Chúng ta

TGĐ Trương Gia Bình: ‘Chúng ta còn rất nhiều cơ hội kinh doanh’

Thứ ba, 14/5/2013 | 08:03 GMT+7

Tập đoàn Truyền thông hàng đầu Nhật Bản, Nikkei Inc., vừa công bố Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ FPT Trương Gia Bình được trao giải thưởng Nikkei Asia trong lĩnh vực Phát triển khu vực (Regional Growth). Chúng ta trích đăng bài viết về anh trên báo Nikkei.
> TGĐ FPT là doanh nhân Việt Nam đầu tiên đạt giải Nikkei

Năm 2012, ông Bình được một tờ báo lớn trong nước bình chọn là một trong những “nhân vật có ảnh hưởng nhất Việt Nam”. Năm 1988, trong giai đoạn đất nước vẫn còn đang chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc sống thời hậu chiến, ông cùng các bạn của mình đã quyết định thành lập FPT, công ty CNTT đầu tiên của Việt Nam.

Lý do thành lập công ty cũng khá đơn giản là làm sao thoát khỏi đói nghèo. Lúc đó, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc được hơn 10 năm nhưng kinh tế vẫn khó khăn, thiếu lương thực triền miên. Lương một chuyên viên nghiên cứu như ông chỉ vào khoảng 5 USD/tháng, không đủ nuôi sống gia đình. Câu hỏi “phải làm sao để giúp cho cuộc sống của gia đình tốt lên” đã đưa ông trở lại hình ảnh chiếc máy tính Minsk-32.

"Mở một công ty làm về CNTT có được không?", ông đã mang câu hỏi đó chia sẻ với những người bạn từng du học tại Liên Xô (cũ) với mình.

Anh Bình là doanh nhân Việt Nam đầu tiên được Nikkei lựa chọn trao tặng giải trong suốt 18 năm tổ chức Giải thưởng này.

Anh Bình là doanh nhân Việt Nam đầu tiên được Nikkei lựa chọn trao tặng giải trong suốt 18 năm tổ chức Giải thưởng này.

Khi công ty được thành lập với mục đích ban đầu là phát triển kỹ thuật sản xuất thực phẩm để giải quyết các vấn đề về lương thực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi. Công ty sau đó xoay sang làm thương mại bằng việc nhập máy tính của Italy về bán, đồng thời ông cùng các cộng sự đã học hỏi kỹ thuật xây dựng và phát triển các phần mềm dùng cho doanh nghiệp.

Ngày đó, việc quản lý dữ liệu của các công ty Việt Nam hầu như đều phải làm bằng tay, ví dụ như hệ thống book vé máy bay của Vietnam Airlines, việc ghi sổ tài khoản của các ngân hàng. Việc nắm bắt được nhu cầu tự động hóa hoạt động trong doanh nghiệp từng bước mang lại thành công cho FPT.

Cơ hội cho giai đoạn phát triển nhảy vọt đã đến vào năm 1996, khi đoàn thị sát của FPT đi học hỏi kinh nghiệm về IT tại Ấn Độ. Thực tế học được từ Tata Consulting và Infosys đã khơi dậy tinh thần quyết thắng. Chính bản thân ông đã khẳng định rằng “với những việc như thế này người Việt chắc chắn làm được”.

Chiến lược xuất khẩu phần mềm (XKPM) với điểm mạnh là giá nhân công rẻ đã thành công với nhiều đơn hàng từ các công ty lớn như Microsoft. Đến nay, tính cả Việt Nam, FPT đã có 13 chi nhánh trên toàn thế giới.

Trong chiến lược XKPM, mối quan hệ của FPT với các công ty lớn của Nhật Bản đặc biệt rất sâu sắc. Ở thị trường Nhật, FPT đã có tới hơn 60 khách hàng, trong đó các tên tuổi lớn như Hitachi, NTT, Canon là những khách hàng thân thiết. Hơn 50% doanh thu từ XKPM đến từ thị trường Nhật. Giờ đây, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia lớn thứ hai sau Trung Quốc làm XKPM ở thị trường Nhật Bản. Hơn thế nữa, những năm gần đây, khi giá nhân công Trung Quốc ngày càng tăng cao cộng với nỗi lo về bất ổn chính trị Nhật - Trung, thì Việt Nam, trong đó có FPT, đang thu hút sự quan tâm của nhiều công ty Nhật muốn làm outsourcing.

“Quan trọng nhất là con người” là quan điểm quản trị của ông. Năm 1998, FPT đã liên kết với Aptech của Ấn Độ xây dựng trung tâm đào tạo lập trình viên với giáo trình quốc tế. Chương trình vẫn đang thể hiện sự thành công với gần 70.000 sinh viên đã được đào tạo và cấp chứng chỉ cho đến thời điểm này.

Năm 2007, FPT đã trở thành công ty tư nhân đầu tiên ở Việt Nam tham gia vào hệ đào tạo đại học 4 năm với việc thành lập Đại học FPT. Mục tiêu là tăng cường đào tạo nhân lực có chất lượng cho ngành CNTT với tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc, song song với việc đào tạo tiếng Nhật cho các sinh viên ngành này. Trong tổng số 15.000 sinh viên ở các cấp học, có 6.000 sinh viên theo học hệ tiếng Nhật.

Đại học FPT cũng đã được tổ chức xếp hạng đại học danh tiếng Q-Star đánh giá ở mức 3 sao. Bên cạnh giáo dục đại học, FPT cũng đang xúc tiến việc mở trường đào tạo ở cấp PTTH trong thời gian tới.

Ngoài đào tạo, tập đoàn FPT hiện hoạt động và cung cấp dịch vụ trong các ngành XKPM, tích hợp hệ thống, dịch vụ internet, sản xuất và bán sản phẩm máy tính bảng, smartphone. Tổng số nhân sự tập đoàn đến nay là khoảng 15.000 người với doanh thu năm 2012 đạt 1,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, FPT còn tham gia vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam. Năm 2001, ông Bình đã đưa ra sáng kiến thành lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), và bản thân giữ chức Chủ tịch Hiệp hội. Ông cũng tích cực hoạt động và hơp tác với các công ty cùng ngành để cùng tìm kiếm khách hàng. Hiện quy mô doanh số hằng năm của ngành CNTT Việt Nam đã vượt mức 10 tỷ USD với khoảng 300.000 nhân lực đang làm việc trong ngành này.

Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách hợp lý để hỗ trợ thêm cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT. Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định ngành CNTT là “Hạ tầng của hạ tầng”, đồng thời có những chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghệ cao tại Việt Nam. Mục tiêu lớn của Chính phủ là đẩy mạnh đào tạo nhân lực để đến năm 2020 đạt 1 triệu chuyên gia CNTT làm việc trong ngành.

Rất nhiều người khi nói đến FPT đều cho rằng nơi đây rất nổi tiếng với triết lý kinh doanh độc đáo. Theo ông Bình: “Kinh doanh có rất nhiều điểm giống với việc đánh trận trên chiến trường”. Với quan điểm đó, ông thường gặp và nói chuyện với Tướng Võ Nguyên Giáp, vị anh hùng chiến trận của Việt Nam, để học hỏi thêm về chiến thuật, cách dùng người, quản người… đồng thời nghiên cứu sâu về lịch sử Trung Quốc, Nhật Bản, triết học để áp dụng trong kinh doanh.

Với triết lý chiến tranh nhân dân của mình, ông đã xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp độc đáo giúp tạo động lực cùng chiến đấu cho người FPT, qua đó giúp họ phát huy được tính sáng tạo, và được nhiều người biết tới với cái tên “Văn hóa FPT”.

Phong cách quản trị ông cũng học nhiều từ các công ty Nhật Bản. “Tôi đã học được nhiều từ triết lý kinh doanh của các tập đoàn lớn và đã tồn tại hàng trăm năm nay như Mitsubishi, Sumitomo”. Ông cũng có nhiều mối quan hệ khăng khít với các nhà lãnh đạo các tập đoàn lớn ở Nhật như Chủ tịch Kojima của Mitsubishi, CEO Carlos Ghosn của Renault Nissan và hằng năm đều gặp gỡ, trao đổi các vấn đề về quản trị.

Sau ¼ thế kỷ xây dựng và phát triển, FPT đã và vẫn đang là đầu tàu dẫn dắt, tiên phong trong sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành cường quốc CNTT trên thế giới trong tương lai.

Nói về tương lai, theo ông, FPT sẽ tập trung đầu tư để trở thành công ty cung cấp các dịch vụ smart service như cloud computing, big data. Để đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng công nghệ tiên tiến, tháng 3 năm nay FPT đã quyết định xây dựng một trung tâm nghiên cứu tại thung lũng Silicon, Mỹ.

“Tăng trưởng nhân sự lên 100.000 người và trở thành một công ty toàn cầu cung cấp các dịch vụ smart service” là mục tiêu lớn của ông trong tương lai.

Năm nay 56 tuổi, ông vẫn còn rất nhiều việc muốn làm, và “thế giới đang dần dịch chuyển theo hướng số hóa, giao tiếp giữa con người và con người, giữa con người và doanh nghiệp sẽ ngày càng chặt chẽ hơn nữa. Chúng ta sẽ vẫn còn rất nhiều cơ hội kinh doanh ở đây”.

Theo Nikkei, TGĐ FPT Trương Gia Bình không chỉ sáng lập và xây dựng thành công FPT mà còn có những đóng góp lớn cho sự phát triển của CNTT Việt Nam. Ông đã xây dựng hiệp hội công nghiệp phần mềm Việt Nam và thiết lập trường đại học cung cấp các chuyên gia CNTT.

Ông Bình là doanh nhân Việt Nam đầu tiên được Nikkei lựa chọn trao tặng giải trong suốt 18 năm tổ chức Giải thưởng này.

Nikkei Asia là giải thưởng thường niên nhằm vinh danh các cá nhân/tổ chức trong khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) có những đóng góp lớn trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và góp phần thiết lập sự phát triển bền vững trong khu vực. Tập đoàn Nikkei sẽ trao giải thưởng Nikkei Asia cho ba cá nhân/tổ chức tiêu biểu nhất của châu Á trong các lĩnh vực: Phát triển khu vực (Regional Growth); Khoa học, Kỹ thuật và Đổi mới (Science, Technology and Innovation) và Văn hóa (Culture).

Mỗi cá nhân đoạt giải sẽ nhận được phần thưởng trị giá 3 triệu Yen (tương đương hơn 30.000 USD) và được mời tham gia Hội thảo quốc tế “Tương lai châu Á” (The Fututre of Asia) do Nikkei tổ chức.

Lễ trao giải sẽ được tổ chức chính thức vào ngày 22/5 tại Tokyo, Nhật Bản.

(Theo Nikkei)

Ý kiến

()