Chúng ta

'Văn hóa và giáo dục là hai bình diện quan trọng trong toàn cầu hóa'

Thứ sáu, 27/3/2015 | 09:24 GMT+7

"Ngày nay, nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, du lịch, giao thương hàng hóa nên khoảng cách của các nước trên thế giới ngày càng được thu hẹp và hình thành "biên giới mềm" cũng như tạo nên sự ảnh hưởng về tư tưởng, giá trị", bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu, đúc kết. 

Chương trình VIP Talk tháng 3 với chủ đề “Hội nhập, để mai tính?" do ĐH FPT tổ chức diễn ra sáng ngày 21/3 tại hội trường Innovation, Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12, TP HCM, thu hút sự quan tâm của khá nhiều sinh viên và CBNV. Diễn giả là bà Tôn Nữ Thị Ninh - Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình Việt Nam, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh toàn cầu hóa diễn ra trên nhiều bình diện khác nhau, trong đó toàn cầu hóa về kinh tế là hiển nhiên và dễ nhận biết hơn cả, nhưng hai bình diện không kém phần quan trọng là văn hóa và giáo dục. 

Ngày nay, với những "biên giới mềm" cùng mối quan hệ đối ngoại gia tăng giữa các quốc gia, ngoại giao chính thống không còn độc quyền ở phương diện quan hệ quốc tế nữa mà mở rộng ra rất nhiều tầng lớp khác nhau. Đặc biệt, ngành công nghiệp không khói (du lịch) và ngành công nghiệp vận tải ngày càng phát triển đã góp phần thúc đẩy sự trao đổi văn hóa. Điều này đã giúp mọi khoảng cách ngày càng được thu hẹp và đưa con người bước ra thế giới bao la. Từ đó xuất hiện khái niệm thế giới toàn cầu xâm nhập thế giới riêng tư của từng cá nhân, từ cuộc sống cho đến tâm thức. 

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhờ sự phát triển vượt bậc của Công nghệ thông tin, du lịch, giao thương hàng hóa nên khoảng cách của các nước trên thế giới đã ngày càng được thu hẹp và hình thành "biên giới mềm" cũng như tạo nên sự ảnh hưởng về tư tưởng, giá trị

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, du lịch, giao thương hàng hóa nên khoảng cách của các nước trên thế giới ngày càng được thu hẹp và hình thành "biên giới mềm" cũng như tạo nên sự ảnh hưởng về tư tưởng, giá trị. Trong đó, văn hóa và giáo dục là hai bình diện quan trọng trong quá trình hội nhập. 

"Tôi cho rằng, sự thay đổi này khiến chúng ta không kịp nhìn nhận và đánh giá nó, đâu là cơ hội và đâu là thách thức. Vì vậy, toàn cầu hóa cần phải được xem xét đúng mức và theo chiều sâu về vấn đề văn hóa. Và văn hóa cũng đang đứng trước thách thức lớn bởi quá trình toàn cầu hóa", bà Tôn Nữ Thị Ninh nhìn nhận.

Cũng như văn hóa, ngày nay giáo dục cũng đang là vấn đề toàn cầu. Thông qua giáo dục, con người xích lại gần nhau hơn nhờ có điều kiện đi du học và hiểu hơn hệ thống giá trị văn hóa, lịch sử của từng xã hội, từng quốc gia.

Tuy nhiên, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu cũng cho rằng, một mặt giáo dục giúp con người gần nhau nhưng mặt khác cũng đẩy con người cách xa nhau hơn. Bởi lẽ, nếu không có toàn cầu hóa thì con người sẽ chỉ nhìn nhận văn hóa của mỗi dân tộc bằng lăng kính mờ mờ và có ấn tượng rất chung chung. Chúng ta không có công cụ tư duy để phê phán, đánh giá. Chính quốc tế hóa đã trao công cụ cho chúng ta đánh giá thế giới bên ngoài một cách sâu xa và xác thực hơn.

"Toàn cầu hóa là quá trình thực tế khách quan. Thách thức đặt ra là chúng ta phải hiểu nó như thế nào và ứng xử ra sao", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam đúc kết.

Thách thức đặt ra của một nền kinh tế toàn cầu hóa "biên giới mềm" là sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ và khốc liệt hơn. Vì vậy, bà Tôn Nữ Thị Ninh chỉ rõ, để không bị thua trên đấu trường "sân nhà" lẫn quốc tế, doanh nghiệp cần phải cạnh tranh một cách sòng phẳng và hiểu được luật chơi của kinh tế toàn cầu bằng những kiến thức và phân tích cụ thể.

Sinh viên ĐH FPT giao lưu và đặt câu hỏi với diễn giả.

Nhiều câu hỏi và phản biện được sinh viên ĐH FPT đặt ra trong phần giao lưu với diễn giả.

Chia sẻ với sinh viên FPT về cơ hội khi toàn cầu hóa, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh, các em cần phải kết hợp được nội lực và ngoại lực. Trong đó, ngoại ngữ là công cụ quan trọng giúp các bạn trẻ giao tiếp và hội nhập tốt khi bước ra thế giới. Cùng với tiếng Anh, có thể học thêm tiếng Pháp, Nhật, Tây Ban Nha... tùy thuộc vào định hướng công việc và cơ hội phát triển của bản thân mỗi người.

"Văn hóa hội nhập là văn hóa hai chiều. Chúng ta phải tìm hiểu văn hóa thế giới nhưng cũng phải giới thiệu được văn hóa của quốc gia mình, đó gọi là giao tiếp và truyền thông. Để hội nhập tốt, chúng ta cũng cần phải chuẩn vị kỹ hành trang và quan trong là phải chủ động, chủ động học hỏi, rút kinh nghiệm, biết quan sát, biết lắng nghe...", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam nhắn nhủ.

"Em rất vui khi được tham dự chương trình và tiếp thu thêm nhiều chia sẻ quý báu từ cô Tôn Nữ Thị Ninh - người phụ nữ em rất kính trọng. Những vấn đề cô chia sẻ rất nóng, không quá sớm, không quá muộn và nó cũng là chủ đề được xã hội rất quan tâm. Em cũng rất biết ơn cô Ninh đã cho bản thân em cùng các sinh viên khác nhiều ý kiến, lời khuyên bổ ích để tự tin hơn khi tiếp nhận nền văn hóa mới, sẵn sàng bước chân ra thế giới và hội nhập”, sinh viên Nguyễn Đức Thịnh bày tỏ.

Hà Dương

Ý kiến

()