Chúng ta

'Tăng trưởng và M&A sẽ giúp FPT thu 1 tỷ USD từ nước ngoài'

Thứ năm, 8/12/2016 | 17:25 GMT+7

Tăng trưởng nội tại và mua bán - sáp nhập (M&A) được Chủ tịch FPT kỳ vọng sẽ là chìa khóa cho chiến lược toàn cầu của doanh nghiệp.

Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình là một trong các diễn giả tham gia Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016 diễn ra sáng nay (8/12). Hội nghị bàn luận về những chính sách trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chính sách trong khu vực hiện tại, giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam và ASEAN, cũng như thương mại và đầu tư xuyên biên giới.

Trong cuộc phỏng vấn bên lề sự kiện với Bloomberg, ông Trương Gia Bình đã chia sẻ quan điểm về tăng trưởng của công ty, định hướng M&A cũng như thách thức, cơ hội với kinh tế Việt Nam.

                  

- Kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn cải tổ mạnh mẽ. FPT lại có hoạt động kinh doanh trên khắp Việt Nam. Ông có đánh giá thế nào về việc này?

- Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tôi đã thành lập công ty cách đây 28 năm. GDP Việt Nam đã tăng với tốc độ trung bình 6,6% và năm tới là 6,3%. Công ty của chúng tôi hoạt động trong mảng thiết kế phần mềm - lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần.

15 năm trước, chúng tôi đã mở rộng ra quốc tế, và ngày nay đã hiện diện tại 19 quốc gia với 1.200 nhân sự ở nước ngoài. Chúng tôi đã phát triển thị trường tại Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Hiện FPT có 30.000 nhân sự và doanh thu 2 tỷ USD.

- Ông đã đề cập đến việc mua bán - sáp nhập (M&A) tại Nhật Bản và cả Mỹ nữa. Ông cũng lên kế hoạch tăng doanh thu từ nước ngoài lên 1 tỷ USD năm 2020. Những việc này liên quan đến nhau như thế nào?

- Thực ra, chúng tôi nhắm đến mục tiêu doanh thu quốc tế 1 tỷ USD bằng cả tăng trưởng tự nhiên (khoảng 30% mỗi năm) lẫn M&A. Chúng tôi đang xem xét các thương vụ ở Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. FPT muốn có thêm kiến thức chuyên môn trong những lĩnh vực cần cải thiện.

- Các thương vụ M&A đó nhắm vào lĩnh vực nào?

- Chúng tôi hướng tới dịch vụ công nghệ thông tin.

- Rất nhiều người lo lắng khả năng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đổ vỡ sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Ông nghĩ gì về việc này?

- Thực sự, tôi thấy sẽ rất đáng tiếc. Vì Việt Nam dường như là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ TPP. Hiệp định này không chỉ là về thương mại tự do, mà còn mang tới những cam kết cải tổ. TPP là một hiệp định khổng lồ. Nếu không thành công, nó có thể sẽ làm chậm lại quá trình đó.  

- Ông đánh giá thế nào về cam kết cải tổ từ giới chức Việt Nam cho đến nay?

- Tôi nghĩ rằng ở góc độ của doanh nghiệp, chúng tôi luôn muốn nhiều hơn nữa, với nhiều sự thay đổi trong thể chế. Nhưng công bằng mà nói, Chính phủ một năm qua đã cải thiện được sức cạnh tranh của quốc gia, giúp hoạt động kinh doanh trở nên dễ dàng hơn. Chính phủ đang nỗ lực giảm thời gian nộp thuế, thời gian thành lập công ty. Việc này có vẻ tốt. Nhưng chúng tôi vẫn cần nhiều hơn nữa.   

- "Nhiều hơn nữa" được hiểu như thế nào đối với các đối tác toàn cầu, khi FPT đã hợp tác với Microsoft, Foxconn, Amazon...?

- Chúng tôi có khoảng 400 đối tác nước ngoài. Và 40 trong số họ nằm trong Forbes 500 (danh sách 500 công ty hàng đầu tại Mỹ về doanh thu, lợi nhuận, tài sản, vốn hóa và nhân lực). Chúng tôi cũng hợp tác rất chặt chẽ với các nhà cung cấp nền tảng IoT (Internet of Things), như GE với công nghệ Predix, IBM với Watson, Microsoft với Azure và Amazon với AWS.

- Vậy đối tác tương lai của ông sẽ là những ai?

- Tôi nghĩ rằng họ sẽ là những người lãnh đạo thế giới. Vì giờ, tất cả các công ty lớn đều đang chuyển sang kỹ thuật số. Và chúng tôi thực sự cũng đang tập trung vào ngành kinh doanh số.  

Theo VnExpress

Ý kiến

()