Chúng ta

Thực hư chuyện 0 đồng PR khi video của FPT Telecom vượt 16 triệu view

Thứ tư, 23/8/2017 | 18:16 GMT+7

Chungta.vn đã vào cuộc xác minh, làm rõ nghi vấn từ các quản lý nhà F và cộng đồng truyền thông Việt Nam về việc FPT Telecom có chi tiền quảng cáo để video "Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại" đạt lượt xem khủng.

Câu chuyện đẹp với kết thúc có hậu của cô chủ nhỏ lén cha cho cậu bé nghèo học vi tính lan tỏa không chỉ Việt Nam mà còn rộng khắp Đông Nam Á. Video viral - video lan truyền mang tên Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại đã gây cơn sốt trên Facebook trong 1 tháng qua với các chỉ số rất ấn tượng: hơn 16 triệu lượt view và hơn 638.000 lượt tương tác (like, comment và share).

Không những thế, sản phẩm này còn dậy sóng trong nhóm những người làm marketing và truyền thông, cả trong nhà F lẫn bên ngoài.

DSC-6236-JPG_1503461073.jpg

Tháng 7, fanpage FPT Telecom đăng video "Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại". Câu chuyện kể về tuổi thơ của cậu bé nghèo ham học, vì không có tiền để học tin học, cô bé con ông chủ tiệm net đã lén cho cậu bé học miễn phí và tận tình chỉ bảo cậu. Bẵng đi một thời gian dài, hai người không gặp nhau. Cuộc sống nhiều thay đổi, cô bé nay là giáo viên dạy tin học, còn cậu bé trở thành người kinh doanh thành đạt vô tình gặp nhau.

Sợi chỉ đỏ của câu chuyện là CNTT nói chung hay Internet nói riêng đã giúp thay đổi cuộc sống của nhiều người. Đây chính là mạch truyền thông mới nhất của FPT Telecom về tình thương và sự cho đi.

Ngày 16/8, khi Chungta.vn đăng bài “0 đồng PR, video của FPT Telecom 'xô đổ' mọi kỷ lục Việt Nam”, đúng dịp nhóm VMCC (Vietnam Marketing & Communications Group - cộng đồng những người làm truyền thông và marketing) có một topic thảo luận về vấn đề tại sao viral video cứ phải tục hoặc hài nhảm mới hút view. Chị Nguyễn Thu Huyền, Trưởng phòng Truyền thông FPT Trading, liền đưa link trong phần bình luận với thông điệp rằng video có nội dung tốt vẫn được đón nhận và lan tỏa.

Ngay lập tức, nhiều thành viên bày tỏ sự nghi ngờ về thông tin video không quảng cáo mà đạt lượng video và tương tác khủng. Vài ‘chuyên gia’ còn khẳng định chắc như “đinh đóng cột” rằng video đã chạy lượng quảng cáo lớn và tốn bộn tiền mới đạt view cao thế.

Phản biện các thành viên, anh Nguyễn Đức Luân, phòng Marketing, cũng chính là admin của fanpage FPT Telecom, đăng ảnh chụp màn hình Facebook insight để chứng minh. Theo anh Luân, fanpage FPT Telecom không chạy quảng cáo (ads), bằng chứng là trong hình chụp insight sẽ có phần Prganic là nội dung tự nhiên Facebook phân phối, lan tỏa đến người dùng mà không mất phí và chỉ số Paid là phần chạy ads trả tiền cho Facebook.

vc-1_1503461166.jpg

Quản trị fanpage FPT Telecom tung bằng chứng video không quảng cáo. Bên trái là các chỉ số insight của Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại trong khi bên phải là ảnh chụp màn hình một bài đăng có quảng cáo của trang.

Sau khi trưng bằng chứng, vài thành viên ‘ném đá’ quá khích đã xin lỗi đại diện FPT Telecom. “Miệng thì khen công nhận video hay nhưng hiếu thắng thể hiện mình hơn, và ‘chạy ads giỏi lắm’ khiến tôi ngứa mắt”, thành viên Trang Anh bình luận chỉ trích.

Một quản lý khác tại nhà F cho rằng, “với các chỉ số khủng như vậy ai làm marketing chuyên nghiệp cũng biết cả. Nội dung của video tốt, lay động lòng người nhưng mua quảng cáo không có xấu”, chị nhận định và gửi kèm ảnh chụp màn hình tool Social Baker chỉ ra video Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại có “promoted” (một hình thức quảng cáo).

Theo chị Đặng Thị Phương Linh, Trưởng phòng Marketing công ty Younet, đơn vị sở hữu hệ thống Social Listening với công nghệ hàng đầu thị trường hiện nay, thông thường các tool như Social Baker có độ chính xác khoảng 80%, chủ yếu dựa trên tỷ lệ tăng like và tương tác trong một khoảng thời gian. “Người dùng cũng có thể kiểm tra bằng tool khác như Quintly, kết quả công cụ cũng đánh giá video này "HIGHLY LIKELY" được sponsor, tức là tool chỉ bảo "rất giống" chứ không khẳng định 100%”, chị Linh khẳng định.

20952273-362084654211500-382205378-o_150

Ảnh chụp màn hình tool Social Baker do một quản lý nhà F gửi cho rằng video Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại có “promoted” (một hình thức quảng cáo).

Trưởng phòng Marketing Younet cho hay, sau khi kiểm tra, ngoài người dùng Việt Nam, chị Linh cũng nhận thấy có một số lượt chia sẻ (thật) từ nước ngoài (Indonesia, Lào...) “như vậy video có tính lan tỏa xuyên ngôn ngữ thật, và đặc biệt các bạn Indonesia có vẻ rất thích video này, họ chia sẻ vào các nhóm trong nước”.

Đồng quan điểm, một chuyên gia về quảng cáo trên mạng xã hội nhận định, mọi tool không phải chính thống từ Facebbook đều chỉ tương đối và không thể xem là bằng chứng chính xác.

“Video Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại làm theo hướng hoài cổ, vượt thời gian, khiến người xem cảm thấy gần gũi và đồng cảm, thêm nữa nội dung và thông điệp của video hay là điểm mấu chốt giúp video viral một cách tự nhiên nhất. Tôi cũng thấy rất thích video này”, chuyên gia Cao Thúy Hoa, Quản lý chiến lược nội dung (Content Planning Manager), nhận định trên Brandsvietnam.com.

“Mỗi phong cách có khán giả riêng nên không thể coi tục và hài nhảm là xu hướng của viral video được. Phải có những thứ sạch và lay động như Cứ cho đi sẽ nhận lại chứ, nếu không xã hội này sẽ đi về đâu?", Nguyễn Thu Huyền, Trưởng phòng Truyền thông FPT Trading.

Anh Nguyễn Đức Luân, phòng Marketing, cho rằng, admin là quyền cao nhất quản trị fanpage, bất kỳ các tài khoản khác, từ quyền Advertiser (người phụ trách quảng cáo) đến quyền Editor (quản trị) fanpage chạy quảng cáo thì admin như anh đều biết, dù chỉ là chi 1 đồng. “Với quyền admin, Insight hiện lên là insight chung, đầy đủ, rõ ràng nhất, có chạy quảng cáo hay không. Nếu chạy ads mà admin không biết thì chỉ đích thị anh Mark Zuckerberg (CEO Facebook) giúp sức thôi”, anh Luân khẳng định.

Theo chị Nguyễn Bích Hạnh, Trưởng phòng Marketing, FPT Retail, ‘bà chủ’ của hàng loạt video triệu view trên fanpage FPT Shop, Cứ cho đi sẽ nhận lại thành công bởi khiến những người trẻ nhớ lại chính câu chuyện của mình, của thời đại mà mình trải qua khi vi tính và Internet mới vào Việt Nam. Và họ chia sẻ như cách để nhớ lại, kể lại về một thời đã xa. “Tôi nhận thấy các lượt chia sẻ là ‘người thật - việc thật’. Khả năng tương tác, lan tỏa mạnh của mạng xã hội đã đẩy video đến các chỉ số mơ ước”, chị Hạnh, ứng viên FPT Under 35 mùa 2017 lĩnh vực chuyên gia, cho hay.

DSC-6242-JPG.jpg

Anh Nguyễn Đức Luân, phòng Marketing, admin của fanpage FPT Telecom, mở insight sáng nay (ngày 23/8) cho phóng viên xem. "Chúng tôi sẵn sàng mở hệ thống cho những ai muốn xác thực thông tin", anh Luân nói.

Tiết lộ lý do Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại xô đổ mọi kỷ lục về video viral ở Việt Nam, anh Luân chỉ ra các điểm mấu chốt vì sao video này lại viral: "Video đánh vào lòng trắc ẩn của con người, sự cho đi nên hay không nên giúp đỡ lẫn sau trong cuộc sống, và sau này có được sự trả ơn hay không?", anh Luân cho hay và thông tin, quan sát lượt chia sẻ, có rất nhiều người share về điều này.

Kế tiếp,  nội dung video liền mạch, diễn viên đẹp, diễn xuất có hồn, đặc biệt là nữ; Thông điệp rõ ràng, đánh đúng trọng tâm truyền tải của clip, vào lòng trắc ẩn của con người. "Video nhắc đến hồi ức của nhiều bạn trẻ đi chơi quán net, sử dụng tin học căn bản MS Word. Nhạc hợp với nội dung, lời hay và buồn, càng khơi cảm xúc người xem, khiến người xem đồng cảm", anh Luân bổ sung.

Screenshot-832_1503462753.png

"Chỉ là quảng cáo thôi... sao nước mắt cứ rơi", người dùng Khanh Tran chia sẻ. Thông điệp là mấu chốt kích thích người dùng chia sẻ và lan toản một cách tự nhiên nhất.

Những người trẻ thế hệ 8x thấy hình bóng mình trong câu chuyện ấy. Và rồi, mỗi người xem cũng chỉ mất hai cú click trong vòng hơn 1 giây để chia sẻ video cho bạn bè trên mạng xã hội của mình. Cứ thế, Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại càng lan tỏa sâu rộng hơn, gây sốt dễ hơn và được người xem ghi nhớ dễ dàng hơn. Sự lan truyền với tốc độ chóng mặt giúp truyền tải thông điệp của câu chuyện đến hàng triệu người.

Chị Tô Thị Thanh Thủy, Phó phòng Marketing, người điều phối chuỗi nghiệp vụ liên quan đến video Cứ cho đi sẽ nhận lại, từ kịch bản cho đến sản xuất và phát hành, cho rằng, video thành công bởi đã truyền đạt được giá trị của sản phẩm Internet thông qua câu chuyện xúc động và có tính nhân văn cao.

“Chúng tôi đã tự sản xuất rất nhiều video và qua đó học được nhiều cách làm phù hợp với thương hiệu, đạt được mục tiêu đặt ra và tạo được yếu tố "đủ thoả, đủ cảm" với khách hàng và quan trọng là yếu tố may mắn”, chị Thủy khẳng định. “Tôi thấy lần này yếu tố may mắn quyết định khá cao. Khi tung video, nhóm cũng không nghĩ sẽ đạt được hiệu quả như vậy”.

>> Ứng viên 'nghìn vote' tiết lộ cách lên 'đỉnh' bảng Under 35

Nguyên Văn

Ý kiến

()