Chúng ta

Thái Bình ngập sâu, hạ tầng FPT Telecom chưa bị ảnh hưởng

Thứ tư, 24/6/2015 | 17:20 GMT+7

"Trong sáng nay, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng có mưa to, gió mạnh. Đến 14h30 mưa đã ngớt, gió giảm, nhiều đường phố ngập sâu. Hạ tầng của FPT Telecom chưa có thiệt hại nào đáng kể", Giám đốc Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng Viễn thông miền Bắc (INF) Nguyễn Công Toản, cho hay.

Mặc dù dự báo cũ là chủ yếu bão sẽ đi vào Quảng Ninh, nhưng các tỉnh ven biển Đông Bắc bộ vẫn được cảnh báo ở mức cao. Theo thông tin cập nhật chiều tối 23/6, bão chuyển hướng đổ bộ từ Quảng Ninh đến cả Thái Bình, nên INF đã thông báo và yêu cầu các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng tăng cường công tác chuẩn bị. 

Đây là cơn bão đầu tiên năm 2015 với đường đi phức tạp, đã đổi hướng và đổ bộ trực tiếp vào khu vực Thái Bình, với dự báo có sức gió cấp 9, giật cấp 11-12.

anh-TBok-8453-1435141219.jpg

Ngã tư Trần Phú, TP Thái Bình đường ngập nước. Ảnh: Đức Việt.

Theo anh Nguyễn Đức Việt, GĐ chi nhánh Thái Bình, đơn vị hiện đã có hạ tầng tại thành phố, Tiền Hải, Vũ Thư, Kiến Xương, Đông Hưng. Trong đó Tiền Hải giáp biển nên được đánh giá mức độ ảnh hưởng lớn hơn, do vậy nhân sự tại văn phòng này được cảnh báo mức độ cao.

Sáng ngày 24/6, mưa lớn kéo dài khiến thành phố xuất hiện hiện tượng ngập úng cục bộ từ 30-50 cm tại một số tuyến đường trũng thấp như Lý Bôn, Lê Lợi, Trần Thái Tông, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Du và một số tuyến khác. Đội ngũ kỹ thuật đã tiến hành kiểm tra và gia cố đài trạm, nhà POP để đảm bảo an toàn. 

Tại Vũ Thư, Tiền Hải và Kiến Xương, mưa nặng hạt vào buổi sáng và kéo dài tới trưa nên cũng xuất hiện một vài điểm úng lụt cục bộ nhưng đến 15h đã thông thoáng, trời quang và mưa nhẹ, gió cấp 6-7.

"Hạ tầng chi nhánh không có thiệt hại đáng kể vì ngay từ trước bão, đội kỹ thuật của chi nhánh đã tiến hành rà soát mạng ngoại vi, hệ thống đài trạm, gia cố các điểm xung yếu. Công cụ, dụng cụ khắc phục sự cố được chuẩn bị đầy đủ, máy phát điện, ắc quy được kiểm tra đầy đủ sẵn sàng ứng cứu khi phát sinh", anh Việt chia sẻ.

Tại Quảng Ninh, mưa nhỏ và gió chỉ khoảng cấp 3-4. "Do đã chuẩn bị kịch bản ứng phó kỹ càng từ trước nên chi nhánh đã ứng phó tốt với mọi tình huống xảy ra. Hiện hạ tầng chi nhánh vẫn đang trong trạng thái an toàn", anh Lê Trung Mỹ, GĐ chi nhánh Quảng Ninh, cho biết.

Các điểm tâm bão đi qua như Hải Phòng cũng chưa ghi nhận ảnh hưởng đến hạ tầng. Anh Phạm Văn Khánh, Trưởng phòng Kỹ thuật chi nhánh, cho biết, khu vực thành phố có mưa nhỏ, gió nhẹ hơn nhưng khu ven Đồ Sơn cũng có gió giật cấp 6-7. Anh em kỹ thuật đang bám sát các thông tin về bão, kiểm tra hệ thống và sẵn sàng ứng phó nếu bão có diễn biến phức tạp khác.

Theo VnExpress, 12h trưa nay, tâm bão Kujira đã vào vùng giáp ranh hai Hải Phòng - Quảng Ninh với sức gió tối đa 90 km/h (cấp 9), gây gió mạnh và mưa rất to trên đất liền.

Mưa to nhiều giờ qua đã khiến thành phố Thái Bình ngập lụt. Đoạn giao lộ giữa đường Lý Thường Kiệt - Hai Bà Trưng ngập sâu khoảng 0,5 m khiến các phương tiện di chuyển khó khăn. Trong khi đó tại thành phố Hải Phòng, gió đã lặng, nhưng mưa lại nặng hạt. 

Tại các địa phương ven biển của Quảng Ninh như thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long trời cũng lặng gió, mưa đã ngớt. Nằm rìa cơn bão Kujira, Nam Định từ sáng đến nay liên tục có mưa, lượng mưa phổ biến 50-100 mm, gió vùng ven biển gió mạnh cấp 7, có nơi giật cấp 9-10.

Bản tin lúc 14h30 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho thấy, bão đã đi vào địa phận Quảng Ninh - Hải Phòng gây gió giật cấp 9-10 và 10-12 trên vịnh Bắc Bộ, sóng biển có thể cao 2-4 m; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6-8. Dự báo 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ khoảng 10 km vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. 

Tử Quyên

Ý kiến

()