Chúng ta

Truyền hình cáp chiếm 97% thị phần

Thứ sáu, 20/9/2013 | 09:02 GMT+7

Tổng doanh thu công nghiệp CNTT đạt khoảng 25,5 tỷ USD, tăng hơn 86% so với năm 2011. Doanh thu bưu chính đạt gần 274 triệu USD. Đây là số liệu trong Sách trắng về Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2013 được Bộ Thông tin Truyền thông công bố vào ngày 16/9.
> FPT Telecom cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền

Theo Sách trắng, năm 2012, ngành CNTT-TT tiếp tục tăng trưởng, trở thành điểm sáng trong bối cảnh của nền kinh tế đang còn gặp nhiều khó khăn. Đối với lĩnh vực phát thanh - truyền hình, trong năm 2012, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đã tăng gần gấp đôi, nâng tổng doanh thu truyền hình trả tiền đạt mức trên 200 triệu USD…

d

Thị phần truyền hình cáp năm 2012. Nguồn số liệu: Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2013.

Sách trắng chỉ ra, trong vòng một năm, có tới 20 trên tổng 47 công ty đã rời khỏi thị trường truyền hình trả tiền. Truyền hình cáp hiện do 27 doanh nghiệp còn lại trên thị trường cung cấp cho khoảng 4,4 triệu thuê bao trên cả nước.

Số liệu chính thức về thị phần cũng như doanh thu của truyền hình trả tiền lần đầu tiên được Bộ Thông tin Truyền thông công bố trong Sách trắng về Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam năm 2013, ghi nhận sự sụt giảm của gần một nửa nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp chỉ sau một năm.

Năm 2011, cả nước có 47 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trên, đến năm 2012 con số này chỉ còn 27. Thị trường cũng hình thành doanh nghiệp thống lĩnh là SCTV giữ hơn 36% thị phần, còn lại là VTVCab (trước đây là VCTV) nắm 22,67%, VNPT 19,27%, HTVC 15,44%... Giảm mạnh về số lượng nhà đài nhưng doanh thu từ truyền hình cáp vẫn đạt gần 194 triệu USD, chiếm 97% tổng doanh thu lĩnh vực truyền hình trả tiền trong năm 2012 (200,2 triệu USD).

Một trong những yếu tố quan trọng đem lại khoản tiền lớn là sức tăng tốt của lượng thuê bao mới. Năm 2012 có khoảng 4,4 triệu thuê bao truyền hình cáp, tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Phần doanh thu còn lại chia cho truyền hình số mặt đất (1,52 triệu USD trên 3,64 triệu thuê bao) và truyền hình số vệ tinh (4,94 triệu USD, chưa đầy một triệu người dùng). Hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình mặt đất gần VTV, VTC, AVG, HTV và Đài Phát thanh truyền hình Bình Dương. FPT Telecom cũng mới được Bộ TT-TT cấp phép triển khai dịch vụ truyền hình trả tiền.

Trước đó, theo báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), tổng doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam năm 2011 đạt 2 tỷ USD và tăng lên 2,5 tỷ USD vào năm 2012, có tốc độ phát triển nhanh, bình quân 7,3% mỗi năm.

Số liệu được tính trên doanh thu của cả 5 nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền gồm: nội dung, các kênh nước ngoài, biên dịch và biên tập, dịch vụ liên quan đến truyền hình và thuê bao truyền hình trả tiền. Còn các con số của Bộ Thông tin Truyền thông đưa ra trong Sách trắng chỉ tính trên nhóm doanh nghiệp thứ 5.

Ở mảng Viễn thông, tính đến tháng 12/2012, cả nước đạt hơn 141 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 9,5 triệu thuê bao cố định và 131,6 triệu thuê bao di động. Số lượng thuê bao Internet băng rộng tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng 24,74%, đạt gần 4,8 triệu thuê bao. Đặc biệt, tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2012 đạt 25,5 tỷ USD, tăng ngoạn mục 86,3% so với năm 2011.

Theo các số liệu thống kê trong năm 2012, số thuê bao 3G bị giảm nhẹ do nhà mạng tăng cường cắt giảm các thuê bao ảo và số thuê bao 3G trên thực tế vẫn tăng. Trong khi số thuê bao cố định vẫn tiếp tục giảm do yếu tố công nghệ, chỉ còn gần 10 triệu thuê bao, giảm 6%.

d

Anh Trần Văn Hiếu (thứ hai từ trái qua), Trưởng nhóm giải pháp DMS-Lite, FSU3, FPT Software, hướng dẫn các quản lý và đối tác của PepsiCo sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý phân phối DMS-Lite ((Distributor Management System) trên nền công nghệ Mobility do đơn vị nghiên cứu và phát triển. Ảnh: V.N.

Tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2012 đạt 25,5 tỷ USD, tăng 86,3% so với năm 2011. Sự tăng trưởng cao này tiếp tục do sự duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử với trên 23 tỷ USD doanh thu, tăng trưởng 103,2% và chiếm tới 90,4% tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT. Theo Bộ Thông tin Truyền thông, nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung ở Bắc Ninh và nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Intel tại TP HCM đã góp phần đẩy doanh thu ngành công nghiệp phần cứng tăng trưởng mạnh mẽ.

Công nghiệp phần mềm và nội dung số cũng tăng trưởng nhưng tốc độ khiêm tốn tương ứng là 3,1% và 6,0%, trong đó sự tăng trưởng lĩnh vực phần mềm là thấp nhất trong cả 3 lĩnh vực.

Theo xếp hạng trong báo cáo đánh giá về xã hội thông tin của Liên minh viễn thông quốc tế, chỉ số phát triển CNTT - TT của Việt Nam năm 2012 đã tăng 5 bậc, vươn lên xếp thứ 4 khu vực Đông Nam Á và đứng 12/27 nước châu Á - Thái Bình Dương.

Sách trắng là tài liệu thường niên chính thức của Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT và Bộ Thông tin Truyền thông phát hành từ năm 2009.

Ngày 6/8, Bộ thông tin Truyền thông đã cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho FPT Telecom. Theo đó, FPT Telecom được phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp số trên phạm vi toàn quốc; Dịch vụ truyền hình tương tự trên phạm vi toàn quốc, trừ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đăk Lăk.

Na Vy

Ý kiến

()