Chúng ta

SCIC đổi ý, muốn giữ lại phần vốn ở FPT Telecom

Thứ sáu, 21/4/2017 | 08:31 GMT+7

Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho hay, đơn vị đã báo cáo Thủ tướng về việc giữ lại phần vốn ở FPT Telecom.

Thông tin với báo chí sáng ngày 19/4, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cho biết, SCIC đã có văn bản báo cáo với Bộ Tài chính và Thủ tướng về lộ trình và tiến trình thực hiện Quyết định của Thủ tướng về phân loại những doanh nghiệp Nhà nước mà SCIC có cổ phần nắm giữ.

DSC-2627-JPG-6532-1492590134.jpg

SCIC vẫn muốn giữ lượng cổ phần hiện tại ở FPT Telecom.

Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Tổng công ty này sẽ cổ phần hóa và bán vốn tại 5 doanh nghiệp, tiếp tục đầu tư và nắm giữ tại 3 doanh nghiệp, bán vốn cả giai đoạn 137 doanh nghiệp.

Cụ thể, trong 3 doanh nghiệp mà SCIC sẽ giữ lại vốn hiện có là Công ty cổ phần Đầu tư SCIC (SIC, 100% vốn); Cơ khí khoáng sản Hà Giang (SCIC đang nắm 47% vốn) - đây là công ty khoáng sản có quy mô khá lớn và hoạt động tại địa bàn biên giới nhạy cảm về an ninh, SCIC cần giữ lại phần phủ quyết và đơn vị thứ ba là FPT Telecom (SCIC đang giữ 50,16%). Tuy nhiên, "đến thời điểm hiện tại, SCIC vẫn chưa nhận được kết luận của Thủ tướng về kế hoạch này", Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi cho hay.

Trước đó, tháng 10/2016, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản cho phép SCIC "chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất".

Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Vinamilk, FPT, FPT Telecom, Nhựa Bình Minh...

Cụ thể, SCIC sẽ thoái hoàn toàn 6% lượng cổ phiếu FPT đang sở hữu. Hiện SCIC là cổ đông lớn thứ hai tại FPT sau Chủ tịch Trương Gia Bình (7,14%). Đối với FPT Telecom, SCIC sẽ thoái toàn bộ 50,16% vốn cổ phần.

Cùng với Tái Bảo hiểm quốc gia, Vinamilk và Dược Hậu Giang, FPT Telecom là một trong "4 cổ phiếu vàng" của SCIC. Trong đó, Viễn thông FPT đứng thứ hai chỉ sau Vinamilk với mức cổ tức bằng tiền mặt hằng năm lên đến 40%. Tổng giá trị cổ phiếu của SCIC tại 4 doanh nghiệp này tương đương 80% danh mục đầu tư của tổng công ty.

Năm 2016, doanh thu FPT Telecom đạt 6.666 tỷ đồng, tăng trưởng 19,7% so với năm trước và hoàn thành 101,6% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.193 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ, đạt con số 1.011 tỷ đồng, tăng trưởng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) đạt 5.972 đồng/cổ phần, tăng 10,3% so với năm trước.

Tháng 7/2016, FPT Telecom đã hoàn tất chi trả cổ tức năm 2015 (2.000 đồng/cổ phần) bằng tiền mặt và tạm ứng đợt 1 cổ tức năm 2016 (1.000 đồng/cổ phần) bằng tiền mặt vào tháng 12/2016. FPT Telecom sẽ tổ chức ĐHCĐ ngày 24/4.

>> Lãnh đạo cao cấp FPT Telecom xắn tay đào tạo hạt giống

Nguyên Văn

Ý kiến

()