Chúng ta

Tham vọng 10.000 kỹ sư cầu nối của FPT Software

Thứ sáu, 17/4/2015 | 09:06 GMT+7

Chương trình đào tạo 10.000 kỹ sư cầu nối của FPT Software thu hút nhiều sự chú ý trong giới CNTT Việt Nam và Nhật Bản, nhưng cũng nhiều người e ngại đây là tham vọng quá lớn.

Kỹ sư cầu nối (BridgeSE/BrSE) là dự án đưa người sang Nhật tập huấn nhằm đạo tào ra những kỹ sư phần mềm am hiểu tiếng Nhật và văn hóa Nhật. Họ giữ vai trò tìm hiểu yêu cầu từ các doanh nghiệp Nhật, mang những thông tin đó về Việt Nam và truyền đạt cho những kỹ sư không biết tiếng và quản lý tiến trình phát triển phần mềm. Tờ Nikkei nhận địnhm chương trình này đặc biệt quan trọng, có thể trở thành cầu nối giữa hai quốc gia vì lâu nay Trung Quốc là thị trường gia công phần mềm lớn nhất cho Nhật Bản.

Ong-Nguyen-Thanh-Lam-Phat-bieu-2814-4655

Ông Nguyễn Thành Lâm phát biểu tại lễ khai giảng cho những học viên đầu tiên đầu tháng 4.

Đầu tháng 4/2015, 43 học viên đầu tiên trong số 5.000 BrSE sẽ được đào tạo tại Nhật đã làm lễ khai giảng tại trường Meros. Câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là tham vọng quá lớn của công ty phần mềm FPT Software?

Học viên của Chương trình 10.000 BrSE là những kỹ sư CNTT hoặc sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ĐH chuyên ngành CNTT. Tùy thuộc vào trình độ tiếng Nhật đầu vào, các học viên sẽ tham gia chương trình đào tạo tiếng Nhật khoảng 6 đến 12 tháng tại Việt Nam hoặc Nhật để đạt trình độ tiếng Nhật N2. Sau khi hoàn thành chương trình học, các học viên sẽ được giới thiệu làm việc trong các dự án với đối tác Nhật của FPT Software tại Việt Nam hoặc làm việc trực tiếp cho các công ty tại Nhật.

Với nhóm kỹ sư CNTT, FPT Software có một nguồn cung khá dồi dào từ chính đội ngũ nhân sự của công ty nói riêng và thị trường nhân lực CNTT nói chung. Theo số liệu từ phòng nhân sự của FPT Software, số nhân lực làm việc cho thị trường Nhật của công ty năm 2014 tăng trưởng 30% so với năm 2013, đạt 3.700 người. Còn về thị trường nhân lực CNTT, theo Sách Trắng CNTT-TT 2014 do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành, trung bình trong ba năm 2011-2014, tổng số nhân lực của lĩnh vực CNTT là trên 360.000 người, riêng lĩnh vực công nghiệp phần mềm chiếm 23%, tương đương 83.000 người.

Còn với nhóm sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp chuyên ngành CNTT, theo Sách Trắng CNTT 2014, Việt Nam có 290 trường cao đẳng, đại học đào tạo nhân lực CNTT, điện tử, viễn thông. Chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên của các trường này trung bình trong 3 năm gần đây là 66.000 sinh viên mỗi năm, tăng trên 10% một năm. Năm 2013, có 176.000 sinh viên đang theo học và khoảng 43.000 sinh viên đã tốt nghiệp ra trường. Như vậy, nguồn cung cho Chương trình 10.000 BrSE tương đối dồi dào.

Trong số 10.000 BrSE, FPT Software dự kiến sẽ có khoảng 5.000 học viên được đào tạo tại Nhật. Năm 2015, FPT Software đặt mục tiêu đưa được 500 học viên sang đào tạo tại trường Meros, trường đào tạo Nhật ngữ hàng đầu tại Nhật Bản. Đầu tháng 4 vừa qua, đã có những học viên đầu tiên được đưa sang Nhật để bắt đầu tham gia khóa học trong vòng 12 tháng.

Tham dự Lễ khai giảng cho các học viên đầu tiên này, ông Miyamoto Akihiko, Đại diện Cục chính sách thương mại và công nghệ, Bộ Kinh tế Thương Mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), cho biết: "Với tư cách là thành viên của JISA (Hiệp hội CNTT Nhật Bản), FPT đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành CNTT Nhật Bản. Chính phủ Nhật đang có kế hoạch linh hoạt hóa hơn nữa nền kinh tế, tạo ra môi trường ngày càng thuận lợi để tiếp nhận nhân tài nước ngoài. Đặc biệt, để có thể tiếp nhận nguồn nhân lực xuất sắc trong lĩnh vực CNTT - TT, METI đã có thỏa thuận với Việt Nam và các nước châu Á về việc chấp nhận qua lại chứng chỉ kỹ sư CNTT. Những kỹ sư nào có chứng chỉ này sẽ được nới lỏng hơn việc xét duyệt visa nhập cảnh. Chúng tôi đang tích cực cân nhắc các chính sách tạo điều kiện cho học sinh nước ngoài du học tại Nhật Bản, giới thiệu du học sinh cho các doanh nghiệp địa phương".

Ông Kataoka Ayumu, Thành viên Hội đồng Quản trị của công ty Recruit Solutions, cũng đánh giá cao Chương trình 10.000 BrSE đồng thời khích lệ các học viên cố gắng học tập và hy vọng Recruit Solutions có cơ hội được tiếp nhận các học viên sau khi tốt nghiệp khóa học.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Tổng Giám đốc FPT Software, cho biết: "Thành công của chương trình này có ý nghĩa sống còn với việc thực hiện mục tiêu chiến lược 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm của FPT Software, trong đó thị trường Nhật Bản đóng vai trò chủ đạo. Do đó, chúng tôi đang có những hành động quyết liệt để thực hiện dự án này".

Gần đây, FPT Software đã có những động thái tích cực trong việc thúc đẩy mở rộng quy mô nguồn nhân lực CNTT tại Đà Nẵng và tạo nguồn học viên đầu vào tốt cho Chương trình 10.000 BrSe. Trong đó, đáng chú ý nhất là thúc đẩy việc ký bản cam kết 4 bên giữa FPT Software, các trường ĐH, cao đẳng và Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Đà Nẵng.

Theo VnExpress

Ý kiến

()