Chúng ta

Viên kim cương đa diện của ‘khát vọng đổi thay’

Thứ sáu, 10/2/2017 | 11:12 GMT+7

Với hành trang từ ĐH FPT, nhiều sinh viên tay trắng đã làm nên sự nghiệp, thậm chí trở thành triệu phú đôla khi mới ở độ tuổi đôi mươi. Đó là minh chứng sống động nhất cho “khát vọng đổi thay” của trường đại học mới 10 năm tuổi.

ARTS0766-620ok-5333-1484638323.jpg

Hai năm trước, với thương vụ M&A có giá hơn 1 triệu USD, Võ Thanh Quảng, sinh viên ĐH FPT, đã trở thành tỷ phú trẻ ở Việt Nam khi mới 25 tuổi. Quảng là một trong những gương mặt trẻ thành công xuất phát từ “lò” đào tạo ĐH FPT.

Thành tích của Quảng là kết tinh của những giá trị mà ĐH FPT đã hun đúc từ khi mới xuất hiện trên bản đồ giáo dục Việt Nam.

10 năm trước, những trái tim nóng và tâm huyết với nền giáo dục - là anh Trương Gia Bình, anh Lê Trường Tùng và chị Nguyễn Kim Anh (thành viên hội đồng sáng lập ĐH FPT) đã viết nên “Cương lĩnh ĐH FPT”, mong muốn: “Xây dựng trường đại học có quy mô lớn nhất thế giới về đào tạo kỹ sư phần mềm”, “sinh viên và giáo viên không chỉ đến từ Việt Nam mà còn từ các quốc gia khác”, “phát minh và sáng chế từ ĐH FPT sẽ được đăng ký bản quyền trên toàn cầu”… Đến nay, mong muốn tưởng như chỉ ở trên giấy đã phần nào thành hiện thực nhờ những viên kim cương tỏa sáng trong hành trình đổi thay.

Ngay khi chân ướt chân ráo về trường, Phan Trường Lâm, giảng viên đầu tiên của ĐH FPT, đã bất ngờ vì giáo trình nhận được “không giống những gì đã dạy trước đó”.

Đó là hệ thống bài tập vô cùng phức tạp bằng tiếng Anh, tuân thủ các tiêu chuẩn của ACM và AACSB về việc phân bổ kiến thức, thời lượng trên lớp, ở nhà, bài tập và thi cử. Sinh viên phải làm quen với sức ép học liên tục. Tất cả sách giáo khoa đều được nhập nguyên bản từ những nhà xuất bản hàng đầu thế giới như McMillian, Pearson… Đề thi, đáp án đều bằng tiếng Anh.

Anh phải cày ngày, cày đêm để thấm những tập giáo trình dày cộp đó. Nhưng tài liệu giảng dạy bài bản này giúp anh có thêm thời gian để chia sẻ những câu chuyện và xu hướng mới nhất cho sinh viên. 10 năm nhìn lại, anh Lâm cho rằng, hàng nghìn sinh viên ĐH FPT đã được học thứ đáng để học.

Bài giảng, giáo trình chuẩn hóa ngay từ đầu là một bước đệm tốt để ĐH FPT toàn cầu hóa giáo dục, với mục tiêu 10% sinh viên có quốc tịch nước ngoài. “Du học Việt Nam” nghe như chuyện hoang đường và cần một người thích thực hiện những thứ “kỳ quặc” đó triển khai. Hoàng Văn Cương, GĐ Trung tâm Trao đổi quốc tế ĐH FPT, được chọn là người “đứng mũi chịu sào”.

“Chúng tôi đã làm quốc tế hóa bằng tình yêu cháy bỏng. Tuổi trẻ đã cho tôi cái gan, máu để hướng tới mục tiêu 10% sinh viên quốc tế”, Cương bộc bạch. Năm 2016, ĐH FPT đã đón sinh viên đến từ 20 quốc gia như: Thái Lan, Brunei, Lào, Nhật Bản… sang học.

Quốc tế hóa không chỉ dừng lại ở việc đưa sinh viên ra nước ngoài và sinh viên ngoại quốc đến với trường mà đang diễn ra ngay trong lòng ĐH FPT. Các khóa “bình dân học vụ” xóa mù tiếng Anh trở thành một phong trào sôi nổi. Trong lúc chưa tuyển sinh viên nước ngoài, các cán bộ đi bổ túc tiếng Anh cho CBNV còn lại. Việc một y sĩ già cầm tờ giấy đọc bảng chữ cái tiếng Anh hay thầy giáo dạy võ Vovinam nỗ lực học hỏi vốn ngoại ngữ từng ngày để không cần đội ngũ phiên dịch… không còn là hình ảnh hiếm ở giảng đường ĐH FPT.

Thời đại mới, ngoài kiến thức, sinh viên có kỹ năng mềm tốt, chỉ số vượt khó cao là lợi thế khi ra xã hội. Bài toán này được Nguyễn Hồng Nga, nguyên Trưởng phòng Phát triển cá nhân (PDP) đầu tiên của ĐH FPT, xây dựng vào những ngày đầu năm 2008.

ĐH FPT không chỉ dạy nghề mà còn là một mảnh đất màu mỡ để các em có thể phát triển tối đa, từ thể chất đến trí tuệ, ngoại ngữ, trách nhiệm xã hội và văn hóa Việt Nam, thế giới. Trong 10 năm, ĐH FPT có hơn 1.000 hoạt động phát triển trên mọi phương diện, với khách mời là chính trị gia, nghệ sĩ, nhà văn, quân sự, các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài để góp những góc nhìn, giúp nuôi dưỡng giấc mơ làm con người tiến bộ.

Sau thời gian dài vun đắp, mỗi sinh viên đã tìm ra được năng lực bản thân. Đó là hành trình của nữ sinh viên làm Chủ tịch CLB Debate (tranh biện) từ nhút nhát, rụt rè đến tự tin bày tỏ. Cậu sinh viên gia đình khó khăn bị cuốn vào giờ học khiêu vũ tại ĐH FPT và khám phá ra khả năng đích thực của mình. Cậu giờ là giảng viên trường múa Trung ương, là biên đạo có tiếng và sống được bằng con đường của mình...

“PDP đã gói ghém kỷ niệm vào cuốn album cuộc đời tuổi trẻ của các em, những năm tháng thanh xuân tại giảng đường đại học”, chị Nga trải lòng.

ARTS1197-620-9955-1484638323.jpg

Từ đó, sinh viên bằng năng lượng và ý chí tuổi trẻ của mình đã đưa giấc mơ viết trong cương lĩnh của ĐH FPT thành hiện thực. Được thụ hưởng trọn vẹn khát vọng đổi thay từ trường tư thục trong lòng doanh nghiệp, Phan Quang Điệp, cựu sinh viên khóa 2, đã nung nấu ý chí khởi nghiệp. Hiện, anh làm chủ Trung tâm đào tạo Unix với khoảng 30 CBNV.

Trong 4 năm qua, trung tâm đã truyền cảm hứng học Toán cho gần 15.000 học sinh nâng cao kết quả học tập, giúp các em thi đỗ vào những trường điểm tốt nhất tại thủ đô. Anh Điệp mong muốn truyền cảm hứng học Toán cho 1 triệu học sinh Việt Nam trong thời gian tới.

“Có thể giấc mơ sánh vai cường quốc trong cuộc cách mạng trí tuệ còn chưa thể thực hiện ngay trong một thế hệ. Nhưng chúng tôi tin rằng mình đang đi đúng hướng. Các thế hệ sinh viên tiếp theo của ĐH FPT sẽ tiếp bước những người sáng lập đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường”, Tân Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Khắc Thành nhìn nhận.

ĐH FPT có khoảng 17.000 học sinh, sinh viên đang theo học ở tất cả khối ngành. 98% sinh viên ra trường có việc làm, trong đó 15% đang học tập và làm việc tại nước ngoài. Nhiều nhà tuyển dụng trong và ngoài nước đánh giá cao sinh viên FPT.

ĐH FPT là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam được Tổ chức xếp hạng giáo dục QS (Anh) xếp hạng 3 sao, là trường duy nhất giành 5 sao - mức độ cao nhất trong đánh giá gắn sao cho 4 hạng mục: Chất lượng đào tạo, Việc làm, Cơ sở vật chất và Trách nhiệm xã hội.

Lưu Vân

Ý kiến

()