Chúng ta

Sinh viên ngành công nghệ thông tin khó thất nghiệp

Thứ ba, 24/10/2017 | 11:11 GMT+7

Đi cùng với xu hướng số hóa, sinh viên ngành công nghệ thông tin rất khó thất nghiệp.

Vừa qua, hơn 40 sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phạm Văn Đồng, tỉnh Quảng Ngãi, đã đến tham quan và kiến tập tại tòa nhà FPT Complex. Đón đoàn sinh viên, anh Nguyễn Tuấn Phương, GĐ FPT Software Đà Nẵng, chia sẻ về xu hướng phát triển các công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Big Data… khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống.

download-1_1508744293.jpg

Nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ thông tin ngày càng lớn.

Anh Phương cho biết, xu hướng số hóa ngày càng mạnh mẽ đã và đang làm thay đổi nhu cầu nguồn nhân lực. Nguy cơ thất nghiệp ở các ngành lao động chân tay rất lớn, đi cùng với đó là hiện tượng khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ thông tin. “Trong vòng 5 năm tới, sinh viên từ ngành công nghệ thông tin sẽ rất khó thất nghiệp”, anh nói.

GĐ FPT Software cũng khái quát quy mô và sự phát triển vượt bật của FPT Software. Phần mềm FPT là công ty thuộc Top 100 Global outsourcing, với nguồn lực trên 12.000 người, phủ rộng 16 quốc gia, là một môi trường rộng mở để sinh viên công nghệ thông tin tiếp xúc với các công nghệ dẫn dắt, phát triển chuyên môn và kỹ năng.

Anh Phan Trung Điệp, Trưởng Phòng Tuyển dụng - Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực FPT Software Đà Nẵng, cho biết, đơn vị đang hướng đến mục tiêu hơn 5.000 nhân sự trước năm 2020. Anh khuyên sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên tìm kiếm cơ hội để thực tập, làm việc. Cùng với đó, sinh viên cần trau dồi kỹ năng mềm, ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nhật. Đây sẽ là vốn liếng để sinh viên tiến xa trong ngành phần mềm.

Với định hướng 5.000 người trong vòng ba năm tới, Phần mềm FPT Đà Nẵng tiếp tục đẩy nhanh công tác tuyển dụng nhân sự. Dự kiến, năm 2017, đơn vị cần tuyển khoảng 1.000 người, đến năm 2020, con số này là 7.000 người ở tất cả vị trí. Hiện công ty cũng hợp tác chặt chẽ với các trường đại học lớn tại khu vực miền Trung trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực CNTT biết tiếng Nhật.

Thầy Phạm Văn Trung, Phó trưởng Khoa Công nghệ thông tin Đại học Phạm Văn Đồng, nhìn nhận sinh viên công nghệ thông tin được đào tạo chuyên môn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Nhưng điểm yếu của sinh viên nằm ở kỹ năng mềm. "Nhà trường sẽ thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp để thay đổi chương trình giảng dạy phù hợp. Ở một địa bàn xa như Quảng Ngãi, nhà trường rất vui mừng khi thường xuyên có những chuyến tiếp xúc với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin như FPT", anh bày tỏ.

Từ một văn phòng sản xuất phần mềm với quy mô 50 người, đến nay, FPT Software Đà Nẵng đã phát triển lên gần 2.500 người, mang lại việc làm cho hàng nghìn tri thức trẻ xuất thân miền Trung. Hằng năm, đơn vị đưa hàng trăm lượt nhân viên sang làm việc tại Nhật Bản, Mỹ, Singapore… Trong 3 năm gần đây, mảng xuất khẩu phần mềm của Phần mềm FPT Đà Nẵng luôn đạt con số tăng trưởng trung bình 50-60% mỗi năm, đội ngũ kỹ sư CNTT cũng tăng lên nhanh chóng. Nhiều dự án trị giá triệu USD với các đối tác lớn trên thế giới đã được triển khai tại FPT Đà Nẵng, đặc biệt là các dự án theo xu hướng công nghệ mới điện toán đám mây (Cloud Computing).

Hiện FPT Software hướng đến mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu và 30.000 nhân sự vào năm 2020. Trong đó, Đà Nẵng dự kiến đóng góp 25-30% vào mục tiêu nhân sự, tương đương khoảng 7.000-9.000 người vào năm 2020. Mục tiêu cụ thể nhất là đạt quân số hơn 5.000 người trong vòng ba năm tới.

>> FPT Software Đà Nẵng đặt mục tiêu trên 5.000 người trong 3 năm tới

Việt Nguyễn - Xuân Phương

Ý kiến

()