Chúng ta

‘Tim còn đập, khách hàng còn tin, shop còn mở’

Thứ năm, 19/2/2015 | 13:06 GMT+7

“Thành công của chúng tôi in đậm những giọt mồ hôi, nước mắt, sự nỗ lực phi thường của gần 4.000 con người ngày đêm miệt mài cống hiến, làm việc quên mình, tưởng như chỉ cắm đầu mà chạy, không có thời gian ngoảnh lại phía sau nữa”, PTGĐ FPT Retail Trịnh Hoa Giang chia sẻ.

2014 là năm “bội thu” của FPT Retail khi gặt hái được nhiều trái ngọt sau hơn 7 năm kiên trì gieo hạt, ươm mầm: Doanh thu tăng 29% so với kế hoạch, lần lượt hoàn thành vượt mức lợi nhuận 24 tỷ đồng và lợi nhuận thách thức 40 tỷ đồng; nhân sự từ 2.600 người lên 3.800 người, tăng 31%. Việc mở rộng vùng phủ được coi là khó khăn cũng có được thành công khi vượt chỉ tiêu 9%, đạt 164 shop so với kế hoạch 150 shop. Dự kiến, đến trước Tết Nguyên đán, FPT Retail có thêm 16 cửa hàng đi vào hoạt động.

1-1539-1423908904.jpg

 FPT Retail đạt mốc 164 shop, mở rộng vùng phủ khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Ảnh: FRT.

Các shop mới mở năm nay tập trung nhiều ở khu vực phía Nam để tạo thế cân bằng và ổn định hơn cho FPT Retail ở các vùng trên toàn quốc. Hiện hệ thống FPT Shop có sự phân bổ khá đồng đều: TP HCM chiếm số lượng đông nhất với 32 cửa hàng; Miền Bắc 2 là 23 shop; Hà Nội, miền Bắc 1 và miền Trung cùng đạt 22 cửa hàng; Còn lại là miền Tây và miền Đông với số cửa hàng lần lượt là 21 và 17. Ngoài ra, đơn vị cũng có 5 cửa hàng Apple tại Hà Nội và TP HCM thuộc hệ thống F.Studio by FPT.

Chị Giang cho biết, sau hơn 7 năm dò dẫm tìm đường, quy trình mở shop đã chuyên nghiệp, nhanh chóng, nhẹ nhàng hơn thời gian đầu rất nhiều. Các bộ phận có liên quan tự giác kết nối để hỗ trợ shop mới đến khi khai trương và hoạt động ổn định.

Thành công của hành trình chinh phục đầy khó khăn, nhọc nhằn này do hai người phụ nữ được ví như Trưng Trắc - Trưng Nhị của ngành bán lẻ phụ trách. TGĐ Nguyễn Bạch Điệp đảm nhận khu vực phía Nam từ Bình Thuận trở vào, còn Phó tướng Trịnh Hoa Giang phụ trách từ Ninh Thuận trở ra phía Bắc.

“Trong ba năm qua và bây giờ, chúng tôi chỉ biết lao lên phía trước chứ hầu như chưa có dịp tạm dừng để nhìn lại chặng đường đã làm. Để có được gần 40 shop ở miền Nam hiện tại, không biết chị Bạch Điệp đã đi mòn biết bao gót giầy. Những ngày đầu tiên đi mở shop, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự bình dị và không biết sếp mình lấy đâu ra nhiều năng lượng đến thế để có thể đứng từ sáng đến tối. Tối hôm trước chị còn cùng mọi người trang trí, chỉnh trang shop Phan Thiết đến 1h sáng để kịp hôm sau khai trương mà hôm đó vẫn lao vào giúp các bạn bán hàng thu tiền vì khách quá đông”, anh Huỳnh Chấn Cầu, Giám đốc Kinh doanh miền Nam, chia sẻ.

Ba-Nguyen-Bach-Diep-thu-3-tu-t-1252-9227

Chị Nguyễn Bạch Điệp khiến nhiều người kinh ngạc với hành trình đi khắp miền Tây chỉ trong 2,5 ngày. Ảnh: FRT.

Cùng với sự phát triển của FPT Retail thì công việc của nữ TGĐ ngày càng nhiều và vất vả hơn. Chỉ cần nghe nói chủ nhà đồng ý cho thuê địa điểm, chị lại hối hả từ TP HCM xuống tận Cà Mau ký hợp đồng, nhưng khi tới nơi thì họ lại đổi ý. Rất nhiều người nghe đến lộ trình một vòng miền Tây chỉ mất 2,5 ngày của chị đều “lắc đầu lè lưỡi”. Trong những chuyến đi như thế, không biết bao lần chị dầm mưa dãi nắng, ăn vội ở quán cơm bình dân trên đường để sấp ngửa đi tiếp. “Được chứng kiến nghị lực phi thường ấy của các chị, là nhân viên, tôi không thể không cố gắng”, anh Cầu tâm niệm.

Còn với chị Trịnh Hoa Giang, việc mở shop đã “ăn cắp” thời gian riêng tư quá nhiều, đến mức chị thốt lên: “Nếu hỏi tôi có ở nhà nhiều không còn trả lời được chứ hỏi đi bao lâu thì không nhớ nổi. Vợ chồng còn phải xếp lịch mới gặp được nhau”.

Ngành bán lẻ thiên biến vạn hóa, cần bám chặt địa bàn, bám sát nhân viên, không đi không hiểu được địa bàn, không chọn được điểm cũng như không biết dùng phương thức marketing nào phù hợp. “Chọn shop cần nhiều kỹ năng quan sát, kinh nghiệm và nhiều khi là giác quan thứ 6. Điều này khó mô tả thành lời, có những điểm hội tụ hết các tiêu chuẩn như ở nga ba, ngã tư, dân cư đông đúc… nhưng tôi cảm nhận không được thì vẫn không mở. Còn yếu tố quyết định để mở shop thành công vẫn là nơi có nhiều dân cư, nghĩa là có khách hàng để phục vụ”, chị nói.

image1-jpeg-8622-1423908904.jpg

Trong quá trình khảo sát shop, chị Trịnh Hoa Giang thường tự cầm lái "vượt dốc đổ đèo" trên các tuyến đường miền núi hiểm trở. Ảnh: NVCC.

Là bạn đồng hành, cánh tay phải của chị Giang suốt 7 năm đi mở shop, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển Địa điểm phía Bắc Lê Đình Phong cũng phải ngạc nhiên khi biết được hành trình đi tìm điểm của chị. Anh cho biết, mỗi lần chị đi ít nhất là 4 tỉnh, có khi liền một mạch hết 8 tỉnh, thành. “Đường đèo núi Tây Bắc rất khó đi nhưng chị tự cầm lái khiến tôi choáng. Nhiều khi chị đi miền Trung bằng đường Hồ Chí Minh, khảo sát 10 huyện trong vòng hai ngày. Thời gian ngồi trên ôtô nhiều hơn ở nhà, ngay cả ăn ngủ cũng trên ôtô. Dường như chị có đôi chân thép, trái tim thép, tinh thần thép, không biết mệt mỏi”, anh nói và không giấu nổi sự thán phục. 

Để tìm địa điểm mở shop, anh Phong thường khảo sát trước nhưng có nhiều điểm chị Giang đích thân đi cùng. Mỗi khi đến một vùng đất mới, chị thường ở lại ban đêm, lang thang để quan sát tình hình dân cư. Khi chị đã khoanh vùng địa điểm rồi thì chỉ tìm trong khu vực đó là thành công. Không chỉ tinh tường, khéo léo trong thương thuyết mà chị còn rất kiên trì, nhẫn nại. Có những điểm chị bám hằng năm trời mới thuyết phục được chủ nhà cho thuê thành công.

Với sự cố gắng không ngừng của hai nữ tướng cùng đội ngũ nhân viên, FPT Retail hôm nay đã lớn mạnh, hiện diện ở khắp 63 tỉnh thành. Tuy nhiên, hệ thống cửa hàng ngày càng lớn sẽ khiến cho mô hình quản trị, hệ thống kỹ thuật, nhân sự… không theo kịp, nhiều lúc chưa đáp ứng được tốc độ phát triển. Song, nhờ sự “bành trướng” lãnh thổ này mà thương hiệu FPT Shop đã lan tỏa mạnh mẽ, phục vụ khách hàng tốt hơn, tạo niềm tin với nhà cung cấp và người tiêu dùng, đồng thời đem lại sự hào hứng cho nhân viên, giúp họ có môi trường thử thách, nâng cao năng lực bản thân. Ngoài ra, việc mở rộng vùng phủ cũng giúp đơn vị đạt doanh thu lớn, tạo nguồn lực tái đầu tư để nâng cao dịch vụ cho khách hàng và đưa ra cơ chế đãi ngộ tốt hơn cho nhân viên.

2-1-4020-1423908904.jpg

Phó tướng của FPT Retail vẫn cho rằng, công ty còn nhiều việc phải làm để phát triển ổn định, vững bền.

Theo chị Giang, thị trường vẫn còn nhiều “đất dụng võ” cho ngành bán lẻ chỉ cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ, sáng suốt ứng phó với các biến động và đi đúng đường. Hiện, FPT Retail thực hiện “Lean Startup” mô hình shop loại D cho một số thị trường ngách, thử nghiệm tin học hóa ở vài cửa hàng, áp dụng ca làm việc ngắn linh động hơn…

Dù đã gặt hái được thành công nhưng Phó tướng của FPT Retail vẫn cho rằng, công ty còn nhiều việc phải làm để phát triển ổn định, vững bền khi mà thương trường ngày càng khốc liệt. Trong đó, việc tin học hóa các quy trình bán lẻ nhằm quản trị tự động, tăng năng suất lao động, giảm chi phí và sức người sẽ được ưu tiên hàng đầu.

“Các con số đạt được năm 2014 phần nào nói lên thành công của FPT Retail, nhưng điều lớn nhất mà chúng tôi đã làm được lại là xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, thúc đẩy quan hệ nội bộ chặt chẽ và bền vững hơn. Con người chính là nền móng cho FPT Retail phát triển một cách ổn định, lâu dài. Khi các bạn còn gắn bó, tim còn đập, khách hàng còn tin thì shop còn mở”, chị Giang khẳng định.

Nhàn Nhã

Ý kiến

()