Chúng ta

Synnex và FPT có điểm chung về triết lý kinh doanh

Thứ năm, 14/9/2017 | 16:44 GMT+7

FPT đang cần một luồng sinh khí mới cho lĩnh vực phân phối. Tình cờ, đó cũng là nguyện vọng tập đoàn Synnex tại thị trường Việt Nam. Cuộc “hôn nhân” giữa hai tập đoàn này đến như một sự tất yếu khi hòa hợp về triết lý và mô hình hoạt động.

Tập đoàn hơn 40 năm tuổi - Synnex - có logo đặc biệt. Đó là một chiếc cầu với hai phần mang lớp nghĩa khác nhau: Ở trên màu xám và phía dưới là những màu sắc rực rỡ. Evans Tu, Tổng Giám đốc Synnex, nhấn mạnh rằng: Giá trị cốt lõi của Synnex chính là ở phần chìm đó.

Trong lịch sử hơn 40 năm phát triển, Synnex đã M&A với khá nhiều công ty. Đó không phải là những cuộc mua đứt bán đoạn, mà theo người điều hành Synnex: “Trong mỗi thương vụ, quan trọng nhất là triết lý kinh doanh của hai bên phải hòa hợp. Thứ hai là yếu tố con người. Trước khi đầu tư, chúng tôi phải tìm hiểu xem có thể làm bạn và có đi cùng nhau được không”, ông Evans Tú nói.

Trước khi lập “hôn thú” với FPT, tập đoàn phân phối lớn thứ 3 thế giới này đã tìm hiểu nhiều công ty Việt Nam. Tuy nhiên, FPT là công ty duy nhất họ thấy “chia sẻ được về triết lý kinh doanh”. Nhưng quan trọng hơn, theo CEO Synnex, là “thấy được ở Chủ tịch Trương Gia Bình cái nhìn và kinh nghiệm toàn cầu hóa. Đó là điều chúng tôi đánh giá cao FPT”.

FPT có gần 15 năm trong lĩnh vực phân phối và là một trong ba nhà phân phối lớn nhất mảnh đất hình chữ S. Hầu hết hãng lớn về công nghệ khi vào Việt Nam đều phải đi qua FPT, bởi tập đoàn xây dựng được hệ thống phân phối rất quy mô, nắm được thị trường trong nước.

Một lãnh đạo FPT chia sẻ: “Lãi gộp của FPT Trading không cao hơn các công ty khác bao nhiêu nhưng lợi nhuận trung bình cao gấp 3 lần nhà phân phối khác, kể cả các nhà phân phối nước ngoài vào Việt Nam”. 

Synnex-bai-9376-1505379320.jpg

Tìm thấy điểm chung ở triết lý và con người là lý do Synnex quyết định "liên hôn" cùng FPT. Ảnh: Ngọc Thắng.

Việc hợp tác giữa hai bên, nếu thành công, sẽ là một cuộc “lột xác” của FPT Trading. “Synnex có danh sách sản phẩm lớn gấp nhiều lần FPT Trading. Họ sẽ giúp FPT Trading củng cố việc quản trị và vận hành, đồng thời cùng chúng tôi xây hạ tầng dịch vụ logistics”, một đại diện ban điều hành FPT Trading chỉ ra các điểm mấu chốt khi kết hợp với cổ đông chiến lược.

Hiện, Synnex có hơn 500 thương hiệu với 1.500 danh mục sản phẩm trong các lĩnh vực CNTT, viễn thông, điện tử tiêu dùng và bán dẫn. Synnex còn là đối tác phân phối chiến lược hàng đầu của nhiều thương hiệu công nghệ lớn trên toàn cầu.  

Tập đoàn này có hơn 150.000 kênh bán hàng trên toàn thế giới và phủ sóng 1.500 thành phố. Họ có đến 250 trung tâm dịch vụ hậu cần tự động hóa cao với hơn 1 triệu m2 sàn có thể xử lý các giao dịch với khối lượng lớn. Các trung tâm này có khả năng tự động hóa, được thực hiện linh động theo cơ chế tổng thể hoặc một cửa để phù hợp với các loại dịch vụ và mô hình kinh doanh khác nhau. Synnex còn có hơn 1.000 chuyên gia kỹ thuật được cấp chứng nhận trong cả hai lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật thương mại và các dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho người tiêu dùng.

Synnex xây dựng nhiều đơn vị chuyên về lập kế hoạch, phân tích hoạt động nghiệp vụ và quản lý chất lượng và cũng có các đơn vị chuyên nghiên cứu và phát triển kinh doanh sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, Synnex sẽ không tham trực tiếp vào các công việc hằng ngày mà chỉ hỗ trợ cho Ban điều hành FPT Trading. “Chúng tôi tin tưởng các công ty đối tác địa phương là người điều hành tốt nhất. Chúng tôi sẽ tham gia định hướng chiến lược và chia sẻ kinh nghiệm ở các thị trường khác”, CEO Synnex khẳng định.

Trước đó, tập đoàn này đã đầu tư vào nhiều công ty phân phối ở các thị trường Mỹ, Australia, Trung Đông và mỗi thị trường đều ở những giai đoạn trưởng thành khác nhau.

Ngoài ra, Synnex cũng có mối quan hệ lâu năm và tốt với tất cả hãng CNTT trên thế giới. “Khi Synnex trở thành đối tác của FPT Trading thì sẽ thừa hưởng những mối quan hệ này”.

Cả ông Evans Tu và Trương Gia Bình đều chưa nói được chính xác con số doanh thu và lợi nhuận mà việc hợp tác sẽ mang lại cho FPT Trading. Nhưng cả hai đều tin tưởng “sẽ tăng trưởng nhanh” sau 1-2 năm bởi Việt Nam là thị trường trẻ, dân số đông và còn nhiều tiềm năng phát triển.

Lịch sử Synnex ghi nhận việc M&A 20 công ty lớn nhỏ trên toàn cầu. Với sự đầu tư của Synnex, các công ty liên doanh đều tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lên tới vài chục lần, thập chí là hàng trăm lần so với trước thời điểm trước đó. Công ty Compex của Thái Lan sau 17 năm được Synnex đầu tư đã tăng doanh thu lên 26 lần và lợi nhuận cao gấp hơn 600 lần. Công ty Redington của Ấn Độ có doanh thu tăng 21 lần và lợi nhuận tăng 30 lần sau 12 năm được đầu tư…

FPT Trading đã sẵn sàng cho một chu kỳ mới. Một tương lai mà họ tin tưởng rằng sẽ “lấp lánh” khi chiếc cầu Synnex đưa tay nối nhịp.

Ngày 12/9, tại Hà Nội, Tập đoàn FPT ký thỏa thuận hợp tác với nhà đầu tư chiến lược Synnex - tập đoàn lớn thứ ba thế giới về phân phối sản phẩm công nghệ, viễn thông và linh kiện điện tử. Theo đó, Synnex sẽ sở hữu 47% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading). 

Trong thương vụ FPT Trading được định giá 80 triệu USD này, FPT sẽ nhận 932 tỷ đồng bao gồm tiền nhận được từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading. Ngoài ra, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT cũng đã thông qua nghị quyết về việc bán tối đa 5% vốn điều lệ của công ty cho CBNV có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của FPT Trading trong thời gian tới.

Thành lập năm 1975, Synnex là tập đoàn phân phối toàn cầu có doanh thu 33 tỷ USD, hiện diện tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 200 văn phòng, mạng lưới phân phối phủ khắp 60% dân số toàn cầu.

FPT Trading hiện là nhà phân phối sản phẩm CNTT - Viễn thông lớn nhất tại Việt Nam, với mạng lưới phân phối gồm hơn 2.771 đại lý tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Thông qua hệ thống này, sản phẩm công nghệ của gần 40 đối tác là các thương hiệu công nghệ nổi tiếng thế giới được đưa đến người tiêu dùng Việt Nam.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()