Chúng ta

TS Lê Trường Tùng: 'Tiếng Anh thấp cản trở quá trình hội nhập'

Thứ ba, 31/5/2016 | 11:25 GMT+7

Nhìn nhận trình độ tiếng Anh của Việt Nam có phần thấp so với các nước trong khu vực, Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng cho rằng, điều này làm cản trở quá trình hội nhập quốc tế, liên quan đến cả giáo dục.

Phát biểu trong lễ trao giải ViOlypmic khu vực miền Trung ngày 28/5, TS. Lê Trường Tùng thẳng thắn nhìn nhận trình độ tiếng Anh của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và cần có những định hướng giáo dục dài hạn để quá trình hội nhập quốc tế diễn ra nhanh. Đứng ở góc độ người đứng đầu Khối Giáo dục, Chủ tịch ĐH FPT chọn Đà Nẵng làm tiên phong trong việc triển khai chương trình ngoại ngữ, góp phần thu hẹp các nước trong khu vực. 

DSC06586-JPG.jpg

Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng khẳng định, cuộc thi ViOlympic đã có những thay đổi và đạt được thành tựu rất lớn. Những con số thấy được trong báo cáo, khi mà số lượng dự thi, số lượng đạt giải nói chung ở tất cả các cấp đều tăng ở con số 20%. 

"Chúng tôi đang có tham vọng làm thế nào để Đà Nẵng trở thành trung tâm xuất khẩu giáo dục lớn cả nước với sự hiện diện thường xuyên của trên 1.000 sinh viên nước ngoài du học tại Việt Nam. ĐH FPT thành lập Trung tâm Trao đổi sinh viên Quốc tế, và sinh viên các nước trong khu vực như Brunei, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã thường xuyên hiện diện ở Đà Nẵng. ĐH FPT cũng lên kế hoạch triển khai dự án biến Đà Nẵng thành thành phố nói tiếng Anh", TS. Lê Trường Tùng cho biết.

Nói về những thuận lợi thành phố biển đáng sống nhất Việt Nam, anh Tùng cho rằng, Đà Nẵng đã có nền tảng về đổi mới, sáng tạo và có những bước đi nhanh chóng trong thời gian vừa qua. Quy mô của thành phố không quá lớn như Hà Nội và TP HCM, cho phép triển khai trong thời gian ngắn để đạt được kết quả. Trong chiến lược phát triển, tập đoàn xem khu vực Đà Nẵng như là một nơi thể hiện rõ những kế hoạch đó.

"Tập đoàn đã xây dựng Khu đô thị Công nghệ FPT, minh chứng rõ nét nhất là FPT Complex, có sức chứa 10.000 nhân viên vào năm 2020. Công ty Phần mềm FPT hiện có gần 2.000 người và đang biến Đà Nẵng trở thành một trong những khu vực xuất khẩu phần mềm lớn của cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP HCM. Chúng tôi cũng đang có tham vọng làm thế nào để Đà Nẵng trở thành trung tâm xuất khẩu giáo dục lớn cả nước", Chủ tịch ĐH FPT nói.

DSC06509-JPG.jpg

Học sinh Đà Nẵng có quyền tự hào khi được chứng kiến những thay đổi lớn lao của thành phố trong vòng 10 năm qua cũng như học tập trong môi trường năng động, sáng tạo.

Đà Nẵng với dân số khoảng 1 triệu người cùng sự năng động, nếu may mắn và kế hoạch khả thi thì trong vòng 3 năm, nơi đây sẽ trở thành thành phố nói tiếng Anh. "So với các nước xung quanh, tiếng Anh của chúng ta khá thấp, làm cản trở quá trình hội nhập quốc tế, liên quan đến cả giáo dục. Sự hỗ trợ của Trung ương, Sở Giáo dục - Đào tạo, ĐH Đà Nẵng và các trường trên địa bàn, Đà Nẵng có thể nâng tầm, trở thành thành phố nói tiếng Anh".

Quay trở lại cuộc thi ViOlympic, TS. Lê Trường Tùng đánh giá cuộc thi đang bước vào giai đoạn toàn cầu. Nền tảng tiếng Anh và sự tham gia của các nước trong khu vực chắc chắn nhanh chóng trở thành sân chơi chung, không đơn thuần mang tên tuổi Việt Nam sang các nước khác mà còn là cơ hội để học sinh giao lưu, hội nhập quốc tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường Tiểu học, THCS và THPT. 

"Ngoài những thành tích đạt được, chúng ta còn khá nhiều việc phải làm, điển hình là mở rộng quy mô cuộc thi, mở rộng ở một số môn học khác. Chúng ta làm thế nào thể hiện rõ đây là cuộc thi để học nhưng là sân chơi, theo cái cách mà nhiều người vẫn thường gọi. Học theo phương thức chơi mang lại hiệu quả cao nhất, thay cho phương thức truyền thống. Điều này tạo ra môi trường học tăng cường độ cọ xát lẫn nhau, làm việc đội nhóm để học sinh phấn khởi", anh Tùng đánh giá.

Mong muốn phát huy tính sáng tạo của chính học sinh tham gia cuộc thi ViOlympic, anh Tùng cho biết: "Hiện các em chỉ tham gia giải những bài toán đã có sẵn, và chúng tôi mong muốn các em tham gia ra đề luôn. Dự kiến sẽ bổ sung nội dung là bản thân các em cũng đóng góp đề thi như một cuộc thi phụ song song và được cộng điểm nếu như đề thi đưa ra được chấp nhận bổ sung vào đề thi chung".

7-1464419770-660x0.jpg

ViOlympic đang dần trở thành sân chơi toàn cầu và hứa hẹn có những thay đổi lớn. Đặc biệt, học sinh đứng trước cơ hội được đóng góp đề thi.

"Điểm đặc biệt khi khép lại cuộc thi ViOlympic năm học 2015-2016 là được tổ chức tại một thành phố thể hiện rất rõ sự đổi mới, năng động, sáng tạo. Ở đây có rất nhiều học sinh ở Đà Nẵng, và tôi nghĩ các em đã may mắn khi chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của thành phố trong 10 năm qua. Điều đó nhờ tư duy đổi mới, cách thức hoạt động sáng tạo của lãnh đạo, nhân dân địa phương và sự hỗ trợ của cơ quan trung ương", anh Tùng đúc kết.

ViOlympic là cuộc thi cấp quốc gia về Toán học trên Internet (giải Toán bằng tiếng Việt và tiếng Anh) do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, Tập đoàn FPT và ĐH FPT là đơn vị tổ chức từ năm 2008. Để vinh danh những học sinh đạt thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng FPT tổ chức lễ trao giải cuộc thi giải Toán trên Internet năm học 2015-2016 dành cho học sinh của các Sở Giáo dục và Đào tạo khu vực miền Trung. Chương trình trước đó cũng được tổ chức ở Hà Nội và TP HCM.

Trải qua 19 vòng thi với môn Toán bằng tiếng việt và 10 vòng thi với môn toán bằng tiếng Anh vô cùng gay cấn và căng thẳng, ViOlympic đã tìm ra được thí sinh xuất sắc. Năm nay có 2.141 thí sinh đoạt giải được vinh danh, trong đó có 244 học sinh khối lớp 4; 554 học sinh khối lớp 5; 250 học sinh khối lớp 8. Khối lớp 9 dẫn đầu về số lượng học sinh đạt giải với 590 thí sinh; khối lớp 11 có 503 học sinh. Riêng khu vực miền Trung có 559 học sinh được vinh danh trong buổi tổng kết.

>> 559 học sinh miền Trung nhận giải ViOlympic

Việt Nguyễn

Ý kiến

()