Chúng ta

Toàn dân 'hiến kế' nâng cao năng lực cạnh tranh

Thứ hai, 18/8/2014 | 09:02 GMT+7

Sau Hội nghị Vivek Paul, CBNV FPT đã đóng góp những giải pháp để nâng cao tính tuân thủ, sự chuyên nghiệp, tình đoàn kết; đồng thời hiến kế thay đổi chính sách đãi ngộ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính...
> Rơi nước mắt khi chia sẻ về nâng cao năng lực cạnh tranh / Toàn cảnh hội nghị Vivek Paul

Hội nghị Vivek Paul, được tổ chức từ 23 đến 29/7 của các đơn vị, được đánh giá diễn ra trong không khí cởi mở, các ý kiến đóng góp thẳng thắn cùng tinh thần cầu thị của Ban lãnh đạo với hy vọng "bắt đúng bệnh" nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập hiện tại của công ty. CBNV hy vọng, sau hội nghị này, FPT sẽ sớm tìm ra được giải pháp để thực hiện nhanh nhằm đưa tập đoàn vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững.

a

TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc mong muốn mọi người chia sẻ các ý kiến, bức xúc của mình trong quá trình làm việc để cải thiện và thay đối. Ảnh: C.T.

Theo anh Đào Minh Lâm, FPT Software, không phải mọi nhân viên đều biết và hiểu đúng chiến lược của tập đoàn. Do đó, lãnh đạo phải ý thức việc chia sẻ chiến lược cho nhân viên, để mọi người thông suốt, điều đó có lợi cho sự phát triển của công ty.

Đặc biệt, anh nhấn mạnh việc xây dựng tính kỷ luật, tuân thủ nghiêm túc cho người FPT từ giờ giấc, triển khai công việc đúng kế hoạch, tinh thần chịu trách nhiệm cao. "Cần có công cụ đảm bảo mọi người tuân thủ kỷ luật và chế độ thưởng phạt rõ ràng", anh nói.

a

Quang cảnh hội nghị Vivek Paul của khối Giáo dục. Ảnh: C.T.

Anh Nguyễn Đức Tĩnh, FPT Software, lại cho rằng FPT cần nâng cao sự chuyên nghiệp của nhân viên để phục vụ mục tiêu toàn cầu hóa. Anh cho hay, các tập đoàn của Nhật thường đào tạo nhân viên về cách hành xử trong công ty rất chi tiết. Trong các nhà xưởng, xí nghiệp, mọi nhân viên đều có 2 tháng để học về 5S, nên hiệu suất và tuân thủ quy trình cũng như vệ sinh an toàn lao động của họ rất cao.

Theo anh, FPT nên học tập và chuẩn hoá quy trình đào tạo nhân viên mới, không phải do ban đào tạo của công ty mà phải là những người nhiều kinh nghiệm làm thực tế giảng dạy cho nhân viên mới về quy trình chuẩn.

a

Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình khuyến khích nhân viên góp ý thẳng thắn để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: C.T.

Trong chiến dịch toàn dân góp ý kiến nâng cao năng lực cạnh tranh, các đơn vị như FPT Trading, Khối Giáo dục, FPT IS, FPT Telecom, FPT Software FPT HO đã lần lượt tổ chức Hội nghị Vivek Paul tại khách sạn Crown Plaza, Mỹ Đình, Hà Nội, từ ngày 23 đến 29/7.

CBNV đã chia sẻ quan điểm trên 10 lĩnh vực: Chiến lược; Tài chính; Nhân lực; Quy trình Kinh doanh/Sản xuất/Dịch vụ; Tin học hóa; Tổ chức - Cán bộ; Công nghệ - Giải pháp/Sản phẩm; Marketing - Sales; Cơ sở vật chất; Tinh thần.

Trước đây, anh Tĩnh đã xây dựng bộ tài liệu cho công ty con của một tập đoàn lớn ở Nhật có chi nhánh tại Việt Nam và thấy hiệu quả cải tiến rõ nét khi các nhân viên được đào tạo bài bản ngay từ đầu. "Chúng ta không nên tiếc 2 tháng đào tạo và không nên tuyển xong là "nhét" vào dự án khai thác luôn như hiện nay", anh nói.

Ngoài ra, FPT cần định hướng cho tân binh phát triển con đường sự nghiệp. Đặc biệt, các lãnh đạo phải quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ kế cận, chia sẻ những bí quyết thành công, đồng thời tổ chức đào tạo định kỳ.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Nga, FPT Software, cho biết, Nhật Bản là một thị trường chủ lực nên cần tăng cường đầu tư phát triển, nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Trong đó, đào tạo tiếng Nhật cho nhân viên bằng việc tăng cường số lượng, thời lượng khóa học và đào tạo linh hoạt tại hai đầu TP HCM và Hà Nội để thuận lợi cho việc học tập.  

Bên cạnh đó, FPT Software cần xây dựng và triển khai Tool hỗ trợ công tác quản trị ở các mặt (Nhân sự, dự án, chất lượng), giảm thiểu công việc chân tay. Chị Nga cho rằng nên có một bộ phận làm Tool nội bộ. Đội này có trách nhiệm tạo Tool theo yêu cầu hỗ trợ cho các phòng ban, dự án có nhu cầu, kinh phí được trích từ một phần dự án, các Tool phát triển được còn có thể bán ra ngoài... 

a

Hội nghị Vivek Paul của FPT Telecom sôi nổi nhất. Ảnh: C.T.

Khác với các vấn đề về quản trị, nhân sự, toàn cầu hóa của FPT Software, người FPT Telecom lại quan tâm hơn đến vấn đề nội bộ. Chị Huỳnh Phương Thanh, chi nhánh Vĩnh Long, cho rằng cần nâng cao tinh thần đoàn kết nội bộ thì đơn vị sẽ đạt mọi thành công.

Trong một tổ chức, nhiều người không tránh khỏi những lúc bất đồng. Mâu thuẫn sẽ xảy ra khi một vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích và quyền lợi giữa các phòng ban, cá nhân... Và lúc này, cách nhận định và xử lý vấn đề của lãnh đạo sẽ rất quan trọng - giải quyết như thế nào để cả hai cùng thắng, tránh trường hợp theo chủ nghĩa cá nhân, bè phái... nếu không sẽ dẫn đến rủi ro lớn hơn so với mâu thuẫn ban đầu.

Theo chị, không nên để mâu thuẫn phát sinh rồi mới giải quyết. Các cá nhân cần được đào tạo về tâm lý để có phương pháp tích cực giải quyết vấn đề ngay từ đầu. Đội ngũ lãnh đạo nên đi sát và sâu hơn nữa trong mối quan hệ giữa các nhân viên cấp dưới, thường xuyên mở hội nghị, chương trình để thành viên trong cùng công ty gặp gỡ, gắn kết thêm tinh thần đồng đội.

a

Hội nghị Vivek Paul của FPT IS nóng, lạnh bất thường. Ảnh: C.T.

FPT IS cần thay đổi chính sách đãi ngộ để giữ được nhân tài, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ và giỏi có 3-5 năm kinh nghiệm là ý kiến của nh Trần Trung, FPT IS Global. Anh đề xuất tái cơ cấu bộ phận nhân sự của FPT IS theo hướng chuyên nghiệp, tìm những người có chuyên môn và trình độ về quản trị nhân lực, đủ khả năng tư vấn cho lãnh đạo. Sau đó, công ty cần thay đổi cơ chế đãi ngộ theo hướng linh hoạt, kịp thời, không để tình trạng chảy máu chất xám như hiện nay.

Đồng quan điểm, anh Bùi Ánh Dương, FPT IS, cũng nhấn mạnh vấn đề thu nhập cho cán bộ công nghệ mới trưởng thành. Anh nhận thấy đội ngũ này cần khoảng 3 năm rèn luyện và học hỏi thế hệ đi trước để được coi là trưởng thành, "đủ lông đủ cánh". Sau đó họ có thể tự chủ động làm được khá nhiều việc cũng như tự nghiên cứu phát triển năng lực bản thân để cống hiến. Tuy nhiên, chính thời điểm công ty bắt đầu "hái quả" thì cũng là lúc cán bộ công nghệ bị "câu kéo" nhiều nhất, các công ty bên ngoài sẵn sàng trả mức lương gấp đôi hiện tại để mời được họ.

a

Anh Dương cho rằng phải thay đổi chính sách cho cán bộ công nghệ. Ảnh: C.T.

"Tôi mong FPT có chính sách tăng lương đột biến (cụ thể là tăng ít nhất 1,5 lần) cho cán bộ công nghệ trưởng thành trong khoảng thời gian 3-5 năm để giữ chân nhân tài", anh bày tỏ.
 
Chị Nguyễn Thị Ngọc, FPT Education, cho rằng khối Giáo dục cũng đang chung bước với tập đoàn trong hành trình toàn cầu hóa. Do vậy, vấn đề cần thay đổi đầu tiên là cải tiến, nâng cao năng lực nội bộ, nhất là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Trước đây, mỗi đơn vị có bộ phận kế toán riêng, rất thuận tiện cho việc thanh toán, kiểm soát chi phí nội bộ nhưng khi gộp chung lại gây khá nhiều khó khăn cho công việc. "Tôi đề xuất việc đơn giản hóa quy trình, tạo thuận lợi cho CBNV làm việc. Nếu không có giải pháp tốt hơn có thể quay về quy chế cũ", chị đề xuất.

Hội nghị Vivek Paul nằm trong lộ trình triển khai dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh do Chủ tịch FPT Trương Gia Bình ký quyết định ban hành. Dự án được tiến hành từ tháng 7 đến hết tháng 12 năm nay nhằm xác định và tìm giải pháp loại bỏ những bất cập gây ảnh hưởng đến sự cạnh tranh và độ bền vững của FPT. Dự kiến đầu tháng 9, các đơn vị sẽ triển khai những giải pháp được thông qua.

Vivek Paul là người Ấn Độ nhưng đến từ nước Mỹ, nơi ông đã lãnh đạo một công ty đa quốc gia như GE trong nhiều năm. Ngay từ khi sang Wipro đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch và CEO từ năm 1999 đến 2005 của Wipro - Công ty Dịch vụ IT lớn thứ hai Ấn Độ với hơn 120.000 nhân viên trên toàn cầu (theo số liệu tháng 3/2011), Paul đã làm cho các nhân viên Ấn Độ thuần túy phải suy nghĩ với tư duy toàn cầu. Paul đã thay đổi được toàn bộ tư duy của nhân viên nhờ triết lý đơn giản: "Hãy tập trung vào việc cần phải làm. Chỉ có hiện tại là quan trọng, không đặt nặng vấn đề quá khứ và ảnh hưởng của lịch sử".

Tử Quyên

Ảnh: C.T.

Ý kiến

()