Chúng ta

Viễn thông FPT muốn Myanmar là 'quê hương thứ hai'

Thứ ba, 28/7/2015 | 14:44 GMT+7

FPT đã trở thành công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép dịch vụ viễn thông trong công cuộc tìm kiếm cơ hội tăng trưởng bên ngoài thị trường Việt Nam, MMTimes, tờ báo hàng đầu Myanmar, viết.

Giấy phép do Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cấp có giá trị trong vòng 15 năm, cho phép FPT xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới trên toàn quốc, cung cấp viễn thông và Internet cố định cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng.

top4-1-9966-1437971041.jpg

FPT Myanmar vừa kỷ niệm 2 năm hiện diện tại đất nước Chùa Vàng.

"FPT hy vọng đóng góp vào sự phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông tại Myanmar, nâng cao chất lượng dịch vụ Internet băng thông rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng CNTT trong chính phủ và quản lý doanh nghiệp ở Myanmar", MMTimes dẫn lời Chủ tịch FPT Myanmar Dương Dũng Triều.

Giấy phép cho FPT triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông, tạo cơ sở cho việc phát triển nhiều dịch vụ Internet tại đây. Dự kiến, ban đầu FPT sẽ làm cáp quang, cung cấp băng thông rộng tới các thành phố lớn bởi hạng mục này phía Myanmar đã có luật hướng dẫn. Sau đó là một loạt dịch vụ gia tăng khác như truyền hình Internet (IPTV), game online, báo điện tử...

Theo chị Bùi Lê Na, Giám đốc Marketing của FPT Myanmar, tập đoàn nhìn thấy Myanmar có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và thị trường so với Việt Nam khi mở cửa. "Những gì đang diễn ra ở Myanmar khá giống với Việt Nam sau khi các biện pháp trừng phạt kinh tế được gỡ bỏ", chị Na nói. "Đối với FPT, chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để thành công với cùng một mô hình như Việt Nam".

Lần đầu tiên FPT cử đại diện để khảo sát thị trường Myanmar là vào giữa năm 2012. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2013 về Đông Á tổ chức tại Nay Pyi Taw, FPT đã xác định sẽ là một nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Myanmar. “Thời điểm đó, FPT bày tỏ hy vọng Myanmar sẽ trở thành "quê hương thứ hai" của mình, với lộ trình phát triển các dịch vụ Internet, giáo dục và công nghệ thông tin”, anh Đoàn Nhật Minh, CEO FPT Myanmar, cho biết.

Ngay trong năm 2013, FPT quyết định lập công ty con tại Myanmar. Với mong muốn cung cấp dịch vụ viễn thông cho người dân Myanmar, FPT đã tiến hành tìm hiểu quy định, luật lệ và tìm kiếm các cơ hội phát triển viễn thông tại thị trường này.

Nhờ vậy, vào tháng 11/2014, một tháng sau khi chính phủ Myanmar ban hành thông tư hướng dẫn cấp phép viễn thông, FPT đã có thể nộp đơn xin giấy phép triển khai hạ tầng viễn thông tại đây.

Trước khi nhận được giấy phép, FPT làm việc với các công ty viễn thông tại Myanmar. Anh Minh tiết lộ, đơn vị tại xứ Chùa Vàng đã cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu cho Ooredoo và xây dựng tháp điện thoại di động cho Telenor.

Trải qua vài lần điều chỉnh, bổ sung và trình bày trước các cơ quan chức năng, ngày 6/7, Tập đoàn FPT trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cấp phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông. “FPT đã được chọn để cấp phép vì những cam kết nghiêm túc, lâu dài với Myanmar và kinh nghiệm của tập đoàn ở các nước đang phát triển”, chị Na nói.

Theo anh Nguyễn Viết Hòa, người theo đuổi việc xin giấy phép, nhóm chuyên gia của FPT sẽ đến Myanmar vào tháng 8 để tiến hành nghiên cứu về thị trường và triển khai cơ sở hạ tầng.

"Đối với lĩnh vực viễn thông, chúng tôi muốn phát triển cơ sở hạ tầng Internet để có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân Myanmar", chị Na nhấn mạnh. "Ví dụ, Việt Nam muốn mang hệ thống ngân hàng đến Myanmar, nhưng trước tiên chúng ta cần các cơ sở hạ tầng mạng Internet. Và tương tự là các dịch vụ gia công phần mềm hay giải pháp doanh nghiệp cũng vậy”.

Chi phí dịch vụ Internet tại Myanmar cũng vô cùng đắt đỏ, cao gấp hàng chục thậm chí cả trăm lần so với Việt Nam. Chẳng hạn, giá dịch vụ ADSL mỗi tháng của các nhà cung cấp địa phương như MPT trung bình khoảng 30 USD/Mbps, YTP khoảng 100 USD/Mbps, chưa kể tiền triển khai. Trong khi đó, giá Internet tại Việt Nam chỉ khoảng 1-2 USD/Mbps một tháng.

Giới chuyên gia cho rằng, Myanmar có thể đi tắt đón đầu bằng cách bỏ qua công nghệ cũ để đi thẳng đến các công nghệ mới nhất. Đồng quan điểm, anh Minh cũng khẳng định FPT mong muốn xây dựng mạng lưới cáp quang tại Myanmar để cung cấp băng thông rộng, và bắt đầu với các thành phố lớn. "Đối với dịch vụ điện thoại di động và các nhà cung cấp dịch vụ Internet, đó là khởi đầu. Thị trường có đủ chỗ cho tất cả nhà khai thác làm kinh doanh", anh Minh nói và tiết lộ, sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng mạng, FPT muốn tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng có thể mang lại lợi ích cho nhiều người, chẳng hạn như Truyền hình qua Internet - IPTV, báo điện tử và thương mại điện tử.

“Một Myanmar sơ khai lại cho chúng tôi thấy đây chính là cơ hội hiếm hoi để FPT có thể lặp lại lịch sử. Việt Nam cũng từng bị cấm vận và trải qua thời kỳ chưa có Internet, mobile phone, nhưng ngày nay mọi thứ hoàn toàn thay đổi”, Chủ tịch Trương Gia Bình khẳng định. “Chúng tôi nhận thấy Myanmar là mảnh đất duy nhất trên thế giới còn sót lại để tập đoàn có cơ hội mang tất cả những gì đã triển khai thành công tại Việt Nam đến áp dụng, từ Internet, phân phối, làm phần mềm đến đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin”.

>> Chủ tịch FPT: 'Giấy phép viễn thông Myanmar là cơ hội lịch sử'

Thanh Mai (theo MMTimes)

Ý kiến

()