Chúng ta

'Tôi mong seminar sớm lan tỏa trong FPT'

Thứ ba, 14/10/2014 | 19:53 GMT+7

"Tôi hy vọng FPT thực sự trở thành một tổ chức học tập, là cái nôi nuôi dưỡng ý tưởng thành các sản phẩm dịch vụ mới với công nghệ vượt trội", Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình bày tỏ.

> 'Học hỏi Thành Cát Tư Hãn để kiến tạo chính sách đãi ngộ'

Với mong muốn đưa FPT thành "tổ chức học hành", anh Trương Gia Bình đã khởi xướng " TGB Seminar on Leadership" với nhiều chủ đề thảo luận nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, từ đó đưa ra những sản phẩm dịch vụ, chính sách mới.

Người đứng đầu FPT trao đổi với Chúng ta về ý nghĩa của dự án này.

a

Anh Trương Gia Bình mong muốn đưa FPT thành một "tổ chức học hành".

- Tại sao anh muốn tổ chức chuỗi seminar này trong FPT?

- FPT đang đặt ra những mục tiêu tham vọng: Tiên phong trong lĩnh vực SMAC, dẫn đầu xu hướng dịch chuyển lên điện toán đám mây, trở thành tập đoàn cầu có doanh thu hàng tỷ đô la từ nước ngoài và sánh ngang với các tập đoàn lớn trên thế giới. Muốn thực hiện được những tham vọng này thì trình độ của mỗi người FPT phải vươn lên đẳng cấp toàn cầu. Để làm được điều đó chỉ có một con đường: Mỗi cán bộ FPT không phân biệt vị trí công tác đều phải tham gia học hỏi, công ty trở thành một trường đại học lớn, mỗi lãnh đạo là một giảng viên và CBNV là những sinh viên liên tục học hỏi, vươn lên.

Để trở thành một tổ chức học hỏi, chúng ta có thể học từ các khóa học, học ở trường đại học, trong khuôn khổ các chương trình MiniMBA, học lấy chứng chỉ của những hãng công nghệ, học qua công việc... Nhưng như thế vẫn không đủ. Cách tốt nhất là học từ những vấn đề thực tiễn của mình và seminar là một hình thức như vậy.

Seminar là cách học hết sức tích cực thông qua tranh biện và tự học. Chúng ta có thể mời chuyên gia hàng đầu hoặc những người đang triển khai các dự án tốt tại FPT đến chia sẻ; học thông qua các xu hướng công nghệ của các tập đoàn tư vấn lớn trên thế giới; học từ các nhóm khởi nghiệp của công ty, thậm chí có thể học làm chính sách qua seminar. Đây là nền tảng của một tổ chức học tập.

- Ý nghĩa của tên gọi "TGB Seminar on Leadership" là gì, thưa anh?

- Khi có một ý tưởng mới, tôi phải gương mẫu thực hiện trước. Cách thức tôi tổ chức dự án này cũng là Lean Startup, tức là thông qua mỗi seminar để tự học hỏi và tìm ra cách làm tốt nhất.

Seminar có thể định nghĩa là cách học hỏi tập thể theo Constructivism. Nhưng muốn hiểu sâu sắc về hình thức này thì chỉ có cách tham dự trực tiếp. Nếu Leader Talk là diễn đàn chung của nhiều người thì seminar có một người lãnh đạo. "TGB Seminar on Leadership" là seminar mà tôi trực tiếp lãnh đạo.

Trong seminar còn có báo cáo viên là người trình bày các vấn đề chính. Mỗi thành viên tham dự sẽ là những người thách thức các quan điểm của báo cáo viên và người chủ trì để tạo ra một góc nhìn đa diện, phát hiện nhiều vấn đề mới... Sau seminar, để hiểu được sâu hơn các vấn đề đã tranh biện, mỗi thành viên cần tự đọc, tự nghiên cứu. Đây là hình thức học hỏi rất tích cực và đầy hứng thú.

a

"Seminar là cách học hết sức tích cực thông quan tranh biện, qua tự học", anh Bình nói.

- Anh chọn người lãnh đạo và báo cáo viên của seminar theo tiêu chí nào?

- Lãnh đạo seminar là người tình nguyện và tin rằng đây là lĩnh vực mà mình có mối quan tâm và có một trải nghiệm đủ, một phần nào cũng là nhiệm vụ của họ. Tôi mở seminar về Leadership bởi vì nhiệm vụ của tôi là dẫn dắt tập đoàn FPT. Sau này, có thể có người sẽ dẫn dắt seminar về công nghệ, big data, điện toán đám mây, quản trị nhân sự, hệ thống thông tin... Tất cả những hoạt động của chúng ta đều có thể liên quan trực tiếp đến seminar và ai tin rằng việc này có ích cho những người khác và bổ ích cho chính công việc của mình đều có thể làm lãnh đạo các seminar.

Báo cáo viên là người được lãnh đạo seminar tin tưởng có thể trình bày vấn đề tốt nhất, có nhiều điều để mọi người học hỏi. Đó có thể là người trong hoặc ngoài FPT, có thể là diễn giả trong nước hoặc quốc tế.

Trong tương lai, tôi muốn mời các nhà lãnh đạo thành công nhất Việt Nam và quốc tế đến làm báo cáo viên của seminar. Chất lượng của chương trình phụ thuộc rất nhiều vào việc chọn chủ đề cũng như báo cáo viên.

- Vậy những đối tượng nào có thể tham dự seminar?

- Seminar hiện nay có 3 cấu thành chính. Thứ nhất là những người mong muốn sẽ mở seminar tiếp theo của mình, họ cần tham dự để chiêm nghiệm seminar trên thực tiễn diễn ra như thế nào. Thứ hai là nhóm tham dự thường xuyên - là những người có liên quan trực tiếp đến Leadership. Ngoài ra còn có thành phần mở, bất kỳ ai quan tâm đến chủ đề đều có thể tham dự.

Có thể một số người không hiểu hết các vấn đề báo cáo viên trình bày hay các vấn đề mọi người tranh luận trong Seminar về Leadership. Nhưng các bạn đừng buồn vì lần đầu tiên dự seminar ở trường đại học, tôi cũng không hiểu gì cả, và chính điều đó đã thôi thúc tôi liên tục học, hỏi, nghiên cứu... Nhờ đó, tôi đã dần phát triển năng lực của mình và sau này sử dụng trên cương vị lãnh đạo tập đoàn. Đó chính là bí quyết phát triển  của tôi và FPT ngày nay. 

a

Anh mong hoạt động seminar sẽ sớm lan tỏa trong FPT.

- Lý do nào anh chọn các chủ đề như Lean Startup - Khởi nghiệp tinh gọn, Constructivism - Học thuyết kiến tạo, Chính sách Thành Cát Tư Hãn... trong TGB Seminar on Leadership?

- Tôi chọn theo nguyên lý "cần thiết, cấp bách và cần nhiều người hiểu". FPT sẽ tiến hành toàn bộ các đầu tư theo công thức Lean Sartup, chuyển hướng đào tạo và nghiên cứu theo Constructivism. Thành Cát Tư Hãn là chính sách trọng yếu để thúc đẩy, khuyến khích người FPT sáng tạo, tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các sản phẩm dịch vụ mới cho tập đoàn... Các chủ đề được chọn là những điều cần thiết nhất mà chúng ta cần học hỏi.

- Các chủ đề này có mối liên hệ với nhau ra sao?

- Sáu chủ đề này là những cấu thành trong các hoạt động về lãnh đạo - Leadership. Các chủ đề được chọn đều liên quan đến chính sách, cách làm, cách thức lãnh đạo, định hướng về công nghệ, định hướng thay đổi FPT...

Các chủ đề đã chọn đang được ứng dụng trong những dự án nào ở FPT, thưa anh?

- Constructivism là cốt lõi của dự án GEM English mà ĐH FPT đang triển khai. Tôi cũng dạy thử nghiệm phương pháp này trong khuôn khổ FLI và đạt kết quả rất khích lệ. Hy vọng đó sẽ là cốt lõi của dự án Công nghệ giáo dục (ĐH FPT) cũng như các chương trình học của Học viện lãnh đạo FPT (FLI). 

Ngoài ra, tất cả đầu tư của tập đoàn trong quỹ 5% lợi nhuận cho nghiên cứu phát triển đều sẽ được tiến hành theo Lean Sartup. Ý tưởng Thành Cát Tư Hãn đã được áp dụng cho FPT Shop nhưng chưa được minh bạch và dự kiến sẽ được làm rõ nét hơn trong seminar số thứ 3.

- Anh mong muốn điều gì khi tổ chức seminar này?

- Tôi mong hoạt động seminar sẽ sớm lan tỏa trong FPT. Đây là cách thức nâng cấp trình độ, năng lực cho mỗi CBNV. Hy vọng FPT thực sự trở thành một tổ chức học tập, là cái nôi nuôi dưỡng các ý tưởng thành các sản phẩm dịch vụ mới với công nghệ cao vượt trội. Đây cũng là cách để tập đoàn nâng cấp trình độ công nghệ lên tầm toàn cầu.

Nhằm nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo cùng mong muốn xây dựng FPT như một “tổ chức học hỏi”, anh Trương Gia Bình đã khởi xướng dự án TGB - Seminar on Leadership. Học viện Lãnh đạo FPT (FLI) là đơn vị triển khai dự án này. Seminar sẽ gồm nhiều buổi với các chủ đề thảo luận khác nhau như: "The Lean Satrtup - Khởi nghiệp tinh gọn", "Constructivism - Học thuyết kiến tạo", Chính sách Thành Cát Tư Hãn, Cải tiến liên tục, Outstanding Leaders, Cập nhật tri thức…

Nhàn Nhã thực hiện 

Ý kiến

()