Chúng ta

Sendo.vn trong cuộc đua khốc liệt ngành thương mại điện tử Đông Nam Á

Thứ hai, 11/4/2016 | 16:33 GMT+7

Sự đe dọa đang ngày càng lớn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử quốc nội khu vực Đông Nam Á, khi họ phải tranh giành những cách làm mới để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài có vốn mạnh.

Khác với Mỹ và Trung Quốc, phân khúc thương mại điện tử ở Đông Nam Á vẫn còn khá rời rạc bởi không có một cái tên nào kiểm soát bất cứ thị trường nào. Thực tế này cộng với số lượng dân số khủng của khu vực và thu nhập đang tăng lên hoàn toàn là con mồi hấp dẫn cho những đối thủ khác trên thế giới.

Một trong những “tay chơi” nước ngoài đáng gờm nhất phải kể đến là Lazada. Công ty này được thành lập bởi Rocket Internet của Đức, đã dấn thân sâu rộng vào thị trường màu mỡ mang tên Đông Nam Á bằng việc rót rất nhiều tiền vào quảng cáo. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong khu vực lại chọn cách làm khác. Họ bắt tay với các doanh nghiệp vận chuyển trong nước và các nhà sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh.

“Tất cả bạn bè tôi đều đang bắt đầu mua sắm qua mạng và Lazada là nơi cung cấp một khối lượng lớn những mặt hàng mà chúng tôi mong muốn”, Phạm Hoàng Anh, giảng viên đại học tại TP HCM, một điển hình cho thấy độ phổ biến của các trang thương mại điện tử đang hình thành ở những cư dân trẻ ở Việt Nam.

sendo-bai-7702-1460357894.jpg

Sendo.vn là một trong những sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam. 

Rocket thành lập Lazada năm 2012 như một trang thương mại riêng cho thị trường Đông Nam Á. Họ cung cấp mặt hàng thời trang, chăm sóc sức khỏe cũng như các sản phẩm làm đẹp và bán qua mạng, một hình thức kinh doanh giống với gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử Mỹ Amazon.com.

Lazada dẫn đầu tại 4 trong 6 thị trường thương mại điện tử lớn của khu vực, bao gồm cả Indonesia (theo công ty nghiên cứu Euromonitor International của Anh), đứng thứ 2 tại Việt Nam và thứ 5 tại Singapore. Xuất hiện dày đặc trên TV và các biển quảng cáo, Lazada đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh về một công ty mang xu hướng tươi mới. Giám đốc điều hành của một công ty đối thủ đã chọc tức Lazada bằng cách gọi chiến dịch quảng cáo tích cực của họ là “một sự đầu tư trả trước hoàn toàn bất chấp mọi thứ”.

Tập đoàn Rocket đầu tư vào thương mại điện tử, dịch vụ taxi qua mạng và những hình thức kinh doanh khác qua Internet trên toàn cầu. Họ tập trung vào những thị trường mà hai ông lớn là Amazon của Mỹ và Alibaba của Trung Quốc chưa để tâm đến. Thị trường mục tiêu hàng đầu của tập đoàn này là Đông Nam Á, nơi mà sức chi tiêu đang tăng trưởng mạnh mẽ đi theo sự tăng trưởng kinh tế.

Sự kết hợp thương mại điện tử của 5 nền kinh tế lớn nhất khu vực dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2019, tức 62,2 tỷ USD, từ 15,3 tỷ USD năm 2013, theo công ty đầu tư mạo hiểm CyberAgent Ventures. 

Lazada trở thành một đối thủ nguy hiểm với những doanh nghiệp thương mại điện tử dẫn đầu tại Việt Nam. Trong số đó có Vatgia và Tiki, có một phần sở hữu của các công ty Nhật là Mitsui & Co và Sumitomo. Cũng không thể không nhắc đến Sendo.vn, được bảo trợ bởi công ty công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam FPT.

Trong nhiều năm, Vatgia là cái tên dẫn đầu tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, kết thúc năm 2014, họ đã bị Lazada vượt mặt về số lượng người ghé thăm trang hằng tháng. Công ty này đang từng bước nỗ lực để giành lại thế thượng phong. “Sự phong phú về số lượng và chất lượng các thiết bị trong nhà sẽ tạo nên khác biệt giữa chúng tôi và Lazada, bởi họ tập trung vào các mặt hàng thời trang”, nhà sáng lập và CEO Vatgia Nguyễn Ngọc Điệp cho biết.

Vatgia không thể có nguồn tài chính lớn mạnh để đổ vào quảng cáo như Lazada nên họ hy vọng tác động đến thị trường bằng sức mạnh khác với nhiều nhà bán lẻ vừa và nhỏ về điện thoại cũng như những mặt hàng điện tử khác tại trang của mình.

Trần Hải Linh, TGĐ Sendo.vn - công ty được rót vốn bởi SBI Holdings của Nhật, nhấn mạnh lợi thế về mối liên hệ giữa công ty này với ba công ty vận chuyển lớn ở Việt Nam. “Chúng tôi có thể giao hàng đến những vùng khác ngoài những thành phố lớn, trong khi Lazada rất khó khăn trong việc này”.

1-2933-1449733416-7900-1460357894.jpg

TGĐ Sendo.vn từng chia sẻ, việc chiến thắng đối thủ nội hay ngoại đèu không phải là mục tiêu của Sendo.vn "Sứ mệnh của Sendo.vn là góp phần hưng thịnh quốc gia thông qua thương mại điện tử", anh chia sẻ. Ảnh: Yến Nhi.

Tại Malaysia, nơi thương mại điện tử phổ biến rất nhiều so với Việt Nam bởi sự phủ sóng mạnh mẽ của thẻ tín dụng, Qoo10 của Hàn Quốc đã gia nhập cuộc chiến cùng với Rocket và những doanh nghiệp nội địa. Các tên tuổi nổi tiếng trong làng giải trí Hàn Quốc và thời trang của quốc gia này rất được ưa chuộng tại Malaysia và Qoo10 muốn nắm bắt lợi thế. “Chúng tôi muốn thử bằng cách mang đến những mặt hàng thời trang và mỹ phẩm của Hàn Quốc”, Jin Hyung Jung, người đứng đầu Qoo10 tại Malaysia, cho hay.

Interbase Resources, một công ty thương mại điện tử Malaysia, đang cố gắng chống trả làn sóng Hàn Quốc bằng việc mang đến các sản phẩm của Nhật vốn nổi tiếng chất lượng cao. Theo Chủ tịch Richard Tang, họ đã hợp tác với Transcosmos, một trong những doanh nghiệp dẫn đầu tại đất nước mặt trời mọc, để gia tăng lượng sản phẩm từ Nhật.

Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp thương mại điện tử của Nhật lại chưa có nhiều sự hiện diện tại khu vực này. Rakuten, nhà bán lẻ online dẫn đầu tại Nhật, bước vào cuộc chơi năm 2009 tại Thái Lan và sau đó thử sức ở Indonesia, Malaysia và Singapore. Nhưng công ty này đang cân nhắc việc bán lại các hoạt động kinh doanh của mình và đã quyết định đóng những trang bán hàng qua mạng tại ba thị trường còn lại. Họ biến đổi thành một trang “chợ trời” nơi mà người tiêu dùng có thể trao đổi hàng hóa đã sử dụng.

Công ty của Nhật không có những hình thức tấn công và chiến lược tại Đông Nam Á mà Rocket có. Vì thế, việc nhận diện thương hiệu của họ là rất thấp. Chủ tịch Rakuten Hiroshi Mikitani giải thích sự cẩn trọng của công ty khi bước vào thị trường Đông Nam Á vì nơi đây “chưa phát triển về vận chuyển và giao hàng cũng như môi trường kinh doanh thuận lợi”.

Nhưng nên cân nhắc rằng đối thủ của họ cũng phải đối mặt với những điều tương tự như thế. Khó khăn của Rakuten có thể nói phần nhiều nghiêng về thị hiếu hơn là vấn đề vận chuyển - giao hàng. Những người mua hàng trên trang của Rakuten thường để lại những lời than phiền rằng thiết kế và giao diện trang web của họ không thân thiện với người dùng. Trên trang chủ là hàng loạt hình ảnh và thông tin sản phẩm. Sự dày đặc đó rất được ưa chuộng tại Nhật nhưng ở Đông Nam Á thì khác.

Thương mại điện tử chiếm 1-2% tổng doanh số bán lẻ tại thị trường Đông Nam Á. Khu vực này do đó vẫn còn rất rộng lớn để tăng trưởng so với Trung Quốc, nơi mà tỷ lệ này đã vượt 10%. Có nghĩa rằng cánh cửa luôn rộng mở cho một sự thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh cạnh tranh. Và thậm chí những công ty đã rút lui cũng có thể quay trở lại cuộc chơi.

>> 'Con bài tẩy' của sàn thương mại điện tử FPT

Yến Nhi ( theo Nikkei)

Ý kiến

()