Chúng ta

'Robot phải là trợ lý đắc lực cho con người'

Thứ tư, 8/7/2015 | 10:29 GMT+7

"Có một số hướng phát triển mơ ước như robot thông minh dần theo thời gian nhờ học hỏi, robot dạy tiếng Anh cho trẻ em, robot có khả năng phản hồi lại được yêu cầu của con người... Quan trọng nhất là những sản phầm này phải có mức giá rẻ và có thể đi vào cuộc sống của tất cả mọi người", anh Trương Gia Bình chia sẻ trong TGB Seminar số 13.

FPT đang trên con đường toàn cầu hóa và hướng tới mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ với khát vọng ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ, tiên phong trong lĩnh vực SMAC... Những năm gần đây, tập đoàn đã tập trung đầu tư cho việc phát triển các sản phẩm mới, rót vốn cho nghiên cứu công nghệ, đi đầu trong việc nắm bắt xu hướng công nghệ mới, tạo ra các thuật ngữ đầu tiên về Cloudification, tổ chức các cuộc thi tài năng như SMAC Challenge...

"Để tìm ra một 'biểu tượng' cho sự phát triển, chúng ta đã hướng đến việc tạo ra những robot thông minh, khởi đầu là SmartOshin, rồi việc tổ chức những cuộc thi viết ứng dụng điều khiển robot và ước mơ tiếp theo là tạo ra sản phẩm robot giống như một đứa trẻ có thể học hỏi và lớn lên", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói.

DSC-0661-JPG_1436285327.jpg

"TGB Seminar on Leadership" số 13 với chủ đề “Robot - Trợ lý trong gia đình thời đại số” đã diễn ra lúc 16h-18h ngày 7/7 tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội. Báo cáo viên là anh Lê Ngọc Tuấn, Quản trị nhóm Robot - Viện Công nghệ FPT.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các công cụ phục vụ con người ngày càng thông minh và được tối ưu hóa, trong đó robot được dự báo là xu hướng của tương lai, sẽ trở thành trợ lý đắc lực của con người. Từ năm 2012, vụ mua bán đình đám của Softbank đã đánh một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực chế tạo robot. Bắt đầu từ đây, xu hướng robot trợ lý "thăng hoa" với nhiều sản phẩm thành công như Maya Robotbase, Amazon Echo, Sony, Aka, Musio, Mit Jibo, Buddy... Đặc biệt, năm 2014, robot Pepper ra đời thể hiện bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực này, đây cũng là sản phẩm được đánh giá cao và có triển vọng phủ rộng bởi tiềm lực mạnh mẽ của Softbank.

Từ xu thế đó, năm 2013, Ban Công nghệ FPT đã bắt tay vào hành trình chế tạo robot đầu tiên. Theo báo cáo viên Lê Ngọc Tuấn, Quản trị nhóm robot, Ban Công nghệ FPT, qua 2 năm thử nghiệm và tìm hiểu các xu hướng phát triển robot trên thế giới như robot công nghiệp, robot thông minh... nhóm quyết định sáng tạo robot thiên về trợ lý gia đình nhằm giúp cuộc sống của con người thuận tiện hơn.

"Có một số hướng phát triển mơ ước như robot thông minh dần theo thời gian nhờ học hỏi, robot dạy tiếng Anh cho trẻ em, robot có khả năng phản hồi lại được yêu cầu của con người... Quan trọng nhất là những sản phầm này phải có mức giá rẻ và có thể đi vào cuộc sống của tất cả mọi người", anh Bình chia sẻ.

Một trong những bước đầu của dự định này đang được Ban Công nghệ FPT thực hiện với dự án Rogo. Sản phẩm được phát triển từ đầu năm nay và nếu thành công sẽ tiến hành sản xuất và giao bản thử nghiệm vào tháng 1/2016. Rogo bao gồm 3 thành phần: RogoCloud, RogoDock và smartphone. Nó sẽ biến chiếc điện thoại của khách hàng thành một chú robot thông minh, một người bạn, một trợ lý trong gia đình. 

Theo anh Tuấn, Rogo đang hoàn hiện 3 tính năng chính, gồm: RogoTele hỗ trợ chat video với người thân từ xa, RogoPic hỗ trợ người dùng chụp ảnh tự động bằng lệnh, chụp ảnh góc rộng 2x360 và RogoCloud - một mạng xã hội cho gia đình kết nối robot thiết bị và các thành viên.

Hiện nhóm quản trị robot đang phát triển và hoàn thiện hai chức năng mới là RogoChat như một trợ lý hỗ trợ trả lời các câu hỏi giao tiếp đơn giản, những kiến thức chung từ Wikipedia và RogoHome. Chức năng thứ hai hướng đến việc biến Rogo thành một Hub (cổng) thiết bị thông minh trong gia đình và giao tiếp bằng giọng nói.

Sản phẩm này đang thu hút được sự quan tâm bước đầu của các khách hàng Việt Nam, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Bỉ, Australia... Thậm chí, một số nhà phân phối châu Âu đã chủ động liên hệ và thể hiện sự thích thú đặc biệt với Rogo của FPT. Là sản phẩm thử nghiệm ban đầu nên Rogo đang được hoàn thiện tất cả vấn đề như sản phẩm đại chúng, chứng nhận CE, FCC theo tiêu chuẩn châu Âu, chiến dịch phân phối: Tiếp thị và khuyến mãi, hậu cần, nhóm nghiên cứu và start-up... để có thể tung ra thị trường đúng như dự kiến.

DSC-0643top_1436285679.jpg

Anh Tuấn chia sẻ những dự định trong tương lai về sản phẩm Rogo.

Cũng trong buổi seminar, nhiều CBNV tham dự đã có những đóng góp ý tưởng tích cực để hoàn thiện Rogo dưới góc độ người dùng. Họ cùng chờ đợi những tính năng ưu việt và gẫn gũi hơn với cuộc sống hằng ngày như việc thêm tính năng di chuyển, tâm sự, như một tấm gương, có hình hài như nhân vật truyện tranh...

"Khi biết được thông tin FPT có thành quả bước đầu trong việc nghiên cứu chế tạo robot trợ lý gia đình, tôi có cảm giác rất tự hào và mong muốn được lắng nghe, trải nghiệm thực tế sản phẩm này. Sau buổi seminar, tôi cảm nhận được nhiệt huyết, khát vọng tuyệt vời của anh Trương Gia Bình về những đột phá mới và niềm tin vào tài năng trí tuệ của người Việt Nam. FPT đã nắm bắt đúng định hướng tương lai và có những người dám nghĩ dám làm, tôi tin sẽ có thành công", anh Trần Văn Đăng, GĐ Ngành hàng Dịch vụ FPT Retail, cho hay.

Tuy nhiên, theo anh, nhóm phát triển cần nghiên cứu kỹ hơn thị hiếu của người dùng để lựa chọn rõ ràng xu hướng phát triển robot thông minh hay robot ứng dụng cuộc sống, tập trung vào thị trường Việt Nam hay nước ngoài, đâu là chìa khóa để hấp dẫn khách hàng mua sản phẩm này... Anh gợi ý Rogo nên có những nhu cầu thiết thực như tính năng chống trộm, cảnh báo cháy, giám sát người già và trẻ nhỏ... để đưa sản phẩm đến gần hơn với mỗi gia đình.

Sau buổi seminar, báo cáo viên Lê Ngọc Tuấn cũng bày tỏ mong muốn người FPT và những người quan tâm tới sản phẩm gửi những góp ý, chia sẻ qua địa chỉ e-mail Tuanln3@fpt.com.vn nhằm lấy những ý kiến quý báu để hoàn thiện Rogo trước khi tung ra thị trường.

>> FPT tung ‘trợ lý riêng’ cho gia đình

Tử Quyên

Ý kiến

()