPT Online Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, với những ưu điểm kỹ thuật của IPv6 so với IPv4, việc triển khai chuyển đổi mang rất nhiều lợi ích cho sản phẩm và đơn vị như: không gian địa chỉ lớn gần như vô hạn giúp giải quyết vấn đề cạn kiệt về IP do sự bùng nổ Internet, tăng khả năng phát triển sản phẩm; tính bảo mật và chất lượng dịch vụ tốt hơn.

anhbai-toasoan2-4443-1456374044.jpg

Mỗi ngày, VnExpress đăng gần 500 tin bài. Lĩnh vực nội dung được ưa chuộng nhất gồm Thời sự, Thế giới, Pháp luật, Thể thao và Giải trí. Báo có các trang chuyên biệt dành cho người đọc quan tâm đến một số lĩnh vực cụ thể: Ngôi sao chuyên về giải trí; Ione dành cho độc giả ở lứa tuổi học đường... Ảnh: Giang Huy.

Xu hướng chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 là tất yếu, không chỉ đơn thuần là giải quyết vấn đề thiếu hụt của IPv4 mà IPv6 còn để hỗ trợ nhiều tính năng, khả năng mới, phục vụ xã hội thông tin phát triển.

Theo các chuyên gia, mặc dù IPv6 là một giao thức mạnh nhưng việc triển khai trên thực tế còn gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại. Thậm chí, trong nhiều trường hợp việc chuyển đổi còn đòi hỏi phần cứng mới, trong khi giá thành lại đắt đỏ. Cạnh đó, hệ thống VnExpress còn gặp khó khăn ở điểm: thiết bị đầu cuối chưa hỗ trợ đầy đủ IPv6; hạ tầng phải thay thế đến 40% thiết bị.

Nhằm kiểm tra, đánh giá công tác chuyển đổi IPv6, chiều 23/10, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Thường trực Ban Công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp (Viettel, VNPT, Mobifone, FPT Telecom), sẽ có buổi làm việc tại FPT Online/VnExpress để trao đổi, thảo luận về hiện trạng và kết quả triển khai IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ nội dung của FPT Online/VnExpress; các đề xuất kiến nghị từ phía FPT Online/VnExpress đối với công tác thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam.

>> VnExpress có cổng thanh toán trực tuyến

Nguyên Văn

Ý kiến

()